Chính sách - Dự án » Tư liệu
Kết quả giám sát các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên
(20:25:31 PM 05/10/2013)
Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức
Thực hiện Quyết định số 11/QĐ-ĐĐBQH ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, từ ngày 27/12/2011 đến ngày 05/01/2012, Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh tổ chức giám sát về “Quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát; các thành viên tham gia Đoàn giám sát gồm có: các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện Thường trực HĐND Tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đại diện các Sở, ngành: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế: Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Nhà máy thủy điện Krông H’Năng, Nhà máy thủy điện Sông Hinh và làm việc trực tiếp với: Sở Công thương, Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa, Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty Cổ phần Sông Ba; xem xét báo cáo các cơ quan, đơn vị: Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân, Công ty Cổ phần VRG Phú Yên và Công ty cổ phần đầu tư năm bảy bảy - Chi nhánh Miền Trung[1].
Kết quả giám sát như sau:
I. Về kết cấu hạ tầng và tiềm năng quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy điện
- Về kết cấu hạ tầng lưới điện: Phú Yên có tuyến đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang; Tuy Hòa - Quy Nhơn dài 296,4km; đường dây 110kV dài 211,9km, có 06 trạm biến áp 110kV với tổng công suất là 166MVA, có 03 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 354 MW. Lưới điện phân phối 22kV; 0,4kV đã cấp điện cho 100% số thôn xóm trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn tỉnh đạt 99,77%; khu vực nông thôn đạt 99,71%.
- Về tiềm năng phát triển thủy điện: Với lợi thế địa hình dốc, có nhiều sông, suối và lượng mưa trung bình năm từ 1.500mm - 2.000mm nên Phú Yên có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện nhỏ. Theo quy hoạch phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 thì tỉnh Phú Yên có 10 vị trí phát triển thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt khoảng 71,2 MW. Trong đó có 05 vị trí đưa vào quy hoạch chính thức với tổng công suất 39,4 MW và 05 vị trí thuộc diện tiềm năng với tổng công suất 31,8 MW.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh quy hoạch 05 dự án thủy điện nhỏ, đó là: Đá Đen (9 MW), La Hiêng 2 (18 MW), Suối Lạnh (1,6 MW), Đập Hàn (4,8 MW), Khe Cách (6MW). Trong đó có 03 dự án đang triển khai thi công là La Hiêng 2, Khe Cách, Đá Đen. Và 5 dự án thủy điện được xếp vào dạng tiềm năng có thể khai thác, đó là: Sơn Giang (10,2 MW), Ea Bar 2 (4,4 MW), Ea Tàu (7,0 MW), Ea Ngao (6,6 MW), Sông Con (3,6 MW). Các nhà máy thủy điện nhỏ nói trên nằm ở vùng rẻo cao, khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát, phải tốn chi phí lớn để hòa lưới điện quốc gia.
Qua giám sát cho thấy: Các dự án thủy điện nhỏ được UBND tỉnh quy hoạch theo Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh về Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực rừng, trên lưu vực các con sông, suối chính, vì vậy sẽ mất một lượng lớn diện tích rừng, đất nông nghiệp. Mặt khác, khi thông qua Quyết định trên, UBND tỉnh chưa thông qua HĐND tỉnh là chưa đúng với quy định của Luật Điện lực.
Theo khoản 2, Điều 9 của Luật Điện lực (có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2005) quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thông qua quy hoạch thủy điện trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh (vì Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện theo Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/08/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập, hướng dẫn thi hành Luật Điện lực. Đối với quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, Bộ Công nghiệp phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ toàn quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của tỉnh sau khi có thoả thuận của Bộ Công nghiệp).
II. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy điện ở địa phương
1. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản quy định quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật quy định về Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, về Ban hành Quy định phối hợp vận hành điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy điện lưu vực Sông Ba trên địa bàn tỉnh, về Phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Sông Hinh năm 2011, về Phê duyệt phương án bảo vệ đập nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ[2].
2. Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và phân cấp trách nhiệm cho cấp huyện, trong thời gian qua, UBND huyện không ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy điện mà chỉ ban hành các văn bản áp dụng pháp luật như: Quyết định thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để chuyển mục đích sử dụng xây dựng các công trình, nhà máy thủy điện; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu để thu hồi đất xây dựng các công trình, dự án thủy điện.
III. Tình hình, kết quả tổ chức triển khai và thi hành pháp luật về lĩnh vực thủy điện trên địa bàn
1. Các dự án thủy điện trung bình và lớn[3]:
Trên địa bàn tỉnh có 03 nhà máy thủy điện lớn đã đi vào hoạt động khai thác, với tổng công suất là 354 MW (01 nhà máy nằm trên Sông Ba và 02 nhà máy nằm trên các sông thuộc nhánh của Sông Ba). Trong đó:
- Các thông số chính của nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ:
Mực nước dâng bình thường: 105 m
Mực nước chết: 101 m
Dung tích toàn bộ Wtb: 349,7 triệu m3
Dung tích hữu ích Whi: 167,7 triệu m3
Công suất đảm bảo Nđb: 31 MW
Công suất lắp máy Nlm: 220 MW (Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ báo cáo).
Điện lượng trung bình hằng năm: 801 triệu kWh
Cao độ đỉnh đập là: 110,7 m
Lưu lượng lớn nhất xả lũ qua tràn là: 28.353 m³/giây
- Nhà máy thủy điện Sông Hinh: công suất 70 MW
Thủy điện Sông Hinh gồm 2 tổ máy phát điện, mỗi tổ có công suất 35 MW. Sản lượng bình quân là 370 triệu kWh/năm. Mực nước dâng bình thường là 209 m, mực nước chết là 196 m, tổng dung tích hồ chứa 357 triệu m³. Cao trình đỉnh đập là 215 m, khả năng xả lũ cao nhất là 6.952 m³/giây[4].
- Nhà máy thủy điện Krông H’Năng (có nhà máy tại Phú Yên, hồ chứa tại Đắk Lắk): công suất 64MW (gồm hai tổ máy, mỗi tổ có công suất 32 MW), điện lượng trung bình hằng năm 250 triệu kWh, diện tích mặt hồ 13,67km2.
Các dự án thủy điện lớn do EVN đầu tư trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện theo quyết định đầu tư xây dựng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Quá trình khởi công và đưa công trình vào vận hành phát điện cơ bản đúng kế hoạch theo quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn sau:
- Lượng nước các sông, suối tập trung chủ yếu vào mùa mưa, còn mùa khô thì hạn hán kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành thủy điện và nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, các công trình thủy điện ngăn dòng chảy bình thường của các con sông, gây nguy cơ vùng hạ lưu bị cạn kiệt, thiếu nước tưới, sa mạc hóa rất cao.
- Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, phá rừng đầu nguồn làm giảm lưu lượng nước, gia tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở, bồi lắng lòng hồ, gây khó khăn cho công tác vận hành các hồ chứa thủy điện.
- Các yếu tố đầu vào của dự án (giá cả vật tư, vật liệu, nhiên liệu, nhân công, v.v..) đều tăng, trong khi giá mua điện của EVN bị khống chế, không tăng; vì vậy chủ đầu tư phải cân nhắc, tính toán kỹ các chỉ tiêu kinh tế, tài chính của dự án. Hiện nay, điện thì thiếu nhưng việc các nhà máy thủy điện đàm phán, bán điện cho EVN còn nhiều khó khăn, xuất hiện “cơ chế” xin - cho, chạy chọt.
Trên địa bàn tỉnh có 03 dự án thủy điện nhỏ (có công suất dưới 30 MW) hiện nay đang thi công, đó là: dự án thủy điện La Hiêng 2 (công suất 18 MW), dự án thủy điện Khe Cách (công suất 6 MW), dự án thủy điện Đá Đen (công suất 9 MW). Đến nay chưa có dự án nào hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó dự án Thủy điện Đá Đen và dự án Thủy điện La Hiêng 2 thi công chậm tiến độ[6].
3. Nguồn vốn và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng các dự án thủy điện:
a. Đối với các dự án thủy điện trung bình và thủy điện lớn:
Ban đầu 03 nhà máy thủy điện: Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án được ưu tiên bảo đảm từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay trong nước. Khi vào vận hành khai thác, thực hiện chủ trương cổ phần hóa, các nhà máy này đã thực hiện cổ phần hóa. EVN (cổ đông sáng lập) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm phần lớn cổ phần của các nhà máy thủy điện, còn lại là các cổ đông khác.
Trong những tháng đầu năm 2011, các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn trong việc trả lãi cho các ngân hàng.
b. Đối với các dự án thủy điện nhỏ do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư:
Vốn đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay của Ngân hàng phát triển, vốn vay trong nước, vay nước ngoài. Hiện nay các chủ đầu tư đang gặp khó khăn về vốn, nên các công trình chậm tiến độ theo kế hoạch phê duyệt.
4. Quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên đối với dự án thủy điện:
Hầu hết các báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát không báo cáo nội dung về đánh giá tác động môi trường hoặc có báo cáo nhưng còn sơ sài. Qua giám sát và theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh, chi cục bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và môi trường) về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên đối với 5 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh (Nhà máy Thủy điện: Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng, La Hiêng 2, Đá Đen) cho thấy:
a) Đối với công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án thủy điện đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Đề án bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường (Trong đó: cấp Bộ thẩm định 03 dự án, cấp tỉnh thẩm định 01 dự án và cấp huyện xác nhận 01 dự án).
b) Đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư:
- Theo báo cáo của các đơn vị, doanh nghiệp thì trước khi triển khai thực hiện dự án, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư có thuê đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá tác động môi trường, trình cấp thẩm quyền xem xét cho đầu tư và gửi bản cam kết bảo vệ môi trường đến địa phương để theo dõi, phối hợp giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư thực hiện các quy định của nhà nước về môi trường như: Tiến hành các biện pháp giảm thiểu những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên; Tổ chức vệ sinh thu dọn lòng hồ, đảm bảo không để ô nhiễm môi trường nước sau khi tích nước lòng hồ; Quy hoạch, bố trí lán trại, bãi lắp ráp, kho tàng chứa nguyên, nhiên vật liệu hợp lý, đảm bảo an toàn; Tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công, thường xuyên kiểm tra an toàn phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh lao động; Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Hoàn trả mặt bằng sau khi thi công xong… Một số công trình thủy điện, sau khi đưa nhà máy vào vận hành, doanh nghiệp đã trồng cây xanh.
Qua khảo sát thực tế và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, UBND các huyện chịu sự giám sát cho thấy:
- Nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng chưa thực hiện tốt việc xả nước theo quy định để đảm bảo môi trường (đảm bảo dòng chảy môi trường), nhất là vào mùa khô hạn. Vẫn còn tình trạng “dòng sông chết” từ đập dâng đến nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, từ đập dâng thủy điện Sông Hinh đến Sông Ba, từ đập dâng đến nhà máy thủy điện Krông H’Năng đã làm ảnh hưởng đến môi sinh khu vực này. Vẫn còn tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện trên các lòng hồ thủy điện.
- Bên cạnh việc thực hiện bảo vệ môi trường trong vùng dự án thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP, Nghị định số 29/2011/ NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính Phủ về việc quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; cụ thể là: không có văn bản báo cáo UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án về nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo bản sao quyết định phê duyệt; không niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; chưa lập báo cáo hoàn thành việc thực hiện theo quy định phê duyệt việc đánh giá tác động môi trường (Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’Năng, Sông Hinh); không tiến hành quan trắc môi trường theo đúng yêu cầu đặt ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt[7].
- Một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc hoàn thổ và trồng rừng chưa theo đúng nội dung đánh giá tác động môi trường được phê duyệt (Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ: 204 ha, Công ty Cổ phần Sông Ba: 175 ha, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh chưa cung cấp cho Đoàn giám sát số liệu về trồng rừng phục hồi, bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Một số nhà máy có phát sinh chất thải nguy hại như giẻ lau dầu mỡ thải, dầu nhớt thải (nhà máy thủy điện Krông H’Năng, nhà máy thủy điện Đá Đen đang thi công có phát sinh chất thải nguy hại); lượng chất thải nguy hại hiện tồn và lưu kho với số lượng lớn nhưng chưa bố trí nơi lưu giữ đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định (nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ). Nhà máy thủy điện Krông H’Năng đã vận hành phát điện nhưng chưa tháo dỡ trạm trộn bê tông ở khu vực hạ lưu nhà máy trả lại mặt bằng theo đúng nội dung phê duyệt của báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1030/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2007 của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Krông H’Năng.
c) Đối với cơ quan nhà nước:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp đã được quy định tại Điều 122 Luật bảo vệ môi trường năm 2005; đồng thời trách nhiệm của cơ quan nhà nước sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được quy định tại Điều 15 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát và làm việc với Sở Công Thương, UBND các huyện chịu sự giám sát trong công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án thủy điện cho thấy:
- UBND các huyện chưa ban hành theo thẩm quyền quy định về chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường đối với các công trình thủy điện trên địa bàn huyện; chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra chủ dự án thủy điện trong việc thực hiện các nội dung và biện pháp bảo vệ môi trường để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những vi phạm xảy ra.
- Việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh, huyện quản lý môi trường trong vùng dự án thủy điện trên địa bàn của cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp còn hạn chế, nhất là cấp huyện.
5. Về bảo vệ và phát triển rừng trong vùng dự án thủy điện. Về trồng rừng để khôi phục lại diện tích rừng do làm công trình thủy điện.
Số diện tích đất bị mất để làm các nhà máy thủy điện quá nhiều[8]. Trước khi thu hồi đất để làm các dự án thủy điện, nhân dân trong vùng dự án được thụ hưởng, hưởng lợi từ rừng, từ các nguồn lợi do tự nhiên mang lại. Khi thu hồi diện tích đất để thực hiện các dự án thủy điện, nhân dân không còn thụ hưởng. Mặt trái của vấn đề này là nhân dân vùng dự án thiếu đất sản xuất. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân trong vùng dự án. Việc các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng đã cổ phần hóa cho các doanh nghiệp và các cá nhân, dẫn đến tài sản của nhà nước rơi vào một số nhà đầu tư.
Theo quy định tại khoản 5 điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng quy định: “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác”. Tuy nhiên, qua làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp chịu sự giám sát cho thấy quy định này hầu như không thực hiện được trong thực tế. Diện tích rừng mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện trồng lại là không đáng kể so với tổng số diện tích đã bị mất để thực hiện dự án thủy điện, có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc trồng rừng theo các quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:
5.1 Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ: chưa tiến hành trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng phục hồi cảnh quan môi trường (diện tích 204 ha).
Việc trồng rừng 25 ha trên địa bàn huyện Sơn Hòa để phục hồi cảnh quan môi trường tuy đã có trong dự án nhưng đến nay chưa triển khai việc trồng rừng (trách nhiệm chính thuộc về Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ).
Theo báo cáo của UBND huyện Sông Hinh, hiện nay diện tích đất ở các xã, thị trấn không còn đất trống, đất chưa sử dụng do UBND xã, thị trấn quản lý. Nên UBND huyện không bố trí được đất cho công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ trồng lại rừng để khôi phục diện tích rừng do làm công trình thủy điện.
5.2 Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh: thực tế có việc trồng rừng ở khu vực nhà máy thủy điện Sông Hinh. Nhưng lãnh đạo Công ty chưa đưa ra số liệu chứng minh việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn (theo quy định bắt buộc khi triển khai thực hiện các dự án nhà máy thủy điện), trồng rừng để khôi phục diện tích rừng bị phá hủy do làm công trình thủy điện.
5.3 Công ty Cổ phần Sông Ba:
Công ty chưa thực hiện việc trồng lại 175 ha rừng theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường.
6. Quản lý, sử dụng đất của dự án, công trình thủy điện:
Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thì các chủ đầu tư đã quản lý, sử dụng diện tích đất thuộc dự án, công trình thủy điện đúng mục đích. Một số nhà máy thủy điện sau khi đi vào vận hành, phát điện, chủ đầu tư đã trả lại một số diện tích đất cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng.
Theo số liệu được tổng hợp qua các báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, số diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên bị mất trên địa bàn tỉnh để làm các nhà máy thủy điện là trên 10.024 ha (Sở Công thương chưa nêu báo cáo cụ thể đến nay các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã có quyết định tạm giao, giao đất và cho thuê đất đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh).
Đối với đất vùng bán ngập: đến nay các nhà máy thủy điện và UBND các huyện có công trình thủy điện lớn chưa thực hiện việc cắm mốc phân định diện tích quy hoạch lòng hồ, phần bán ngập. Chưa có kế hoạch cụ thể để khai thác tài nguyên đất trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ theo quy định tại Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính Phủ về việc quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Việc lấn chiếm, tái chiếm diện tích lòng hồ, hành lang bảo vệ lòng hồ để sản xuất, để ở trong thời gian dài nhưng chưa được chủ hồ, các cấp chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời[9]. Việc khai thác tiềm năng kinh tế vùng lòng hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ chưa có hiệu quả, chưa có sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương nơi có hồ chứa với chủ hồ trong việc khai thác, quản lý, sử dụng hồ chứa[10].
Mặc dù nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đi vào vận hành phát điện đã lâu, nhưng đến nay Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ chưa trả lại diện tích đất xây dựng các công trình phụ trợ, lán trại (dùng để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ) … cho các địa phương quản lý, sử dụng.
7. Quản lý chất lượng thi công các công trình thủy điện và quản lý kỹ thuật, bảo vệ an toàn đập:
Công tác quản lý chất lượng, quy trình đưa hạng mục và công trình vào sử dụng của chủ đầu tư tuân thủ theo các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Việc quản lý kỹ thuật, bảo vệ an toàn đập được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định số 72/2007/NĐ-CP Về quản lý an toàn đập ngày 07/5/2007 của Chính phủ). Đến nay, chưa phát hiện bất thường nào về kỹ thuật của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; các đập thủy điện chưa xảy ra sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.
Tuy nhiên, qua giám sát và theo báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát:
- Các đơn vị chịu sự giám sát chưa báo cáo cụ thể về chất lượng của các công trình thủy điện. Do vậy, Đoàn giám sát chưa thể đưa ra nhận xét là các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh có đảm bảo yêu cầu chất lượng hay không.
- Thiết bị quan trắc nhìn chung là đơn giản, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp thủ công (ngoại trừ đập mới xây dựng gần đây đã bố trí thiết bị tự động quan trắc về thấm, lún, chuyển dịch) hoặc hợp đồng với trung tâm dự báo khí tượng thủy văn.
8. Quản lý, cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt để phát điện:
Theo báo cáo của các doanh nghiệp chịu sự giám sát và theo báo cáo các thành viên tham gia Đoàn giám sát: Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty cổ phần Sông Ba đã hoàn tất hồ sơ xin khai thác mặt nước để phát điện gửi đến Bộ Tài nguyên và môi trường đã lâu (hơn 2 năm), nhưng đến nay chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, cấp giấy phép. Chậm so với quy định tại điều 21 (Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt) Nghị định 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính Phủ về việc quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước[11] và theo quy định tại khoản 3 mục II Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP.
9. Quản lý, cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn:
Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT ngày 1/7/2008 của Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 6/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp còn một số quy định chưa phù hợp với thực tế như:
- Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện thương mại được cấp theo 2 giai đoạn là rất khó khăn cho chủ đầu tư dự án thủy điện (được quy định tại khoản 5 điều 1 Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT sửa đổi, bổ sung điều 17 Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN).
- UBND cấp tỉnh (hoặc ủy quyền cho Sở Công thương) chỉ được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có công suất dưới 3MW (được quy định tại khoản 7 điều 1 Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT sửa đổi, bổ sung điều 23 Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN).
10. Quản lý việc vận hành các hồ thủy điện trong mưa lũ và mùa khô:
Các hồ thủy điện lớn (thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng) đều có quy trình vận hành riêng[12] (trong mùa lũ và mùa khô) được Bộ Công Thương phê duyệt và quá trình vận hành các hồ căn cứ theo quy trình vận hành đã được phê duyệt (Mùa lũ hồ tích đầy nước tràn, sẽ xả một phần dòng chảy trong trường hợp lũ lớn hơn tần suất thiết kế hồ. Mùa khô hồ cung cấp nước cho các tổ máy hoạt động theo yêu cầu cung cấp điện dưới sự điều động của Trung tâm điều độ điện quốc gia). Ngoài ra, các hồ trên phải thực hiện việc vận hành liên hồ chứa các hồ: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nak trong mùa lũ hằng năm theo Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 23/9/2010 của Thủ tướng Chính Phủ.
Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền chưa thành lập Ban điều hành chung về công tác xả lũ và điều tiết nước vào mùa khô trên dòng sông Ba, nên công tác điều hành trong việc vận hành liên hồ chứa trên dòng sông Ba còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại (vì quá trình vận hành liên hồ chứa còn phụ thuộc vào các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn Sông Ba, hiện nay các nhà máy thủy điện ở dưới hạ lưu sông Ba đang gặp khó khăn trong quá trình vận hành).
Qua giám sát và theo báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát cho thấy: Việc phân phối và điều hòa nguồn nước các thủy điện trên địa bàn tỉnh trong mùa khô hạn hiện nay còn chưa có sự đồng thuận của các nhà máy thủy điện, bởi vì vào mùa khô các hồ chứa đều tích trữ nước để phát điện. Sự quan tâm đến “dòng chảy môi trường” và chống hạn cho vùng hạ du còn hạn chế. Việc chuyển nước từ Sông Ba về Sông Kôn, tỉnh Bình Định (9% lưu lượng nước Sông Ba) để phục vụ cho thủy điện An Khê đã làm cho Sông Ba thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, gây rất nhiều khó khăn cho hạ du sông Ba[13].
Theo cáo cáo của lãnh đạo Sở Công thương và một số thành viên tham gia Đoàn giám sát, trước đây UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam không đồng ý phương án chuyển nước sông Ba để làm thủy điện An Khê, sau khi nước qua tuabin 2 tổ máy cho đổ về sông Kôn (tỉnh Bình Định), vì trong những năm qua, sông Ba thiếu nước trầm trọng vào mùa khô nhưng không được Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản phúc đáp. Thực tế sau khi hồ thủy điện An Khê tích nước thì hạ du sông Ba trước đây đã thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nay lại càng thiếu nước hơn.
Sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương với các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng trong việc điều tiết nước cho hạ du để phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa tốt. Mặc dù, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các cơ quan hữu quan của tỉnh đã xây dựng lịch thời vụ phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp gửi đến các nhà máy thủy điện, nhưng có lúc, có thời điểm các nhà máy thủy điện nói trên không thực hiện theo kế hoạch đã thống nhất từ đầu năm[14].
Về thời gian thông báo xả lũ theo quy định tại khoản 3 điều 12 Bản quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nak trong mùa lũ hằng năm (Ban hành kèm theo Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 23/9/2010 của Thủ tướng Chính Phủ) (trước khi vận hành mở các cửa xả đầu tiên phải thông báo trước 2 giờ đến Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, UBND các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên). Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, thời gian thông báo trước 2 giờ là phù hợp. Tuy nhiên theo ý kiến của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, và nhiều ý kiến cử tri, nếu phải xả lũ mà thông báo trước 2 giờ thì người dân, chính quyền địa phương không kịp ứng phó. Trong khi đó, đoạn từ Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đến thành phố Tuy Hòa có rất nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông Ba, từ thủy điện Sông Ba Hạ đến trạm thủy văn Phú Lâm dài khoảng 60 km nhưng địa hình đồi dốc. Do vậy, đề nghị nghiên cứu quy định lại trước khi vận hành mở các cửa xả đầu tiên phải thông báo ít nhất là trước 6 giờ để chính quyền địa phương đủ thời gian chỉ đạo và nhân dân đủ thời gian tránh lũ.
Thủy điện xả lũ , người dân vùng hạ du hoảng hốt vì tưởng vỡ đập
11. Việc ban hành quy định và chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh đối với nhân dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thi công xây dựng dự án thủy điện
Chính phủ và các Bộ đã ban hành các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009; v.v..).
Trong báo cáo của Sở Công thương tỉnh chưa nêu cụ thể tên các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.
Theo báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, trong thời gian qua UBND tỉnh đã luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành và các địa phương thực hiện kiểm tra, theo dõi tiến độ triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã phân công, giao nhiệm vụ cho UBND các huyện kiểm tra, tổ chức việc thực hiện di dân, tái định cư, ổn định sản xuất cho các hộ dân nằm trong vùng phải di dời do ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Các chủ đầu tư dự án thủy điện đã phối hợp với UBND các huyện trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định canh đối với nhân dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thi công xây dựng dự án thủy điện.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy: Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thủy điện ít quan tâm đến đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Hiện nay, đời sống của nhân dân các khu tái định cư dự án thủy điện còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất. Công tác bồi thường, tái định cư còn một số hạn chế, yếu kém như:
- Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư đối với dự án Thủy điện Sông Ba Hạ thực hiện chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp quy chủ nhầm, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. (huyện Sông Hinh 25 hộ, huyện Sơn Hòa 23 hộ).
- Đối với đất ở các khu tái định cư: do tập tục thói quen của một số đồng bào dân tộc thiểu số còn chăn thả gia súc, gia cầm, nhưng diện tích khu tái định cư cấp cho mỗi hộ còn ít. Hiện nay một số khu tái định cư (Buôn Chao, xã Ea Bá) còn thiếu đất để làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Môi trường sống khu vực này bị ô nhiễm.
- Về định canh: Việc giải quyết đất sản xuất cho nhân dân ở Suối Trai, Buôn Lé - xã Krông Pa quá chậm, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân. Chưa thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong thời gian chưa có đất sản xuất.
- Nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư theo dự án thủy điện đến nay xuống cấp nhưng chưa được quan tâm tái đầu tư. Các dự án thủy điện đã để lại cho địa phương một số công trình giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng một số công trình còn kém chất lượng (đường tránh ngập từ Quốc lộ 29 đi Ea Bá - Ea Lâm[15], đường cấp phối đá dăm đoạn từ ngả ba chân Dốc Nần đi buôn Hoàn Thành và Buôn Đoàn Kết thuộc xã Suối Trai). Hiện nay một số công trình, hạng mục của khu tái định cư buôn Chao như: phòng học, giếng nước, đường giao thông nội vùng … chậm triển khai thi công. Dự án sử dụng nước sau thủy điện Sông Hinh triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra.
- Hầu hết nhân dân trong vùng dự án công trình thủy điện bị mất đất sản xuất nhưng chưa được đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm để ổn định đời sống lâu dài. Khi được hỏi đã đào tạo những nghề gì? cho những ai? hiệu quả như thế nào? thì chưa được lãnh đạo UBND các huyện, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thủy điện trả lời cụ thể mà chỉ trả lời chung chung.
- Công tác xóa đói giảm nghèo, công tác dân vận, công tác xã hội, bảo trợ xã hội… đối với nhân dân vùng bị ảnh hưởng dự án thủy điện chưa được nhà máy thủy điện, các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện quan tâm đúng mức.
- Hiện nay, chủ đầu tư chỉ bồi thường diện tích đất trong vùng dự án từ mực nước dâng bình thường trở xuống mà chưa bồi thường diện tích đất bị thiệt hại khi có mực nước gia cường, nước dềnh của hồ thủy điện trong mùa mưa, lũ.
12. Việc kiểm tra, thanh tra đối với các dự án, công trình thủy điện theo thẩm quyền quản lý:
Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/8/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập (đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực), đã quy định nội dung quản lý, thẩm quyền quản lý, chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án điện độc lập; trong đó, chương IV (Quản lý dự án điện độc lập) có quy định chế độ báo cáo, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở Công thương. Nhưng trong Báo cáo của Sở Công thương tỉnh không nêu kết quả việc thực hiện các quy định trên như thế nào đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trong báo cáo của Sở Công thương chỉ nêu những việc đã thực hiện tổ chức kiểm tra an toàn, phòng chống lụt, bão đối với 03 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh trong năm 2011, không nêu chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát hằng năm đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
13. Nhận xét tính khả thi, phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Trung ương quy định về lĩnh vực thủy điện và những vướng mắc, bất cập, thiếu cụ thể, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế hiện nay ở địa phương; trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý:
Qua làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp chịu sự giám sát đều chưa báo cáo cụ thể có bao nhiêu thủ tục trong triển khai thi công xây dựng dự án thủy điện, nhưng đều có chung nhận xét là rất phức tạp, liên quan từ người dân đến nhiều cấp, nhiều ngành và thời gian kéo dài.
IV. Nhận xét chung
1. Kết quả đạt được:
1.1 Hiệu quả về mặt kinh tế:
- Nhìn chung, các dự án thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy hoạch, cơ bản đạt được tiến độ đã đề ra, cung cấp sản lượng điện rất lớn cho đất nước trong những năm qua, hiện nay và trong những năm tới.
- Quá trình đầu tư xây dựng thủy điện, đã có nhiều công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt, v.v.. được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, góp phần tăng năng lực kết cấu hạ tầng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
- Các doanh nghiệp thủy điện đã thực hiện nộp các loại thuế theo quy định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn hàng năm.
1.2 Hiệu quả về mặt xã hội:
- Việc xây dựng các công trình tái định cư, định canh, các công trình hạ tầng (đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, nước sinh hoạt, …) tạo thêm kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống của nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong vùng dự án.
- Nhân dân trong vùng dự án được bồi thường, hỗ trợ theo chính sách, pháp luật nên có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, phương tiện đi lại và nghe nhìn có bước cải thiện.
- Trong giai đoạn xây dựng các nhà máy thủy điện đã bảo đảm việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Sau khi hoàn thành công trình đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
1.3 Hiệu quả về bảo vệ môi trường, tài nguyên và bảo vệ, phát triển rừng:
- Báo cáo của Sở Công thương tỉnh, của các doanh nghiệp không đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường và bảo vệ, phát triển rừng của các dự án thủy điện.
- Đoàn giám sát xét thấy, chưa có cơ sở để đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường và bảo vệ, phát triển rừng trong hoạt động đầu tư xây dựng thủy điện, do không có đầy đủ hồ sơ, tài liệu và phương tiện kỹ thuật kiểm định. Trên thực tế, các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện các quyết định của các cấp có thẩm quyền về việc bảo vệ môi trường, tài nguyên và bảo vệ, phát triển rừng trong vùng dự án. Vấn đề này, Đoàn sẽ kiến nghị với cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
2. Tồn tại, hạn chế:
- Việc xây dựng các công trình thủy điện, nhất là thủy điện lớn đã làm mất đi nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất rừng tự nhiên. Hệ quả là: (1) Đất sản xuất nông nghiệp giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng dự án; đồng thời là tác nhân làm tiếp tục giảm diện tích rừng và đất rừng, do phá rừng để lấy đất sản xuất; (2) Đất rừng giảm và không có đất để trồng rừng để bù lại diện tích rừng đã bị mất do làm thủy điện; (3) Rừng là mặt đệm hay thảm phủ của các lưu vực sông, suối. Diện tích rừng bị mất (nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ) là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái và dẫn tới khô hạn, cạn kiệt nguồn nước hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ, lụt. Do tác động mạnh của lũ, lụt nên diện tích đất bị xói mòn, trơ sỏi, đá trên địa bàn ngày càng tăng.
- Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng thủy điện trên địa bàn còn hạn chế, tồn tại. Chưa thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 122 Luật bảo vệ môi trường năm 2005, tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP, Nghị định số 29/2011/ NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính Phủ về việc quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
Đáng lo ngại là còn trường hợp UBND cấp huyện và cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp không nắm vững quy định của pháp luật, nên không chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
- Công tác bảo vệ và phát triển rừng trong vùng dự án thủy điện còn nhiều bất cập. Trong thời gian qua, cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chưa chú ý bảo đảm việc đầu tư trồng rừng mới thay thế; do vậy, hầu như không thực hiện được việc trồng lại rừng phòng hộ, rừng sản xuất để bù lại diện tích rừng bị mất do thực hiện dự án thủy điện theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng.
- Có chủ dự án thủy điện không thực hiện đúng và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt như: Triển khai việc trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ nhằm bù lại diện tích rừng bị mất do việc thực hiện dự án gây nên; Phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương có liên quan thực hiện chế độ điều tiết dòng chảy, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường sinh thái vùng hạ du sau đập; Thực hiện chương trình giám sát môi trường và quan trắc môi trường theo quy định,… nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh, xử lý, buộc khắc phục kịp thời.
- Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Đời sống của nhân dân trong vùng dự án có cải thiện bước đầu, song về lâu dài thì chưa bền vững, là nỗi lo và gánh nặng đối với chính quyền địa phương (mất đất vùng thấp, người dân phải chuyển lên vùng đồi, núi cao nên thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; hầu hết chưa được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để có việc làm ổn định, v.v..). Một số công trình phúc lợi khu tái định cư, đường giao thông,… ở một số nơi chưa bảo đảm chất lượng công trình nên dẫn đến nhanh xuống cấp, hư hỏng. Mặt khác, trong việc giải quyết xây dựng nhà ở tái định cư và các công trình hạ tầng, có lúc có nơi chưa quan tâm giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, tồn tại như: Chưa thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình, kết quả đầu tư các dự án thủy điện theo quy hoạch; Chưa rà soát kỹ tình hình thực hiện các dự án, các khó khăn, vướng mắc để có kiến nghị loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý các dự án.
- Điều 15 Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quy định: UBND cấp huyện, cấp xã nơi có hồ chứa phối hợp với chủ đập trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt. Tuy nhiên, UBND huyện, xã nơi có hồ chứa và chủ hồ chứa thủy điện chưa thực hiện quy định này.
- Công tác dự báo lưu lượng nước của cơ quan chức năng còn yếu, bất cập. Chưa dự báo tương đối chính xác lưu lượng nước (mùa khô và mùa mưa lũ) về hồ chứa nước thủy điện, nên rất khó khăn cho hoạt động cắt lũ trong mùa mưa, chống hạn vào mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng; đồng thời ảnh hưởng việc vận hành sản xuất của nhà máy thủy điện (Đơn cử như thủy điện sông Ba Hạ: Mùa mưa bão năm 2009, thì gây ngập lụt ở khu vực xung quanh hồ và lũ lụt vùng hạ du. Vào mùa khô, việc tích trữ nước ở hồ thủy điện làm hạ lưu khô cạn. Qua khảo sát ngày 27/12/2011 tại công trình đập ngăn nước của nhà máy thủy điện sông Ba Hạ cho thấy, tuy còn mùa mưa nhưng lượng nước trong hồ thủy điện sông Ba Hạ rất thấp; do vậy, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ không đủ nước để phát điện hết công suất, chỉ phát điện 06 giờ/ ngày, với công suất 60/220 MW lắp máy, hiệu quả thấp).
Thực trạng lưu lượng nước sông Ba rất ít trong mùa khô đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân vùng hạ lưu sông Ba, nhưng nhà máy thủy điện An Khê chuyển nước sông Ba về sông Kôn (tỉnh Bình Định) đã làm cho khu vực hạ lưu sông Ba vào mùa khô thiếu nước trầm trọng hơn. “Xuất hiện” nhiều đoạn sông chết, môi trường sinh thái bị suy thoái, dịch bệnh bùng phát ở các địa phương trên lưu vực sông Ba đoạn từ sau đập dâng thủy điện An Khê về hạ lưu Sông Ba.
- Đối với việc các cơ quan, doanh nghiệp chịu sự giám sát làm báo cáo và làm việc với Đoàn giám sát còn một số hạn chế, thiếu sót như sau: Còn cơ quan, doanh nghiệp chịu sự giám sát báo cáo không đầy đủ theo nội dung giám sát và theo Đề cương báo cáo ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-ĐĐBQH ngày 14/12/2011 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; báo cáo còn sơ sài, thiếu nhiều số liệu chứng minh và thiếu nhận xét, đánh giá chưa sâu sát, cụ thể việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc xây dựng các công trình thủy điện. Mặt khác, có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp biểu hiện thái độ chưa nghiêm túc khi bố trí thành phần làm việc với Đoàn giám sát. Vấn đề này, Đoàn giám sát đã lưu ý các cơ quan, doanh nghiệp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
3.1. Nguyên nhân khách quan:
- Các văn bản pháp luật về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, về thủy điện nói riêng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, v.v.. quy định nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và nhiều cấp, ngành; mặt khác sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên việc hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ để triển khai thực hiện rất phức tạp, đôi khi thiếu thống nhất và thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
- Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản các dự án thủy điện (kể cả thủy điện vừa và nhỏ) liên quan rất nhiều đầu mối, phức tạp và thời gian kéo dài.
- Công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất tái định cư, tái định canh.
- Hiện nay, chưa có quy định doanh nghiệp trích từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh thủy điện để tham gia với địa phương trồng lại rừng đã bị mất trên địa bàn có công trình thủy điện.
- Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể sự ràng buộc chặt chẽ, lâu dài trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thủy điện, các nhà máy thủy điện đối với nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án, kể cả sau khi nhà máy thủy điện vận hành phát điện.
3.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cơ quan và người có thẩm quyền có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, thiếu sâu sát, đồng bộ. Việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý các thủy điện vừa và nhỏ, công tác kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường và bảo vệ, phát triển rừng trong hoạt động đầu tư xây dựng thủy điện của các cấp, các ngành chức năng trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Hầu hết chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ về bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng trong vùng dự án thủy điện theo quy định của pháp luật và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; chưa quan tâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chăm lo ổn định lâu dài đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng, thiệt hại khi thực hiện dự án.
- Còn tư tưởng chỉ mong đầu tư xây dựng công trình cho bằng được và đạt được lợi ích của nhà đầu tư, xem nhẹ lợi ích, đời sống lâu dài của người dân trong vùng dự án. Mặt khác, biểu hiện nặng về khai thác tài nguyên nước quá mức, xem nhẹ việc bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.
- Cơ quan dự báo về khí tượng, thủy văn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo về lưu lượng nước các sông lớn trên địa bàn tỉnh.
- Công tác bảo vệ môi trường của các dự án thủy điện, nhất là thủy điện lớn có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhưng các cơ quan chức năng ở địa phương không đủ lực lượng và phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của chủ đầu tư dự án.
- Công tác khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân trong vùng dự án chưa được các chủ đầu tư và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương chưa kịp thời lập, phê duyệt kế hoạch giao đất cho chủ đầu tư trồng lại rừng phòng hộ, rừng sản xuất để bù lại diện tích rừng đã bị mất do làm công trình thủy điện.
- Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết thủ tục giao đất các khu tái định canh còn chậm, nên ảnh hưởng đến công tác bồi thường, ổn định đời sống nhân dân và giải phóng mặt bằng trong vùng dự án.
- Việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án chấp hành chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở một số địa phương chưa tốt, nên có lúc, có nơi nhân dân thiếu sự đồng thuận trong thực hiện.
- Sự phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương ở một số nơi phối hợp thực hiện chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nên còn tình trạng nhân dân kiến nghị, khiếu nại trong thời gian dài.
- Năng lực một số nhà thầu thi công còn yếu và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, cơ quan chức năng của huyện chưa thường xuyên, liên tục nên ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình khác trong các khu tái định cư, các tuyến đường tránh ngập, v.v..
V. Kiến nghị
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, thực trạng tình hình và để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện phát huy tốt tiềm năng, nội lực nhằm bảo đảm hiệu quả trong việc xây dựng và khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh có một số kiến nghị như sau:
1. Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội:
Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu trình Quốc hội giám sát việc xây dựng các công trình thủy điện trên toàn quốc, để đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật; đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ, phát triển rừng trong hoạt động đầu tư xây dựng thủy điện.
2. Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Chính phủ cân nhắc kỹ chủ trương xây dựng hàng loạt công trình thủy điện làm mất rất nhiều diện tích rừng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở địa phương. Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và yêu cầu phát triển bền vững thì sản xuất điện năng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường đều là các giá trị cần được giải quyết hài hòa, cân đối và phù hợp.
- Quy định cụ thể về phương thức bán điện của các nhà máy sản xuất điện bán điện cho EVN, khi EVN tăng giá bán điện thì cần xem xét điều chỉnh tăng giá mua điện đối với các nhà máy thủy điện (vấn đề này EVN còn độc quyền).
- Ban hành quy định các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy điện trích từ lợi nhuận sản xuất thủy điện để tham gia với địa phương trồng lại rừng đã bị mất trên địa bàn có công trình thủy điện và làm công tác xã hội đối với nhân dân trong vùng dự án thủy điện.
- Trong những năm vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên phải di dời đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để thực hiện các dự án thủy điện. Và Chính phủ chỉ đạo tỉnh giải phóng diện tích rừng, bàn giao cho EVN để xây dựng nhiều công trình thủy điện trung bình, thủy điện lớn. Trước đây là sở hữu của Nhà nước, nhưng đến nay các công trình thủy điện này đã cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa các nhà máy thủy điện vừa qua không tính đầy đủ giá trị diện tích đất và rừng làm công trình. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư khi cổ phần hóa, phải tính đầy đủ giá trị diện tích rừng bị mất, giá trị đất và xác định tổng giá trị này là cổ phần của tỉnh trong các công ty cổ phần thủy điện. Các công ty cổ phần thủy điện phải trả cổ tức cho ngân sách tỉnh, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, chăm lo đời sống của người dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hiện nay, khi làm các công trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án còn chưa bảo đảm lợi ích, việc làm, ổn định đời sống lâu dài của người dân, chưa thực hiện tốt yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội. Đề nghị Chính phủ quy định chính sách cho người dân trong vùng dự án được góp cổ phần vào nhà máy bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản bị giải tỏa mặt bằng xây dựng công trình, để bảo đảm cuộc sống lâu dài của nhân dân. Đồng thời, sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành điều tra xã hội học, lấy ý kiến nhân dân vùng bị ảnh hưởng do thực hiện các dự án thủy điện. Qua đó, đánh giá tình hình đời sống của nhân dân trong vùng triển khai dự án thủy điện để có chính sách tái đầu tư.
- Hiện nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định ở rất nhiều văn bản như: Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đất đai và được cụ thể tại 05 Nghị định và 01 Quyết định của Chính phủ (Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009; Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 8/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và một số Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…). Đề nghị Chính phủ rà soát, hệ thống hóa để ban hành 01 Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thống nhất đối với tất cả loại công trình nhằm: (1) khắc phục tình trạng mỗi loại công trình có chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư khác nhau dẫn đến khó khăn, phức tạp khi thực hiện; (2) cán bộ và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, thi hành đúng pháp luật.
- Hiện nay nguồn nước trên lưu vực sông Ba đoạn từ sau thủy điện An Khê trở xuống dưới hạ du bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường và các Bộ ngành liên quan điều tra, đánh giá về môi trường, hệ sinh thái dưới nước, hiện trạng tài nguyên nước ở lưu vực hạ du sông Ba.
3. Kiến nghị với các Bộ:
3.1. Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo đánh giá cụ thể, toàn diện mặt được và chưa được đối với môi trường sinh thái và sản xuất, đời sống của nhân dân dưới vùng hạ lưu trong việc thay đổi dẫn dòng nước sông Ba (tại thị xã An Khê) về sông Kôn, tỉnh Bình Định, nhất là vào mùa khô.
- Chỉ đạo công tác dự báo chính xác lưu lượng nước sông Ba trong mùa khô và mùa mưa lũ, để đáp ứng yêu cầu vận hành đập thủy điện an toàn; đồng thời bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng có công trình thủy điện.
- Triển khai, rà soát xây dựng quy hoạch quản lý lưu vực sông Ba theo Nghị định 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực sông, nhằm bảo đảm cơ sở quản lý lưu vực sông thống nhất, không để tình trạng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng nước trên lưu vực sông theo từng ngành, chưa được sự thống nhất cao.
- Sớm xem xét, cấp giấy phép khai thác mặt nước để sản xuất điện cho nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, nhà máy thủy điện Sông Hinh, nhà máy thủy điện Krông H’Năng đúng luật định. Qua đó, quy định việc đảm bảo dòng chảy môi trường (dòng chảy tối thiểu) ở các “đoạn sông chết” do các nhà máy thủy điện gây ra (đã nêu ở các phần trên). Đây là một trong cơ sở để Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các nhà máy thủy điện.
3.2. Bộ Công Thương:
- Sớm tham mưu cho Chính Phủ thành lập cơ quan tổ chức, quản lý điều phối, điều hành chung về Quy trình quản lý, vận hành liên hồ các hồ chứa thủy điện được xây dựng trên sông Ba, nhằm đảm bảo việc vận hành an toàn đập; chủ động trong việc xả lũ về hạ du trong mùa mưa lũ để không gây thiệt hại; điều tiết dòng chảy, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cũng như bảo vệ môi trường sinh thái vùng hạ du sau đập vào mùa khô hạn, chống sa mạc hóa.
- Đối với nhà máy thủy điện An Khê: đề nghị Bộ Công thương xem xét, thay đổi phương án khác thay vì chuyển nước sông Ba về sông Kôn, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái, thiếu nước sinh hoạt cũng như nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu sông Ba vào mùa khô.
- Xem xét, sửa đổi Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/08/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập cho phù hợp với quy định của Luật Điện lực.
- Theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT ngày 1/7/2008 của Bộ Công thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 6/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:
Tại khoản 1 điều 17: Việc cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện theo 2 giai đoạn[16] là rất khó khăn cho chủ đầu tư dự án thủy điện, và không phù hợp với thực tế. Để cấp được giấy phép hoạt động điện lực giai đoạn 1 thì chủ đầu tư phải có giấy phép sử dụng tài nguyên nước, để cấp giấy phép sử dụng tài nguyên nước thì chủ đầu tư phải hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phải có quy trình vận hành hồ chứa được duyệt. Trong thực tế, khi dự án triển khai xây dựng thì việc hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là rất phức tạp, nên thường chậm và kéo dài; mặt khác, kể cả khi dự án đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng thì vẫn còn phát sinh bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án thủy điện, đề nghị Bộ Công Thương bỏ thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực của các dự án thủy điện trong giai đoạn 1.
Tại khoản 3, điều 23: Quy định địa phương cấp giấy phép hoạt động điện lực trong hoạt động phát điện với các nhà máy điện có công suất dưới 3 MW.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều dự án thủy điện có công suất dưới 30 MW. Với mục đích tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình; đồng thời giám sát việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, an toàn đập và công tác quản lý vận hành hồ chứa, v.v… Đề nghị Bộ Công thương nâng thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực của địa phương trong hoạt động phát điện với các nhà máy điện có công suất dưới 30 MW (thủy điện nhỏ và siêu nhỏ).
- Một số dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, đến nay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ đền bù diện tích đất trong vùng dự án từ mực nước dâng bình thường trở xuống. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên có kế hoạch sớm bồi thường diện tích đất trong vùng dự án từ hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện trở xuống theo Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
- Chỉ đạo EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia mua sản lượng điện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh trong giờ thấp điểm với định mức phù hợp, không nên khống chế sản lượng mua điện với quá thấp, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy.
4. Kiến nghị với UBND tỉnh:
- Thực hiện đúng khoản 2, Điều 9 của Luật Điện lực (có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2005) quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt.
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với Sở Công Thương và UBND các huyện trong việc quản lý quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý việc đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo biện pháp khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thủy điện vừa và nhỏ như nêu trên. Đồng thời, theo dõi, quản lý chặt chẽ và cập nhật kịp thời tình hình đầu tư các dự án thủy điện theo quy hoạch. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch thủy điện đã được duyệt để tiến hành điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Tiến hành rà soát lại và sớm có giải pháp xử lý phù hợp (thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư) đối với các dự án thủy điện sẽ làm mất quá nhiều diện tích rừng và đất sản xuất, không bảo đảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường - xã hội hoặc quá chậm trễ triển khai đầu tư xây dựng[17].
- Thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư dự án thủy điện; chỉ đạo định kỳ tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường trong vùng dự án thủy điện.
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan hữu quan báo cáo đầy đủ số liệu về diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng và đất rừng tự nhiên bị mất do thực hiện dự án thủy điện, tổng hợp báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng sớm lập kế hoạch và xem xét phê duyệt kế hoạch trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ nhằm bù lại diện tích rừng bị mất do việc thực hiện các dự án thủy điện. Xem xét, giao đất để chủ đầu tư trồng lại rừng sản xuất, rừng phòng hộ để bù lại diện tích rừng đã bị mất do làm công trình thủy điện theo quy định tại khoản 5 điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng.
- Chỉ đạo các cấp và cơ quan chức năng tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái và chống xói mòn đất đai trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng có dự án thủy điện nói riêng.
- Nghiên cứu bổ sung biên chế công chức và tăng cường phương tiện kỹ thuật cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.
5. Kiến nghị với Sở Công thương
Rà soát lại việc quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ (công suất lắp máy dưới 30 MW) trên địa bàn tỉnh. Đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ hiện đang triển khai thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các dự án thủy điện, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Điện lực và Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/8/2006 của Bộ Công nghiệp.
6. Kiến nghị với UBND huyện có dự án thủy điện:
- Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước của UBND huyện đối với các công trình thủy điện trên địa bàn theo quy định, nhất là công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định sản xuất, việc làm, đời sống cho nhân dân trong vùng dự án.
- Chính quyền địa phương nơi có dự án thủy điện cần bố trí quỹ đất trống chưa sử dụng trong khu vực thượng nguồn, xung quanh khu vực dự án thủy điện, để chủ đầu tư trồng rừng tạo điều kiện điều hòa cung cấp nguồn nước, bảo vệ môi trường trong khu vực.
- Quan tâm củng cố, kiện toàn cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp đủ sức tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn huyện.
- Phối hợp với chủ đập trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.
- Chỉ đạo tiến hành thường xuyên, liên tục việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chính sách, pháp luật. Chú trọng thực hiện tốt công tác vận động, thuyết phục để nhân dân đồng thuận với chủ trương, chính sách nhà nước đã ban hành và tự giác thực hiện.
- Chỉ đạo công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ với các chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn để quản lý, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình phúc lợi khu tái định cư, các công trình hạ tầng (đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi nhỏ, …); đồng thời sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thời gian qua đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định canh, khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề, giải quyết việc làm, v.v.. cho nhân dân bị di dời, giải tỏa theo đúng chính sách, pháp luật và phù hợp với thực tế của địa phương, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
- UBND huyện Sông Hinh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng các kênh và các công trình trên kênh cấp 1, cấp 2 thuộc dự án sử dụng nước sau thủy điện Sông Hinh. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện việc sửa chữa 5 km còn lại trên tuyến đường Ea Bá - Ea Lâm.
7. Kiến nghị với các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy điện chịu sự giám sát:
7.1 Kiến nghị chung:
- Khắc phục, thực hiện các sai sót về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên như đã nêu ở các phần trên và các kết luận của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, công an tỉnh.
- Các doanh nghiệp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời phải thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
- Các chủ đầu tư dự án thủy điện phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ với chính quyền địa phương (huyện, xã) để bảo đảm đất sản xuất định canh cho nhân dân vùng dự án và bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng (đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi nhỏ, …); đồng thời triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Trong đó, khẩn trương phối hợp với địa phương xem xét, xử lý, giải quyết dứt điểm, thấu lý đạt tình đối với các kiến nghị, khiếu nại của nhân dân bị giải tỏa, di dời và các yêu cầu của chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm mục tiêu an dân lâu dài trong vùng dự án.
- Các doanh nghiệp sớm phối hợp với chính quyền cấp huyện tiến hành cắm mốc phân định ranh giới, để quản lý hồ thủy điện theo quy định.
- Đề nghị các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động người địa phương vào làm việc tại các nhà máy thủy điện, góp phần giải quyết việc làm cho địa phương.
- Xả lưu lượng nước sau các đập thủy điện theo quy định (dòng chảy tối thiểu) để đảm bảo môi sinh, môi trường dòng sông, tránh hiện tượng “dòng sông chết”.
- Đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép khai thác mặt nước để sản xuất điện đúng quy định của pháp luật.
7.2 Kiến nghị cụ thể:
* Đối với Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ
- Chỉ đạo các đơn vị thi công sớm hoàn thiện mặt bằng đồng ruộng thuộc Cống tự chảy Suối Trai giao đất cho dân. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xây dựng phương án hoán đổi đất ốc đảo do bị ngập nước.
- Sớm tiến hành việc trồng rừng (204 ha) theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Sớm hoàn thành việc giao nhận đất ở các mỏ đất 11, 11MR và mỏ đất 12 đã được bồi thường nhưng chưa sử dụng cho địa phương quản lý, sử dụng.
- Có kế hoạch san ủi mặt bằng mỏ đất 9A bàn giao cho UBND huyện Sơn Hòa quản lý, tận dụng chia cấp đất cho dân có đất sản xuất.
* Đối với Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh
Rà soát, cập nhập hồ sơ đầy đủ (trước đây do BQLDA thủy điện 3 làm chủ đầu tư) và báo cáo về Đoàn ĐBQH tỉnh (theo yêu cầu của Đoàn giám sát tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty tại Nhà máy thủy điện Sông Hinh vào chiều ngày 28/12/2011).
* Đối với Công ty Cổ phần Sông Ba
- Sớm tiến hành trồng 175 ha rừng theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Đối với Công ty cổ phần đầu tư năm bảy bảy - Chi nhánh Miền trung và Công ty Cổ phần VRG Phú Yên
Sớm đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy thủy điện Đá Đen và nhà máy thủy điện La Hiêng 2. Đồng thời khắc phục một số tồn tại về công tác bảo vệ môi trường như đã nêu ở các phần trên.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa chưa gửi báo cáo cho Đoàn giám sát.
[2] - Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh Phú Yên về Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 16/10/2009 của UBND tỉnh Phú Yên về Ban hành Quy định phối hợp vận hành điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy điện lưu vực Sông Ba trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 25/10/2011 của UBND tỉnh Phú Yên về Phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập thủy điện Sông Ba hạ năm 2011.
- Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 của UBND tỉnh Phú Yên về Phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập thủy điện Sông Hinh năm 2011.
- Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 05/12/2011 của UBND tỉnh Phú Yên về Phê duyệt phương án bảo vệ đập nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ.
[3] - Trên phương diện kỹ thuật: xếp loại những nhà máy điện theo độ cao của thác: thác cao (trên 200 m), thác trung bình (từ 50 đến 200 m) và thác thấp (dưới 50 m). Tùy độ cao của thác, nhà máy sẽ cần đến một loại tuabin tương ứng.
- Ngoài ra, cũng xếp loại những nhà máy theo công suất :
(a) thủy điện lớn, mọi nhà máy có công suất lớn hơn 100.000 kW,
(b) thủy điện trung bình, từ 10.000 đến 100.000 kW,
(c) thủy điện nhỏ, từ 500 đến 10.000 kW,
(d) thủy điện mini, từ 100 đến 500 kW,
(e) thủy điện micro, từ 10 đến 100 kW, và
(f) thủy điện pico, công suất dưới 10 kW
- Ở một số nước, người ta chỉ có ba loại nhà máy : thủy điện lớn, thủy điện trung bình và khi công suất dưới 10.000 kW thì gọi là vi thủy điện hay là thủy điện nhỏ.
[4] Nguồn số liệu lấy từ trang website Bách khoa toàn thư (Wikipedia)
[5] Theo quy định tại Quyết định số 30/QĐ-BCN ngày 01/9/2006 của Bộ trưởng Bộ công nghiệp:
- Thủy điện nhỏ: Công suất lắp máy lớn hơn hoặc bằng 1 MW và nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW.
- Thủy điện siêu nhỏ: Công suất lắp máy nhỏ hơn 1 MW.
[6] - Dự án Thủy điện Đá Đen: Thời gian thực hiện hoàn thành dự án đưa vào hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư là trước ngày 31/12/2011.
- Dự án Thủy điện La Hiêng 2: dự án khởi công xây dựng vào tháng 9/2009, dự kiến hoàn thành dự án đưa công trình vào vận hành vào tháng 3/2012. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần VRG Phú Yên dự án này chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
[7] - Dự án nhà máy thủy điện Đá Đen: có lập bản cam kết bảo vệ môi trường tháng 8/2009 và được chủ tịch UBND huyện Tây Hòa xác nhận theo quy định. Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính Phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường thì dự án này thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ: Có thực hiện chương trình giám sát môi trường nhưng chưa đầy đủ tần suất đúng theo Thông tư số 26/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và môi trường.
- Nhà máy thủy điện La Hiêng 2: Chưa báo cáo với UBND huyện Đồng Xuân về nội dung Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung. Thực hiện việc giám sát chất lượng công trình chưa đầy đủ theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
[8] - Khi xây dựng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ thì tỉnh Phú Yên phải mất số diện tích: 3.363 ha đất, trong đó: đất bị ngập trong lòng hồ 2.745 ha (bao gồm: đất nông nghiệp 1.969 ha, đất lâm nghiệp 204 ha, đất chuyên dùng 18 ha, đất ở 23 ha, đất chưa sử dụng 531 ha) và đất dùng để làm mặt bằng công trường 618 ha (trong đề án không nêu rõ số 618 ha trên là những loại đất gì).
- Diện tích đất bị thu hồi của huyện Sông Hinh để làm nhà máy thủy điện Sông Hinh: 6.194,12 ha
- Diện tích đất bị thu hồi của huyện Sông Hinh để làm nhà máy thủy điện Krông H’Năng: 239,929 ha
[10] UBND tỉnh đã có Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 02/12/2011 phê duyệt phương án bảo vệ đập thủy điện Sông Ba Hạ.
[11] Điều 21. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt
1. ….
2. Trình tự cấp giấy phép được quy định như sau :
a) Trong thời hạn năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân xin phép để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 của Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế hiện trường khi cần thiết, nếu đủ căn cứ cấp phép thì trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin phép và thông báo lý do không cấp phép.
[12] - Quyết định số 4046/QĐ-BCT ngày 30/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Công thương Về việc ban hành Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Krông H’Năng.
- Quyết định số 1863/QĐ-BCT ngày 14/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương Về việc ban hành Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ.
- Quyết định số 2775/QĐ-EVN-KTNĐ ngày 23/8/2002 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực Việt Nam về việc phê duyệt quy trình xả lũ hồ chứa Sông Hinh, nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh.
[13] - Trước tình trạng nước ở hạ lưu sông Ba giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến đập Đồng Cam đưa nước tưới cho cánh đồng Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư thủy điện An Khê - Ka Nak (tỉnh Gia Lai) sớm có giải pháp điều tiết, đảm bảo lưu lượng nước tối thiểu cần cung cấp cho sông Ba.
- Năm 2006, UBND tỉnh không thống nhất việc EVN xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak với phương án chuyển nước sông Ba sang sông Kôn; nếu cần thiết xây dựng thủy điện này thì EVN phải có biện pháp đảm bảo môi trường sinh thái và chống nhiễm mặn ở hạ lưu sông Ba. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu EVN nghiên cứu phương án xây dựng các hồ thủy lợi hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ để duy trì lượng nước cần cấp cho nông nghiệp, dân sinh... Tuy nhiên, trong khi xây dựng thủy điện An Khê – Ka Nak, EVN chưa có biện pháp thực hiện công trình theo yêu cầu của tỉnh Phú Yên, dẫn đến hạ lưu sông Ba bị khô hạn nặng như hiện nay (trích theo phản ảnh của lãnh đạo tỉnh được đăng trên báo Lao động ngày 11/7/2011).
- Qua theo dõi, rất nhiều bài báo đang tải trên các thông tin đại chúng phản ảnh “hậu quả” của việc dẫn dòng nước sông Ba về sông Kôn để phục vụ thủy điện An Khê.
- Vào mùa lũ thì nhà máy Thủy điện An Khê, nhà máy thủy điện Ka Nak (khi đi vào vận hành) xả lũ về sông Ba, góp phần gây thêm lũ lụt cho vùng hạ du sông Ba.
[14] UBND huyện Sơn Hòa luôn quan tâm và đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ phải có kế hoạch phối hợp điều tiết nước trên dòng sông Ba đảm bảo phục vụ cho việc vận hành nhà máy thủy điện, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất, gieo trồng; đồng thời tránh việc xả lũ gây ngập úng vùng hạ lưu. Theo báo cáo của lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa, vào mùa khô, huyện Sơn Hòa thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay huyện có 4 trạm bơm trên sông Ba nhưng do thủy điện Sông Ba Hạ xả nước trong thời gian ngắn nên không đủ nước tưới.
[15] Tuyến đường từ Quốc lộ 29 đi Ea Bá - Ea Lâm dài 18 km nhưng thi công không đảm bảo chất lượng, UBND huyện Sông Hinh nhiều lần kiến nghị nhưng công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ không có khả năng tu sửa. Năm 2010, bằng nguồn vốn khắc phục thiên tai (WB) đã tu sửa 3 km đường với số tiền 5 tỷ đồng. Năm 2011, bằng nguồn vốn vay, Sở GTVT tỉnh đã làm chủ đầu tư sửa thêm 10 km đường với khoảng 10 tỷ đồng. Còn lại 5 km trên tuyến, hiện nay UBND huyện Sông Hinh đã lập hồ sơ thiết kế và đang tìm nguồn vốn để đầu tư trong năm 2012.
[16] Giai đoạn 1: đề nghị cấp phép để thực hiện đầu tư dự án nhà máy thủy điện và vận hành thương mại từng tổ máy.
Giai đoạn 2: đề nghị cấp phép để đưa toàn bộ nhà máy thủy điện vào hoạt động thương mại.
[17] Theo báo cáo số 75/BC-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá về quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án thủy điện, đối với Quy hoạch thủy điện nhỏ, chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nên thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung về danh mục và quy mô các dự án; một số dự án chồng lấn, ảnh hưởng đến quy hoạch khác, tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội hoặc không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Các nguyên nhân chính là do tài liệu cơ bản dùng để lập quy hoạch (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn) có độ chính xác hạn chế hoặc còn thiếu; tư vấn lập quy hoạch chưa quan tâm điều tra, khảo sát và thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu đã được Bộ Công nghiệp quy định tại Quyết định số 3836/QĐ-BCN ngày 22 tháng 11 năm 2005; các cơ quan chức năng của địa phương chưa thực sự quan tâm, phối hợp và chỉ đạo thực hiện trong quá trình lập, góp ý, thẩm định phê duyệt quy hoạch; Sở Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa bàn nhưng thiếu hoặc không có cán bộ thủy điện; ngân sách cho công tác lập quy hoạch hạn chế nên chưa nghiên cứu một cách toàn diện.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”
- Chủ đề Ngày nước Thế giới năm 2024: “Nước cho hòa bình”
- Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5): "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học"
- Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5): Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống
- Chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai
- Chủ đề ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2020: “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”
- Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5/2021): "Chúng ta là một phần của giải pháp"
- Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 "“Đại dương, Khí hậu và Thời tiết của chúng ta”
- Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 “Giá trị của nước”
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8
(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.
Dự án resort ở Bà Rịa- Vũng Tàu "xén" trên 30ha khu bảo tồn thiên nhiên
(Tin Môi Trường) - Dự án resort Hoàn Vũ - Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dự kiến sẽ được doanh nghiệp lập thủ tục thuê trên 30,24ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu.