Sống khỏe » Dinh dưỡng
Thứ bảy, 23/11/2024, 17:06:20 PM (GMT+7)
Đổ xô lùng “sung dược”
(21:06:45 PM 16/07/2011)(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Ve sữa non, mối chúa, bổ củi… đã và đang trở thành món ăn thời thượng của nhiều người dân địa phương và du khách khi đến vùng Bảy Núi - An Giang với niềm tin sẽ “tăng cường bản lĩnh đàn ông”.
>> Bắt chủ tịch tỉnh An Giang liên quan đường dây khai thác cát lậu lớn nhất tỉnh >> Trường đại học giúp nông dân thoát nghèo từ đặc sản trái cây địa phương >> CÂY DI SẢN VIỆT NAM: Cây Đa vùng đất Thượng Đức anh hùng được vinh danh >> Các địa phương được tự quyết khu vực phân lô, bán nền >> 256 ha rừng tràm ở An Giang thành khu du lịch sinh thái
Từ lâu, khu vực bán côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân địa phương và du khách vì được xem là nơi cung cấp “sung dược” giúp tăng “bản lĩnh” của cánh đàn ông. Để đáp ứng nhu cầu của quý ông và không ít quý bà, nhiều loài như ve sầu, bổ củi, mối chúa… ở vùng Bảy Núi đã và đang bị săn lùng theo kiểu tận diệt.
Ve sữa non cực thịnh
Những cơn mưa đầu mùa trút xuống vùng Bảy Núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng sinh sôi, phát triển. Không biết nghe ngóng ở đâu, vài người bạn của tôi ở TPHCM đã tìm xuống An Giang và nằng nặc đòi tôi dẫn đến các đại lý côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên. “Nghe nói ở đó có nhiều hàng “độc”, công dụng hết sức tuyệt vời”- một người bạn tôi háo hức. Tôi vốn ngán những loài côn trùng kia nhưng vì chìu ý bạn nên đành dẫn họ đi.
Ve sữa non được xem là loài giúp “tăng cường sức mạnh đàn ông”
Tôi gọi điện thoại báo trước cho một người quen là anh N.C.L, chủ một “đại lý” côn trùng thuộc loại lớn ở khu chợ biên giới Tịnh Biên. L. đón chúng tôi ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên. Trên đoạn đường gần chục cây số từ Nhà Bàn ra chợ biên giới, tiếng ve sầu kêu vang dội. L. bảo mùa mưa đến, loài ve sầu bắt đầu lột xác réo gọi mùa hè đến. Khi còn nhỏ, ve chưa mọc cánh, mình tròn múp, căng đầy sữa và ẩn náu trong hang dưới lòng đất.
“Ve sữa non là đặc sản đang cực thịnh ở vùng Bảy Núi đó. Con nào con nấy tròn bóng, bụng đầy sữa non, mềm và ngọt, làm món chiên giòn hay chiên bột đều hết ý, “uy lực” tăng gấp đôi, gấp ba lần bình thường” - L. “ru” khách.
Chiếc ô tô vừa đỗ trước căn nhà tường ở khúc cua 15 thuộc thị trấn Tịnh Biên, anh L. đã hối thúc người trong nhà chuẩn bị đồ nghề đi lùng ve sữa. Từ trong nhà, một thanh niên tên Duy xách vội cây cuốc và chiếc thùng đựng nước đá ra khu vườn phía sau nhà. Vừa bước vào khu vườn, chúng tôi đã nghe tiếng ve kêu inh ỏi. Duy không đến nơi có tiếng ve kêu mà tìm những gốc cây xoài, mít có bóng râm mát mẻ. “Nơi đất tơi xốp, mềm thì ve mới đào hang ẩn náu”- Duy giải thích.
Duy dùng cuốc dọn đám lá khô quanh gốc cây xoài, để lộ ra những cái hang tròn cỡ ngón tay cái rồi bổ mạnh vài nhát, bứng đất lên. Lẫn trong lớp đất xốp mềm ấy là vài chú ve mập ú, tròn múp. L. thành thục tóm lấy những chú ve non bỏ vào thùng nước đá để ướp lạnh.
“Con ve này ở hang cạn là loại sắp trưởng thành nên mập hơn những con ở hang sâu. Sau khi được nở từ ấu trùng, ve sữa sẽ đào hang ở trong lòng đất độ một tuần rồi dần dần trồi lên mặt đất. Bởi vậy, muốn tìm ve sữa thì phải xới tung lòng đất lên mới bắt được”- Duy giải thích.
Nhìn mặt đất chi chít những hang ve, L. bảo phen này trúng đậm. Anh liên tục nhặt ve sữa cho vào thùng nước đá. Dường như đã quá quen thuộc với việc này, cứ 3 nhát cuốc là Duy lại lôi lên một chú ve non tròn múp. Hơn một giờ sau, chiếc thùng đựng nước đá nặng trịch, bên trong có cả trăm con ve sữa.
“Bây nhiêu đây dư sức chiên giòn, chiên bột lai rai bứt cả thùng Heiniken. Nếu chịu khó đào xới xung quanh những gốc cây mát mẻ, có đất xốp mềm thì còn bắt được nhiều hơn nữa. Dạo này mới vào mùa nên quán sá đặt hàng ve sữa dữ lắm, có bao nhiêu họ mua hết ráo. Rồi mấy cậu xem, chén xong sẽ thấy trong người “phơi phới” ngay cho coi”- L. hào hứng.
Mối chúa: “Đệ nhất sung dược”!
Trong lúc nhóm bạn tôi đang thích thú xơi ve sữa non chiên bột, anh L. lôi ra một chiếc hủ đựng những con vật trông như con sâu to bằng ngón tay cái, toàn thân trắng múp. Anh cho biết đó là mối chúa – “đệ nhất sung dược” trong các loài côn trùng ở vùng Bảy Núi. “Mối chúa là “thần dược” bổ dưỡng nhất của quý ông đó. Chỉ cần xơi một con mối chúa đã có thể cải thiện “chuyện ấy” ngay tức khắc” – L. quả quyết.
Mối chúa được nhiều người xem là “đệ nhất sung dược” và săn lùng
Theo các “đại lý” côn trùng ở chợ biên giới Tịnh Biên, mối chúa loại trung bình (nhỏ hơn ngón tay) dùng ngâm rượu giá 40.000 đồng/con, loại nhỏ hơn từ 15.000 đến 20.000 đồng. Một hủ rượu ngâm 10 con mối chúa ở đây được rao bán với giá 400.000 đồng. L. cho biết anh chuyên gom hàng từ cánh thợ săn côn trùng khắp vùng Bảy Núi. “Bổ nhất là ăn mối chúa sống, “chuyện ấy” có thể nói là muốn gì được đó” – L. quả quyết.
Tại vùng Bảy Núi, ông Tư Cương ở khu núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn) là một thợ săn côn trùng chuyên nghiệp với hơn 10 năm trong nghề. Ông Cương biết rõ nơi nào trong ngọn núi này có tổ mối.
“Mối thường làm tổ ở chân và triền núi, ít khi trên đỉnh cao vì xa nguồn nước. Những nơi có mạch nước mát mẻ, đất xốp mềm là sẽ có tổ mối. Mỗi tổ mối có hàng ngàn con nhỏ li ti làm các nhiệm vụ kiếm mồi, xây tổ, chăm sóc, bảo vệ và cung phụng một con mối chúa. “Vua mối” chỉ có mỗi nhiệm vụ là sinh sản để duy trì nòi giống”- ông Cương tỏ ra am hiểu.
Dẫn chúng tôi men theo vạt rừng còn xanh dưới chân núi Dài Năm Giếng, ông Cương chỉ một gò mối to tướng: “Chắc chắn là có mối chúa to tướng trong đó”- ông Cương khẳng định rồi vung len đào thoăn thoắt. Khi đã chọc thủng được gò mối, ông Cương lôi ra chiếc tổ dành riêng cho mối chúa rồi dùng leng chẻ đôi khối đất. Bên trong, một con mối chúa to bằng ngón tay cái đang ngọ nguậy.
Chuyến đi săn mối chúa của ông Cương còn có 3 người khách lạ. Ông Cương cho biết họ đặt hàng ông lùng mối chúa để “ăn tươi, nuốt sống” vì muốn tẩm bổ, cường dương. Từ khi xuất phát, 3 vị khách lạ đều không nói một lời, chỉ đến khi nhìn con mối chúa to tướng thì họ mới reo lên khoái trá. Ông Sơn, trạc 40 tuổi, một trong 3 người khách, thản nhiên há miệng bỏ mối chúa vào và “ực” một cái đã nuốt gọn nó vào bụng. Dừng một lát dường như để cảm nhận tác dụng của “sung dược”, ông Sơn móc bóp lấy ngay 100.000 đồng đưa cho ông Cương rồi tiếp tục cuộc săn lùng…
Mạnh như… bổ củi!
Thấy xe chúng tôi chạy chầm chậm trước sân chợ biên giới Tịnh Biên, cánh bạn hàng buôn bán côn trùng liền nhao nhao sấn đến chào mời. Một thanh niên chìa ra chiếc túi lưới đựng cả ngàn con bổ củi đang búng mình tanh tách bên trong, miệng dẻo quẹo: “Thấy sức mạnh của con bổ củi chưa? Loài côn trùng này mạnh ác lắm, là “sung dược” bổ dưỡng, làm tăng uy lực của đàn ông tức thì”.
Bổ củi
Thấy chúng tôi chần chừ, anh ta tiếp tục “nổ” bằng một câu chuyện khẳng định công dụng của loài côn trùng này. “Có bà khách sồn sồn ở Long Xuyên ghé chợ tìm loại rượu nào có tác dụng cường dương, hồi phục sinh lực để về tẩm bổ cho chồng. Lần đó gặp tôi, tôi đưa bình rượu thuốc ngâm 50 con bổ củi, bà ta còn mua thêm 50 con rang sẵn về ngâm chung. Mấy tháng sau ghé lại chợ, bà ấy đã gom toàn bộ số bổ củi của những người bán ở đây về để chia cho phụ nữ cả xóm. Bà ta khoe đám phụ nữ gần nhà khi nghe bà tiết lộ đã nhao nhao nhờ mua giúp bổ củi về ngâm rượu để dành cho chồng dùng”.
Thần dược “Dâm Dương Quá”!
Không chỉ bán đủ loại côn trùng, khu chợ biên giới Tịnh Biên còn bán cả “thuốc đông y” trôi nổi. Đưa cho chúng tôi một gói lá cây được cột chặt bằng dây màu, không ghi rõ tên thuốc, công dụng hay cách dùng, anh H., một người bán côn trùng, nói đó là “Dâm Dương Quá” dùng để ngâm rượu. Khi chúng tôi thắc mắc, H. cắt nghĩa: “Đây là loại lá cây ở bên Trung Quốc. Anh có coi phim Tàu không, biết Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp không? Hồi xưa, Dương Quá chuyên dùng loại lá cây này để trị thương và bồi bổ sinh lực để gần gũi với Tiểu Long Nữ nên người ta gọi cây này là “Dâm Dương Hóa” đó”!
Tôi đem tên vị thuốc “Dâm Dương Hóa” hỏi những lương y tại các cơ sở mua bán dược liệu ở thị trấn Nhà Bàn, nhiều người liền cười ngất. Thì ra, tên đúng của nó là “Dâm dương hoắc”. Loại thảo mộc này được suy tôn là “Mị dược chi vương” vì giúp tăng mạnh dục năng, kích thích tình dục cao.
Theo các lương y, thành phần chủ yếu trong Dâm dương hoắc là Incaritine, có tác dụng tăng kích thích tố nam, làm tinh dịch tăng về số lượng và nồng độ, dùng sắc uống hoặc ngâm rượu có tác dụng chữa liệt dương. Song, các lương y khuyến cáo: “Không nên mua hàng trôi nổi được rao bán như rau ở chợ này. Ngay cả tên của thuốc mà người bán còn không biết chính xác thì chắc gì đó đúng là thảo dược? Hơn nữa, bất kỳ loại thuốc nào cũng có hai mặt của nó, dùng sai, không đúng liều lượng thì “thần dược” cũng thành “độc dược”, nguy to đấy!”.
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG/NLĐ
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn?
- Vinamilk trao tặng gần 20.000 hộp sữa cho trẻ em nhân ngày hội tựu trường
- Vinamilk:Sữa "Made in Vietnam" sẵn sàng cạnh tranh về chất lượng với quốc tế
- Hành trình đoạt 3 giải thưởng danh giá quốc tế của sữa hút chân không Vinamilk
- 12 năm liên tiếp, vị trí thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất không "đổi ngôi"
- “Đổi mới” và “Phát triển bền vững”-Xu hướng được ngành sữa toàn cầu nhấn mạnh
- Vì sao nước đun sôi để nguội chỉ nên dùng trong ngày?
- Tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng dinh dưỡng
- Ba đơn vị lớn về dinh dưỡng và y tế bắt tay trong hợp tác chiến lược nâng cao sức khỏe cộng đồng
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Thông nước: Cây Di sản làm thuốc
(Tin Môi Trường) - Thông nước hay Thủy tùng, gọi như vậy vì cây này gần giống cây Thông, nhưng mọc ở dưới nước hay ven nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc
(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.
Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?
(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.