»

Thứ bảy, 18/01/2025, 09:08:01 AM (GMT+7)

“Bà Robinson” trên đảo Hòn Khô

(18:30:34 PM 17/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Bà sống một mình trên đảo suốt 31 năm. Có người cho bà bị điên, có người gọi bà là bà tiên... Mặc, bà vẫn một mình cắm lá cờ Tổ quốc hằng ngày bay trên nóc đảo rồi làm bạn với sóng gió trên đảo hoang và làm “bà đỡ” cho những đàn rùa biển sinh sôi.

 

 

Bà Rô vẫn một mình chèo thuyền về đất liền mua thức ăn rồi lại quay ra đảo Hòn Khô bảo vệ rùa biển đẻ trứng - Ảnh: T.Đ.

 

Bà tên thật là Trần Thị Nữ, còn có tên khác là Rô vì nhiều người gọi vui, so sánh bà với Robinson lạc giữa đảo hoang. Đảo Hòn Khô (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định) nơi bà ở cách TP Quy Nhơn 20 hải lý, hằng năm rùa biển quý hiếm thường lên đẻ.

 

Duyên phận với rùa

 

Ngôi nhà nhỏ khép nép ẩn sâu trong vách núi, chỉ có cây bàng xanh tốt quanh Hòn Khô khô khốc với nắng và sóng, người đàn bà nằm trên võng nhìn đăm chiêu ra biển. Gió lồng lộng thổi. Đã 31 năm, cứ như thế trên đảo hoang bà sống chung với đú (cách gọi của người dân chài ở đây về loài rùa biển).

 

 

“Mỗi năm, tại khu vực này có khoảng 5-7 ổ trứng được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định phát hiện và khoanh vùng bảo vệ. Bà Rô là người đã tư vấn cho chúng tôi rất nhiều về đặc tính của rùa biển. Bà còn tham gia bảo vệ trứng, san hô và rong mơ ở đảo, giữ môi trường sinh thái biển và vệ sinh đảo rất sạch sẽ, tạo điều kiện tốt cho rùa lên đẻ” - bà Nguyễn Hải Bình, trưởng phòng quản lý nguồn lợi và môi trường thủy sản Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết.

Dáng vóc bà vạm vỡ, thể hiện qua đôi cánh tay một thời trẻ trung ngang dọc làng chài. Bà vẫn bơi thuyền, cưỡi sóng dù đã tuổi 80. “Bả có nhà, con cháu làm ăn khá giả, không hận đời, không giận ai, vậy mà đùng một cái bả tự chèo thuyền ra đảo hoang ở một mình” - một ngư dân ở đây vẫn chưa hết ngạc nhiên về quyết định của bà Rô.

 

Hơn 30 năm trước, một lần chèo thuyền qua đảo hái rong biển, bà lên bãi cát ngồi nghỉ, người đàn bà có tám mặt con ấy thấy tâm hồn thư thái, yên bình như vứt bỏ được tất cả nỗi lo toan cuộc đời.

 

Vậy là tá túc lại, rồi bà quyết định gắn bó với hòn đảo. Bà viết lên tảng đá những vần thơ kỳ lạ, đọc Truyện Kiều vanh vách và hát bội, bài chòi bằng giọng của sóng, của biển mê hoặc lòng người, nói chuyện với bà, bà đáp lại bằng thơ.

 

Những ngày rằm ăn chay, bà chỉ uống nước và đã 31 năm không ăn cơm. Bà kể: “Lúc ra đảo ở chỉ đem theo bánh tráng, nước uống rồi kiếm vài con cá, con còng ăn dần rồi quen, bây giờ ăn gì cũng được nhưng không ăn được cơm”.

 

Đêm nằm ngủ một mình trên bãi cát không có dấu chân người, chỉ có những con còng chạy ăn vẽ nham nhở trên cát cùng tiếng chim biển lẫn trong tiếng sóng rì rào, quá đỗi bình yên, hồn bà như hòa vào biển bềnh bồng. “Vậy mà có một đêm tôi chợt giật mình khi nhìn thấy những tảng đá lớn di chuyển từ biển lên bờ, thỉnh thoảng phát ra âm thanh lạ” - bà kể. Cho đến một lần vào mùa trăng sáng, bà mới tận mắt nhìn và phát hiện đó là rùa.

 

Dần rồi quen, lũ rùa ban đêm rón rén bò lên, thấy bà nằm trên bãi, nó tránh bà đi tìm chỗ khác đẻ. Bà kể: “Lúc đó đâu biết, thấy nó đẻ trứng nhiều mình mừng lắm, cứ thế lấy luộc ăn thôi, ăn không hết thì bỏ lên thuyền chở về cho con cháu”. Thằng Bình, cháu ngoại của bà, khi đó mới mười mấy tuổi trong bờ ra, thấy trứng cũng kẹp chèo theo đi xăm. Cứ mùa đú đẻ thì bà cháu đi xăm tìm trứng, hết mùa thì đi bứt rong mơ, nhổ san hô về bán. Cái đảo hoang này vậy mà nguồn lợi phong phú...

 

Nhưng không phải ổ trứng nào cũng tìm ra, có lúc bà phát hiện những quả trứng đã nở thành con, từng đàn rùa chạy nhanh xuống biển. Vài lần bà thử đuổi theo bắt, chúng chạy nhanh hơn chân người, nghiêng mình rẽ nước, bà cũng lặn theo.

 

Trong rừng san hô được phủ lên những lá rong mơ, những đàn cá đủ màu sắc trú ngụ vội nép mình. Một hình ảnh hoang sơ tuyệt đẹp. Bà ngây ngất trước thế giới loài vật sống rất gần bao nhiêu năm mà bà chưa hề thấy. Lẽ nào mình lại hủy hoại cuộc sống đang yên lành của chúng? Yên lành như mình đang sống trên đảo hoang. Vậy là bà không ăn trứng nữa, không cho cháu bà ăn và ai lên xăm trứng rùa bà đều cấm.

 

Giữ đảo hoang cho đú

 

Lúc mới đến đảo vắng dấu chân người, chỉ một mình bà, rùa thường lên đẻ. “Hình như nó xem tôi là bạn nên không ngần ngại gì, có lúc nó đang đẻ tôi thò tay lấy trứng nó vẫn cứ đẻ” - bà kể. Mỗi ổ trứng rùa khoảng 70 trứng, có khi đến cả trăm. Mỗi lần ổ rùa nở cùng lúc hàng chục con đua nhau ùa ra biển, bà thấy trong lòng rất vui.

 

Bà cho biết: “Cách đây 10 năm, mùa đú đẻ người đi xăm trứng đông lắm. Cuối ngày, có người vác cả bao trứng lên thuyền chở về, ít ổ trứng rùa nào có cơ hội nở. Tôi thấy xót nên cấm không một ai được bước tới khu vực đảo khai thác”.

 

Hằng ngày, chính bà đi hốt cát làm ổ cho rùa lên đẻ, có rác bà dọn rác, có cái gì thuộc về vật dụng của con người ngoài biển tấp vào, bà giấu đi... Cứ như thế rùa lên đẻ ở khu vực bà ở ngày càng nhiều, hàng vạn chú đú con khai sinh nơi đảo Hòn Khô xem bà như mẹ đỡ rồi rong ruổi hành trình hàng ngàn kilômet để lớn lên, tới kỳ sinh nở lại về Hòn Khô với bà.

 

“Cái kỳ lạ của duyên số là thằng cháu tôi cũng bỏ nghề, nó gia nhập đoàn bảo tồn rùa biển gì đó của quốc tế” - bà kể. Đứa cháu ngoại mà bà nói là Lê Thái Bình, cách đây một năm, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về tuyên tuyền, vận động, Bình trở thành tình nguyện viên bảo vệ rùa biển. Bình tâm sự: “Bà cấm mình lâu lắm rồi, sau này nhờ IUCN mới biết của trời cho rất quý mà mình phải giữ gìn”.

 

Bà không hiểu lắm về bảo tồn, chỉ thấy thương con đú nhiều đêm vẫn thường lên bè bạn với người đàn bà độc nhất trên đảo ban đêm. Cháu bà được giáo dục bài bản hơn. Bà con ở xã Nhơn Hải sống gần đảo Hòn Khô không khỏi ngỡ ngàng về sự thay đổi của hai bà cháu. Họ làm theo, không bắt đú, không hái rong, không bẻ san hô một phần vì sợ bà “chúa đảo”, một phần nhờ được sự tuyên truyền, canh giữ của đội tình nguyện viên.

 

Cách đây vài tháng, ngay trước mùa đú, IUCN dựng panô tuyên truyền sơn màu trắng toát phá vỡ tính hoang sơ của đảo, đú không lên đẻ. Bà đến UBND xã đề nghị đập gấp hoặc sơn lại màu nước biển, màu đảo để đú khỏi sợ.

Bây giờ ở Hòn Khô, dấu tích con người nhìn thấy đầu tiên là hình ảnh lá cờ Tổ quốc cắm trên nóc đảo. Hơn 30 năm nay, lá cờ lúc nào cũng tung bay. Hỏi thì bà chỉ cười. Bà không nói nhưng trong đôi mắt người đàn bà ấy hình ảnh thiên nhiên, biển đảo, Tổ quốc như quyện chặt.

 

 

Những “bà đỡ” của rùa biển

 

Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) có nhiều bãi biển còn hoang sơ như Hòn Khô, Hải Giang, Dinh... là điều kiện tốt để rùa biển lên làm ổ đẻ trứng. Thế nhưng do sự có mặt của con người, rùa biển ngày càng xuất hiện ít đi. Để bảo vệ rùa, tháng 3-2011, UBND xã Nhơn Hải, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định phối hợp với IUCN thành lập nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển gồm năm thành viên: Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Xuân Hiển, Lê Thái Bình, Huỳnh Kim Phụng, Nguyễn Thành Phương.

 

Đầu tháng 9, khi chúng tôi đến Nhơn Hải tìm những thành viên trong nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển, mọi người đều đang đứng ngồi không yên, vẻ mặt hiện rõ sự nóng ruột. “Chúng tôi phát hiện một ổ trứng rùa từ tháng 6, theo tính toán 50-70 ngày rùa sẽ nở, nhưng đến nay quá mấy ngày mà vẫn chưa thấy rùa con bò ra. Nóng lòng hơn cả vợ sinh” - ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng, nói đùa. Mọi người cười rộ lên nhưng vẫn không thể xua đi vẻ lo lắng.

 

Mới thành lập nhưng với các thành viên trong nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển tại Nhơn Hải, rùa biển đang dần trở thành mối quan tâm lớn trong cuộc sống của họ. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách nhưng đều có một suy nghĩ rất đơn giản: “Lỡ rùa không còn nữa, con cháu mình ở biển mà không thấy được tận mắt con rùa là thế nào cũng tội nghiệp” - ông Minh tâm sự. Với anh Lê Thái Bình, cháu ruột của bà Rô, tham gia nhóm tình nguyện còn là cách để trả nợ với biển khi anh từng là một tay xăm trứng rùa có tiếng trong xã, chuyên đi tìm bắt rùa và trứng rùa để bán. Khi được vận động, anh bỏ nghề, trở thành thành viên của nhóm.

 

Theo ông Minh, việc bảo vệ rùa biển quan trọng nhất là dựa vào người dân chứ không thể chỉ dựa vào năm người trong nhóm. Vì lẽ đó mà người dân trong thôn Hải Đông khi ghé qua tiệm nhà ông Minh ăn bánh canh đều được nghe ông nói về rùa biển. Buổi trưa, thỉnh thoảng lại thấy ông lân la đến mấy quán cà phê trong thôn ngồi nói chuyện với đám thanh niên choai choai rồi phát tờ rơi về rùa biển.

 

Lúc cầm tờ rơi có người nhăn mặt khó chịu, nhưng sáng hôm sau lại ghé qua nhà ông Minh gọi tô bánh canh, chỉ húp mấy muỗng nước rồi ngập ngừng hỏi chuyện về những chú rùa. Vậy là ông lại vừa phụ vợ bưng bánh canh cho khách vừa nói chuyện về loài vật “sứ giả đại dương” này.

 

Sau nửa năm hoạt động, thành công lớn nhất của nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển Nhơn Hải là đã giúp người dân trong xã biết được rùa biển là loài cần được bảo vệ. Bây giờ, khi thấy rùa mắc lưới hay phát hiện dấu vết của rùa tìm nơi đẻ trứng, ngư dân đều gọi điện báo cho nhóm biết để đến giải cứu và bảo vệ.

 

Một thành viên trong nhóm tình nguyện bảo vệ rùa biển Nhơn Hải đo kích thước rùa khi lên bãi đẻ trứng - Ảnh: Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cung cấp

NGỌC NGA

 

Theo TRƯỜNG ĐĂNG/TTCT

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: “Bà Robinson” trên đảo Hòn Khô

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI