»

Thứ bảy, 18/01/2025, 06:43:03 AM (GMT+7)

Cây Dã hương chùa Tiên Lục và bài thuốc có Long não

(22:29:31 PM 18/12/2022)
(Tin Môi Trường) - Dã hương là cây Long não; tên khác là Mạy khảo khuông (Tày), Cà chăng điẳng (Dao); tên khoa học là Cinnamomum camphora (L.) Presl., họ Long não (Lauraceae).

Cây gỗ nói chung có tuổi đời hằng trăm năm được coi là cây ‘cổ thụ’ và có thể được vinh danh là ‘Cây Di sản Việt Nam’. Thế nhưng cây Dã hương (Long não) trong khuôn viên chùa Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang) lại có tuổi gần 800 năm. Cây này đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là ‘Cây Di sản Việt Nam’ năm 2014. Nó đã được bộ sách ‘Từ điển bách khoa Larousse’ của Pháp công nhận là cây Long não lớn nhất Việt Nam và xếp vị trí thứ hai trên thế giới sau một cây Long não ở Ấn Độ.

 
Nhìn từ xa đã thấy trong khu đất rộng vài ngàn mét vuông ở Tiên Lục có ngôi chùa cổ kính nép mình dưới bóng cây Dã hương đại thụ nhô cao vượt lên trên nền màu xanh của làng quê.
 
Cây[-]Dã[-]hương[-]chùa[-]Tiên[-]Lục[-]và[-]bài[-]thuốc[-]có[-]Long[-]não
Cây Dã hương cổ thụ trong khuôn viên chùa Tiên Lục.
 
Cây Dã hương cổ thụ gần 800 năm tuổi ở chùa Tiên Lục cao khoảng 40m, có đường kính thân là 2,59m, vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m, gốc cây to cỡ gần chục người ôm, lớp vỏ thân dày 10-15cm. Tán cây rộng phủ kín mái chùa Tiên Lục, tạo ra cảnh quan đặc sắc cho vùng quê giàu di tích văn hóa. Trong thần tích của thôn sở tại còn ghi rõ: dưới thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), khi Vua Lê đi qua vùng này, thấy cây Dã hương to đẹp đã ban sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương”.
 
Cây cổ thụ ở chùa Tiên Lục góp phần tạo nên vẻ u tịch, thâm nghiêm chốn thiền môn, đồng thời là hồn quê thiêng liêng, nét văn hóa đặc sắc của đình chùa Việt Nam. Việc bảo vệ cây cổ thụ, giữ gìn di sản không chỉ là trách nhiệm của đình chùa nơi có cây này, mà còn là của cả xã hội.
 
UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch cây Dã hương nghìn năm tuổi gắn với đình, chùa xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan chiêm bái.
 
Mô tả: Cây Long não (Dã hương) là cây gỗ, thường cao 10-15m, hoặc hơn, vỏ thân dày nứt nẻ. Lá mọc so le, phiến lá xanh bóng, dài 5-9cm, rộng 3,5-5cm, đầu lá có mũi nhọn ngắn, 3 gân chính toả từ gốc lá, góc giữa gân chính và 2 gân bên có 2 tuyến nhỏ, cuống lá dài. Cụm hoa là chùy ngắn ở nách lá, hoặc đầu cành, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng lục. Bao hoa có ống ngắn, gồm 6 thuỳ hẹp, có lông ở mặt trong; nhị 9; bầu hình trứng; mùi thơm nhẹ. Quả mọng hình cầu, đường kính 6-8mm, khi non màu xanh bóng, lúc chín màu tím đen. Vò lá có mùi thơm của Long não. Mùa hoa: tháng 4-6, quả: tháng 8-9.  
 
Cây[-]Dã[-]hương[-]chùa[-]Tiên[-]Lục[-]và[-]bài[-]thuốc[-]có[-]Long[-]não
Đặc điểm lá, hoa và quả của cây Long não (nguồn: Internet)
 
Phân bố: Cây Long não có nguồn gốc ở Nhật Bản, Trung Quốc; được trồng ở nhiều nước trong khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Việt Nam, có cây Long não mọc hoang ở vùng Lạng Sơn, nhưng thường được trồng làm cây bóng mát, cây cảnh, có nơi trồng thành rừng.
 
Thành phần hoá học: Toàn cây Long não chứa tinh dầu, có thành phần khác nhau tuỳ theo chủng hoá học, tuổi cây, nơi và thời gian thu mẫu. Hàm lượng tinh dầu thay đổi rất lớn: 0,1-2,6% trong lá, 0,6-6,6% trong gỗ, 1,6-6,4% trong rễ.  Các nhà khoa học Việt Nam đã xác định tinh dầu từ cây Long não ở Hà Nội có 24 hợp chất, trong đó chủ yếu là camphen, phellandren, 1-8 cineol, camphor, 4 terpineol, safrol, vv. Tinh dầu từ quả Long não có 49 hợp chất, thành phần chính là safrol; và từ lá có 17 hợp chất, thành phần chính là phellandren.
 
Công dụng: Theo Y học cổ truyền, chất Long não có vị cay, thơm, tính hơi ấm; vào 2 kinh tâm và tỳ; có tác dụng khu phong, trừ thấp, thông kinh lạc, chỉ thống tiêu thực, làm long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi.
 
Trên thế giới, các tài liệu cũng ghi nhận cây Long não được sử dụng để điều trị các bệnh tim, cảm lạnh, sốt và tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng và bệnh về đường hô hấp như viêm phổi.
 
Tây y dùng tinh thể Long não (camphor) pha cồn 10% để xoa bóp, điều trị đau nhức cơ bắp; có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, trị đau dây thần kinh, thấp khớp, viêm da mẩn ngứa, chân tay lạnh.
 
Bài thuốc có Long não:
 
-Chữa đầy bụng, nôn mửa, tiêu hoá kém: Rễ Long não 40g, thái nhỏ, sắc nước uống.
 
-Chữa cảm cúm, đau đầu, đau dạ dày, thấp khớp và chấn thương: cũng dùng bài thuốc trên.
 
-Chữa viêm đường tiêu hoá, trướng bụng, khó tiêu, đau dạ dày: Quả Long não 10-15g, sắc nước uống.
 
-Chữa hắc lào: Long lão đặc 12g, rễ Bạch hạc 10g, Chanh 1 quả. Rễ Bạch hạc giã nhỏ, trộn với nước chanh và Long não. Bôi hàng ngày.
 
-Chữa hôi nách: Gừng sống một miếng, giã nát, trộn với Long não đặc 0,4g, xoa vào nách, ngày vài lần.
 
-Đuổi muỗi: Lá và hạt Long não đốt lấy hơi xông.
TSKH. Trần Công Khánh - Hội BVTN&MT Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cây Dã hương chùa Tiên Lục và bài thuốc có Long não

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 "Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc

"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc

(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.

VACNE 30 năm
 Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?

Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?

(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI