»

Chủ nhật, 19/01/2025, 00:02:51 AM (GMT+7)

Ngọn núi "nổi tiếng nhất" ở tình Bình Dương

(13:56:05 PM 08/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Núi Cậu nằm bên lòng hồ, giữa muôn trùng những vạt cao su, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Dưới chân núi, ngôi chùa Thái Sơn ngày ngày tiếng kinh kệ và chuông chùa vang lên trong tĩnh lặng. Theo những người dân sống quanh chân núi Cậu, nơi đây gắn với những truyền thuyết linh thiêng, huyền bí.


Đất thiêng lưu dấu bước anh hùng

 

Núi Cậu thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Quần thể núi Cậu với tổng diện tích hơn 1600ha, gồm 21 ngọn lớn, nhỏ, ngọn núi hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông, rồi tới núi Ông, núi Tha La và thấp nhất là núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô, như bốn cái bát úp giữa lưng chừng trời.

 

Dãy núi Cậu có hình dáng như 2 yên ngựa nên người dân địa phương còn gọi là Yên ngựa 1 (núi Cửa Ông và núi Ông), Yên ngựa 2 là (núi Tha La). Theo truyền tụng của người xưa, dãy núi điện Bà Tây Ninh được nối liền với núi Cậu. So với ngọn núi Bà thì ngọn núi Cậu thấp và nhỏ hơn nên dân làng gọi khiêm tốn là "núi Cậu". Tuy nhiên, núi Cậu còn gắn với một câu chuyện khác trong dân gian, mà mỗi người dân sống quanh đây, đều đã từng ít nhất một lần được nghe ông bà kể lại.

 

Men theo con đường sát lòng hồ Dầu Tiếng, giữa những hàng cao su sà xuống bên đường, tôi đến chùa Thái Sơn ở chân núi Cậu. Chùa được một hòa thượng pháp danh Thích Đạt Phẩm xây dựng. Tại đây có hai ngôi chùa Thái Sơn. Trên đường từ thị trấn Dầu Tiếng đi vào, chùa Thái Sơn đầu tiên là chùa dành cho sư nữ. Chùa phía trong là chùa dành cho sư nam.

 

Khi tôi bước lên những bậc tam cấp vào ngôi chùa Thái Sơn đầu tiên, bắt gặp một người phụ nữ đang thắp hương ở bên ngoài. Thắp hương xong, bà vừa nhổ một cây nha đam trồng trong chậu vừa lầm rầm khấn. Bà bảo xin "cậu" một cây về để chữa bệnh. Loài cây này chữa bệnh rất tốt. Nhưng ngôi chùa này vắng khách hơn so với chùa Thái Sơn phía trong, nằm lưng chừng chân núi cách đó không xa. Vào những dịp lễ lớn, dịp cuối tuần, ngôi chùa này đón không biết bao lượt khách thập phương tới vãn cảnh chùa.

 

Ở đây, tôi bắt gặp một ông lão ngồi bán vé số trước cửa chùa. Ông tên Chi, năm nay đã 80 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Ông vừa cười vừa khoe mình vốn là lính cụ Hồ. Sau tết Mậu Thân năm 1968, ông lên đường vào Nam, tới vùng Dầu Tiếng - Bình Dương này chiến đấu. Sống ở đây đã hơn 40 năm, ông Chi kể rằng, truyền thuyết về núi Cậu này thì ai cũng biết. Phía sau chánh điện chùa Thái Sơn có một con đường lên núi hơn 1.000 bậc tam cấp đá. Đỉnh núi Cậu có một am miếu nhỏ hai tầng, dưới thờ tượng "cậu Bảy" mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông rất oai phong.

 

Tương truyền, xưa kia "cậu Bảy" là bộ tướng của ngài Tả quân Lê Văn Duyệt, đã từng đi chinh phục và bảo hộ xứ Chân Lạp thời nhà Nguyễn và lập nhiều công lao. Chính ngài là một trong những người đầu tiên đã "chinh Bắc phạt Nam", đặt chân khai phá vùng đất này. Sau khi đến đây, tuổi già không thoát khỏi vòng sinh - lão - bệnh - tử, ngài đã mất tại một ngọn núi ở đây. Từ đó, dân làng nơi đây luôn kiêng cữ, tôn kính, thường khấn vái cậu mỗi khi có sự chẳng lành. Và họ gọi tên ngọn núi đó là núi Cậu.

Chùa Thái Sơn núi Cậu dành cho sư nữ.

 

Ngay cả khi Sắc lệnh 143/NV ngày 22/10/1956, địa danh Thủ Dầu Một được đổi thành tỉnh Bình Dương. Núi Cậu còn có tên là núi Lấp Vò. Tuy nhiên, tên Lấp Vò không được thông dụng vì địa danh núi Cậu đã ăn sâu vào truyền thuyết của dân gian cho đến ngày nay. Do niềm tin của nhân dân trong vùng về “cậu Bảy”, nên khi xây dựng hai ngôi chùa Thái Sơn tọa lạc trên núi, Hòa thượng Đạt Phẩm cho xây dựng nhiều điện - miếu để thờ “cậu Bảy” nhằm tỏ lòng tôn kính bậc tiền nhân.

 

Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, vùng núi Cậu này còn khá hiểm trở và ngăn cách với bên ngoài do chưa có đường đi lại như bây giờ. Trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, núi Cậu từng là sào huyệt của những băng đảng đệ Tam, đệ Tứ, chống lại triều đình nhà Nguyễn.

 

Năm 1945, khi Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn thì trên địa bàn Dầu Tiếng, lực lượng vũ trang đệ Tam, đệ Tứ  và đơn vị vũ trang Hồng Tảo do Lý Hoa Vinh cầm đầu kéo quân về trú đóng tại thị trấn với gần 400 quân. Lợi dụng thời thế loạn lạc, chúng cướp phá nhà máy, các làng công nhân cao su và người dân trong vùng. Quân của chúng đi đến đâu cướp giật đến đó, vơ vét của dân làng, rồi bắt dân làng vận chuyển lên núi Cậu đào hầm cất giấu những thứ cướp được, phục vụ cho việc hưởng thụ của chúng.

 

Bọn chúng từng là nỗi kinh hoàng của người dân núi Cậu. Trước tình thế đó, Ủy ban kháng chiến chủ trương bình tĩnh đấu tranh vạch mặt bọn cơ hội phản động giả danh Cách mạng. Những băng đảng dần dần bị xóa sổ. Tháng 12/1945, Cách mạng nổ ra, lực lượng của đệ Tam, đệ Tứ còn sót lại, bỏ núi Cậu chạy về miền Trung Nam Bộ rồi sang Campuchia. Núi thiêng lại thành nơi che chở cho những chiến sĩ Cách mạng chống giặc cứu nước.

 

Căn cứ hoạt động cách mạng trong kháng chiến

 

Sử sách còn ghi lại rằng: Khi Pháp tấn công ồ ạt, đã chiếm hầu hết các làng xã và thị trấn Dầu Tiếng. Do quân sốt ít, không có vũ khí, lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nên ta phải rút lui về núi Cậu để bảo toàn lực lượng. Từ đó, núi Cậu đã trở thành căn cứ hoạt động Cách mạng.

 

Khu vực núi Cậu trước đây được gọi là Định Thành căn cứ, để phân biệt Định Thành tạm chiếm lúc bấy giờ. Núi Cậu là căn cứ vững chắc cho kháng chiến. Chính vì thế, mà địch luôn lùng sục, càn quét từ lùm cây, ngọn cỏ, từ thị trấn Dầu Tiếng đến chân núi Cậu Định Thành căn cứ suốt 2 tháng trời. Kế đến, khi Trần Lệ Xuân, em dâu Ngô Đình Diệm cho máy ủi, ủi cắt ngang vùng căn cứ, các đồng chí bám trụ căn cứ ở trên núi Cậu không còn hạt gạo, phải hái măng le, lá rừng, bẫy thú làm thức ăn hàng ngày. Cuộc sống hoang dã này đã biến đồng chí Tám Lắc thành người mang biệt danh "Tám núi".

 

Năm 1961, du kích hoạt động gần như không có vũ khí gì trong tay, chỉ có làng 22 đầu tiên có 1 tiểu đội là có dao, mã tấu làm các công việc an ninh trật tự và cũng là làng đầu tiên được nhận 3 cây mút mát (một loại súng trường ngắn, có lâu đời của Pháp từ thời hoả mai, gần như cạc bin - PV). Từ đó, đội vũ trang được gọi là đội du kích, Ban cán sự thành lập 8 đội công tác địa điểm hoạt động tại núi Cậu, mật danh là các "C" (về sau đổi thành các “B”).

 

Năm 1967, cuộc hành quân Junction City của Mỹ kết thúc. Núi Cậu biến thành thế mạnh của địch, chúng đã chiếm và đặt thành một chốt giao cho tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 173 đóng giữ từ mùa xuân qua tới đầu mùa hè.

 

Qua trận Mậu Thân 1968, bằng mọi cách nối lại liên lạc tạo dựng lại cơ sở căn cứ, Huyện ủy, Huyện đội công an hình thành một cụm căn cứ nhưng hoạt động phân tán để tránh thiệt hại cả cụm. Căn cứ ít nhất phải ba vòng trái chuyển di dời lại từ núi Cậu đến khu vực đầu lô 69 rồi lại trở về núi Cậu. Núi Cậu là địa hình, địa thế rất thuận lợi nên Cách mạng quyết tâm trấn giữ làm căn cứ tiếp sức cho phát triển phong trào, nhằm góp phần vào chiến thắng. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhiều lần đem quân đến càn quét nhân dân vùng này, với mục đích dập tắt ý chí chiến đấu của mọi người. Tuy nhiên, họ đã thất bại.

 

Sau những năm tháng chiến tranh, núi Cậu trở về như thuở ban đầu, trầm mặc và thơ mộng. Núi Cậu gắn với hồ Dầu Tiếng tạo thành thế tiền thủy, hậu sơn, sớm tối bình an trong tiếng cầu kinh, mùi hương trầm nơi cửa Phật. Phong cảnh nơi đây non nước hữu tình, nên thơ và êm ả. Dãy núi Cậu nối dài ôm lấy lòng hồ như một vị thần che chở, bảo vệ cho sự bình an của người dân nơi đây như từ thuở lập đất, bậc thánh nhân, anh hùng đã lưu dấu những bước chân mình trên núi Cậu, cho đến ngàn năm. 

(Nguồn: Hương Lam/NĐT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ngọn núi "nổi tiếng nhất" ở tình Bình Dương

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI