»

Thứ ba, 03/12/2024, 17:28:18 PM (GMT+7)

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

(11:56:37 AM 19/08/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị khu vực phía Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Mục tiêu đặt ra trong thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam là giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 đạt 8% (tự thực hiện) hoặc 25% (có sự hỗ trợ của quốc tế). 

 

Nỗ[-]lực[-]giảm[-]phát[-]thải[-]khí[-]nhà[-]kính[-]
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị -Ảnh: Monre
 
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Khu vực phía Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có xâm nhập mặn, ngập lũ, sạt lở, nước biển dâng. Hiện các tỉnh, thành phố trong khu vực đều đã lên kế hoạch thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng đã xây dựng và ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long để tìm những giải pháp hiệu quả phù hợp với từng địa phương. 
 
Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 10 thành phố bị đe dọa nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Hiện thành phố đang chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, thể hiện qua mùa mưa kéo dài, xảy ra bất thường, triều cường có nhiều thay đổi và tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân. Triều cường và mưa bất thường gây ngập tại một số vùng trũng trên địa bàn thành phố gần như xuyên suốt trong năm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 100 cm thì hơn 17% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập 80%, huyện Bình Chánh bị ngập 36%… 
 
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là thỏa thuận chung được đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2015 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hiệp quốc về chi phối các biện pháp giảm cacbon dioxide từ năm 2020. Mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là giảm phát thải khí nhà kính, giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C. Đến năm 2020, mỗi năm cung cấp 100 tỷ USD cho các nước chịu ảnh hưởng và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai. Thỏa thuận Paris hiện đã có 195 quốc gia phê chuẩn. 
 
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Tại Việt Nam, việc thực hiện Thỏa thuận Paris có những giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể và phù hợp với mức hỗ trợ của quốc tế. Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam có 5 nhóm nhiệm vụ, 68 dự án và 3 mức độ ưu tiên thực hiện gồm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách thực hiện. Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã phê duyệt và chuẩn bị về thể chế chính sách, nguồn lực để đến năm 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris thực hiện. Giai đoạn 2021 – 2030 tập trung thực hiện các nội dung trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định. 
 
Theo các chuyên gia lĩnh vực môi trường: Biến đổi khí hậu do khí nhà kính gây ra, trong đó 95% là do hoạt động của con người và 5% là do thiên nhiên, vì vậy giảm phát thải khí nhà kính sẽ giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là vấn đề của riêng địa phương, quốc gia hay khu vực mà là vấn đề mang tính toàn cầu. Giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính là tiến hành giảm điện năng, nhiên liệu sử dụng trong các tòa nhà, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng các dòng xe lai hybrid... 
 
Theo số liệu của Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 có mục tiêu đến năm 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 – 10% so với mức năm 2010. Trong đó, về biến đổi khí hậu, chương trình đặt ra mục tiêu xây dựng, nâng cấp 6 – 10 công trình hồ, đập điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng, xây dựng 6 - 8 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long, 2 - 3 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt tại khu vực ven biển, xây dựng 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn. 
 
Trong khi đó, chương trình tăng trưởng xanh thực hiện mục tiêu xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nội đồng khu tưới mẫu 100 ha, xây dựng mô hình tổ chức quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi trong sản xuất lúa theo hướng tăng trưởng xanh.
Nguyễn Xuân Dự -TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước

Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước

(Tin Môi Trường) - Ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - vừa ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

VACNE 30 năm
 Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 28/6/2023, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.6 - 9.7), riêng thủ đô Hà Nội và Cần Thơ ở ngưỡng cao (6.2 - 7.4).

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI