Doanh nghiệp » Doanh nghiệp đen
10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”
(14:41:28 PM 31/10/2013)UBND TP.HCM cũng sẽ xem xét các biện pháp xử lý triệt để đối với “điểm nóng” này trong thời gian tới.
Năm 2009: Nước thải của Công ty Hào Dương từ bể chứa đến máng thoát xả thẳng ra sông chưa qua xử lý - Ảnh: Nguyễn Triều
Năm 2008: Nước thải chưa qua xử lý từ Công ty Hào Dương làm nước sông Đồng Điền sủi bọt trắng xóa - Ảnh: Nguyễn Triều
Bị đầu độc mỗi ngày
Chiều 30-10, chúng tôi có mặt tại khu vực Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM), đơn vị thường xuyên xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Đồng Điền (sông Kinh). Mùi hôi, mùi khăn khẳn phát ra từ phía trong công ty. Trên sông, ngay phía dưới gầm cầu Đồng Điền, bà Lê Thị Ngoan (45 tuổi, ngụ xã Long Thới), làm nghề đánh bắt cá tôm bằng cách đặt nò (cách người dân dùng lưới vây một khu đất ngập khi nước lên, khi nước rút thì cá tôm mắc lại) đã nhiều năm, bức xúc cho biết: “Trước đây dù khó khăn nhưng mỗi ngày cũng được 10-15kg cá tôm, bán được vài trăm ngàn đồng. Từ khi Công ty Hào Dương hoạt động, cá tôm giảm hẳn, thu nhập chỉ còn chưa tới phân nửa, chồng tui phải bỏ nghề, lên bờ đi làm phụ hồ”.
Theo bà Ngoan, hằng ngày vào những lúc mưa lớn, vắng người qua lại và thường xuyên nhất là khoảng 23g trở đi công ty bắt đầu bơm nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Đồng Điền. “Những lúc họ xả nước thải như thế, tụi tui đang chèo ghe ở phía giáp sông bên này không bao giờ dám lại gần, phải chèo qua bờ bên kia để vượt qua khúc sông này vì mùi hôi thối không thể chịu nổi. Dù có đi qua phía bên kia bờ sông thì mùi hôi thối cũng xông vào mũi cay sè” - bà Ngoan nói.
Những người dân sống cách xa Công ty Hào Dương gần 1km cũng ngày đêm bị công ty này “đầu độc”. Ông Phạm Văn Ngâu (76 tuổi, ngụ xã Long Thới) than: “Gia đình tui ba đời sống ở đây, môi trường trong lành lắm. Vài năm gần đây, từ khi Công ty Hào Dương hoạt động chúng tôi bị đầu độc theo đúng nghĩa đen mà kêu hoài không ai xử lý giúp. Tuần nào cũng vài đêm tụi tui bất ngờ “nghe” mùi hôi thối xộc vào nhà, vội vàng mở hết công suất các loại quạt trong nhà để quạt mùi hôi thối ra rồi đóng cửa lại như tránh tà khí”.
Nước thải từ bể chứa tới máng thoát để đổ ra sông - Ảnh: N.Triều
Phạt cứ phạt, vi phạm cứ vi phạm
Sau khi nhận được báo cáo từ HEPZA về hàng loạt vi phạm của Công ty Hào Dương, giữa tháng 9-2012, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đã giao cơ quan chức năng xử lý nhiều vi phạm khác nhau của công ty này trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động. Ông Hà cũng yêu cầu HEPZA làm việc với Công ty đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước về điều kiện ràng buộc đối với doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng thuê đất ở đây để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Báo cáo của HEPZA lúc bấy giờ (tháng 8-2012) cho thấy công ty đã vi phạm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường. Báo cáo này cho biết nước thải sau khi xử lý vượt chuẩn đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Hiệp Phước là hơn 22 lần; khí thải lò nấu mỡ vượt chuẩn quy định cho phép gần 14 lần... Cũng tại thời điểm kiểm tra này, Công ty Hào Dương chưa có xác nhận hoàn thành báo cáo tác động môi trường.
Đợt kiểm tra tháng 8-2012 đã phát hiện toàn bộ đường thoát nước mưa của công ty đổ thẳng ra sông Đồng Điền mà HEPZA nhận định là rất khó khăn trong công tác giám sát xả thải của công ty, đặc biệt khi triều cường dâng cao che lấp toàn bộ miệng cống. Theo dõi số liệu cấp nước và nước thải đấu nối về Khu công nghiệp Hiệp Phước có chênh lệch khoảng 50% lượng nước không đấu nối về khu công nghiệp này... Kết thúc đợt kiểm tra, HEPZA nhận định Công ty Hào Dương không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thường xuyên vi phạm Luật bảo vệ môi trường. HEPZA kiến nghị đình chỉ hoạt động của Công ty Hào Dương...
Cũng vào cuối tháng 8-2012, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định xử phạt Công ty Hào Dương tổng cộng 340 triệu đồng với bốn lỗi vi phạm về môi trường khác nhau: xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn...
Ai đưa ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm?
Chiều 30-10, ông Cao Tung Sơn, chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở TN-MT đã có thư mời các đơn vị: Hepza, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Công ty Hào Dương họp vào cuối tuần này nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến sự việc. Sở TN-MT cũng đã chỉ đạo thanh tra sở liên hệ với cảnh sát môi trường để thu thập thông tin, chứng cứ và đề nghị cảnh sát cung cấp hồ sơ liên quan, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các bên đưa ra những biện pháp xử lý cụ thể”.
Theo ông Sơn: “Gần đây, giữa Công ty Hào Dương và Khu công nghiệp Hiệp Phước đã có thỏa thuận về giá xử lý nước thải. Chúng tôi yên tâm phần nào vì đã có đơn vị thu gom nước thải thì khả năng công ty xả thải trộm ra môi trường sẽ không còn. Đối với Công ty Hào Dương, hiện chúng tôi chỉ cần xác định các chỉ tiêu xả thải ra môi trường có gây ô nhiễm nghiêm trọng không là xử lý được chứ không nhất thiết phải xét việc công ty này đã vi phạm bao lâu, có được xóa “tiền sự” hay chưa. Về nguyên tắc thì có thể cấm công ty hoạt động nhưng không quy định cấm vĩnh viễn. Sau khi công ty khắc phục những yếu tố gây ô nhiễm môi trường thì phải xem xét cho công ty hoạt động lại chứ không thể cấm vĩnh viễn được”.
Câu hỏi đặt ra rằng những tác hại của Hào Dương đối với môi trường, người dân có thể lớn hơn những đóng góp của công ty này cho TP (tiền thuế và vấn đề giải quyết việc làm), liệu cơ quan chức năng có thể rút giấy phép đầu tư, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, trục xuất công ty này khỏi VN được không? Ông Sơn cho biết Sở TN-MT đã nhiều lần đề xuất rút giấy phép kinh doanh của Công ty Hào Dương nhưng không được chấp nhận. Sở Kế hoạch - đầu tư trả lời rằng cứ xử lý theo Luật bảo vệ môi trường, khi nào công ty vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh mới rút giấy phép.
Tuy nhiên, tháng 6-2013, UBND TP đã có đề xuất đưa Công ty Hào Dương ra khỏi danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Về việc này, ông Sơn cho biết đầu năm 2013, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN-MT có đề nghị đưa một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trong đó có Công ty Hào Dương, vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP, nhưng đối với các cơ sở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và những công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất là do HEPZA báo cáo, trong đó Công ty Hào Dương được đề xuất đưa ra khỏi danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sở chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp.
Trong khi đó, đại diện HEPZA cho biết không hề tham mưu như vậy.
9 lần bị phạt của Hào Dương
Ngư dân Lê Thị Ngoan (ấp 1, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) cho biết lượng cá gần đây giảm do Công ty Hào Dương xả chất thải ra sông Kinh (ảnh chụp chiều 30-10) - Ảnh: T.T.D.
Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước từ năm 2003. Ngày 15-12-2007, Ban quản lý KCN Hiệp Phước kiểm tra và phát hiện Hào Dương bơm nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một tháng sau, ngày 16-1-2008, Ban quản lý KCN kiểm tra lần nữa thì phát hiện thêm Hào Dương xả bùn của hệ thống xử lý nước thải ra sông Đồng Điền. Một ngày sau đó, Hào Dương tái diễn xả nước thải ra sông nên Ban quản lý KCN ra văn bản tạm ngưng cấp nước cho công ty này từ ngày 25-1-2008. Bị ngưng cấp nước, Công ty Hào Dương thuê xe chở nước từ nơi khác đến để tiếp tục sản xuất. Suốt hai tháng sau đó, có thêm 10 văn bản ghi nhận hành vi xả nước thải chưa qua xử lý của Hào Dương ra sông Đồng Điền. Ngày 4-6-2008, Sở TN-MT TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng và yêu cầu Hào Dương ngưng hành vi vi phạm, cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Tháng 7-2008, Hào Dương bị ngưng cung cấp điện. Ngày 27-7-2009, UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 58 triệu đồng và buộc Hào Dương chấm dứt xả thải trái phép, cải tạo hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Tháng 9-2009, thanh tra của Hepza phát hiện Hào Dương xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Lần này, Hào Dương bị xử phạt 29 triệu đồng. Tháng 11-2009, thanh tra Tổng cục Môi trường phát hiện hàng loạt vi phạm về xả thải tại công ty này. Ngày 29-6-2010 Sở TN-MT TP.HCM đề xuất xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư của công ty này. Ngày 11-8-2010, Sở TN-MT kiểm tra lại cho kết quả chất lượng nước thải của Hào Dương lần này cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đều vượt ngưỡng cho phép. Tháng 9-2012, UBND TP xử phạt Hào Dương 340 triệu đồng và đình chỉ hoạt động. Tháng 10-2013 xử phạt 75 triệu đồng.
Sau chín lần bị phạt, rạng sáng 24-10 cảnh sát môi trường một lần nữa phát hiện Hào Dương xả thải ra môi trường.
Đại biểu Quốc hội ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG (TP.HCM):
Đề nghị rút giấy phép hoạt động
Sai phạm của Công ty Hào Dương là rất nghiêm trọng và có hệ thống. Hành vi coi thường pháp luật, thách thức cơ quan quản lý nhà nước lẫn dư luận xã hội như thế là không thể chấp nhận. Hành vi của Hào Dương còn gây hậu quả nghiêm trọng vì sông Đồng Điền đang đứng trước nguy cơ trở thành dòng sông chết.
Riêng với Hào Dương, lần này Nhà nước phải xử lý mạnh tay, kiên quyết, không thể nhân nhượng. Không thể kéo dài tình trạng một công ty vi phạm đến 10 lần mà không làm được gì họ. Nếu cần thiết có thể yêu cầu công ty ngưng hoạt động, rút giấy phép hoạt động. Ngoài ra phải đánh giá kỹ tác động của việc xả thải này ảnh hưởng đến sông Đồng Điền ra sao và buộc Công ty Hào Dương phải bồi thường thiệt hại.
Về mặt pháp luật, lần này Quốc hội sẽ thảo luận về Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Nếu cần thiết, đề nghị bổ sung quy định những công ty nào vi phạm nhiều lần phải bị rút giấy phép hoạt động. Phải mạnh tay như vậy mới mong xoay chuyển được tình hình.
MAI HƯƠNG ghi
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng
- Công an tỉnh Long An vào cuộc điều tra công ty Hưng Nông gây ô nhiễm môi trường
- Xử phạt Công ty xi măng Thành Thắng trên 1,8 tỷ đồng
- Công ty TNHH Quốc tế Formosa nợ tiền nước: Giao công an xác minh
- Công ty AIT bị phạt 325 triệu đồng vì phá 2,61ha rừng ở Thanh Hóa
- Mập mờ giấy phép khai thác khoáng sản để "qua mặt" chính quyền?
- Xả thải vượt 480 lần quy chuẩn, Công ty CP Paishing Việt Nam bị xử phạt 294 triệu đồng
- Vi phạm lĩnh vực khoáng sản, Tập đoàn Hoa Sen bị xử phạt 120 triệu đồng
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"
(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.
Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên
(Tin Môi Trường) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy – Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Đổi mới, sáng tạo làm nên chất "Vàng" cho thương hiệu Vinamilk
(Tin Môi Trường) - Vì khách hàng, Luôn cầu tiến và Quyết liệt là các từ khóa mà ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk, nhấn mạnh khi nói về chiến lược đổi mới của doanh nghiệp tại sự kiện Thương hiệu Vàng TP.HCM vừa qua.