Bắn súng sơn là trò chơi tập thể, khá phổ biến ở Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc…, trò chơi này mới du nhập vào nước ta từ giữa năm 2010. Tại TP.HCM, câu lạc bộ súng sơn đầu tiên được thành lập là câu lạc bộ súng sơn Sài Gòn (Q.Tân Bình, TP.HCM). Tuy mới thành lập từ tháng 6.2011 nhưng câu lạc bộ đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.
Anh Huỳnh Ngọc Phú Đại - giám đốc một công ty tại TP.HCM - là gương mặt rất quen thuộc của Câu lạc bộ súng sơn Sài Gòn. Anh tiết lộ: “Vài tuần mình lại cùng anh em đồng nghiệp tham gia trò chơi này. Cái thú vị của trò chơi là được lăn lê, bò toài, né đạn và được “tấn công”… Khi lâm trận, mình hóa thân thành một người lính thực thụ trên chiến trường. Tham gia trò chơi này giúp mình xả stress rất hiệu quả đồng thời tạo cho mình những phản xạ nhanh nhạy. Ngoài ra nó còn giúp mình có nhiều sáng tạo và hiệu quả hơn trong công việc”.
Còn Thái Ngọc Duy, sinh viên trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết: “Mình tham gia trò chơi này lúc đầu vì thấy nó lạ. Đây cũng là cách để rèn luyện sức khỏe, rèn luyện thể hình vì môn này phải chạy, nhảy mướt mồ hôi”.
Nghe đến “súng”, “bắn nhau”, “chiến đấu”… người ta sẽ nghĩ ngay đến tính bạo lực, vậy trò chơi này liệu có kích thích tính bạo lực của giới trẻ? Anh Huỳnh Tấn Hiệu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ súng sơn Sài Gòn cho biết: “Nói là “bắn súng” nhưng thật ra đây không phải là cây súng dùng trong chiến đấu. Nó chỉ có mô hình giống cây súng, sử dụng khí nén để bắn đạn làm bằng bột mì pha màu, loại đạn này làm từ nguyên liệu sạch, không gây ô nhiễm môi trường, không có tính sát thương. Khi bắn vào người bột màu sẽ bung ra, dính trên áo quần, dễ giặt tẩy. Do vậy, tham gia trò chơi này cũng giống như trò đánh trận giả mà thời thơ ấu chúng ta thường chơi mà thôi”.
Muốn tham gia trò chơi, mỗi nhóm phải có ít nhất 10 người chia làm 2 bên, mỗi bên 5 người. Có nhiều trò chơi để các bạn trẻ tham gia như xóa trận, cướp cờ, giải cứu con tin. Mỗi đội chơi sẽ có một trọng tài hướng dẫn thể lệ và điều khiển trận. Việc thắng thua, ai trúng đạn… đều được trọng tài ghi nhận và phân định rất nghiêm túc, khắt khe. Khi tham gia, người chơi sẽ được trang bị áo quần, áo giáp, mũ bảo hộ, giày ra trận… trông giống như người lính. Trọng tài sẽ giao nhiệm vụ cho đội trưởng của mỗi bên, bản đồ chiến trường và hướng dẫn các quy luật của trò chơi. Đội trưởng sẽ phân nhiệm vụ cho từng thành viên, lên kế hoạch tác chiến và điều khiển đội hình. Khi một ai đó trúng “đạn”, phải tự động hô chết và lui về căn cứ để tham gia lại từ đầu. Ai có hành vi chơi xấu, thiếu trung thực… sẽ bị trọng tài xử phạt rất nghiêm khắc.
Theo anh Hiệu, trò chơi này rất phù hợp với các nhóm bạn, tập thể doanh nghiệp, công ty… Ngoài rèn luyện sức khỏe do phải chạy nhảy, lăn lê trên địa hình đồi núi như ngoài chiến trường, việc tham gia trận đấu còn giúp người chơi nâng cao tính đồng đội, làm việc theo nhóm (team buiding) vì còn phải có cách thức, phương án để hỗ trợ, bảo vệ đồng đội của mình.