Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Ngày tết của má
(10:38:27 AM 10/02/2015)Vé xe Tết đong đầy yêu thương
Hai mươi năm rồi kể từ lần nhận được tiền lì xì đầu tiên, tết trong tôi vẫn là một điều duy nhất không thay đổi giữa cuộc sống bể dâu thăng trầm. Ngó sang nhà khác, ít nhiều điều mất đi. Nhìn lại cái làng, nhiều thứ chỉ là quá vãng. Vậy mà, năm nào cũng như năm nào, tết ở nhà tôi chỉ khác duy nhất là tờ lịch. Nhờ có má.
11 tháng ngụp lặn mưu sinh, toan tính với đời, má dành 1 tháng cuối cùng để kết thúc trọn vẹn một năm và để bắt đầu một năm mới suôn sẻ. “Người ta có thể một đời lang bạt, không quê hương, nhưng tết là thứ khiến người ta phải một lần nhìn lại nguồn cội của mình. Vì vậy, tụi con lớn rồi nhưng đừng quên cái Tết ở nhà nghen con”, câu nói này má vẫn hay nói với tôi vào những buổi chiều 30 hanh hao gió bên cái lu nước và chậu bồ kết thơm ngay ngáy.
Có lẽ vì quan niệm một năm mới phải được bắt đầu thật tinh tươm, mới mẻ mà chiều 30 nào má cũng không quên nấu cho cả nhà một nồi bồ kết để gội đầu lấy hên. Mỗi khi nghe mùi bồ kết nướng, tôi biết mình đã thêm một tuổi.
Tết- một phạm trù chứa đựng cả yếu tố: Sắc, hương, vị và thính giác. Chỉ cần một sáng nọ uể oải thức dậy nghe thấy mùi gạo nổ thơm thơm là tôi biết bữa đó là 20 tết (má thường mua về để làm cốm). Chỉ cần một bữa trưa đi chợ về má xách về mấy bọc đỏ đỏ, xanh xanh là tôi biết bánh mứt cúng ông bà đã sẵn sàng. Để rồi dù còn nhỏ hay lớn tồng ngồng, tôi vẫn lăng xăng mở cái tủ hàng chục lần để hít hà mùi bánh in, bánh đậu xanh, dẫu rằng chỉ nghe chủ yếu mùi giấy kiếng thì cũng đã thỏa mãn rồi.
Rồi một sớm nọ má mang về lích kích trứng gà ta, bột mì, đường rồi giục tôi đi mượn khuôn bánh thuẫn, thì trí óc tôi đã hình dung về những vỉa bánh tròn lẳn, thơm tho còn nghi ngút khói và giây phút cho nguyên cái bánh vào miệng như ôm trọn cả một buổi trưa vất vả ngồi đánh trứng, nhào bột của má- thật là cả một niềm mơ mộng.
Có những buổi tối hai má con ngồi canh nồi mứt dừa, nghe tiếng xì xào của đường trên bếp mà thấy xuân đã ngồi bên cửa đợi chờ.
Gói bánh tét, một nét văn hóa không thể thiếu mỗi độ tết về. Ảnh minh họa: Internet
Rồi có những đêm mùi khói từ nồi bánh tét vương dày trong không gian và tiếng láo nháo của mấy đứa con nít đi ra đi vào canh mấy cái bánh tét nhỏ xíu được người lớn ưu ái cho hưởng trước, cảm thấy thời gian sao mà rỉ rả chậm chạp. Chỉ khi nhìn thấy người lớn trong nhà tắt củi trong mùi thơm thơm của nếp lá, lũ con nít chúng tôi mới biết niềm chờ đợi bấy lâu đã thỏa.
Cho đến khi lớn lên, đi học xa, vào mỗi dịp nấu bánh tét, tôi vẫn tự cho phép mình trong giây phút đó ích kỷ kiểu con nít, giành chiếc bánh đẹp hơn với mấy đứa em, như một cái lệ.
Tết thiêng liêng lắm. Cũng bởi thế nên cái gì cũng phải để dành cho Tết. Từ bánh mứt, trái cây, thịt thà, dưa kiệu…ngày qua ngày má cứ tích nhặt mỗi thứ một ít mang về cất vô tủ. Thòm thèm lắm, nhưng nghĩ thôi ráng nhịn, để cúng ông bà rồi mình sẽ được ăn thôi. Nhưng sự thèm thuồng nào cũng có cái quý riêng của nó, nhìn đám con trẻ ngồi vét cái nồi mứt dừa, chỗ vụn dừa cháy và lớp đường nâu khô thơm nức, má yên tâm biết là những đứa con của má vẫn mong tết như thủa nào.
Cũng bởi tết thiêng liêng nên năm nào má cũng giữ y nguyên mọi thứ từ trái cây, món cúng đến hoa, bánh…mua y chang không khác. Dù cho bây giờ hoa tết đa dạng từ khắp miền đổ về thì má vẫn giữ lệ sáng 30 đi xuống tận vườn hoa mua về hai bình vạn thọ tươi roi rói. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong mùi hoa vạn thọ lẫn trong nhang khói. Cái mùi mà tôi gọi là tết, đúng nghĩa là tết thoảng trong cái gió khô kỳ lạ của buổi chiều 30.
Má “giữ” Tết như một người khư khư báu vật. Đôi lúc, lũ trẻ con chúng tôi lười biếng, muốn bỏ bớt lễ nghi hoặc mua mấy thứ làm sẵn để má đỡ mệt, má vẫn một mực không muốn làm khác đi điều gì. Bởi vậy mà tết của chúng tôi vẫn thuần khiết một hình hài từ thủa trước, như một người bạn cũ mỗi năm gặp một lần không sai hẹn bao giờ.
Tết cũng giống như một đứa con của má, do má tạo ra và bao trùm lấy gia đình tôi trong một thứ không gian đồng vọng từ trong quá khứ, rất mực thủy chung và nguyên sơ. Một thứ mạch nguồn mà người ta vẫn hay gọi là văn hóa, gia phong. Má lặng lẽ làm mọi thứ để giữ cho chúng tôi có một nơi trở về thật bình an sau những sóng gió và nuôi dưỡng tâm hồn, sức lực chúng tôi cho một cuộc hành trình mới. Với anh em chúng tôi, má là gốc rễ, là cội nguồn niềm vui của những ngày tết, bởi vì “Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…”
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.