»

Thứ bảy, 23/11/2024, 03:38:48 AM (GMT+7)

VNR: Chưa thể đủ điều kiện để xem xét thông qua xây dựng dự án 6 & 6A

(08:48:01 AM 06/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Tin nhanh về môi trường Việt Nam giới thiệu tiếp phần 2 nội dung ý kiến nhận xét, phản biện của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) với báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thủy điện 6& 6A

>>Ý kiến nhận xét, phản biện đối với dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của VNR  

 

 Toàn bộ Vườn quốc gia Cát Tiên và các khu vực lân cận của tỉnh Đồng Nai hoàn toàn có các tiêu chuẩn là khu đất ngập nước theo định nghĩa của công ước Ramsar mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đặc biệt Bàu Sấu đã được công nhận là Khu Ramsar vào ngày 4/8/2005 và Theo Nghị định của Chính phủ số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về Bảo tồn và Phát triển các vùng đất ngập nước như khu Ramsar, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh.…Do vậy vùng này phải được bảo vệ, cấm khai thác. Việc hình thành hồ thuỷ điện ở đây sẽ ảnh hưởng đến đặc điểm thuỷ văn của khu vực Bàu Sấu. VQG Cát Tiên đã được chuyên gia của IUCN khảo sát thực địa và đang hoàn thành Hồ sơ trình UNESCO để công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới. Việc xây dựng TĐ ĐN6 và ĐN6A sẽ ảnh hưởng quá trình xem xét và công nhận này của UNESCO.

 

Rừng bị mất và hồ chứa hình thành chính là hoạt động làm gia tăng phát thải khí nhà kính và giảm sự hấp thu carbon trong không khí. Điều này góp phần làm trái đất nóng lên, gây hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

 

2.6. VRN NGHI NGẠI VỀ TÍNH TOÁN THỦY VĂN TRONG ĐTM 

 

 Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A là sự tiếp nối một chuỗi các bậc thang khai thác sông Đồng Nai theo kiểu chia cắt biến hệ thống sông thành các chuỗi hồ chứa, do vậy các yếu tố liên quan đến đặc điểm thuỷ văn của một hệ thống sông ngòi là sự liên kết (connectivity), sự biến động theo mùa (variablity) và sự trữ nước (water storage) theo quy luật của dòng sông bị phá vỡ. Tính dòng chảy tự nhiên của hệ thống sông sẽ trở thành sự chuyển nước nhân tạo bởi sự kiểm soát vận hành chủ quan của các chủ nhân các hồ chứa thuỷ điện theo nhu cầu bán điện theo thị trường của họ. Như vậy, chắc chắn việc tính toán thuỷ văn dựa vào chuỗi đo đạc mực nước và lưu lượng nhiều năm sẽ không còn đúng.

 

Sự phối hợp vận hành chuỗi các hồ chứa ở Việt Nam chưa bao giờ suôn sẻ và đến giờ này, chưa có một mô hình vận hành liên hồ hợp lý nào ở Việt Nam. Với mật độ dày đặc các hồ chứa nước như Hình 8, việc điều phối vận hành liên hồ nên theo sơ đồ nào?

 

Hình 8: Sơ đồ các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống sông Đồng Nai 

 

Theo báo cáo ĐTM: “Hiện nay, hầu hết các dự án thuỷ điện phía thượng lưu thuỷ điện Đồng Nai 6A (Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6) đều được tính toán thiết kế theo phân phối dòng chảy tại trạm thuỷ văn Tà Lài. Thuỷ điện Đồng Nai 6A là một dự án trong bậc thang thuỷ điện trên sông Đồng Nai, vận hành phụ thuộc chế độ vận hành của các dự án phía thượng lưu. Do đó mùa dòng chảy tại tuyến công trình thuỷ điện Đồng Nai 6A cũng sẽ được tính toán theo trạm thuỷ văn Tà Lài như hầu hết các dự án thuỷ điện khác trong bậc thang thuỷ điện trên sông Đồng Nai.”[1] 

 

 Có 2 vấn đề tạo nên sự nghi ngại về tính toán thuỷ văn: (1). Chuỗi số liệu lịch sử của Trạm Tà Lài không thể đại diện để sử dụng tính toán thuỷ văn cho dự án thủy điện dự kiến; và (2) Việc tính toán điều tiết, xả nước chưa xem xét đến sự vận hành liên hồ trong tương lai, chưa thực hiện bài toán tổ hợp các trường hợp vận hành khác nhau của chuỗi hồ chứa trong hệ thống cũng như các tác động domino khi có sự cố hư hỏng, động đất, vỡ đập do lũ vượt tần suất thiết kế, hoặc xét cả trường hợp bị chiến tranh – khủng bố vào mùa mưa lũ, … 

 

 Điều nghi ngại tiếp liên quan đến tính toán thuỷ văn là báo cáo ĐTM này chỉ trình bày lại các kết quả thông số thiết kế công trình của chủ dự án đưa ra và không có chứng minh là có các tính toán thủy lực – thủy văn và kết cấu để kiểm tra các tính toán này xác thực hay không? Báo cáo chưa có trình bày nguyên tắc và cơ chế bảo đảm dòng chảy môi trường cho hạ lưu. 

 

2.7. NGHI NGẠI VỀ TÍNH TOÁN LƯỢNG BÙN CÁT BỒI LẮNG LÒNG HỒ 

 

Báo cáo ĐTM tính lượng bùn cát bồi lắng trong lòng hồ, với lượng bồi lắng trong lòng hồ sau 100 năm là 5.738.918 m3, chiếm 26,69% dung tích chết của hồ. Với dung tích chết của hồ chứa 21,5x106 m3 thì tuổi thọ của hồ sẽ đạt trên 100 năm. Đồng thời khẳng định lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ không ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. 

 

Điều này khó chấp nhận vì không một nhà thiết kế hồ chứa nào tính toán lượng bồi lắng sau 100 năm là 5,7 triệu m3 mà lại chọn dung tích chết lớn gấp 4 lần thể tích bùn cát bồi lắng. Những con số này cần phải xem xét lại.   

 

 2.8. NGHI NGẠI VỀ VIỆC XEM XÉT TÁC ĐỘNG VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN 

 

Danh sách 17 thành viên của đoàn tư vấn ĐTM không có chuyên gia nào có chuyên môn về khoa học xã hội.

 

ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng.

 

Nhóm tư vấn ĐTM đã không phân tích và dự báo được dự án sẽ khiến cho bao nhiêu người mất nhà ở, mất việc làm, mất nguồn dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và an ninh lương thực của bao nhiêu người. Ảnh hưởng của dự án và các chương trình tái định cư bắt buộc đối với đời sống văn hóa của các cộng đồng sẽ như thế nào cũng không được ghi nhận trong báo cáo ĐTM. Báo cáo ĐTM cũng không xem xét đời sống của nhóm người  sống dựa vào tài nguyên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi có dự án thủy điện. Ví dụ như nhóm bà con ngư dân đánh bắt cá tôm ở sông Đồng Nai, nhóm người dân chuyên hái lượm các loài cây, con trong rừng, nhóm làm thuốc nam, nhóm sống nhờ vào nông nghiệp ở hạ lưu sông Đồng Nai… Chính vì sự yếu kém này của nhóm tư vấn ĐTM mà các biện pháp nhằm ngăn ngừa giảm thiểu trong ĐTM hoàn toàn không đầy đủ và không đảm bảo tính công bằng xã hội và họ đã kết luận sai lầm về tính khả thi của dự án. 

 

Ngoài ra các đánh giá về di tích và khảo cổ học khu vực lòng hồ cũng không được xem xét trong ĐTM. Khu vực gần dự án là vùng đất của Vương quốc Phù Nam xưa. Không gian quần thể văn hóa của người Mạ cổ xưa sống dọc sông Đồng Nai (trong đó có khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) đang trong quá trình hồ sơ để đệ trình UNESCO để được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới có nguy cơ bị từ chối khi dự án thuỷ điện ở vùng này làm xáo trộn và biến mất các di thể ở đây. 

 

2.9. NGHI NGẠI VỀ TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI SỰ CỐ

 

 ĐTM đã tính đến hàng loạt các sự cố và tai nạn có thể xảy ra trong quá trình chuẩn bị, thi công và vận hành dự án, đặc biệt các sự cố không những gây thiệt hại tài sản cho chủ đầu tư, an toàn lao động cho công nhân mà còn sẽ gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhiều người dân sống trong khu vực như vỡ đê quai thượng hạ lưu, sự cố cháy nổ trong thi công và cháy rừng, sự cố vỡ đập ĐN6A sẽ làm ngập trên 7 nghìn ha ở hạ du ở cả 3 tỉnh …Tuy nhiên trong ĐTM, chúng tôi không thấy có phương án khả thi được đưa ra khi thiệt hại và mất mát tài sản và tính mạng đã được tính là rất lớn.

 

ĐTM đã đưa ra hàng loạt tác động to lớn do dự án gây ra bao gồm suy thoái rừng , tiếng ồn, tác động lên động vật , nguy cơ xói mòn, hao hụt dinh dưỡng đất, khối lượng chất khoáng, suy giảm các hệ sinh thái, và nguồn tài nguyên thực vật, phát sinh bệnh tật, bệnh lan truyền và tệ nạn xã hội ... Rõ ràng sẽ không có biện pháp nào đủ mạnh và hiệu quả để bảo tồn lại hệ sinh thái của khu vực và bù đắp nổi các mất mát và thiệt hại do dự án gây ra. Tuy nhiên nhóm tư vấn ĐTM cũng đã đưa ra hàng loạt các biện pháp với mục đích tìm mọi cách để ủng hộ chủ đầu tư là công ty Đức Long, đơn vị đã bỏ tiền ra thuê nhóm tư vấn ĐTM.  Nếu xét về tiềm lực kinh tế và tính toán lợi nhuận của nhà đầu tư, thì chắc chắn nhà đầu tư cũng không đủ khả năng để chi trả cho các biện pháp mang tính xa vời ấy. Trong trường hợp này, nếu hồ thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A phải vận hành theo yêu cầu quản lý liên hồ thì lợi nhuận khai thác thuỷ điện bị chia sẻ và giảm sút. Khi đó kết quả tính toán tỷ suất hoàn vốn nội tại sẽ không còn đúng và việc chủ đầu tư có đủ khả năng hoàn vốn hay không lại là một câu hỏi lớn.

 

2.10. CÁC NỘI DUNG CẦN PHẢI BỔ SUNG, LÀM RÕ
 

2.10.1.  Cần có đánh giá tác động môi trường đường dây cao thế:

 

Đường dây cao thế chiếm dụng một diện tích nhất định rừng và đất các lọai và gây tác động đến sức khỏe đời sống người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

 

VRN đề nghị: cần có đánh giá tác động môi trường cho đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện của cả ĐN6 & 6A. 

 

2.10.2. Cần nghiên cứu kỹ về động đất và động đất kích thích

 

Phần đánh giá về động đất và động đất kích thích của  2 công trình chưa được nghiên cứu mà chỉ dựa trên tổng kết của thế giới về điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích. Điều này là không đúng. Bài học thủy điện sông Tranh 2 cho thấy động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án. Trong khi “cấu trúc địa chất vùng hồ chứa chịu ảnh hưởng của các đứt gãy cấp IV và V, bên cạnh đó công trình nằm gần (khoảng 5km) đứt gãy sinh chấn Củ Chi – Tuy Hòa. Với các số liệu hiện có, trong giai đoạn này công trình nằm trong vùng phát sinh động đất Imax = 7 (MSK – 64), có đỉnh gia tốc nền a = 0,0897g.” nhưng Báo cáo đưa ra kết luận  “Chiều cao cột nước hồ chứa tối đa trên 90m;  Dung tích hồ chứa vượt quá 1.109 m3. Đối chiếu những điều kiện này với thực tế thiết kế công trình cho thấy: Chiều cao cột nước thiết kế: Hmax= 47,18m nhỏ hơn chiều cao cột nước có thể dẫn đến động đất kích thích. Dung tích hồ chứa: 64,32.106 m3,  nhỏ hơn dung tích có thể xảy ra động đất kích thích.”  

 

VRN đề nghị báo cáo ĐTM cần phải có nghiên cứu chi tiết và kỹ lưỡng về vấn đề động đất và động đất kích thích cùng với các giải pháp cụ thể cho vấn đề này.  

 

2.10.3. Cần làm rõ phần tài liệu tham khảo
 

Phần tài liệu tham khảo viết rất sơ sài và thiếu cẩn trọng, không theo một quy tắc nào trong các báo cáo khoa học: nhiều trích dẫn trong báo cáo không có ở tài liệu tham khảo. Ở báo cáo ĐTM của ĐN 6A chỉ có 3 tài liệu, mà 2 tài liệu [1] và [3] lại giống hệt nhau, tài liệu số [2] không tìm thấy địa chỉ trích dẫn trong báo cáo. 

 

2. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ: 

 

Từ những phân tích và phát hiện nêu trên về những lỗ hổng của báo cáo ĐTM mới 2012 của 2 dự án thủy điện ĐN 6&6A, VRN khẳng định hai dự án này nếu được phê duyệt sẽ gây ra tác động, tổn thất lớn cho môi trường và sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội mà sẽ không có biện pháp nào có thể cứu chữa, hay đền bù lại được. Trong khi đó báo cáo ĐTM hiện tại còn nhiều lỗ hổng, vi phạm các quy định pháp luật hiện hành liên quan tới bảo vệ vườn quốc gia, đa dạng sinh học và chưa đưa ra các giải pháp giảm thiểu, khắc phục phù hợp, thỏa đáng và khả thi do vậy nó chưa thể đủ điều kiện để được xem xét thông qua để làm cơ sở tiến hành xây dựng dự án.

 

Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị các bên liên quan, đặc biệt là Hội đồng thẩm định ĐTM của 2 dự án này:

 

1) Quan tâm xem xét các ý kiến góp ý, phản biện nêu trên.

 

2) Chỉ thẩm định báo cáo ĐTM khi nó có thay đổi và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật đồng thời làm rõ những nghi ngại, vấn đề còn bỏ ngỏ và hoàn thiện các tính toán chính xác về tác động và giải pháp sửa chữa, khắc phục khả thi.

 

3) Quyết định liên quan tới việc thẩm định 2 dự án này cần được thông báo công khai rộng rãi với công chúng và các bên liên quan nhất là cộng đồng bị ảnh hưởng.



[1] Trang 103-104 (ĐN.6A)
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: VNR: Chưa thể đủ điều kiện để xem xét thông qua xây dựng dự án 6 & 6A

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Thị gần 400 năm, chu vi thân 2,9 mét, trong khuôn viên đền – chùa Thái, thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vừa được chính quyền và nhân dân xã Trấn Dương long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 22/9/2024.

Tin Môi Trường
 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 01/10/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Chương trình “Trái Đất xanh” do VTV1 thực hiện đã có buổi trao đổi của Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về chủ đề “Quản lý chất thải điện tử”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI