Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Trung Thu không trăng
(20:54:31 PM 12/09/2011)
Ảnh minh họa
Tụi trẻ như Bôn thích lắm. Này là trường anh Tít cắm trại, trường Hà Vi rước đèn, khu phố thuê múa kỳ lân, hàng xóm mời phá cỗ, trường Bôn đánh trống quân... Mấy tối nay, vừa ngồi vào mâm cơm cu cậu đã hỏi "Tối nay Trung Thu ở đâu hả mẹ?".
Trẻ con bây giờ sướng thật, Trung Thu liên miên cả tuần, no nê bánh kẹo và đồ chơi. Thời tiết cận kề ngày Trung Thu không được đẹp, càng gần Trung Thu càng không thấy trăng nhưng với trẻ con thành phố, trăng là cái đèn cao áp mờ mờ, lơ lửng không có chân chống. Nghĩ mà chạnh lòng những đứa trẻ ở quê, nơi tháng trước mình về chơi được xem chúng tập trống quân, tập múa hát sẵn sàng đón một đêm duy nhất là đêm nay.
Ở quê Trung Thu chỉ tổ chức một ngày duy nhất vào ngày Rằm tháng Tám nên mọi thứ được háo hức chuẩn bị hàng tháng trước đó. Các hoạt động diễn ra trong đêm Trung Thu không chỉ các cháu thiếu nhi, có cả thanh niên và người lớn tham gia.
Thứ nhất, lễ hội thả đèn trời của người lớn. Tháng Tám là dịp nông nhàn, buổi tối trời trong gió mát người già, người trẻ tụ tập nơi sân đình làm hàng trăm chiếc đèn trời. Nguyên liệu làm loại đèn này rất đơn giản, kỹ thuật còn đơn giản hơn. Chỉ cần một vài thanh tre vót mỏng, một miếng giấy dó, một miếng giẻ tẩm mỡ lợn. Không có kích thước chuẩn trong cuộc thi, mỗi người tùy ý tạo ra nhiều chiếc đèn to nhỏ, cao thấp khác nhau. Người thắng cuộc trong đêm hội thả đèn là người sở hữu chiếc đèn bay cao nhất, xa nhất. Dựa vào mắt thường nên cuộc thi thả đèn trời từ trước tới nay sôi nổi nhiều tranh cãi. Và trong số đó, những người khéo tay họ được cử làm đèn lồng cá chép, đèn ông sao cho thiếu nhi rước đèn.
Thứ hai, cắm trại. Đoàn thanh niên sẽ lo việc cắm trại và dạy các em thiếu nhi múa hát. Trại tự làm bằng tre, nứa, bạt vải và cắt dán thủ công nên cần những đôi tay khéo léo. Thanh niên phải chuẩn bị chặt tre, đo đạc kích thước từ nửa tháng trước khi diễn ra hội trại. Đêm Trung Thu sau màn múa hát sẽ đốt lửa trại, phá cỗ, trông trăng đến khuya.
Thứ ba, tập trống. Có hẳn một liên đội đánh trống gồm các loại: trống quân, trống đội ca quốc ca và trống chào cờ. Ai được làm liên đội trưởng thì oách lắm. Cả liên đội, hàng lối, tay chân phải vuông vức, ngay ngắn. Không là bị tuýt còi, ê mặt. Trống là linh hồn của đội rước đèn trung thu. Tiếng trống khi ở xa thì gọi mời, khi ở gần lại rộn rã náo nức. Nghe tiếng trống nổi lên ai cũng nhanh chóng ra sân làng xem bọn trẻ tập.
Tối Trung Thu, khi mặt trăng tròn vạnh vừa ló ra khỏi ngọn tre nơi sân kho tiếng trống đã dồn dập, tiếng liên đội trưởng dõng dạc "Chào cờ, chào!". Quốc ca, đoàn ca, đội ca và các thủ tục khác xong xuôi tất cả đi theo đội rước đèn ông sao, đèn lồng tiến về nơi cắm trại. Lễ rước sẽ đi quanh làng, đoàn rước vì thế mà đông thêm, dài thêm mãi. Đến nơi, đoàn thanh niên đã cắm trại và bày sẵn mâm cỗ trông trăng. Sau khi kết thúc các tiết mục văn nghệ đến tiết mục phát quà, phá cỗ. Các em nhỏ chỉ mong đến giây phút này, đứa nào cũng long lanh hớn hở. Song song với tiết mục của thanh thiếu niên, bên kia sân đình các cụ tiến hành lễ hội thả đèn. Những chiếc đèn từ từ bay lên trên cao, đến khi chỉ còn lại một chấm nhỏ nhạt nhòa. Mình không hiểu ban giám khảo sẽ chấm kiểu gì, mình đứng xem chỉ biết vỗ tay và trầm trồ khen đẹp.
Trong khi đó, nhà ai cũng cúng một mâm cỗ giữa sân, bên cạnh là chiếc thau nhôm đầy nước hứng trăng. Với đúng nghĩa "trông trăng", phải để hoa quả, bánh kẹo... trông trăng xong mới được phá cỗ. Cỗ gồm những thức không thể thiếu như: bưởi, na, hồng, chuối, cốm, thị. Còn những thứ hoa quả bánh trái khác tùy mức độ sang giàu của từng nhà.
Vậy là Trung Thu cho tất cả mọi người không riêng gì trẻ nhỏ, có chăng trẻ nhỏ được vui chơi ca hát, được phát nhiều quà nhiều hơn.
Hôm qua bà gọi điện hỏi thăm Trung Thu của Bôn, hỏi Bôn có nhớ tiếng trống tùng hôm nọ bà dẫn đi xem không. Bôn còn mải thay pin cái đèn lồng lòe loẹt của Trung Quốc nên trả lời bà qua quýt, cậu vô tình làm bà ngậm ngùi. Ngoài sân kho hết đợt trống đội chuyển sang trống quân, tiếng trống quân bập bùng, rộn ràng nhất khiến bà càng ngậm ngùi hơn.
Ở thành phố có nhiều bánh, nhiều quà, có cả múa kỳ lân nữa nhưng thiếu cái rộn ràng của liên đội trống, thiếu hội thi thả đèn trời mà bà muốn Bôn được chứng kiến. Mình cũng cảm thấy nao lòng. Mong trời tối nay đừng mưa vì ở quê mọi hoạt động đón Trung Thu diễn ra ngoài trời, dưới ánh trăng. Mình thèm được nghe tiếng trống bập bùng, thèm đan một chiếc giọng thị, mấy bữa nay tìm mãi chẳng thấy trái thị nào ngoài chợ.
Lan Tường/Blog.youme
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.