»

Thứ năm, 21/11/2024, 16:03:00 PM (GMT+7)

​Cội nguồn xuân

(20:58:08 PM 23/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Trong tiết trời se ẩm, từng lớp trấu xanh phủ ngoài sắc lụa đang e ấp ngủ bắt đầu nứt vỡ.

Một sớm xuân, “ấn vàng năm cánh” hoàng mai trang đài đóng dấu xuân lên xứ mưa mù.

 

​Cội[-]nguồn[-]xuân


Người Huế thích mai năm cánh vì con số 5 là trực sinh với mong muốn bền vững, thịnh vượng. Số 5 cũng tượng trưng cho hành Thổ, hành trung tâm trong ngũ hành. Một lão mai khác lại quan niệm: năm cánh là ngũ thường trong đạo đức Khổng giáo: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Hoàng mai sống chắt chiu, phong lãm, rất xứng cốt cách của bậc phong nho.


Hoàng mai từ xa xưa đã nằm trong bản sắc Huế, làm lung linh những giá trị văn hóa cội nguồn của vùng đất “Ô Châu ác địa”, “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Sức sống bền bỉ, so gan với tuế nguyệt của hoàng mai để bói một bông hoa vàng ngọc, tương đồng với cuộc tồn tại trên vùng đất mới của cư dân Việt suốt hơn 700 năm thăng trầm làm nên một Huế đô trầm mặc. Hoàng mai có khí tiết của loài hoa thiêng, cảm giao với tâm hồn, tính cách của người chơi đến nỗi nhìn một chậu mai ngày tết, người ta có thể đoán được người ấy đang nghĩ gì. Hoàng mai - hồn người là vì vậy. Chưa kể nhìn sắc diện, cành, bông mai, người Huế còn ngẫm suy đến khứ lai của một người, một gia đình. Hoàng mai ăn sâu vào tiềm thức của người Huế như một biểu tượng bất biến của mùa xuân, ở mức độ nào đó như nhà văn Trần Hạ Tháp nói, người Huế còn có cả một “mai đạo” dạn dày. Thứ “mai đạo” phát khởi từ tính biểu tượng của hoàng mai, cách chăm chút đến sự thưởng thức ý vị như thú chơi của kẻ tao nhân.                                                                                                       

Hoàng mai với Huế là quốc sắc thiên hương, là chúa xuân duyên dáng. Mùa xuân xứ Huế không có hoàng mai như người con gái đẹp không lụa là, không phấn hương. Mai ướm cả màu vàng của tạo hóa dát lên xiêm áo, tô vẽ cho đất trời một màu xuân. Màu vàng kiêu sa xiêm áo các nàng công chúa sau Tử Cấm Thành, vàng mỏng mảnh như rẻo cúc dại trên đồi Vọng Cảnh. Hoa nở lụa làm đất trời hân hoan, động lòng người lữ thứ đắm say hồng trần mà ngưng cuộc mộng. Cánh vàng vừa thắm lên trong nắng, chốc lẩn khuất trong mưa bụi lấm tấm xuân. “Mai hoa ưu vu hương”, để mặc gió đàn chuyển hương đi muôn hướng. 


Cái vẻ hoàng mai ở mỗi không gian, cuộc đất khác nhau dù cũng nằm trên đất cố đô. Hoàng mai bên những ngôi cổ tự, tịnh khiết vô ngần. Nhớ mãi bóng hoa vàng ở các tổ đình Từ Hiếu, Bảo Quốc... Lặng ngắm mai rung rinh lộc biếc trong tiếng mõ cầu kinh không gì thanh nhã hơn. Các vị tăng chơi mai cũng là làm trong cái tâm, uốn nắn tâm theo chánh đạo. Mỗi cánh hoa là một chủng tử gieo trồng căn tín. Mai cổ tự phải chăng “tu tập” qua cái dáng khẳng khiu như một khất sĩ khổ hạnh. Nhớ một vị tăng già sống trong tịnh thất bên rừng thông, suốt đời chỉ trồng và chăm một cây mai trên đá núi như Châu Lợi Bàn Đà Già, một đệ tử đức Phật suốt đời chỉ học một bài kệ mà thành chánh quả. Cây mai núi của tăng già quắc thước bám những chiếc rễ dẻo dai lên đá núi, nhặt nhạnh chút ít dinh dưỡng từ lớp mùn ít ỏi, vẫn sống bừng bừng sinh khí như ngọa long cuộn mình trên đá. Người nói không có cánh hoa nào tinh khiết như cánh hoa mai, tuyệt không lấm bụi, nếu chẳng may thì hoa lấm lem mà rơi rụng, đó là cốt cách hoa để người quân tử “bái mai hoa” không chút dè dặt. Hoàng mai trên đá núi cho hoa như trời hạ cho mây, cô lẻ, điểm xuyến không rộ vàng, chật sắc như giống khác. Đó là cái tính kiệm giản của kẻ muốn thoát khỏi vô thường. Ngắm hoa, soi mình là một cái thú thanh tao của cổ nhân cảm giao với trời đất. Ở Huế ngày xuân không viếng cảnh chùa, xuân ấy chưa viên tụ.   


Sớm xuân, hồn treo cành mai, kéo lên hồi ức về ông cụ họ cả đời quanh quẩn bên gốc mai già. Ngày đông giá, cụ giữ ẩm cho cây bằng những mùn rơm, khô dừa, tưới ấm cho mai những giọt nước ấm cho nụ sớm nhú. Năm nào một góc nhà cũng choáng rực sắc vàng. Cụ chống gậy ngắm mai nở trong nắng xuân, bóng khẳng khiu góc sân rêu mục. Một cơn ấm tạt qua, cánh mai lả tả rơi nhẹ trên mái tóc trắng cước tựa như một mảnh lụa vàng rơi giữa tuyết trắng mênh mông. Mỗi mùa mai, cha lại dắt tôi qua nhà cụ chúc Tết. Cốc trà nóng lan tỏa trong tay, đẩy lùi giá lạnh hắt hiu ngoài song. Bên hiên trải chiếu, mai tỏa hương dịu như người con gái Huế ươm mùi dạ lý trong xiêm áo. Cụ nhấp chén trà, lim dim đọc câu thơ Nguyễn Du: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người thân”. Cụ nói trong rừng xa, có một ngọn núi trên đỉnh đầy mai cổ thụ, xuân nở như chốn bồng lai. Thời trai tráng, dăm lần cụ vào miệt ấy phát ngọn tìm cây mà vẫn chưa thấy non mai huyền thoại ấy. Cụ ước một lần thưởng trà dưới những cội mai già giữa sương mù lạnh. Xưa hoàng mai là cây rừng sống tang ẩn trong núi xa. Nghe chuyện huyễn rằng xưa có thi nhân vì mê dáng vẻ tiêu phong, cao quý, mê màu vàng mây lụa ấy đã đem mai về đồng bằng, phố thị, từ đó mai được tôn làm quốc trưởng của hoa xuân. Chuyện cũng là chuyện, chẳng ai nhớ nổi hoàng mai hiện diện trên xứ sở này từ bao giờ. Mắt cụ nhìn xa xăm, ánh mắt nhuốm những cánh vàng mơ. Cha tôi ứng khẩu hai câu của Nguyễn Trung Ngạn: “Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục/ Phong tư hạc biển vốn không bầy” hòa vào cái đồng điệu của người luyến cảnh non mai.


"Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người thân"

                                            NGUYỄN DU

 

Ngày giêng trăng sáng, tôi ghé thăm nhà người bạn vong niên, một nữ sĩ cố đô. Tóc người hoa râm búi tó, người ngồi nhìn ra khoảng sân hoa lá. Trước nhà một cây mai cổ thụ cao chắn ngang lối đi. Làm nhà mới, nữ sĩ quyết không chịu chặt cây mai mặc cho diện tích nhà nhỏ đi, khuôn viên méo mó. Người thích cảnh mai rung rinh lộc biếc giữa sớm mù sương, cánh vàng trong pha lê, nhô ra từ những chồi biếc xanh như ngọc. Mùa xuân đến, hoa nở vàng căn nhà nhỏ, mai rừng một thời xuân xanh băng suối vượt đèo. Giống hoàng mai rừng chính hiệu với lá xanh hoang dại, thân gốc xám mốc vị sử thi. Đêm xuân, uống trà dưới tán hương mai, cả chốn đào nguyên cũng chỉ vỏn vẹn một tuần trà đây. Dưới trăng, bóng người từ vô thỉ hóa hư không. Cành mai khẳng khiu xuyên qua trăng. Trăng vàng thơi thả những luồng tơ bạc nhập vào thiên đối ẩm. 


Ngắm hoàng mai, ta chợt nhớ mình đương lặn ngụp trong thời gian rồi lấp khuất như thứ mật ngôn buồn. Ta bất lực trước thời gian và cố chạy đua với thời gian. Ngày xuân qua mau, mỗi ngày từng cánh rơi rụng chân hoa. Nữ sĩ quý những cánh hoa tàn như lúc còn ở trên cành. Ngày qua ngày, cánh hoa rụng trở thành thảm lụa vàng mê hoặc, góc sân cũng bừng ánh sáng vàng mỗi lần nắng dắt nhau ghé về.


Sớm nay, theo gót bạn xa về, rủ nhau vào núi trẩy xuân. Biết đâu, hoàng mai đương nở lụa là, vàng thắm trên non xa. Người lữ khách bước chân giữa rừng mai ảo ảnh, ký thác mình trong cơn triêu dương của nửa chừng xuân cô tịch.

 

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG/TTO
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: ​Cội nguồn xuân

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt

Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt

(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.

Tin Môi Trường
 Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.

VACNE 30 năm
 World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội

World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 29/09/2024, gần 200 tình nguyện viên đã tham dự sự kiện “Ngày hội Dọn rác Thế giới - World Cleanup Day 2024” tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý

Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý

(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI