Cộng đồng » Cửa sổ tâm hồn
Ai chẳng có một miền quê để mà thương, mà nhớ
(22:48:07 PM 24/01/2014)Người ta thường nói, chỉ trẻ con mới thích Tết, và ai cũng lưu giữ trong trái tim một thời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm về ngày đầu năm xúng xính quần áo mới nhận tiền mừng tuổi. Lớn lên rồi, Tết trở thành chuỗi ngày lo toan, cơm áo gạo tiền, bộn bề những sắm sửa lễ nghi.
Nhưng không hiểu sao, ngay cả khi đã bước qua cái thời trẻ con hồn nhiên vô tư lự ấy, lòng tôi vẫn cứ háo hức chộn rộn mỗi khi thấy ngoài kia mùa xuân gõ cửa.
Đến nỗi, những ngày tháng Chạp, chôn chân giữa dòng người chật cứng, đủ thứ âm thanh kêu ca về tắc đường khói xe dội vào tai, tôi vẫn hít hà thấy lẩn quất đâu đó thứ hương vị đặc trưng ngày Tết, xao xuyến đến lạ thường.
Ảnh Cao Anh Tuấn
Ngày bé, thích Tết thì hiển nhiên rồi, tuổi thơ của đứa nhóc nào chẳng na ná nhau. Ký ức về ‘Tuổi thơ dữ dội’ của tôi vẫn nguyên vẹn, rõ ràng và đầy đủ lắm.
Từ cái thuở cả mấy ngày gần Tết không dám đi đâu, quanh ra quanh vào ngắm nghía bộ quần áo mới mong cho mau chóng đến sáng mùng 1 để mặc, đến khi biết soi gương, thấy má ửng hồng vì cậu bạn cùng lớp ngấp nghé đợi đầu ngõ, ngăn trái tim nào cũng chật cứng những kỷ niệm là kỷ niệm.
Bây giờ, túm năm tụm ba với mấy đứa bạn, câu chuyện nào mà bắt đầu bằng cụm từ ‘ngày bé tao thường hay’…là thể nào cũng từng ấy cái miệng tranh nhau kể về ti tỉ thứ hồi ức những ngày còn thơ.
Thôi thì từ lúc quăng cái cặp sách vào góc nhà, bắt đầu chuỗi ngày ‘ăn Tết’, đến khi mặt mũi méo xệch tiếc nuối vét nốt chút bánh kẹo còn sót lại nhét vào túi quần tiếp tục chinh chiến với sự nghiệp học hành, bao nhiêu cái Tết là bấy nhiêu điều để kể.
Tôi còn nhớ như in cái cảm giác đôi bàn tay bé xíu bấu chặt vào gấu áo mẹ cho khỏi lạc giữa phiên chợ quê ngày giáp Tết những người là người. Mua xong tất cả những lá dong, mộc nhĩ, đỗ xanh gạo nếp…bao giờ cũng đến phần hồi hộp nhất, ghé vào hàng quần áo cuối chợ.
Tôi cuống quýt mút 10 đầu ngón tay cho hết chiếc bánh rán mẹ mua, chùi vội bàn tay vào chiếc quần lơ lửng trên mắt cá chân để khỏi làm bẩn những bộ đồ tinh tươm treo đầy trên giá. Mẹ chẳng bao giờ hỏi tôi thích bộ quần áo nào, bởi cái thời cả năm mới được sắm sanh một lần ấy thì bộ nào chẳng thích. Chỉ cần sặc sỡ và hơi dài một tẹo còn mặc cả mấy năm cho khỏi phí là không để đâu hết niềm vui.
Về đến nhà là ríu rít cùng lũ trẻ con xem ông bà ngồi gói bánh chưng, xem bố mẹ tất bật đi ‘đụng’ thịt lợn với mấy nhà trong xóm. Cái không khí rộn ràng khắp cả ngõ xóm, người lớn nào gặp nhau cũng hỏi ‘ăn Tết có to không?’
Ảnh Internet
Thế rồi chiều 30 Tết, mẹ nấu một nồi nước lá mùi thật to, thơm lừng, đổ vào chiếc chậu lớn tắm cho cả mấy anh em. Ngày thường thì lười tắm, vì mùa đông ở quê lạnh lắm, gió cứ hun hút như cắt da cắt thịt, nhưng chiều 30 Tết thì lạnh đến mấy cũng nhất định phải tắm bằng thứ nước thơm tho ấy, ngày bé nghĩ thật đơn giản, phải tắm sạch Tết mặc quần áo mới đẹp.
Điều làm tôi nhớ nhất là buổi chiều ngày cuối cùng của năm cũ. Sau khi chuẩn bị xong tất cả mọi thứ, bánh chưng đã được vớt ra, sắp xếp gọn ghẽ trên bàn thờ Tổ tiên, mâm cỗ cúng ngày 30 cũng tươm tất, cành đào khoe sắc rực rỡ một góc nhà, bao giờ, bố mẹ cũng gom lá rụng đốt trong vườn chiều.
Thật lạ, cái mùi ngai ngái của đất, của đủ thứ lá rụng trong vườn ám ảnh tôi suốt cả thời thơ ấu. Vườn rộng, đủ thứ hoa trái bốn mùa, mỗi đợt gió ùa về kéo theo cả những chiếc lá rơi xuống phủ kín lối đi. Gom những lá ổi, lá chuối khô, lá nhãn, cỏ dại…rồi đốt cháy, tiếng lá cây bén lửa lách tách, mùi đặc trưng của từng loại lá bay lên trong khói chiều. Tôi nhớ như in, gương mặt bố mẹ sau lớp khói mờ, hằn những niềm thương…
Trưởng thành, cuộc sống lặp lại những chuỗi ngày lo toan như bố mẹ thuở nào, tôi mới biết vì sao người ta thường nói trẻ nhỏ mới thích Tết.
Cứ tưởng những tất bật hối hả của cơm áo gạo tiền cũng sẽ khiến tôi sợ hãi những cái Tết nhiều lo toan, nhưng thật lạ, cứ đến những ngày tháng Chạp, khi trên phố bắt đầu lác đác những đào, quất và đủ thứ lá gói bánh ngày Tết, là hoài niệm tuổi thơ và cái mùi ngai ngái ấy lại ùa về như nhắc tôi nhớ, nơi ấy, có bao người đang mong ngóng mình trở về.
Ai chẳng có một miền quê để mà thương, mà nhớ ai chẳng có những tháng năm xa xưa nằm gọn gàng trong ký ức. Càng trưởng thành, càng thấy thương đến thắt lòng dáng mẹ năm xưa cong người đạp xe trong buổi chiều no gió, mang về cho con bộ quần áo mới mà trên người chỉ mặc chiếc áo phong phanh. Lớn lên rồi mới khóc ướt cả giấc mơ khi ngày ấy bố đội mưa phùn lạnh buốt đi khắp các phiên chợ chọn mua một cành đào rẻ nhất, để con khỏi hỏi sao nhà người ta có mà nhà mình không có.
Đi qua những vui buồn năm tháng, càng khao khát được trở về dưới mái nhà ấm cúng, có ông bà, mẹ cha và bao nhiêu thương nhớ đong đầy. Những gương mặt hối hả ngoài kia, chẳng phải, cũng hằn rõ những háo hức sum vầy.
Tết này, tôi sẽ trở về nhà, ủ ấm bàn tay bằng thứ nước thơm của mẹ, hít hà căng lồng ngực mùi khói vương khắp vườn chiều của cha. Mong ngóng ấy, nhớ thương ấy gọi tôi trở về…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Tiễn biệt GS.TS Võ Tòng Xuân - Một con người của tình thương và công việc
- Dẫn lối cho người sống xanh
- "Đủ duyên ta lại tương phùng"
- Vầng trăng soi những phận người
- Nét riêng ngày Tết miền Trung
- Hãy "Gieo hạt mầm tử tế" và nuôi dưỡng "Những chồi non hi vọng"
- "Vượt qua dông bão" bạn sẽ nhìn thấy "Nắng ấm sau mưa"
- "Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng cho hàng triệu người
- "Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn": Đi tìm con người tối ưu nhất của bạn
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Vĩnh biệt nhà khoa học lớn của thương hiệu nông sản Việt
(Tin Môi Trường) - Giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học nông nghiệp vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những công trình nghiên cứu, những giải pháp thực tiễn mang tính đột phá, và đặc biệt là những đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống bền vững của hàng triệu nông dân.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Trại Cai Nhựa - Chữa lành hành tinh bắt đầu từ những hành động nhỏ
(Tin Môi Trường) - Nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với sức khỏe và môi trường, Choice khởi xướng dự án truyền thông "Trại Cai Nhựa" với khẩu hiệu "Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh". Trước thực tế đáng báo động về ô nhiễm nhựa, dự án hướng đến mục tiêu khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững.
Hoạt động làm sạch biển huyện đảo Phú Quý
(Tin Môi Trường) - Ngày 03/8/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Huyện Đoàn Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ra quân làm sạch rác thải nhựa tại bãi biển và trồng rừng phòng hộ tại khu vực ven biển Lạch Xanh, huyện đảo Phú Quý. Hoạt động với sự tham gia của gần 150 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang các đơn vị và người dân địa phương.