Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Cô gái Mỹ bật khóc vì hoa sữa Hà Nội
(12:10:46 PM 10/10/2012)"Tôi đến từ Hà Nội", Preyanka thường tự hào trả lời mỗi khi ai đó hỏi về nguồn gốc của mình. Bố người Ấn Độ, mẹ người Mỹ, nhưng Preyanka Clark Prakash gọi Việt Nam là quê hương thứ nhất. Cô đã gắn bó suốt 8 năm thời thơ ấu và thiếu niên với Việt Nam, lớn lên cùng những bước thay đổi quan trọng của thành phố này.
Đến sống tại Việt Nam khi mới 10 tuổi, Preyanka thừa hưởng tình yêu Việt Nam từ mẹ, bà Cherie Clark - người phụ nữ từng nhận tới 4 người con nuôi Việt Nam từ các trại trẻ mồ côi. Rong ruổi cùng mẹ đi khắp các thành phố quyên từ thiện và nhận nuôi trẻ mồ côi, tình yêu với Việt Nam lớn dần lên cùng với bản thân cô.
Mùi hương làm rơi lệ
Preyanka từng sinh sống ở Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, và Việt Nam, trong những nơi đó Hà Nội là thành phố gợi cho cô nhiều xúc cảm nhất. Mỗi lần nghe bạn bè nói Hà Nội đang vào thu, dù đang ở đâu, trong Preyanka lại cồn cào nỗi nhớ.
“Hồi bé, tôi không biết có điều gì đặc biệt ẩn sau hoa sữa. Chỉ nhớ những lần đi xích lô cùng chị gái qua phố Quán Thánh. Tiết trời lành lạnh và tôi ngửi thấy một hương thơm rất mạnh, ngọt như bánh mứt, mỏng nhẹ và mơ hồ như lụa, vây bủa xung quanh", cô kể.
Preyanka Clark Prakash, cô gái người Mỹ lai Ấn Độ là một trong những lứa học sinh đầu tiên của trường Liên Hiệp Quốc, lúc đó còn nằm cạnh trường Amsterdam, Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông năm 2000, sau 11 năm gắn bó với Hà Nội, cô trở về Mỹ để theo học tại đại học Colorado. Hiện Preyanka sống ở Mumbai, Ấn Độ và làm giáo viên dạy văn học tại một trường trung học phổ thông. Cô từng làm thơ, viết blog và đóng góp bài cho sách du lịch Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trải qua hơn 8 mùa thu với Hà Nội, hương hoa sữa đã thấm dần vào tâm hồn của cô gái yêu văn chương này. Năm 2005, trở về sau một thời gian dài xa Hà Nội, trong cái lạnh của ngày cuối thu đầu đông, cô mải miết đi khắp các con phố, mong tìm lại mùi hương quen thuộc. "Gặp lại hương hoa sữa trên phố Nguyễn Du, tôi đã bật khóc", Preyanka kể.
"Sao cậu lại khóc? Sao cậu mít ướt thế, hâm thế?", bạn bè cô hỏi. "Vì tớ nhớ mùi hương này quá! Tớ nhớ Hà Nội của tớ quá!", Preyanka trả lời.
Ở Thái Lan nơi Preyanka từng giảng dạy cũng có cây hoa sữa, nhưng dù loài cây này có ở đâu, nó vẫn nhắc nhớ cho cô về Hà Nội. Preyanka biết mình không phải là người duy nhất nhớ về hương hoa khi nghĩ tới thu Hà Nội. Người chị dâu Việt Nam của cô hiện ở Mỹ, xa thành phố đã 6 năm, vẫn thường tâm sự với cô về nỗi nhớ nhà, nhớ hoa sữa.
Cách đây mới hai tuần, khi đi dạo cùng bạn trai bên một bể bơi trong khách sạn tại Goa, Ấn Độ, Preyanka bỗng đứng sững lại.
“Tôi cứ ngỡ mình đang tưởng tượng, nhưng tôi đã cố tìm loài cây ấy và chắc chắn, chắc chắn tôi đã tìm ra nó ở một góc, bên cạnh phòng thay đồ. Đây rồi!”, Preyanka reo lên khi tìm ra cây hoa sữa giữa lòng Ấn Độ. Rồi cô kể với Med, bạn trai cô về ý nghĩa của hương hoa sữa đối với mình, giải thích cho anh biết người Hà Nội cảm thấy nhớ nhà ra sao khi ngửi thấy mùi hương này.
“Có phải ai lớn lên ở Hà Nội cũng lãng mạn không em?” Anh hôn tôi và hỏi", Prey bật cười kể lại.
Hà Nội giản dị của đầu những năm 90
Qua nhiều lần chuyển nhà, Preyanka luôn mang theo bức tranh phố cổ Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
"Trước năm 1994, mọi thứ thật đơn giản", Preyanka hồi tưởng về khoảng thời gian trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Cô vẫn còn nhớ như in cái hồi mình thường ăn bánh mì, trứng luộc và pho mát Con bò Cười trong căn nhà nhỏ một phòng ngủ, ngày ngày nghe tiếng tàu hỏa chạy qua trên phố Lê Duẩn.
“Tôi nhớ hồi đó rất ít khi thấy người nước ngoài trên đường, nhưng cũng không có mấy người Việt Nam nhìn chằm chằm hay chỉ chỏ vào tôi. Tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà vậy”, Preyanka kể.
Bỗng một ngày đầu tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Bằng sự nhạy cảm của trẻ thơ, Preyanka nhận thấy rõ những đổi thay nhanh chóng của Hà Nội, đặc biệt vào những năm 96, 97. Cô thấy ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, cuộc sống của người Hà Nội bỗng bận rộn, hối hả hơn. Theo Preyanka, “văn hóa khách du lịch" cũng từ đó mà xuất hiện, khi người dân bắt đầu chèo kéo để bán đồ lưu niệm, đồ ăn cho khách Tây. Dù bản thân là nạn nhân của tệ nạn này mỗi lần lên khu phố cổ, Preyanka vẫn thấy vui vì nhiều khách du lịch đến Việt Nam.
“Tôi không nên chỉ khư khư giữ lấy một "Việt Nam đơn giản" theo ý muốn của mình. Dù bị ảnh hưởng tiêu cực, tôi vẫn mừng vì khách du lịch đến đây, bởi điều đó giúp Việt Nam phát triển. Nhiều người nước ngoài nói rằng Việt Nam không nên có Mc Donald, không nên có xe ôtô. Tại sao không chứ? Người Việt có quyền có bất cứ thứ gì họ muốn”, cô tâm sự.
Sau cấm vận, Preyanka chứng kiến bước chuyển biến quan trọng sang “thời hiện đại” của Hà Nội. "Nhắm mắt lại, bạn có thể hình dung một Hà Nội không điện thoại di động không? Tôi thì có! Trước đó, thứ hay ho nhất người ta có là một chiếc máy nhắn tin. Và khi Internet về làng, chúng tôi đã không có ngay web, mà chỉ có mạng Netnam, nơi tôi thường tán gẫu bằng SysOp", Preyanka hồi tưởng. Cô vẫn nhớ khi khách sạn Hà Nội được xây dựng, cô nghĩ đó là tòa nhà chọc trời đầu tiên của thủ đô.
Hà Nội và tình yêu tuổi ô mai
Preyanka cùng mẹ và các anh trai tại Hà Nội, vào dịp Tết năm 2009. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ở tuổi ô mai, Preyanka cũng từng phải lòng những chàng trai Hà Nội. "Thiên nhiên là một phần quan trọng trong những buổi hò hẹn ở Việt Nam. Họ thường dẫn tôi đi bộ trong công viên, quanh hồ, vừa trò chuyện tâm sự", cô ngượng ngùng kể. Preyanka cho rằng các chàng trai Hà Nội có thể là những người lãng mạn nhất hành tinh, bởi khi yêu khi họ thường làm thơ, tặng hoa, thậm chí hát cho cô nghe. "Ở Mỹ, điều này được cho là hơi sến", Preyanka cười lớn.
Vì Việt Nam, cha mẹ Preyanka chia tay. Mẹ cô muốn ở Việt Nam trong khi bố cô muốn sống và làm việc tại Ấn Độ, vì đối với cả hai, công việc có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng dường như cô không buồn phiền nhiều, bởi bố mẹ cô vẫn là những người bạn tốt, luôn quan tâm đến nhau. Cô cũng không vì thế mà ghét đất nước này.
Những lần cô trải qua khủng hoảng vì nhớ Hà Nội, về rồi lại đi trong nỗi nhớ dày vò. Năm 2000 đánh dấu lần đầu xa "quê hương thứ nhất" của Preyanka, khi cô về Colorado học đại học.
"Tôi thấy Hà Nội ở khắp nơi. Tôi tưởng đã nhìn thấy một bó cúc vàng trong sảnh, nhưng hóa ra chỉ là một sinh viên ôm cuộn giấy màu tới lớp. Ký ức về những thứ tầm thường như gặm nhấm tôi: một bình hoa huệ trong tòa nhà Âu Lạc phố Trần Hưng Đạo; mùi hương, màu sơn vàng, màu gỗ tối, sức hấp dẫn của đêm Hà Nội không để tôi yên. Tôi bị cầm tù trong kỷ niệm, tay tôi bị còng trong những chiếc vòng bạc, món quà sinh nhật tôi không muốn tháo. Chính những con đường rợp bóng cây và tiếng Việt đã trở thành một phần máu thịt của tôi, lại giam cầm tôi, khiến tôi không thể bước tiếp, thậm chí không thể dỡ đồ khỏi vali", cô tâm sự.
Sau nhiều lần khủng hoảng, Preyanka giờ đã nguôi ngoai hơn, vì cô biết mình có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào, và cô luôn có những hộp ô mai trong nhà như một liều thuốc xoa dịu nỗi nhớ.
Trải qua cuộc tình không thành với hai chàng trai Hà Nội, Preyanka mới nhận ra mình còn có một người yêu nữa.
"...Liệu tôi có thể thoát được sức quyến rũ lấp lánh của Hà Nội - một người tình lý tưởng? Anh là một người hơi mọt sách, ám ảnh với lịch sử, nghệ thuật, văn học và ẩm thực", cô viết trên blog. "Anh tuy có tuổi, nhưng vẫn tràn đầy sức trẻ. Trên tất thảy, anh hiểu tôi hơn ai hết, và tôi cũng hiểu anh. Anh lộn xộn, khó đoán nhưng quá đỗi thân quen. Anh đã thay đổi, nhưng vẫn yêu tôi say đắm, vẫn đối xử như thể tôi là người duy nhất.
Và khi tiễn tôi đi, anh vẫn giữ một nụ cười thoáng buồn, như nói với tôi 'Em sẽ quay trở lại'".
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
- "Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn": Đi tìm con người tối ưu nhất của bạn
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt
(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
World Cleanup Day 2024 - Ngày hội Dọn rác tại Hà Nội
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 29/09/2024, gần 200 tình nguyện viên đã tham dự sự kiện “Ngày hội Dọn rác Thế giới - World Cleanup Day 2024” tại tuyến đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.