Sống khỏe » Bệnh và thuốc
Xét nghiệm, kê đơn: “Chùm khế ngọt”!
(11:04:01 AM 11/08/2013)
Đau bụng, viêm họng cũng chụp cộng hưởng từ!
Chị Phạm Thanh Xuân (ở Quảng Ninh) cho biết vì đau bụng, chị đến BV khám thì bác sĩ (BS) chỉ hỏi sơ qua rồi chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm đen trắng, xét nghiệm nhóm máu. “Sau hơn 3 giờ có kết quả, bác sĩ xem xong rồi tiếp tục chỉ định tôi đi siêu âm màu và chụp cắt lớp vi tính (CT) với lý do chưa tìm ra bệnh. Đến gần cuối chiều cùng ngày có kết quả, bác sĩ kết luận tôi bị sỏi thận nhẹ, chưa cần phẫu thuật” - chị Xuân ngao ngán.
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân khi tới BV khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, siêu âm, X-quang, thậm chí chụp MRI (cộng hưởng từ) với chi phí vài triệu đồng. Trong đó, có những công đoạn chẩn đoán, xét nghiệm nhiều khi chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh. Không ít người chỉ bị viêm mũi họng thông thường, chỉ cần chụp X-quang là đủ nhưng nhiều BS vẫn “mạnh tay” chỉ định chụp CT xoang, thậm chí còn làm những xét nghiệm chẳng liên quan như siêu âm hay điện tim.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, sau khi nhiều địa phương áp dụng giá viện phí mới, cơ quan bảo hiểm đã tiến hành kiểm tra 7 tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình…) và phát hiện có hiện tượng chi phí xét nghiệm tăng cao bất thường.
“Có nhiều nơi tổng chi phí xét nghiệm trước đó chỉ chiếm 20%-25%, nay tăng lên 30%-40%. Đơn cử như tại Đồng Nai, có những cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật MRI phổ biến như chụp X-quang thông thường. Nhiều bệnh nhân đau bụng, viêm họng cũng được chỉ định chụp MRI. Trong khi đó, chi phí bảo hiểm thanh toán cho kỹ thuật này là hơn 2 triệu đồng/lần, bệnh nhân phải cùng chi trả 5%-20% nếu khám, chữa bệnh đúng tuyến” - ông Sơn băn khoăn.
Tại một số địa phương, dù chi phí xét nghiệm không tăng bất thường nhưng lại phát hiện tình trạng BS “phê” theo kiểu “quen tay”. Có BV kiểm tra hàng chục hồ sơ đều thấy bệnh nhân nào xét nghiệm nước tiểu cũng được chỉ định phân tích độ cặn, trong khi chỉ số cặn nước tiểu chỉ nên thực hiện ở những trường hợp có bệnh lý hoặc nghi ngờ, như bị thận tiết niệu, rối loạn nội tiết…
Đủ kiểu lạm dụng
Xét nghiệm khống, vô tư kê thuốc hỗ trợ điều trị hay kéo dài ngày điều trị... là những chiêu trò không chỉ “móc túi” bệnh nhân mà còn rút ruột Quỹ BHYT |
Báo cáo của cơ quan bảo hiểm công bố những năm trước cho thấy đã thu hồi hàng chục tỉ đồng từ khoản lạm dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật thanh toán BHYT. Có BV tỉnh chi phí cho chẩn đoán hình ảnh chiếm tới 40% tổng số tiền thanh toán BHYT. Thậm chí có nơi, bệnh nhân bị tai nạn đưa vào là chỉ định chụp CT não ngay (khoảng 600.000 đồng/lần) mà không căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đưa ra những con số giật mình về tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán. Nhiều BV chỉ định thực hiện xét nghiệm hàng loạt (xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm, điện tim) cho tất cả bệnh nhân BHYT, không phân biệt bệnh lý. Những BV có máy móc từ nguồn xã hội hóa thì chỉ định hàng loạt dịch vụ chi phí cao như siêu âm màu, CT scanner, dẫn đến tình trạng ở một số nơi, đến 50% bệnh nhân được chỉ định siêu âm hoặc cứ có tai nạn là chụp CT, không cần dấu hiệu lâm sàng!
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, kết quả kiểm tra hoạt động cận lâm sàng trong năm 2012 cho thấy các BV thực hiện trên 170 triệu xét nghiệm sinh hóa (tăng 20% so với năm 2011, trong đó khu vực ngoại trú tăng gần 22%), 116 triệu lượt xét nghiệm huyết học (tăng 13%), 18,7 triệu xét nghiệm vi sinh (tăng 10%). Ông Khuê cho biết số lượng chẩn đoán hình ảnh tại các BV cũng tăng mạnh. Trong đó, số CT-Scan và MRI được thực hiện khoảng 1,8 triệu lượt/năm (tăng 17,3% so với 2011).
Lý giải cho “căn bệnh” lạm dụng xét nhiệm, một số chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân là do Bộ Y tế chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp dù đã quy định lạm dụng dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Do vậy, việc phân định giữa lạm dụng và không lạm dụng còn khó khăn.
Đại diện Bộ Y tế không ít lần đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng nhiều BV lạm dụng chỉ định lại xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, không công nhận kết quả lẫn nhau, gây không ít phiền hà, tốn kém cho bệnh nhân là phổ biến. Đặc biệt, khi các máy móc, thiết bị xét nghiệm ngày càng phong phú ở cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân thì tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu ngày càng phổ biến.
Theo nhiều BS, sự thiếu đồng nhất trong xét nghiệm đã gây không ít phiền hà về công sức, tiền bạc của bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều BS cũng cho rằng việc họ chỉ định xét nghiệm là có lý do.
“Nhiều trang, thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở tuyến cơ sở chưa đồng bộ nên khó đảm bảo độ chính xác. Chưa kể, ở nhiều cơ sở y tế, do trình độ của nhân viên hóa sinh, xét nghiệm còn hạn chế nên việc đọc kết quả xét nghiệm, chiếu chụp khiến những người có chuyên môn cũng phải hú vía vì sai lệch quá lớn. Rất nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới đã làm hết các xét nghiệm và chẩn đoán xác định bệnh, rồi tiên lượng bệnh quá khả năng điều trị nhưng khi chuyển lên tuyến trên, BV lại bắt phải làm lại xét nghiệm một lần nữa. Vì thói quen và tâm lý “chắc ăn” của BS nên hậu quả cuối cùng bệnh nhân phải gánh chịu” - một BS giải thích.
Kê đến 10-20 loại thuốc
Kiểm tra các địa phương sau khi thực hiện viện phí mới, cơ quan chức năng cũng phát hiện tình trạng lạm dụng kê đơn các thuốc hỗ trợ điều trị một cách vô tội vạ.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh, trong những tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh đã xuất toán hơn 80/200 triệu đồng tiền thuốc hỗ trợ điều trị của một BV tuyến huyện. “Số tiền chi cho thuốc hỗ trợ điều trị dưới 4% là ngưỡng bình thường nhưng tại BV này, mức chi chiếm tới 9%. Sau khi BV không giải trình được, chúng tôi đã từ chối thanh toán” - ông Chương cho biết.
Một kết quả khảo sát do Bộ Y tế thực hiện tại một số BV lớn cho thấy số thuốc được kê trung bình là 7,06 loại/đơn, thậm chí lên tới 10-20 loại. Đáng nói là thuốc kháng sinh đang được sử dụng ở rất nhiều đơn. Có khoa, thuốc kháng sinh được sử dụng với 100% bệnh nhân.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm để trục lợi quỹ BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu mỗi BV đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị, đơn vị giám sát của BHYT. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra những năm gần đây đã phát hiện những chiêu trò tinh vi nhằm bòn rút quỹ BHYT.
Theo ông Phạm Lương Sơn, lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thuốc điều trị gần đây đã có giảm nhưng lại tinh vi hơn và mang tính trục lợi nhiều hơn. “Không chỉ chỉ định bất hợp lý, chỉ định quá mức nữa mà là kê khống thuốc, làm phiếu xét nghiệm khống. Hậu quả, hàng trăm bệnh nhân phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để có tiền chi trả cho những dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm dù không cần thiết và mất thời gian để chờ đợi hàng chục kết quả có chung một đáp án” - ông Sơn lo ngại.
Máy móc không thể thay thế thầy thuốc
GS-TS Đỗ Kim Sơn - nguyên giám đốc BV Việt Đức, Hà Nội - cho biết trước đây, do khó khăn về điều kiện, trang thiết bị nên bệnh nhân chỉ được xét nghiệm thông thường và chụp X-quang. Chính vì thế, BS luôn phải quan sát, theo dõi, hỏi han thật kỹ mới có thể chẩn đoán bệnh. Ngày nay, vì có nhiều phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng nên phần thăm khám cũng đỡ hơn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, máy móc, thiết bị không thể thay thế kinh nghiệm của người thầy thuốc. “Có thể chỉ nhận vài lời động viên, thăm hỏi tận tình của BS thì bệnh đã giảm đi mấy phần nhưng dường như sự tận tụy với bệnh nhân đang mất dần. Thầy thuốc không phải là người kê đơn đắt tiền mà là người ghi đơn thuốc phù hợp với bệnh và khả năng của bệnh nhân” - ông nhấn mạnh. K.Anh |
Kéo dài ngày điều trị để tận thu
Kiểm tra việc thanh toán BHYT theo chính sách viện phí mới, BHXH Việt Nam cũng phát hiện nhiều địa phương có số ngày giường điều trị tăng lên bất thường. Theo đại diện BHXH Việt Nam, so với giá dịch vụ cũ, tiền ngày giường tăng gấp nhiều lần. Trước đây chỉ 18.000 đồng nay tăng lên 70.000/người/ngày giường điều trị, thậm chí ở những khoa đặc biệt lên tới 150.000 đồng. Đây là lý do dẫn tới việc kéo dài điều trị để thanh toán tiền giường ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiều BV cho bệnh nhân ra viện từ chiều thứ sáu nhưng lập phiếu ra viện vào thứ hai tuần sau! D.Thu |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thông nước: Cây Di sản làm thuốc
- Cây Hếp (Bão táp) - cây làm thuốc ở Trường Sa
- Tác dụng chống ung thư bất ngờ của chuối
- Tác dụng chữa nhiều bệnh bất ngờ của quả sung
- AstraZeneca thừa nhận vắc xin có thể gây cục máu đông, hàng triệu người Việt đã tiêm có đáng lo?
- Ăn ổi, xoài, dưa hấu sau khi nhậu: Tác hại bất ngờ
- Nguy hiểm khi chế biến nước uống làm thuốc từ rễ cây rừng
- Loại trái cây trồng khắp Việt Nam "chống được ung thư ruột"
- Loài cây mọc hoang ở Việt Nam trị axit uric cực tốt
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn?
(Tin Môi Trường) - Chế độ ăn tốt giúp sống lâu và khỏe mạnh là chế độ ăn bao gồm nhiều trái cây, các loại hạt và các loại đậu, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc
(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.
Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?
(Tin Môi Trường) - Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai 2 kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.