»

Chủ nhật, 19/01/2025, 08:57:16 AM (GMT+7)

Khăm Bun qua đời – Lỗi tại ai

(17:37:56 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Dù đã tiên lượng nhưng việc voi Khăm Bun, quà của Thủ tướng tặng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đột ngột qua đời mắt vẫn mở trừng trừng trưa qua, 11-8-2010, ở Hà Nội là bất ngờ lớn với những ai gần gũi với Khăm Bun.

 

Chân phải (nhìn từ phía trước) bị hoại tử và chân trái bị co cứng, hầu như không cử động được, là câu hỏi cần được giải đáp

 

Bất ngờ nhất có lẽ là với một phụ nữ đặc biệt ngày nào cũng thăm nom, cho Khăm Bun ăn. Bữa ăn cuối cùng, lúc 4h30 sáng qua, chị Hà khẳng định, nó vẫn ăn được, nom vẫn chưa thấy dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ ra đi.

 

Cũng thật ngẫu nhiên khi phóng viên bí mật ghi nhận được hình ảnh cuối cùng của voi Khăm Bun lúc sáng sớm qua, vài tiếng trước khi nhân viên Liên đoàn Xiếc VN làm khung treo cho Khăm Bun. Mặc dù có giấy giới thiệu đăng ký làm việc từ tuần trước với lãnh đạo Liên đoàn Xiếc VN, nơi nhốt Khăm Bun, chúng tôi xin phép được vào thăm Khăm Bun nhưng bảo vệ không cho.

 

Cái chết bi thảm của Khăm Bun để lại hàng loạt dấu hỏi cho những người có trách nhiệm ở Liên đoàn Xiếc VN suốt quá trình nó ở đó, nơi nhiều người chứng kiến đều chung nhận xét, nếu không có bàn tay chăm sóc đặc biệt của người đàn bà chưa một ngày là nhân viên của Liên đoàn Xiếc VN, nó tỏi từ lâu rồi.

 

 

Ánh mắt mệt mỏi nhưng vẫn sáng rực của Khăm Bun sáng sớm qua, 11-8

 

Diễn?

 

Câu hỏi đầu tiên là có hay không dấu hiệu bưng bít thông tin về thực trạng sức khỏe và chăm sóc Khăm Bun của lãnh đạo Liên đoàn Xiếc VN và vì sao.

 

Thứ 6 tuần trước, mùng 6-8, chúng tôi đến Liên đoàn Xiếc VN đăng ký làm việc thì không được lãnh đạo tiếp. Qua các khâu đăng ký, không hiểu ngẫu nhiên hay có sự trù liệu từ trước bởi một đầu mối nào đó, chúng tôi thảy đều nhận được toàn tin vui về Khăm Bun.

 

Từ cổng nhìn vào chuồng voi là lừng lững Đô và Bông. Bảo vệ cho hay, hai con voi này không phải là Khăm Bun, “Khăm Bun nghịch lắm, khoẻ nữa nên người ta nhốt riêng ở khu khác rồi”, ông bảo vệ chắc nịch.

 

Để gửi được giấy giới thiệu đăng ký làm việc, phải qua lại vài vòng, hết từ phòng hành chính tổng hợp 1, sang phòng hành chính tổng hợp 2, cuối cùng nơi tiếp nhận là phòng tổ chức biểu diễn.

 

Mang thắc mắc về hai con ở chuồng phía cổng, người tiếp nhận hỏi lại với vẻ đầy kinh ngạc: “Chưa thấy Khăm Bun hả? Khăm Bun có ngà đẹp lắm. Hai con đó đâu có ngà”.

 

Bày tỏ mong muốn được nhìn và chụp ảnh cu cậu nhân đến đăng ký làm việc, anh Duy hồ hởi như thể không còn trở ngại nào nữa: “Cứ đi xuống chuồng voi hỏi là người ta chỉ Khăm Bun cho”. Cũng không quên dặn “Cẩn thận với máy ảnh của bạn. Khăm Bun nghịch lắm, nó có thể dùng vòi lấy luôn máy ảnh”.

 

Tuy nhiên, đến khâu ông bảo vệ, chúng tôi trở lại nút thắt ban đầu. Ông nhất định không cho vào để gặp người dẫn đi xem Khăm Bun. Một vở diễn hoàn hảo (?!)

 

Đúng sáng qua, buổi sáng định mệnh của Khăm Bun, chúng tôi mới nhận được thư trả lời của Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch (VHTT&DL), nơi chúng tôi cũng đăng ký làm việc. Ruột phong bì lại là trả lời của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, với bộ câu hỏi gửi Bộ VHTT&DL chứ không phải gửi cho Liên đoàn Xiếc VN.

 

 

Khăm Bun hơn một năm sau khi được “chăm sóc” tại Liên đoàn Xiếc VN gần như chỉ còn là bộ xương. Vì sao đến nông nỗi ấy?

 

Cuộc chui lủi cuối cùng

 

Không chỉ gây phiền toái cho nhóm tác giả, ngay cả người được hầu như cả Liên đoàn Xiếc VN xác nhận là thương yêu Khăm Bun nhất cũng bị hành ra trò mỗi khi chị tìm cách tiếp cận con cưng của mình.

 

Thay vì đàng hoàng đường cái quan mà tiến để làm việc nghĩa, đỡ bao gánh nặng cho Liên đoàn Xiếc VN, hai tháng qua, ngày nào chị cũng lọ mọ từ canh hai, vượt cổng bảo vệ, lủi qua hàng rào kẽm gai nối với điện lưới, để vào tiếp sức cho Khăm Bun, và cả Đô với Bông.

 

Hôm qua, đúng hẹn không sai một phút, 4h30 sáng, chiếc xe máy chở chị Nguyễn Thị Thanh Hà đến ngõ 71, phố Trần Nhân Tông, rẽ vào trụ sở Liên đoàn Xiếc VN. Người đàn ông làm nghề xe ôm chở chị suốt năm qua dỡ các túi lớn, túi bé xuống, rồi kể “hôm nào nắng ráo còn đỡ, gặp hôm trời mưa to, vất lắm. Nhưng bà ấy chẳng nghỉ hôm nào. Bọn thú ở đây đều quý bà ấy. Nhiều lần tôi tính chuyện bỏ mối này, nhưng dường như mình lây ở bà ấy tình yêu thương với voi”.

 

Nào dưa hấu, nào ngô non, tất cả đều còn mát lạnh. Người phụ nữ lại khệ nệ xách vào cho “cậu con trai 6 tuổi” Khăm Bun.

 

Từ ngôi nhà 24, ngõ 62, phố Mai Động, Hà Nội, lên tới đây, ngót nửa giờ. Chị phải dậy từ 3h00 sáng, mới kịp chuẩn bị đồ ăn cho Bun. Hôm nay mang ít đồ, chứ hàng ngày, một xe ôm chở đồ ăn đến trước, xe còn lại chở chị và nốt đồ ăn đến sau.

 

 

Khăm Bun một năm trước

 

Tối hôm trước, chị dặn gọi điện dặn đi dặn lại một trong hai chúng tôi: “Cháu nhớ đi dép thật mềm thôi nhé, không gây tiếng động lớn. Các con thú ở đấy biết, cô đến chỉ cho Bun ăn lại ghen tị”.

 

Túi dưa hấu hơn chục quả, dễ đến 20kg, chưa kể ngô và những đồ ăn khác, vừa xách vừa phải đi sao cho không có tiếng động, vừa hối hả, có vài mét mà sức vóc thanh niên như tôi mỏi nhừ hai tay. Đặt tất cả bên bậc cửa dưới dây điện, chị kéo tôi đi thật nhanh bằng cửa hông.

 

Vào cửa phụ, phải chui qua lớp cửa cuốn xuống gần sát đất, để hở chiều cao chưa đầy 50 cm. Chẳng nề hà, người đàn bà ở tuổi ngũ tuần thoăn thoắt bò qua. Vượt lớp cửa cuốn, cả quãng hành lang tối như mực, chị Hà đi như thuộc lòng.

 

Đôi giày vải và cát dưới nền như tạo ra tiếng động quá lớn. Tôi vội vã hai tay xách giày đi như chạy. Để có được đặc quyền với chìa khoá cửa chuồng voi, chị tốn không biết bao nhiêu công sức vận động hành lang.

 

Cánh cổng sắt mở ra, mùi phân voi xộc lên. Ánh đèn cao áp ngoài sân hắt vào cửa chuồng không đủ sáng tới góc tường nơi voi Khăm Bun đứng. Điện trong phòng bật sáng. Nếu người phụ nữ đó không kéo lại, chưa chắc tôi đã nhìn ra.

 

Bun đứng gần như tê liệt, hai chân trước, bên trái to bất thường, bên phải cứng đơ bất động, áp sát tường, hai chân sau loằng ngoằng bởi dây xích. Góc trời riêng của Bun nằm gọn lỏn trong ngôi nhà chung với hai voi khác. Nếu đứng từ cổng, hằng ngày cả trăm lượt người ra vào sân của Liên đoàn Xiếc VN đều chỉ nhìn thấy hai bạn cùng phòng với Bun nhẩn nha trước cửa.

 

Thấy chị Hà, Bun cứ lí lắc chiếc vòi, loay hoay tìm cách quỳ xuống thấp như để được vuốt ve, cưng nựng. Nhưng chân phải trước cứng như cột bê tông, khiến hai chân sau không thể quỳ xuống. Bốn chân, chỉ một chân đau duỗi ra để hạ thấp thân hình xuống gần người mắt đang ầng ậc nước. Trừ cặp ngà dài, Bun không có nét nào giống trong tấm ảnh chị Hà chụp năm nào.

 

Chị Hà lại thoăn thoắt lôi từng quả dưa hấu ra, cắt làm bốn, mang lại sát chân Bun, vừa bổ dưa chị vừa mếu máo “Bun ơi, ăn đi con”. Vuốt ve cưng nựng Bun, chị lại thút thít “Thằng bé thích ăn dưa hấu lắm. Hôm nào vào muộn một chút là nó dỗi, phải dỗ dành mãi mới ăn”.

 

Mặc xung quanh có cỏ voi, thức ăn Liên đoàn Xiếc VN cung cấp, Bun mau mắn dùng vòi quặp từng miếng dưa. Một loáng đã hết hai quả. Dường như vẫn còn thòm thèm, Bun bới trong túi ngô non xem còn miếng dưa nào không.

 

Cuộc thăm nom chưa đầy 30 phút, chị Hà cho biết, phải đi sớm là có nhiều lý do, trong đó có việc Bun vốn tính nhát, cứ đông người là nhất định không ăn. Nhưng có một điều chị không cho biết và có lẽ không biết. Đấy là, lần cuối cùng chị phải dậy sớm vì Khăm Bun. Hỏi, để Bun đến nông nỗi này là lỗi tại ai, Hà Voi – biệt danh mà dân Hà Thành đặt cho chị hơn năm nay-chỉ thẳng ngón tay gầy guộc dẫn vào trụ sở liên đoàn...

 

Vòng hoa trắng duy nhất đặt bên xác Bun chiều qua, không nói, ai cũng biết là của mẹ Hà Voi. Đôi mắt thâm quầng của chị sũng nước, bên đôi mắt mở trừng trừng của Khăm Bun. Khăm Bun sẽ được chôn cất thế nào? Vì sao Khăm Bun bị suy tàn sau hơn một năm chăm sóc? Công văn của Bộ VHTT&DL trả lời Báo Tiền Phong có nội dung ra sao? Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Bun, và bao giờ Việt Nam mới có một tổ chức giám sát hành vi ứng xử với thú nuôi biểu diễn? v.v... Mời bạn đọc chú ý đón xem số báo ngày mai và các số tiếp sau trên nhật báo Tiền Phong.

Kiều Oanh-Quốc Dũng/TP
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Khăm Bun qua đời – Lỗi tại ai

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI