An toàn thực phẩm: Vấn đề đáng báo động
(15:04:18 PM 28/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà rất nhiều giấy mực và nhiều buổi hội thảo đã có nhiều cảnh báo, nhiều lời hứa của các cơ quan có thẩm quyền song đến nay vẫn tồn tại tình trạng ngộ độc thực phẩm hay tình trạng hàng hóa, sản phẩm sản xuất lưu thông trên thị trường không đúng tiêu chuẩn ngày càng nghiêm trọng.
>>GS. TS. Nguyễn Lân Dũng bàn về câu chuyện thực phẩm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia TPHCM ký ủng hộ Dự án “Không chất độc hại trong thực phẩm” do Tin môi trường phát động
Nói đến tiêu chuẩn thì có nhiều hệ thống tiêu chuẩn, Tiêu chuẩn quốc tế (viết tắt là ISO) là tiêu chuẩn do một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố; Tiêu chuẩn khu vực là tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn khu vực hoặc tổ chức khu vực có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố; và Tiêu chuẩn quốc gia (viết tắt là TCVN) là tiêu chuẩn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố theo trình tự, thủ tục quy định. Lĩnh vực tiêu chuẩn quốc gia được xác định theo khung phân loại tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa.
Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong hệ thống những tiêu chuẩn được quy định để áp dụng riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm thì “Tiêu chuẩn vệ sinh là các mức giới hạn hoặc quy định cho phép tối đa các yếu tố hoá học, vật lý và vi sinh vật được phép có trong sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định và an toàn cho người sử dụng”. Hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm như TCVN ISO 22000:2007._ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm; TCVN ISO/TS 22003:2008._ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Yêu cầu đối với các tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; QCVN 02-01:2009/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật về cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản. Điều kiện chung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; QCVN 02-03:2009/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến thuỷ sản ăn liền. Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;… Đây là những cơ sở, tiêu chuẩn để nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm đúng với tiêu chuẩn để có những sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Liên quan đến vấn đề về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật An toàn thực phẩm quy định nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm là phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố. Các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm trách nhiệm phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất, có quyền quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp. Trong trường hợp phát hiện thực phẩm không an toàn hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ kịp thời ngưng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ quy định về việc ghi nhãn hàng hóa cũng bắt buộc nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, đồ uống phải có thông tin, cảnh bảo vệ sinh, an toàn. Và tại Điều 12 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng phải ghi cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và biện pháp phòng ngừa. Đơn cử như sản phẩm nước uống đóng chai mà hầu như là sản phẩm được sử dụng phổ biến do tính tiện dụng của sản phẩm này hiện nay, Nước uống đóng chai cũng là một trong những sản phẩm cần phải đảm bảo về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo QCVN 6-1:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 34/2010/TT-BYT ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế, và căn cứ những quy định của pháp luật có liên quan đến nhãn hàng hóa thì trên nhãn hàng phải ghi quy chuẩn áp dụng, tuy nhiên nhiều sản phẩm nước uống đóng chai trên thị trường vẫn chưa tuân thủ quy định này, hoặc có ghi quy chuẩn nhưng không đảm bảo đúng quy chuẩn đó.
Đối với cơ quan chức năng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra có những nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện tương ứng có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT thì Việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm là thủ tục áp dụng đối với các sản phẩm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc lá điếu, nguyên liệu thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam; sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm… (trừ những sản phẩm có chất lượng không ổn định, sản phẩm bao gói đơn giản để sử dụng trong ngày và các sản phẩm sản xuất theo thời vụ, theo đơn đặt hàng ngắn hạn có thời hạn sử dụng dưới 10 ngày trong điều kiện môi trường bình thường, không bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm). Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm nghiệm định kỳ và đôn đốc kiểm nghiệm định kỳ về chất lượng đối với sản phẩm, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà chế độ kiểm tra định kỳ có thể thực hiện 04 lần/năm, 02 lần/năm, 01 lần/năm hoặc 01 lần/ 03 năm. Đối với các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra theo quy định tại Điều 15 (vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm) của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như hoặc Điều 244 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Như quy định trên có thể thấy vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà nước rất coi trọng từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, từ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đều có trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng sản phẩm đúng với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế thì như chúng ta vẫn thấy là tình trạng ngộ độc thực phẩm, sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố, chai lọ không thể hiện thông tin về tiêu chuẩn trên nhãn hàng,… còn tồn tại rất nhiều, có thể nói là ở mức báo động. Điều đó đánh động rằng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần lưu ý hơn đến việc đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần phải rà soát và thực hiện việc kiểm nghiệm sát sao để tránh tình trạng để lọt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra chuyên ngành cũng cần tổ chức thanh tra thường xuyên hoạt động này để có cơ sở đôn đốc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa và kịp thời xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chế tài của pháp luật hiện hành đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá thấp, nếu so với mức độ thiệt hại mà hành vi đó gây ra cho người tiêu dùng hay lợi nhuận mà nó đem lại cho cá nhân, tổ chức vi phạm thì quả thật là không đáng kể nên nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm. Do đó, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với những đơn vị vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng kết hợp với kiểm nghiệm và thanh tra thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.
LS Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Ý kiến bạn đọc về: An toàn thực phẩm: Vấn đề đáng báo động
-
kemkem (15:45:58 PM 28/12/2011)cần ủng hộ tích cức hơn cho dự án
Cần nhiều các cấp chính quyền và người dân ủng hộ dự án hơn nữa. Mới tạo dc tiếng nói mạnh mẽ phản ánh tới những người cung cấp, nhà sản xuất các thực phẩm có hại thực phẩm ko an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng cũng như cộng đồng xã hội.
thanks!!
-
Ngọc Thúy (15:50:31 PM 28/12/2011)Cần xử lý nghiêm
Quy định rõ rang vậy rồi thì cứ căn cứ vào đó mà xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm thôi. Tôi kiến nghi nâng cao mức phạt
-
Minh Trí (08:48:21 AM 29/12/2011)Xử lý hình sự
Mong Luật sư viết rõ thêm về việc xử lý hình sự. Thời gian qua đã có bất kỳ ai bị xử lý hình sự chưa?
Gửi ý kiến bạn đọc về: An toàn thực phẩm: Vấn đề đáng báo động
Bạn cũng có thể quan tâm: