Sống khỏe » Dinh dưỡng
Tràn ngập linh chi Trung Quốc đội lốt nấm Hàn
(16:50:41 PM 14/06/2014)Với chiêu thức đơn giản này, linh chi dễ dàng được đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Điều đáng báo động hơn là các sản phẩm linh chi từ Trung Quốc đa phần đều nhập lậu, không qua kiểm tra nên ẩn chứa rất nhiều nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Linh chi Trung Quốc giả nấm Hàn Quốc xách tay bán tràn lan ở chợ thuốc Hải Thượng Lãn Ông
Chiêu bài “hàng xách tay”
Trong vai người cần tìm mua sản phẩm linh chi, chúng tôi ghé cửa hàng Sâm Pagin nằm trên đường Nguyễn Thông (P.9, Q.3, TP.HCM). Khi biết chúng tôi cần tìm mua sản phẩm nấm linh chi Hàn Quốc để làm quà biếu, người chủ cửa hàng niềm nở thuyết minh: ở đây bán đủ các loại nấm linh chi xuất xứ từ Hàn Quốc.
Vừa dứt lời, người này mang ra hai bịch nấm linh chi được đóng trong bao có hình hai con chim phượng hoàng, báo giá 3,2 triệu đồng/kg, còn loại cắt thành từng lát mỏng trọng lượng 300g có giá 920.000 đồng.
Xem qua sản phẩm, chúng tôi chỉ thấy chi chít chữ Hàn Quốc và một mảnh giấy nhỏ dán ở góc bao ghi đơn vị nhập khẩu là Công ty CP TMDV Thăng Long có trụ sở tại Hà Nội, hoàn toàn không có gắn nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của các mặt hàng nhập khẩu.
Người bán hàng khích lệ: “Em mua ở đây là yên tâm về giá và chất lượng”. Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, người bán chỉ sang sản phẩm linh chi được bào chế thành dạng nước được đóng trong hộp khá lịch sự: “Loại này rất tiện dụng, có thể dùng ngay mà không cần phải đun nấu, giá cả phải chăng hơn mà nhìn cũng đẹp hơn nữa. Làm quà biếu em mua mấy loại này sẽ rất thích hợp”.
Rời cửa hàng trên, chúng tôi đến khu chợ thuốc Hải Thượng Lãn Ông (P.10,Q.5), một trung tâm phân phối thảo dược lớn nhất tại TP.HCM. Ở đây, linh được bày bán rất nhiều, thượng vàng hạ cám, loại nào cũng có, từ những loại linh chi được đóng trong hộp sang trọng đến những loại được gói trong túi ni lông một cách sơ sài, từ linh chi trong nước đến những loại được “quảng cáo” nhập ngoại.
Khi chúng tôi bước vào cửa hàng Thuận Lợi, một tiệm thuốc vào dạng lớn nhất ở khu này với rất nhiều loại linh chi đang được bày bán, chị Phạm Thu Phương (ngụ Q.10) cũng vừa ghé vào tìm mua linh chi. Chị Phương cho biết, cha chị bị bệnh cao huyết áp. Thấy nhiều người nói linh chi Hàn Quốc có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị bệnh này nên chị định mua về cho cha dùng thử.
Người bán hàng mang ra một bịch nấm linh chi giống hệt như loại chúng tôi đã xem ở cửa hàng trên đường Nguyễn Thông nhưng giá ở đây rẻ đến giật mình, chỉ 900.000 đồng/kg. Người này nói rằng linh chi có xuất xứ từ rất nhiều nước nhưng nên chọn loại nấm của Hàn Quốc vì dược tính của nó cao hơn rất nhiều lần so với nấm có xuất xứ từ các nơi khác.
“Linh chi là loại thảo dược rất tốt và lành tính. Trong linh chi có rất nhiều dược tính có tác dụng rất tốt trong việc thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa và hạn chế các tế bào ung thư phát triển. Không những vậy, nó còn giúp ổn định huyết áp, giải độc gan, giảm mỡ máu…”, người bán thao thao bất tuyệt về tác dụng của nấm linh chi.
Sau khi xem qua, chị Phương trả giá 600.000 đồng/kg. “Linh chi nhập khẩu từ Hàn Quốc làm gì có giá đó hả em. Giá cả ở đây em yên tâm, do cửa hàng chị do có mối quen xách tay về nên mới có giá rẻ như vậy. Em ra ngoài mua vừa mắc tiền hơn nhiều mà chưa chắc đã mua được nấm thật, không khéo lại mua phải hàng Trung Quốc rồi rước thêm bệnh”, người bán hàng giải thích. Thế nhưng, khi chị Phương định quay đi thì người bán hàng kêu lại để… “bán làm quen”!
Chúng tôi tiếp tục ghé một cửa hàng khác gần đấy, người bán hàng xởi lởi cho biết muốn nấm linh chi loại nào cũng có. “Ở đây chị cũng có loại đã cắt thành lát, về chỉ việc bỏ ra nấu uống như nước trà, rất tiện. Còn không mua nấm nguyên tai sẽ được chị cho người cắt thành từng lát mỏng cho”. Mang ra một khay gồm 3 tai nấm linh chi được bọc trong bao ni lông, chị này báo giá 1,2 triệu đồng/kg. Khi chúng tôi thắc mắc cửa hàng đầu kia giá chỉ 600.000 đồng, chị này chỉ vào dòng chữ “made in KOREA” được khắc chìm dưới tai nấm cho biết nấm thiệt phải có dấu, còn lại là nấm Trung Quốc giả nấm Hàn?!
Không chỉ tại các cửa hàng bên ngoài, nấm linh chi gán mác “xuất xứ Hàn Quốc” còn len lỏi vào cả các trung tâm thương mại và các điểm mua sắm lớn. Tại tầng 2 của siêu thị Coop Mart Lý Thường Kiệt (P7, Q.10), gian bày bán nhân sâm và linh chi nổi bật thu hút rất nhiều người đến xem và mua hàng. Sản phẩm linh chi ở đây cũng được in hình hai con chim phượng hoàng, được bán với giá chỉ 950.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc sao không có tem nhãn nhập khẩu gì hết, người bán hàng quảng cáo đây là hàng xách tay từ Hàn Quốc nên mới có giá “mềm” như vậy.
Linh chi được quảng cáo “xuất xứ Hàn Quốc” tại cửa hàng tự chọn siêu thị Coop Mart Lý Thường Kiệt
Buông lỏng quản lý
Theo thạc sĩ Cổ Đức Trọng, người có hơn 20 năm gắn bó với cây nấm linh chi ở Việt Nam, hiện nay các loại linh chi nhập lậu từ Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường. Hiện mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 300 tấn nấm linh chi nhưng sản phẩm nấm linh chi trồng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 100 tấn, số còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó chủ yếu đến từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Đặc biệt, các sản phẩm linh chi từ Trung Quốc có kiểu dáng và màu sắc gần giống hệt với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc nên người mua rất khó phân biệt. Bên cạnh đó, do quản lý chưa nghiêm nên các cửa hàng buôn bán thảo dược thường quảng cáo là nấm Hàn Quốc xách tay để dễ tiêu thụ và bán với giá cao. Hiện linh chi Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam bán với chỉ 200.000 đồng/kg nên khi gán mác nấm Hàn Quốc xách tay thì có thể thu lại lợi nhuận rất lớn.
Thạc sĩ Cổ Đức Trong cho biết, các loại nấm linh chi Trung Quốc được bày bán trên thị trường hiện nay đa số đều được nhập theo đường tiểu ngạch từ biên giới nên hầu hết đều không qua các khâu kiểm tra y tế. Do đó, khả năng tồn dư các độc tố trong quá trình sản xuất là rất cao. Người tiêu dùng mua phải những loại nấm này không những không chữa khỏi bệnh mà còn có nguy cơ rước thêm bệnh.
Tiến sĩ Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM – Viện Dược liệu còn cho biết thêm: không chỉ riêng sản phẩm linh chi mà hiện nay có đến 60-70% nguồn dược liệu trên thị trường được nhập theo đường tiểu ngạch từ biên giới nên chất lượng rất kém. Rất nhiều sản phẩm đã bị rút hết tinh chất, chỉ còn là cái xác, bị dùng nhiều chất bảo quản để tránh nấm mốc nên rất nguy hiểm.
Để bảo vệ sức khỏe, TS. Luận khuyên người tiêu dùng không nên ham rẻ mà phải mua những loại có xuất xứ rõ ràng để tránh chuốc họa vào thân.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn?
- Vinamilk trao tặng gần 20.000 hộp sữa cho trẻ em nhân ngày hội tựu trường
- Vinamilk:Sữa "Made in Vietnam" sẵn sàng cạnh tranh về chất lượng với quốc tế
- Hành trình đoạt 3 giải thưởng danh giá quốc tế của sữa hút chân không Vinamilk
- 12 năm liên tiếp, vị trí thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất không "đổi ngôi"
- “Đổi mới” và “Phát triển bền vững”-Xu hướng được ngành sữa toàn cầu nhấn mạnh
- Vì sao nước đun sôi để nguội chỉ nên dùng trong ngày?
- Tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng dinh dưỡng
- Ba đơn vị lớn về dinh dưỡng và y tế bắt tay trong hợp tác chiến lược nâng cao sức khỏe cộng đồng
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Thông nước: Cây Di sản làm thuốc
(Tin Môi Trường) - Thông nước hay Thủy tùng, gọi như vậy vì cây này gần giống cây Thông, nhưng mọc ở dưới nước hay ven nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc
(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.
Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?
(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.