»

Thứ hai, 25/11/2024, 02:28:38 AM (GMT+7)

Cây cần sen chữa ung thư?

(09:01:53 AM 24/12/2013)
(Tin Môi Trường) - Bệnh nhân ung thư... chỉ cần ký tên không khiếu nại khi uống cần sen là được bốc thuốc về uống. “Thầy” không bắt mạch, khám bệnh, không cho biết liệu trình uống bao lâu, chỉ dặn uống khi nào đến hết bệnh mới thôi. Đó là cách chữa bệnh kỳ lạ của hai “thầy lang” ngụ Q.12, TP.HCM.




Hốt thuốc vào kho không khác gì hốt rác



Phơi thuốc như rác

Sau nhiều ngày dò hỏi, chúng tôi tìm được nhà của hai “thầy” nằm trong con hẻm trên đường Lê Văn Khương, Q.12. Ngôi nhà vườn rộng thênh thang, ngay phía trước cổng có treo bảng: “Đặc trị ung thư (UT), tiểu đường, thấp khớp, viêm đa xương”. Vừa bước vào cổng, một phụ nữ da ngăm đen hỏi: “Bệnh nhân cũ hay lần đầu đến?”. Khách vừa trả lời dứt tiếng, chị gọi vọng vào trong kêu “thầy”: “Ông Tư ra bốc thuốc”. Lúc này, tại “phòng khám” có một số bệnh nhân khác đang chờ bốc thuốc.

Khắp sân nhà "thầy" phơi tràn lan một loại vỏ cây được cắt nhỏ. Chiều xuống, một số người dùng chổi, bàn cào để dồn thuốc đang phơi lại thành đống và đổ lên xe cút-kít kéo vào nhà. Bên cạnh phòng khám là “kho” thuốc như một xưởng gỗ. Biết chúng tôi đến vì có người nhà bị UT vú, ông Tư phát cho chúng tôi tờ giấy và yêu cầu ghi rõ tên, tuổi, tình trạng bệnh. Trong giấy yêu cầu có kèm dòng chữ: “Đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Trên tinh thần còn nước còn tát, chúng tôi xin tự nguyện dùng thuốc này, mong các anh giúp đỡ”.

Nhưng cuối đơn yêu cầu lại in: “Rạch Giá, ngày... tháng... năm” mà không phải TP.HCM. Sau đó, ông Tư đưa chúng tôi hai bịch thuốc mà theo ông là thân và vỏ cây cần sen. Ông dặn: “Một bao là 100g cây đã bào thành miếng và vỏ cây. Nước đầu tiên đổ bốn chén nước chung với thuốc. Nấu đến khi còn một chén. Nước thứ hai nấu ba chén đến khi còn tám phân. Uống lúc bụng đói vào buổi sáng và buổi chiều, trước khi ăn cơm 15 phút. Xác thuốc còn lại đổ nước vào nấu uống như nước trà trong ngày”.

Cũng theo ông Tư, để mau lành, người bệnh UT nên uống nước trà cần sen trong suốt thời gian trị bệnh. Khi chúng tôi hỏi uống bao nhiêu liều là xong và khi nào mới hết bệnh? Nhìn xuống hai bệnh nhân khác, ông ngước đầu quay lên chúng tôi nạt nộ: “Làm sao tôi biết được. Uống khi nào hết bệnh thì thôi”. Một bệnh nhân nữ trách móc: “Thuốc miễn phí mà, uống đi có sao đâu!”. Theo ông Tư, cây cần sen có tác dụng với nhiều loại UT. Nếu bệnh nhân đã lấy thuốc mà tự ý ngưng thuốc trong 30 ngày thì sẽ không được cấp thuốc nữa. Bệnh nhân lấy thuốc lần đầu tiên sẽ được nhận thuốc thang, còn về sau sẽ nhận thuốc viên được xay nhuyễn từ cây cần sen.

Nhiều lần sau đó, chúng tôi quay trở lại thì nhận một bịch thuốc viên. Trên nhãn thuốc có ghi: “Chủ trị bệnh UT, ung nhọt, u xơ, tê thấp, nhức mỏi, thần kinh tọa... Ngày uống ba lần, mỗi lần 40 viên”. Cùng bốc thuốc với ông Tư, ở “phòng khám” này còn có ông Út. Chị Hoa - một bệnh nhân bị đau xương khớp đi cùng với chúng tôi cũng được “thầy” Út cho một bịch thuốc viên. Dù là bịch thuốc trị bệnh gì cũng có dòng chữ khuyến cáo: “Nếu là bệnh UT phải cữ đạm động vật...”.

Cả ông Út, ông Tư đều không phải lương y. Hai người này nghe cây cần sen là loại cây rừng, rất hữu dụng, có nhiều ở tỉnh Tây Ninh nên đứng ra phát thuốc cho người bệnh. Khi chúng tôi muốn mua cây cần sen về trồng thì người nhà ông Út báo giá “50.000đ/cây con”. Chúng tôi chọn một cây cứng cáp hơn, vợ ông Út đòi 100.000đ. Khi chúng tôi nói, có người nhà bị viêm gan, vợ ông Út liền “hướng dẫn sử dụng” và bán cho chúng tôi cây chó đẻ, giá 50.000đ/kg, cây móp gai, 60.000đ/kg.
 



Ông Tư đang đọc giấy khám bệnh của bệnh nhân


Nhiều ngộ nhận khi chữa ung thư

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, bà V.T.H. (66 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk) bị UT vú băn khoăn: “Nghe thuốc miễn phí nên mừng lắm, nhờ đứa cháu đang học ở Sài Gòn ghé đến xin thuốc. Khi uống đến ngày thứ ba thì tôi bị bủn rủn tay chân, nôn ói". Người nhà bệnh nhân D.T.T.T. bị UT phổi đã tử vong cũng cho biết, sau khi uống thuốc này thì liền bị nôn ói, đau bụng dữ dội.

PGS-TS Nguyễn Thị Bay, Trưởng Bộ môn Bệnh học, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về cây cần sen. Đại học Y Dược TP.HCM cũng mới nghiên cứu được hoạt chất chủ yếu có trong loại cây này gồm: flavonoid, coumarin, tanin, saponin. Trong các chất này thì flavonoid là chủ lực có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, kháng khuẩn. Tuy nhiên, việc điều trị UT hay bất cứ bệnh mạn tính nào đều không hề đơn giản. Khi đã bị UT, người bệnh nên sử dụng đa trị liệu từ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Việc sử dụng thuốc Đông y chỉ nhằm hỗ trợ, tăng sức đề kháng hoặc loại trừ những tác dụng phụ của liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị UT. Mỗi bệnh đều có thời gian vàng, người bệnh phải cân nhắc, tỉnh táo để cứu bản thân.

TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, khuyến cáo: nhiều bệnh nhân UT ngộ nhận khi cho rằng các bài thuốc Đông y chữa được UT. Thực tế có không ít bệnh nhân (UT vùng đầu cổ, UT vú, UT phổi...) vừa kết thúc liệu trình điều trị hóa chất, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích... thấy cục hạch, bướu còn hiện diện trên cơ thể, chỉ nhỏ lại mà chưa mất đi hoàn toàn. Đến khi họ đến với các bài thuốc Đông y thì một - hai tháng sau, khối bướu, hạch này lại mất đi và nghĩ nhờ thuốc Đông y. Trong khi tác dụng của liệu pháp hóa trị, xạ trị sẽ được kéo dài thêm ba-sáu tháng để tiếp tục “đánh” vào các tế bào UT sau khi người bệnh đã hết điều trị.



Đơn cam kết không kiện tụng khi uống cần sen



Một số bệnh như: UT vú, đại trực tràng, tử cung nếu điều trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao, nhưng bước sang giai đoạn muộn thì khả năng sống rất thấp. Ví dụ, đến 80-90% bệnh nhân UT vú sống trên 5 năm nếu phát hiện sớm. Ngược lại, khi chuyển sang giai đoạn trễ thì khả năng sống trên 5 năm chỉ khoảng 20%. Đặc biệt, một số loại bệnh UT nếu chần chừ điều trị thì khả năng chuyển sang giai đoạn trễ, tử vong cao. Cụ thể là UT xương, hốc mắt hay UT máu.

Theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, các bài thuốc Đông y chữa bệnh UT hiện vẫn chưa có chứng cứ thuyết phục. “Với bệnh nhân UT, chúng tôi khuyên nên điều trị theo Tây y, còn các bài thuốc Đông y chúng tôi không khuyến khích. Tuy nhiên, nếu đã điều trị Tây y rồi thì người bệnh có thể sử dụng kết hợp Đông y để sớm hỗ trợ sức khỏe, nhưng phải là những bài thuốc y học cổ truyền Việt Nam chính thống. Người bệnh cần đến các bệnh viện y học dân tộc để được tư vấn”. BS Quốc Thịnh nói.

BS Hà Văn Sắc, Trưởng phòng y tế Q.12 khẳng định: “Cơ sở của ông Út chưa được cấp phép hoạt động. Phòng y tế Q.12 không biết cơ sở khám chữa bệnh bằng cây cần sen của ông Út và ông Tư đang hoạt động. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời”.

BS Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: cơ sở khám chữa bệnh, phát thuốc mang tính từ thiện cũng phải đăng ký hoạt động, giấy phép hành nghề do Sở Y tế cấp; người hành nghề phải có bằng cấp chuyên môn bác sĩ, lương y.

(Theo PNO)
Từ khóa liên quan: Cây cần sen, chữa, ung thư
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cây cần sen chữa ung thư?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 "Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc

"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc

(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.

VACNE 30 năm
 Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?

Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?

(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI