»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:43:13 PM (GMT+7)

Phát hiện vụ phá rừng lớn nhất Hà Tĩnh

(10:18:14 AM 05/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Những cánh rừng đầu nguồn biên giới Việt – Lào (địa phận Hà Tĩnh) đã bị lâm tặc chặt hạ không thương tiếc trong hơn 1 năm qua, hàng trăm m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 6 đã được các lực lượng chức năng phát hiện. Có thể nói, đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay được phát hiện.
Đại ngàn biên giới “chảy máu”
 
Nhận được thông tin hàng trăm m3 gỗ vô chủ được phát hiện tại điểm nóng Sơn Hồng (huyện Hương Sơn), nhóm phóng viên chúng tôi có cuộc ngược ngàn, tìm về khu vực vành đai biên giới để tìm hiểu.
 
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt tại khu vực rừng khe Sinh, thuộc quản lý trực tiếp của Ban xây dựng bảo vệ rừng Hồng Lĩnh (Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn).

 

Hàng chục khối gỗ được thu giữ tập kết tại Trạm kiểm soát biên phòng Đá Gân.

 

 
Trên con đường nối thẳng qua nước bạn Lào xuất hiện nhiều gốc cây nhiều năm tuổi trơ trọi, đã được chặt hạ từ lúc nào. Cạnh đó là những dấu vết vận chuyển gỗ của lâm tặc vẫn còn mới, những khúc gỗ lớn chưa kịp vận chuyển đang được ngụy trang bên đường.
 
Đi sâu vào các cánh rừng tại các tiểu khu 2, 12, sát ngay mốc km số 0 (bên kia là nước bạn Lào), cánh phóng viên không thể tin tưởng vào mắt mình, rất nhiều phiến gỗ người ôm không xuể được lâm tặc cất dấu khắp nơi trong rừng.
 
Theo một người dân ở đây cho biết, những phiến gỗ bị chặt hạ chủ yếu là gỗ Táu (nhóm 2) và các loại gỗ nhóm 4, 5 và 6.
Trong các cánh rừng, xuất hiện chi chít những “đường máu”, những con đường đã được lâm tặc làm sẵn từ lâu để vận chuyển gỗ. Hai bên những tuyến đường xương cá này, hàng chục phiến gỗ đã được cưa vuông thành sắc cạnh được nguỵ trang, chờ ngày vận chuyển về.
 
Khu vực phát hiện gần 200m3 gỗ nằm tại các tiểu khu 2, 12, 21, 22, thuộc khu vực khe Sinh, nằm ngay cạnh khu vực giáp ranh Việt – Lào.

 

 
Dù không thể đi sâu đến được tận các “sào huyệt” của lâm tặc nhưng khi chứng kiến những thân gỗ có đường vanh khoảng vài ba mét bị đốn hạ ngổn ngang; những phiến gỗ vuông rộng khoảng 30- 40 cm, dài 3-4 mét, những khúc gỗ tròn cỡ bằng cột nhà… nằm rải rác khắp nhiều vùng rừng…mới biết được rừng đầu nguồn đã bị tàn phá khủng khiếp như thế nào.
 
Bên cạnh những phiến gỗ đã được triệt hạ từ lâu thì còn xuất hiện nhiều gốc cây mà dấu vết còn mới. Sau khi hạ xong cây, thân cây chưa kịp xẻ và được vứt chỏng chơ giữa rừng. Cạnh đó là những cây thân gỗ rất lớn đã được lâm tặc đánh dấu, chưa kịp chặt hạ.
 
Từ lâu nay, các khu rừng thuộc địa bàn xã Sơn Hồng được biết đến với nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra nhức nhối. Trong nhiều năm qua, không biết bao nhiêu cánh rừng đã bị đốn hạ.
 
Một người dân ở đây cho biết, người dân Sơn Hồng và các xã lân cận do điều kiện ruộng nương ít, đất đai cằn cỗi nên đời sống khó khăn, buộc phải vào rừng kiếm kế sinh nhai. Họ vào rừng để chặt cây về bán, làm nhà, hoặc là làm thuê cho các đầu nậu buôn gỗ.
 
Hàng trăm m3 gỗ ở đâu ra?
 
Khi nhóm Pv có mặt tại xã Sơn Hồng thì lực lượng biên phòng vẫn đang tìm mọi cách để vận chuyển hàng chục m3 gỗ ra khỏi rừng. 
 
Mặc dù đã thu hồi được hơn 130 khối gỗ nhưng hiện trong rừng vẫn đang còn có rất nhiều gỗ được lâm tặc tập kết.

 

Theo trung tá Võ Trọng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, trong 3 ngày (từ 1-3/3) lực lượng biên phòng đã đưa được hơn 30m3 gỗ ra khỏi vị trí lâm tặc tập kết, hiện trong rừng vẫn đang còn rất nhiều gỗ.
 
Lần lại thông tin vụ việc chúng tôi được biết, từ ngày 15- 29/2, chủ rừng là Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, biên phòng đã vào rừng để tịch thu số gỗ được khai thác trái phép.
 
Trong 2 tuần, lực lượng này đã thu giữ được 105m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 6, một con số khủng khiếp.
 
Ông Lê Ngọc Danh, Hạt phó Hạt kiểm lâm Hương Sơn cho biết, số gỗ được thu giữ từ ngày 15-29/2 đang được tập kết tại Trạm kiểm soát lâm sản Sơn Lĩnh và Hạt kiểm lâm Hương Sơn.
 
Ông Danh thông tin, tháng 7/2011, chủ rừng là Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đã phát hiện tại Tiểu khu 2,12,21 và 22 thuộc địa phận xã Sơn Hồng có 60 m3 gỗ lậu do lâm tặc khai thác đang được cất giấu trong rừng. Sau đó, đến tháng 8/2011, Công ty lại kiểm tra lại lập biên bản với số lượng gần 93 m3.
 
Sau khi phát hiện, Công ty đã lập văn bản và báo cáo với Hạt kiểm lâm về nội dung này (chuyển báo cáo cho Hạt Kiểm lâm). 
 
Lực lượng biên phòng đang tiếp tục thu hồi số gỗ còn lại.

 

Ông Lê Ngọc Danh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của chủ rừng về tình hình tập kết gỗ lậu tại khu vực này, trong các ngày 9, 11 và 115/1/2012, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã phối hợp chủ rừng kiểm tra tại 3 tiểu khu (trừ Tiểu khu 21 không kiểm tra) và xác định khối lượng gỗ lậu ước khoảng 130 m3…”.
 
Dù phát hiện được số gỗ vô chủ rất lớn như thế nhưng do điều kiện mưa gió và nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nên mãi đến đầu tháng 2/2012 Công ty mới tổ chức thu gom với sự giám sát của lực lượng kiểm lâm và biên phòng (đồn 565).
 
Ai tàn phá đại ngàn biên giới?
 
Đưa câu hỏi về số lượng gỗ khủng khiếp được phát hiện từ đâu ra, ai phá rừng? đến các lực lượng có mặt trên địa bàn, chẳng ai có thể trả lời được. 
 
Số gỗ hơn 100 khối mà Cty Lâm nghiệp Dịch vụ Hương Sơn đã thu hồi được trong tháng 2.

 

 
Nếu câu trả lời là vô chủ thì khó mà thuyết phục được dư luận. Bởi trên địa bàn, chỉ có duy nhất con đường vào rừng, xuất phát từ QL 8A nối thẳng sang nước bạn Lào. Trên con đường đó chúng tôi đếm được có tới 4-5 lực lượng chức năng làm việc.
 
Đầu tiên là Trạm kiểm soát lâm sản Sơn Lĩnh, tiếp nữa là rào chắn của xã, rồi đến Ban Xây dựng và bảo vệ rừng Hồng Lĩnh, rồi đến Trạm kiểm soát biên phòng Đá Gân, và sau cùng, gần với khu vực rừng bị phá nhất là Trạm bảo vệ rừng khe Sinh (thuộc Cty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn).
 
“Với sự có mặt dày đặc của các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở như thế, thì không thể nói là không biết hàng trăm m3 gỗ kia được khai thác ở đâu? Ai là chủ nhân của số gỗ đó. Đây là vụ phá rừng quy mô rất lớn và có tổ chức, cần được điều tra và xử lý nghiêm”, một người dân Sơn Hồng bức xúc.
 
Một gốc cây to bị mới bị đốn hạ, nằm ngay cạnh ranh giới Việt – Lào.

 

 
Được biết, trước tết Nguyên Đán, khi biết số gỗ trái phép bị phát hiện, một số đầu nậu đã huy động 30 con trâu lên khu vực phá rừng để tìm cách vận chuyển về. Thế nhưng do sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng nên chúng không làm được gì. Đến ngày 29 tết, số đầu nậu này phải đưa ô tô vào vận chuyển trâu kéo về.
 
Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, số gỗ phát hiện và thu giữ được đã được khai thác từ lâu, trước, trước mắt tỉnh tập trung chỉ đạo thu hồi sung công quỹ. Sau đó mới bàn đến vấn đề trách nhiệm, nếu đủ yếu tố thì sẽ khởi tố vụ án.
Duy Tuấn- Trần Văn (Vietnamnet)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phát hiện vụ phá rừng lớn nhất Hà Tĩnh

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI