Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Sài Gòn ơi ! Và ước mơ hòa giải
(09:16:38 AM 29/02/2012)Đoan Hoàng thực hiện bộ phim này với ước mơ người Việt ở Mỹ và người Việt trong nước hiểu nhau hơn; đồng thời người Mỹ cũng hiểu hơn về hậu quả cuộc chiến tranh nơi từng gia đình Việt Nam.
Chiều 28-2, nữ đạo diễn người Mỹ gốc Việt Đoan Hoàng đã có buổi chiếu bộ phim tài liệu Sài Gòn ơi! (tựa gốc Oh, Sai Gon) tại Phòng Văn hóa Thông tin Tổng Lãnh sự quán Mỹ.
Trong thời lượng 60 phút, khoảng 100 khán giả thuộc giới làm phim, truyền thông đã bị cuốn theo bộ phim cũng chính là câu chuyện của gia đình cô…
Xa lạ trên đất Mỹ
Sài Gòn ơi! mở màn tươi vui bằng câu hát “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay, nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây, Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!...” trong ca khúc Sài Gòn đẹp lắm! của nhạc sĩ Y Vân.
Sau đó là câu chuyện từ ngày Đoan lên ba. Đó là ngày 30-4-1975, ngày ba mẹ Đoan cùng anh trai và Đoan bước lên chuyến máy bay cuối cùng của quân đội Mỹ để rời khỏi Sài Gòn - ngày mà cả gia đình Đoan không thể nào quên bởi họ không kịp đem theo chị cùng mẹ khác cha của Đoan.
Sau khi rời Việt Nam, bên cạnh bi kịch gia đình với việc bỏ lại đứa con gái bơ vơ ở Sài Gòn, gia đình Đoan cũng rơi vào cảnh khốn khó khi sống trên đất Mỹ. Mẹ của Đoan sống với nghề may, sửa quần áo tại nhà. Không chỉ khốn khó về tài chính, các thành viên trong gia đình Đoan, đặc biệt là ba của cô (một thiếu tá không quân chế độ cũ) hầu như không thể hòa nhập với cuộc sống mới. Trong phim, ba của Đoan đã bộc bạch rằng: “Thật khó cho những người như ba, họ cần những người hiểu mình nhưng với ba, mọi người xung quanh vẫn quá xa lạ…”. Tất nhiên, ba của Đoan cũng biết rằng: “Ai khi sống trong đất nước khác cũng phải theo lối sống của đất nước đó, mình không thể giữ mãi phong tục của riêng mình”…
Đoan Hoàng (giữa) thực hiện Sài Gòn ơi! trước hết là để xóa đi mâu thuẫn giữa những thành viên trong gia đình như chú (trên) hoặc ba(dưới) của cô. (Ảnh chụp lại từ phim)
Sài Gòn ơi! không chỉ kể câu chuyện về những ngày đầu của gia đình Đoan trên đất Mỹ mà còn là chuỗi câu chuyện mà nữ đạo diễn này gom lại trong những lần về thăm quê hương. Đó là chuyện bác của Đoan theo cách mạng, chú của Đoan phải tự bắn vào tay để trốn quân dịch, chị cùng mẹ khác cha của cô vượt biên… Và sau năm 1975, cả gia đình bên nội của Đoan tan đàn xẻ nghé vì mỗi bên theo một lý tưởng riêng…
Đâu cũng không bằng quê nhà
Trong chiến tranh, người ta buộc phải lựa chọn: Đầu tiên là chọn đứng về bên nào và rồi cuối cùng là đi hay ở, như trường hợp ba của Đoan. Nhưng dù ở hay đi thì quê hương cũng chỉ có một, chỉ có một Sài Gòn, chỉ có một Việt Nam như lời của bác Đoan, rằng: “Đất nước này nghèo khổ hay phồn vinh cũng đều do mình tạo ra. Là người Việt Nam thì ở đâu cũng không bằng quê mình, con nói ba về thăm một chuyến đi”. Tuy nhiên, bởi ý nghĩ “Nhà để ba ở tại Mỹ thì có đây nhưng nhà thực sự cho ba không còn nữa” mà ba của Đoan cứ lần lữa mãi chuyện về lại cố hương...
Đoan đã chia sẻ khá nhiều trong buổi nói chuyện sau khi trình chiếu bộ phim. Theo Đoan, sau năm 1975, người Việt trong nước cứ nghĩ người Việt ở Mỹ có cuộc sống sung túc, còn người Việt ở Mỹ lại nghĩ về Việt Nam là về với cuộc sống khó khăn, tù đày. Thế nhưng thực tế “Ở Mỹ, ngoài cha mẹ mình không còn ai để gọi là họ hàng, bạn thân; chưa kể đến một đứa bé như Đoan lớn lên bị kỳ thị lắm” - cô trải lòng.
Sài Gòn ơi! kết thúc khi ba của Đoan chấp nhận cùng gia đình trở về Việt Nam thăm họ hàng, quê hương. Khi đó chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 30 năm.
Ước mong đầu tiên của Đoan khi thực hiện bộ phim là xóa đi những mâu thuẫn trong chính gia đình mình. Đó là mâu thuẫn giữa ba và bác, hai người ở hai chiến tuyến; mâu thuẫn giữa ba mẹ và chị gái - người luôn mang mặc cảm bị bỏ rơi. Thứ đến, là ước mong một Sài Gòn đẹp hơn, bình yên hơn trong mắt những Việt kiều vì những lý do riêng mà phải rời đất nước. Và hơn cả, bộ phim mong muốn “Người Mỹ hiểu hơn những mâu thuẫn hậu chiến trong những gia đình Việt Nam như thế nào. Chứ không phải chiến tranh Việt Nam chỉ một chiều như trong phim Mỹ. Bởi trong chiến tranh ai cũng mất mát cả…” - Đoan Hoàng sẻ chia.
Sài Gòn ơi! công chiếu tại 15 nước
Năm 2000, Đoan Hoàng bắt đầu quay những thước phim đầu tiên của Sài Gòn ơi! ghi lại những cuộc phỏng vấn của cô với các thành viên trong gia đình đang sống ở Mỹ và tiếp tục ghi lại những hình ảnh khi cả gia đình trở lại Việt Nam. Bộ phim được thực hiện trong vòng bảy năm.
Sài Gòn ơi! từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải của Hội đồng Giám khảo dành cho Phim tài liệu dài tại LHP châu Á-Thái Bình Dương; Phim tài liệu hay nhất và Phim hay nhất ở LHP Brooklyn... Phim cũng được chọn chiếu mở màn cho nhiều tuần lễ phim tại Mỹ, Canada, Đức, Ba Lan, Na Uy,… được chiếu tại 15 nước, dịch ra năm thứ tiếng và đã được chiếu bảy lần trên các kênh thuộc hệ thống Đài Phát thanh Truyền hình PBS (Mỹ).
Đoan Hoàng (tên đầy đủ là Hoàng Niên Thục Đoan) sinh năm 1972 tại Nha Trang, là một trong những người rời khỏi Sài Gòn vào cuối tháng 4-1975. Sau khi rời các trại tị nạn, cô và gia đình đến sống tại Kentucky, Mỹ.
Cuốn sách đầu tay về cuộc chiến tranh Việt Nam được Đoan viết năm chín tuổi và bộ phim tài liệu đầu tay được cô làm năm 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô theo đuổi sự nghiệp viết báo và biên tập cho các tạp chí của Mỹ (Details, House & Garden, Spin vàSaveur). Cô đã viết lại câu chuyện về chính gia đình mình. Câu chuyện này về sau được chuyển thể thành bộ phim tài liệu dài đầu tay của cô với tựa đề Sài Gòn ơi!.
Đoan Hoàng là đạo diễn, nhà sản xuất và nhà biên kịch phim tài liệu. Ngoài Sài Gòn ơi!, Đoan Hoàng còn làm một số phim ngắn: Agent, Good Morning Captains, A Requiem…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
- "Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn": Đi tìm con người tối ưu nhất của bạn
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt
(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 29/09/2024, gần 200 tình nguyện viên đã tham dự sự kiện “Ngày hội Dọn rác Thế giới - World Cleanup Day 2024” tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.