|
|
| |
Ăn uống, dưỡng sinh
Theo lương y Quốc Trung, mục đích của việc điều dưỡng cơ thể, phòng trị bệnh là giúp cho cơ thể, tinh thần phù hợp với tính chất của tự nhiên, phù hợp với sự thay đổi của thời tiết. Phương pháp cơ bản điều dưỡng cũng chính là tận dụng hết khả năng thích ứng với mọi thay đổi của thời tiết, sáng ngủ dậy nên xoa lòng bàn tay, bàn chân; cần giữ ấm cơ thể - nhất là những người hay ra ngoài khi còn sớm; hằng ngày nên mở cửa sổ vào buổi trưa để không khí lưu thông. Ngoài ra, mùa đông nên dùng thiên về các món, thực phẩm có tính ấm, cay (gừng, hành, ớt, hẹ, lá lốt...); dùng khi món ăn còn nóng ấm. Hạn chế các món béo, lạnh, hay còn sống.
Người nhiễm phong hàn thường có các triệu chứng như: nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, phát nhiệt (sốt), sợ lạnh, khớp tay chân đau mỏi, cơ thể khó chịu. Để phòng và trị, theo lương y Quốc Trung, cần dùng các món ăn có vị tân (cay), tính ôn, sơ phong tán hàn như sau:
- Hành củ 30g, gạo tẻ 60g, gia vị. Đem nấu cháo, dùng lúc còn nóng ấm.
- Hành củ 15g, chao đậu 30g, đường đỏ 15g. Bỏ chao vào nước sôi luộc 15 phút, cho hành và đường đỏ vào, gạn lấy nước, uống nóng.
- Gừng tươi 15g, hoắc hương tươi 50g, đường đỏ 15g. Rửa sạch hoắc hương thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng, rồi cho vào nồi nước sôi luộc 3-5 phút, gạn lấy nước uống nóng.
- Ma hoàng 6g, hạnh nhân 10g, đường trắng 15g. Rửa sạch ma hoàng, hạnh nhân bỏ vỏ bỏ tim, cho vào nước sôi luộc 15-20 phút, lọc lấy nước, cho đường vào khuấy đều, uống nóng.
- Quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường trắng 15g. Rửa sạch các loại, cho vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, nấu với lửa lớn đến sôi, nấu tiếp 10-15 phút nữa. Lọc lấy nước cho đường vào khuấy đều uống nóng.
- Gừng tươi 20g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 15g. Rửa sạch gừng tươi, thái thành dạng hạt nhỏ. Gạo vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu với lửa lớn, đến khi gạo chín thì cho gừng vào, nấu tiếp cho cháo nhừ thì cho đường vào khuấy đều, dùng nóng.