»

Thứ hai, 25/11/2024, 19:34:34 PM (GMT+7)

Đề xuất cấm áp dụng công nghệ chôn lấp rác tập trung

(21:29:12 PM 14/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Với thực trạng gần 80% bãi chôn lấp hiện nay của Việt Nam không hợp vệ sinh, trong khi trong nước đang bắt đầu chủ động được công nghệ xử lý chất thải rắn, TS Nguyễn Văn Lạng, chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VASTI), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Sẽ hướng tới việc đề xuất Chính phủ cấm áp dụng công nghệ chôn lấp rác tập trung.

>>Đã manh nha xuất hiện lợi ích nhóm trong xử lý rác

 

Đề[-]xuất[-]cấm[-]áp[-]dụng[-]công[-]nghệ[-]chôn[-]lấp[-]rác[-]tập[-]trung

Doanh nghiệp bức xúc vì hiện có nhiều trở ngại để phát triển công nghệ xử lý rác. Ảnh: Nguyễn Trương


Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại hội thảo “Giới thiệu, trình diễn công nghệ xử lý rác đô thị”, do VASTI, cục công tác phía Nam bộ KHCN và Báo Điện tử Một Thế Giới phối hợp tổ chức, vào hôm nay, ngày 14.10.2014 tại TP.HCM.


Chôn lấp rác không còn phù hợp

Theo thống kê, hiện lượng chất thải rắn độ thị phát sinh khoảng 11,5 triệu tấn/năm, dự báo năm 2020 sẽ là 30 triệu tấn/năm, năm 2025 là 40 triệu tấn/năm.

Ông Trần Anh Tuấn, phó cục trưởng cục Hạ tầng kĩ thuật xây dựng (bộ Xây dựng) cho biết hiện rác thải đô thị chiếm 1/2 tổng lượng rác trong cả nước. Nhưng hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 26 nhà máy xử lý loại chất thải rắn này, tập trung tại các đô thị lớn, với tổng công suất xử lý khoảng 6.000 tấn/ngày. “Chúng ta chỉ mới xử lý được khoảng 20% rác thải tạm xem là đúng quy chuẩn”, ông Tuấn nói.

Theo thống kê, với việc xử lý rác thải hiện nay chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp nhưng chỉ có 121 bãi hợp vệ sinh, còn lại 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Theo PGS.TS Trần Thị Hường, ĐH Kiến trúc Hà Nội, thực chất, đa số các bãi chôn lấp hiện chỉ đơn thuần là nơi đổ rác, chưa được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đúng quy định; vị trí gần khu dân cư (cách 200 – 500m, thậm chí có bãi chỉ cách 100m); không có lớp chống thấm ở thành và đáy ô chôn lấp; không có hệ thống thu hom và xử lý nước rác, khí rác nên gây ô nhiễm đất, nước, không khí và hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Chưa kể, ở nhiều đô thị trong nước hiện nay còn phổ biến tình trạng chôn lấp chất thải y tế và công nghiệp nguy hại chưa qua xử lý chung với chất thải sinh hoạt.

“Với nhược điểm là tốn diện tích, khó kiểm soát ô nhiễm, tôi cho rằng đang ngày càng có xu hướng thu hẹp công nghệ chôn lấp bằng các công nghệ tiên tiến khác”, TS Nguyễn Đình Hậu, Phó vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kĩ thuật (bộ KHCN) khẳng định.

Trong nước dần chủ động về công nghệ


Tại hội thảo, có khá nhiều công nghệ lò đốt rác, dây chuyền phân loại rác,… của các công ty tư nhân trong nước được giới thiệu và trình diễn, tạo được quan tâm và trao đổi của nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng lẫn các nhà khoa học.

Theo TS Nguyễn Đình Hậu, hiện Việt Nam xử lý rác chủ yếu bằng ba công nghệ: chôn lấp, ủ sinh học làm phân hữu cơ và gần đây là công nghệ đốt, trong đó có 5 công nghệ đã được bộ Xây dựng công nhận. Hiện cũng đã có 7 quốc gia chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

Với công nghệ nước ngoài, khảo sát cho thấy một số thiết bị được chế tạo từ các nhà máy lâu đời, tuy nhiên, hầu hết không phát huy được hiệu quả đầu tư, phần lớn không phù hợp do điều kiện khác biệt về chất thải rắn. 

Trong khi đó, công nghệ trong nước đang dần vào thế chủ động, đã có nhiều tiến bộ do rút kinh nghiệm các công nghệ đi trước. Ví dụ như công nghệ đốt hiện nay đang có ti lệ nội địa hóa cao… Tuy nhiên, những công nghệ này chưa giải quyết được triệt để, còn nhiều bất cập phải hoàn hoàn thiện công nghệ thì mới có khả năng nhân rộng.

Bí lối phát triển công nghệ


Trao đổi tại hội thảo, ông Lạng cho rằng, rác ở Việt Nam hiện quá đặc thù, do chưa được phân loại, trong khi các thiết bị công nghệ sản xuất ở nước ngoài hiện nay “bó tay” xử lý nó, thì “chỉ công nghệ Việt Nam mới xử lý được rác Việt Nam”. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển được công nghệ xử lý rác của Việt Nam thì lại là một bài toán khó.


Ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phương Bắc cho biết, ông không phải “mafia ngành rác” nên lựa chọn phân khúc xử lý rác quy mô nhỏ phù hợp với mình, không làm hướng nghiên cứu ra công nghệ mà lấy công nghệ Nhật về Việt Nam, với giá xử lý phù hợp. Đây là công nghệ từ thế kỉ 20 của Nhật, không phải tiên tiến nhất, xử lý khí thải chỉ ở mức sơ cấp, quy mô xử lý nhỏ, và đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước


Theo ông Vinh, ông đã bị mất rất nhiều cơ hội kinh doanh với nhiều nhà đầu tư nước ngoài vì vướng các chính sách, quy định, thông tư bất cập, lẫn đòi hỏi của địa phương,… Vấn đề đốt rác sản xuất điện là một ví dụ mà các nhà đầu tư nước ngoài không dám làm ở Việt Nam, vì hiện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền về điện, nên họ không bán điện ra thị trường được…

Theo ông Nguyễn Duy Hòa, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển Công nghệ môi trường Bình Phước, dù có chính sách nhà đầu tư không phải bỏ đồng nào (địa phương hỗ trợ 10%, trung ương 40%, ngân hàng 50%), nhưng thực tế, các nhà đầu tư lập dự án xong thì “hết hơi” vì tìm hỗ trợ, dẫn đến thời gian, qua hàng loạt dự án xử lý rác bị phá sản.

Ông Hòa dẫn chứng hiện cả nước chỉ có 26 nhà máy xử lý rác hoạt động ổn định, thì trong đó có 5 nhà máy hoạt động hiệu quả, và trong 5 nhà máy này thì chỉ có 3 nhà máy hoạt động đủ thu đủ chi, còn lại hoạt động cầm chừng, qua ngày. Nguyên nhân, một dự án xử lý rác hiện có 3 bộ quản lý chồng chéo; tiêu chí lựa chọn công nghệ hiện chưa được thống nhất giữa các bộ ngành… 

Những điều này dẫn đến các địa phương lựa chọn dự án công nghệ hiện rất ít đáp ứng tiêu chí của Nhà nước. Mặt khác, cũng do tiêu chí của Việt Nam chưa hoàn thiện nên địa phương lựa chọn công nghệ xong thì bị vướng về vấn đề hiệu quả kinh tế, môi trường… “Hầu hết địa phương chọn dự án chỉ biết tin vào chủ đầu tư, còn những người làm nghiên cứu thì không có vốn phát triển”, ông Hòa than thở.

Cả nước sẽ chỉ còn 15% chôn lấp 

Tại hội thảo, ông Tuấn cho biết, hiện bộ Xây dựng đang có những soạn thảo, sửa đổi các quy định, thông tư liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong nghiên cứu và làm dự án xử lý rác hiện nay. Ông cũng cho biết, định hướng quy hoạch của Chính phủ thời gian tới sẽ hạn chế chôn lấp chỉ còn 15%, để tận dụng được rác thải là tài nguyên, đồng thời khuyến khích các địa phương lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện mình.

Kết thúc hội thảo, ông Lạng cũng cho biết sẽ tham mưu cho bộ KHCN và Chính phủ tiến tới kiến nghị cấm áp dụng công nghệ chôn lấp tập trung, trên cơ sở đó đề xuất ban hành một bộ quy chuẩn công nghệ thiết bị xử lý rác, quy định suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý rác hợp lý.

(Theo Một thế giới)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đề xuất cấm áp dụng công nghệ chôn lấp rác tập trung

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI