Thiếu sắt
Ở phụ nữ tiền mãn kinh, thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây rụng tóc. Phần lớn chất sắt tích trữ trong cơ thể sẽ tạo thành pheritin, protein hỗ trợ việc sản sinh tế bào tóc và chống rụng tóc. Theo tiến sĩ Rina Davison thuộc Bệnh viện Đại học Whipps Cross ở London (Anh), để giảm rụng tóc, phụ nữ có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, lòng đỏ trứng và các loại rau lá xanh.
Vitamin C hỗ trợ quá trình hấp thu sắt, thế nên phụ nữ có thể uống một ly nước cam khi ăn.
Hội chứng vách ngăn buồng trứng
Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây rụng tóc ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng này dẫn tới thừa testosterone, khiến cơ thể trở nên rậm lông, nhưng tóc thì rụng, kèm các triệu chứng như mụn trứng cá, tăng cân và trầm cảm.
Ăn kiêng “tốc hành”
Đã có bằng chứng cho thấy việc ép cân vội vã dẫn đến thiếu hụt năng lượng, nhất là tinh bột và đường glucose. Tình trạng này có thể gây rụng tóc. “Dù bổ sung bao nhiêu chất sắt đi chăng nữa mà thiếu năng lượng, tóc bạn cũng sẽ rụng”, tiến sĩ Hugh Rushton thuộc Đại học Portsmouth giải thích.
Quá “mũm mĩm” cũng có thể là nguyên nhân. Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc hội chứng trao đổi chất, tiền thân của bệnh tiểu đường dạng 2. Đó là khi mức insulin cao hơn bình thường. Theo chuyên gia Gaynor Bussell thuộc Hội Tiểu đường Anh, mức insulin cao có thể dẫn đến mức testosterone cao và làm tăng nguy cơ rụng tóc.
Bệnh về tuyến giáp và stress
Tuyến giáp hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu có thể làm tóc thưa dần. Bệnh tuyến giáp có thể tác động chu kỳ phát triển của tóc, khiến tóc rụng sớm. Điều tích cực là nếu vấn đề về tuyến giáp được giải quyết, tình trạng rụng tóc có thể chấm dứt.
Tình trạng căng thẳng tinh thần có thể làm tóc sớm bước vào giai đoạn nghỉ ngơi trước hạn, đồng nghĩa với việc tóc sẽ rụng. Stress kinh niên buộc hệ miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến việc nó có thể khiến các tế bào bạch cầu tấn công nang tóc, gây rụng tóc.