Đo mưa, đếm gió ở Trường Sa
(09:14:33 AM 05/10/2014)“Ở Trường Sa không chỉ có quân và dân” - Biết chúng tôi ra thăm Trường Sa, một nữ cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia gợi ý - “Các bạn ra đó cố gắng tranh thủ gặp anh em khí tượng thủy văn, có nhiều chuyện hay và cảm động lắm”.
Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước thu thập số liệu quan trắc gửi về đất liền phục vụ công tác dự báo thời tiết ở quần đảo Trường Sa
Trạm tiền tiêu nơi đảo xa
Thực ra, tôi từng nghe nhiều câu chuyện về Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa - Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ. Nơi đây được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất cả nước, là trạm tiền tiêu nơi đảo xa của ngành khí tượng thủy văn.
Trước khi lên đảo Trường Sa Lớn, tôi cứ hình dung lực lượng quan trắc viên khí tượng bám trụ nơi đây hẳn là những người lớn tuổi, nghiêm nghị và rất khô khan, bởi suốt ngày họ phải vùi đầu vào các con số vô tri, tẻ nhạt. Nhưng không, tôi đã nhầm, anh em ở trạm đều rất trẻ và yêu nghề, mến khách.
Một trong những người có thâm niên lâu nhất, với 6 năm trong nghề, là trạm trưởng Đoàn Tấn Phước. Trước khi ra Trường Sa được hơn 1 năm nay, Phước công tác ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. “Công việc của tụi tôi cũng đơn giản thôi, hằng ngày đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ... rồi gửi về Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ để đất liền tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa” - anh kể.
Ở quần đảo Trường Sa có 2 trạm khí tượng hải văn, 1 trạm hạng 1 ở đảo Trường Sa Lớn và 1 trạm hạng 2 tại đảo Song Tử Tây. Cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ra công tác Trường Sa thường là 3 năm thì trở về đất liền hoặc đến những hòn đảo khác để nhận nhiệm vụ mới.
Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa có 7 cán bộ, nhân viên, toàn bộ là nam giới, phần lớn chưa vợ con. Người nhỏ tuổi nhất mới 21, lớn tuổi nhất cũng chỉ 30. “Tụi tôi cứ tếu táo với nhau rằng anh em mình cứ như 7 chàng lính ngự lâm trên đảo” - Phước cho biết.
Bảy anh em, mỗi người mỗi quê nhưng sống hòa đồng, đoàn kết và luôn hết mình vì công việc. “Ngày nào cũng như ngày nào, cán bộ, nhân viên của trạm phải thực hiện 8 lần đo các thông số để báo cáo về đất liền. Cứ 3 giờ/lần, anh em lại tiến hành đo và truyền số liệu, bắt đầu từ 1 giờ cho đến tận 22 giờ. Do điều kiện hạn chế, nhiều thông số phải ghi chép bằng tay” - anh Phước mô tả.
Nói thì nghe đơn giản vậy nhưng công việc của những cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa hết sức vất vả. Bất chấp trời nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước, bất kể sóng vùi hay bão dập, việc đo mưa, đếm gió vẫn không thể chậm, dù chỉ vài phút. Anh Phước khẳng định: “Cứ đúng giờ là phải đo đếm, dù thời tiết có như thế nào đi nữa, để kịp thời chuyển các thông số về trung tâm ở đất liền phân tích, xuất bản những bản tin dự báo thời tiết phục vụ ngư dân đi lại trên biển được an toàn”.
Máy móc đặt ở khu vực Trường Sa thường xuyên bị nước biển và muối bào mòn nên chất lượng bị xuống cấp liên tục. Đây là điều khiến các cán bộ, nhân viên ở trạm lo lắng nhất. Số liệu để dự báo thời tiết ảnh hưởng đến sinh mệnh của rất nhiều người, nhất là những ngư dân trên biển, nên đòi hỏi phải đo đếm chính xác. Vì vậy, anh em phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng, khi cảm thấy máy đo không bảo đảm thì phải lấy máy dự phòng ra thay thế, chứ không để số liệu sai lệch.
“Đó là lương tâm nghề nghiệp. Nếu mình đo đếm không đạt, dự báo thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có sinh mạng của hàng vạn đồng bào đang đánh bắt trên biển” - Phước tâm sự.
Gian nan, nguy hiểm
Một nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa kể rằng nhiều lần gặp bão lớn, gió giật ầm ầm, cứ mở cửa đi ra thì người như chực ngã nhưng anh em vẫn phải thức trực suốt đêm. Cứ 30 phút đến 1 giờ, họ lại phải lao ra ngoài vườn để đo đếm số liệu và làm báo cáo gửi về đất liền.
“Ở đây, anh em báo cáo số liệu qua điện thoại di động chứ không phải bằng internet. Nếu điện thoại mất sóng thì phải gọi bằng Icom vào đất liền. Trang thiết bị còn thiếu nên anh em phải linh hoạt trong việc cập nhật số liệu. Chẳng hạn, trời có giông, sấm chớp hay mưa, anh em phải quan sát bằng mắt thường. Giông giờ nào, sấm chớp giờ nào phải ghi ngay vô sổ. Vì thế, mùa mưa bão là gian nan và nguy hiểm nhất” - anh giải thích.
Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước bộc bạch làm quản lý ở đảo, anh không chỉ lo về chuyên môn mà còn phải bảo đảm cả đời sống, bữa ăn cho anh em. Thực phẩm thường phải gửi mua từ đất liền mang ra rồi trữ trong tủ đông để dùng suốt 2 tháng. Nếu tàu không ra được thì anh em sẽ rất khó khăn, chẳng có gì ăn. “Trạm trưởng cứ như người cha chăm sóc cho những đứa con trong gia đình vậy. Anh ấy phải lo thức ăn cho anh em xem thiếu đủ thế nào” - nhân viên Nguyễn Hồng Tiến cho biết.
Tiến tâm sự rằng mỗi khi có khách ra thăm quân và dân Trường Sa, anh em ở trạm rất vui mừng, náo nức, nhất là lúc đón đoàn ở cầu cảng. Song, khi tiễn đoàn về, lúc tàu hú một hồi còi để rời đảo, anh em cảm thấy rất buồn bã và luyến tiếc. “Hồi mới ra đảo nhận nhiệm vụ, khi tiễn đoàn về, nhiều lúc mình đã khóc vì xúc động. Cũng như lần này, các anh ra thăm đảo, rồi đêm nay, anh em mình lại chia xa thì chúng tôi sẽ lại không khỏi nao lòng” - Tiến bộc bạch.
Xung phong ra đảo
Nguyễn Hồng Tiến là đồng hương của tôi, quê ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. “Cán bộ, nhân viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa đều là những người tự nguyện xung phong ra đảo công tác. Chúng tôi yêu nghề và yêu Trường Sa. Trong suốt 3 năm công tác ở đảo Trường Sa Lớn, tôi chưa một lần về thăm gia đình. Nhớ bố mẹ, anh em ở nhà lắm nhưng vì nhiệm vụ, tôi phải dằn lòng. Cuối năm nay, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về đất liền” - Tiến tâm sự, giọng anh vừa háo hức vừa lưu luyến.
Năm nào cũng có nhiều đoàn công tác ra thăm quân dân Trường Sa và hầu như lần nào Tiến cũng được gặp đồng hương Hà Nội. “Cứ nghĩ gặp đồng hương suốt thế thì cũng chẳng có gì để nhớ quê nhà lắm nhưng khi mọi người về, tâm trạng tôi cũng đầy bùi ngùi, nhất là khi tiễn các đoàn rời đảo, nước mắt cứ chực trào ra” - Tiến thổ lộ.
Ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, anh Trần Văn Linh, quê Thanh Hóa, là người có thâm niên công tác tại đảo kỳ cựu nhất. Anh đã có 3 nhiệm kỳ công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Vào ngành từ năm 2007, anh xung phong ra Trường Sa. Hoàn thành nhiệm vụ sau 1 năm, Linh tiếp tục nhận công tác ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tháng 4-2010, anh tiếp tục ra Trường Sa cho đến nay. “Đến tháng 7 vừa qua, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và được trở về đất liền. Tuy nhiên, tôi xin phép lãnh đạo cho ở lại công tác thêm nửa năm, tiện thể Tết này sẽ về thăm gia đình luôn” - anh giải thích.
Vì làm nhiệm vụ ở biển đảo xa xôi, suốt từ năm 2009 đến nay, Linh chưa một lần về thăm gia đình. “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lần này, tôi sẽ cưới vợ để cho bố mẹ yên lòng và mình cũng yên tâm công tác” - anh quả quyết.
Do điều kiện khắc nghiệt nên cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng đều vững tin và quyết tâm vượt qua gian khó, hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng của mình.
Nằm lại Trường Sa
Các cựu hải quân ra thăm Trường Sa đến thắp hương mộ liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa
Đêm 21-3-2010, quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa - SN 1986, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - khi thực hiện nhiệm vụ ở khu cầu cảng Trường Sa Lớn đã hy sinh.
Đêm đó biển động, sóng dập trắng xóa cầu cảng. Nhận nhiệm vụ đo đếm các thông số quan trắc, anh Nghĩa liền ra khu cầu cảng thu thập số liệu mực nước và cấp sóng. Quá lâu không thấy Nghĩa trở về, anh em ở trạm hốt hoảng ùa ra cầu cảng để tìm và mãi mới thấy thi thể đồng đội mắc kẹt dưới lớp san hô. Ngày Nghĩa hy sinh, anh mới 24 tuổi và chưa có người yêu. Hiện mộ phần của Nghĩa được an táng ở nghĩa trang trên đảo Trường Sa Lớn, giữa bốn bề gió thổi vi vu, sóng vỗ rì rào.
“Sự hy sinh của anh Hoàng Văn Nghĩa khiến cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa không nguôi tiếc thương, day dứt. Song, chính sự dấn thân, hy sinh của Nghĩa đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho anh em ở trạm luôn đoàn kết, thương yêu nhau hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - trạm trưởng Đoàn Tấn Phước xúc động.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
- Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt
- Giải Tennis đồng hương An Nhơn mùa hè 2024: Kết nối tình đồng hương qua từng đường bóng
- Giải Tennis đồng hương An Nhơn mùa hè 2024
- Ba cây Ruối cổ quần tụ trước ngôi đình thời Lý- Trần ở Hải Phòng được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Cây Nghiến cổ thụ bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang được vinh danh là cây Di sản Việt Nam
- “Cụ Ruối” hơn 700 tuổi tại Miếu Đống Vịnh được vinh danh Cây di sản Việt Nam
- Ninh Thuận: Phê duyệt Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ
- Ninh Thuận: Cộng đồng người Chăm tưng bừng đón Tết Ramưwan
Bài viết mới:
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
- Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên (13/12/2024)
Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
(Tin Môi Trường) - "Chia sẻ từ trái tim" là cuốn sách gồm 50 bài giảng nhân quả của thầy Thích Pháp Hòa với mong muốn giúp cho con người chuyển hóa nỗi khổ đau và xây dựng lối sống tỉnh thức.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.