Sau lũ, đường đến trường xa lắm
(07:52:37 AM 17/12/2013)Em Ngô Quốc Huy, học sinh lớp 11 Trường THPT Phù Cát 3 (huyện Phù Cát, Bình Định) ngày ngày giúp mẹ đi bán rổ rá tre kiếm sống để tiếp tục đến trường - Ảnh: Hoa Khá
“Thiên tai nghiệt ngã đã đẩy các em một lần nữa đứng trước những thử thách. Dù hiếu học và đầy tinh thần vượt khó, nhưng giờ đây các em phải chật vật, đắp đổi từng bữa cơm, bữa cháo, xoay xở từng tập vở, từng cây bút để bám lớp bám trường” - thầy Đào Đức Tuấn, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, nói.
Bụng đói đến trường...
Căn nhà nhỏ gần 30m2 ở thôn Vạn Xuân, xã An Hòa (huyện An Lão, Bình Định) của em Nguyễn Thị Hường, học sinh lớp 12 Trường THPT An Lão, gần như bị sập từ sau trận lũ giữa tháng 11. Vài sào ruộng đã bị cát lấp gần hết, giờ đây em vừa đi học vừa dọn ruộng để kịp sạ lúa vụ đông xuân. “Mẹ em xuống thị trấn Bồng Sơn làm mướn lặt vặt và nhặt ve chai, kiếm ngày vài ba chục ngàn. Em ở nhà vừa lo hai sào ruộng, ráng kiếm đủ gạo cho hai mẹ con qua ngày” - Hường nói. Sau lũ quét, đồng ruộng hoang tàn, không còn cọng rau, con cá, con tôm. Mấy liếp rau cải trên sân nhà, sau hè là nguồn thực phẩm duy nhất của hai mẹ con, cùng một lon gạo nấu một lần ăn hai bữa trong ngày. “Chỉ cần lưng chén cơm qua bữa thôi, dù đói em vẫn quyết đi học cho kịp bạn bè” - Hường tâm sự.
Bữa cơm chiều ở nhà ông Bùi Long Ba (56 tuổi, xã An Tân, huyện An Lão) hôm ấy dọn ra chỉ một rổ khoai luộc. “Thật ra vẫn còn ít gạo, nhưng để dành nấu cho bữa trưa hằng ngày” - ông Ba phân trần. Nhà ông Ba có ba người con, chỉ còn hai con là Bùi Long Sách và Bùi Long Kiệt theo học ở Trường THCS xã An Tân. “Hai anh em đi học nhưng chỉ có ba bộ quần áo mặc chung nhau. Lo cơm ngày hai bữa cho tụi nó đến trường là vợ chồng tui mừng lắm. Tui động viên các con ráng học, sau tết, đến vụ đông xuân là được ăn no. Tụi nhỏ cũng hiểu cảnh nghèo, một buổi học, một buổi ra đồng giúp cha mẹ kiếm mớ rau, mớ ốc qua ngày. Khổ rồi cũng qua, tụi nó ráng học kiếm cái chữ cho ngày sau, chú ơi” - ông Ba vừa ăn khoai vừa trò chuyện, nghẹn ngào. Giọng ông chùng xuống khi kể câu chuyện người con gái lớn là Bùi Thị Mai đang học lớp 12, sau mùa lũ này đã phải bỏ học để phụ giúp cha mẹ: “Con tôi nói nhà cực quá, là con gái nên con hi sinh ở nhà phụ làm ruộng, nuôi em ăn học. Sang năm nếu được mùa lúa, con sẽ đi học bổ túc lại. Cũng đành vậy!”.
Thầy Hồ Văn Dự, hiệu trưởng Trường THCS An Hòa (huyện An Lão), nói rằng sau cơn lũ vừa qua, đã có nhiều học sinh không còn được đến trường, riêng xã An Hòa và An Tân đã có sáu em đang học lớp 12 phải bỏ học giữa chừng.
Thầy trò động viên bám lớp, bám trường
Tại hạ lưu sông Côn, thầy Võ Văn Học - hiệu trưởng Trường THCS xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, Bình Định - cho biết sau lũ lụt, nhiều gia đình rơi vào túng bấn, thiếu ăn, nên nguy cơ học sinh bỏ học sẽ nhiều hơn. “Đây là vùng trũng, nhiễm phèn nặng, bình thường dân quê đã vất vả, bây giờ càng cực hơn. Các em vừa học vừa làm đồng nên tay chân nhiễm phèn vàng ố và quần áo cũng vậy. Bụng thì đói, áo quần thì nhếch nhác, vậy mà các em vẫn chăm chỉ học hành” - thầy Học nói.
Em Bùi Xuân Tùng, học sinh lớp 9 Trường THCS Cát Chánh, chín năm liền là học sinh giỏi. Bà ngoại già yếu, em vừa đi học vừa là một lao động chính của gia đình. “Em ráng học giỏi để sau này học sư phạm về quê dạy dỗ các em nhỏ ở xóm mình, tụi nhỏ cũng khổ cực mà chăm học lắm” - Tùng nói đầy lạc quan. Bạn của Tùng là Lý Thu Trang cũng là học sinh giỏi của trường. Trang nói em không ngại khổ cực vì quê nghèo, nhà ai cũng vậy. “Tụi em thiếu thốn đủ thứ, thiếu sách vở, quần áo, dép mũ, nhưng tất cả đều động viên nhau đi học đều và cùng nhau ra đồng làm ruộng. Ai cũng cấy hái giỏi, mà cái nghèo, sự cơ cực vẫn không thoát ra được” - giọng Trang xót xa. Thầy Võ Văn Học kể cách đây một tuần, nghe tin nhà Thu Trang định cho em nghỉ học vì không thể lo nổi bộ quần áo, bộ sách giáo khoa, thầy Học và thầy chủ nhiệm đã đến tận nhà động viên gia đình cho em tiếp tục đến trường. “Từng suất lương, dù ít ỏi, nhưng các thầy cô vẫn tự nguyện đóng góp giúp các em. Nếu không chia sẻ, động viên kịp thời, các em nghỉ học thì sau này quay trở lại trường rất khó, và như vậy cuộc đời của các em không còn cơ hội khác” - thầy Học nói.
Còn rất nhiều gian khó, nhọc nhằn khắp những miền quê Bình Định - nơi cơn lũ vừa đi qua. Các em thiếu thốn mọi thứ, từ tập vở, bút chì đến những quyển sách giáo khoa - đã bị nhấn chìm và cuốn trôi trong lũ lụt. Bữa cơm hằng ngày đã là một thách thức, một chiếc áo mới đến trường và chuẩn bị đón tết là ước mơ của nhiều gia đình nghèo. Sau lũ, cầu cống bị cuốn trôi càng làm cho con đường đến trường của các em trở nên xa xôi cách trở hơn. Cho đến bây giờ, trận lũ đã đi qua một tháng, hàng trăm học sinh tiểu học xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định vẫn ngày ngày vượt bè tre qua thượng nguồn sông Côn nước xiết để đến lớp, dù đầy hiểm nguy...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt
- Giải Tennis đồng hương An Nhơn mùa hè 2024: Kết nối tình đồng hương qua từng đường bóng
- Giải Tennis đồng hương An Nhơn mùa hè 2024
- Ba cây Ruối cổ quần tụ trước ngôi đình thời Lý- Trần ở Hải Phòng được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Cây Nghiến cổ thụ bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang được vinh danh là cây Di sản Việt Nam
- “Cụ Ruối” hơn 700 tuổi tại Miếu Đống Vịnh được vinh danh Cây di sản Việt Nam
- Ninh Thuận: Phê duyệt Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ
- Ninh Thuận: Cộng đồng người Chăm tưng bừng đón Tết Ramưwan
- WWF tiếp tục truyền thông, khuyến cáo “giảm nhựa” dành cho người tiêu dùng
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
(Tin Môi Trường) - Vào lúc 7g30 ngày 22/8/2024 tại Nhà tang lễ TP Cần Thơ, Ban tang lễ và gia đình tổ chức lễ truy điệu tiễn đưa GS.TS. Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Trưởng Ban lễ tang đọc diễn văn truy điệu: Một lịch sử tường tận, sáng ngời từ ngày người con của đồng đất An Giang ra đời, thời niên thiếu, lớn lên, trưởng thành đến ngày làm rạng rỡ quê hương, đóng góp vô cùng to lớn cho nông nghiệp, giáo dục nước nhà.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Trại Cai Nhựa - Chữa lành hành tinh bắt đầu từ những hành động nhỏ
(Tin Môi Trường) - Nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với sức khỏe và môi trường, Choice khởi xướng dự án truyền thông "Trại Cai Nhựa" với khẩu hiệu "Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh". Trước thực tế đáng báo động về ô nhiễm nhựa, dự án hướng đến mục tiêu khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.