»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:16:27 AM (GMT+7)

Diễn văn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2013

(16:19:28 PM 23/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 21/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2013. Tin Môi Trường giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại lễ mít tinh

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đọc diễn văn tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới
 
 
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thưa các vị khách quý, các vị đại biểu, Thưa đồng chí và đồng bào,

Hôm nay, cùng với các quốc gia trên thế giới và các tỉnh, thành phố trên cả nước chúng ta họp mặt tại đây để long trọng tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2013 với chủ đề “Hợp tác vì nước” và thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước”.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian đến dự Lễ mít tinh, cảm ơn các vị đại biểu đại diện các các Bộ, ban, ngành và đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông, đại biểu lãnh đạo và nhân dân TP. Cần Thơ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có mặt trong buổi Lễ mít tinh trọng thể này.

Thưa các vị đại biểu,

Ngày nước thế giới được khởi xướng tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển tại Rio đờ Jan-nê-rô, Brazil năm 1992 và được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua. Kể từ đó, ngày 22 tháng 03 hàng năm được chọn làm Ngày nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn nhân loại nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với cuộc sống của mỗi chúng ta và sự phát triển bền vững của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Qua đó, cùng nhau hành động để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau.

Từ quy mô toàn cầu đến khu vực hay quốc gia, khi nguồn nước không được đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và thời gian thì sẽ không thể duy trì được an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Điều đó có nghĩa là tình trạng nghèo đói sẽ diễn ra, kèm theo đó là những bất ổn về chính trị và xã hội. Chúng ta có thể nói theo cách khác là, nước sẽ quyết định tương lai của chúng ta! Đây chính là thông điệp mà Liên hợp quốc muốn chuyển tải thông qua chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay.
Thưa các vị đại biểu,
Chúng ta đều biết rằng, nếu không có nước thì không có sự sống và mọi hoạt động của con người. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng, số lượng và thời điểm là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Phần lớn các ngành kinh tế mũi nhọn của các quốc gia đều phụ thuộc vào tài nguyên nước.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới đã ghi nhận nước là một trong những tài nguyên thiên nhiên cần phải quản lý trong một môi trường bền vững; và trở thành vấn đề trọng tâm tại nhiều hội nghị, diễn đàn lớn của khu vực và thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Jô-han-nét-x-bớt, Nam Phi, nước được xếp ở vị trí cao nhất trong 5 ưu tiên để phát triển bền vững.

Xuất phát là một nước nông nghiệp, Việt Nam không ngừng coi trọng an ninh nguồn nước, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và hiểu rõ giá trị của nước đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ được tầm quan trọng đó, từ năm 1998 Luật Tài nguyên nước được ban hành đã xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”.

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước; qua đó góp phần quan trọng vào các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Điều đó được thể hiện trên một số mặt sau đây:

- Một là, tài nguyên nước đã có vai trò chủ đạo, yếu tố hàng đầu trong bảo đảm an ninh lượng thực, với những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, với việc hằng năm khai thác, sử dụng khoảng 65 tỷ m3 đã góp phần đưa sản suất lúa, gạo liên tục tăng về diện tích, năng suất, sản lượng và đã đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển các sản phẩm cây công nghiệp, sản lượng nuôi trồng thủy sản, đưa Việt Nam vào hàng ngũ những nước xuất khẩu nông, thủy sản hàng đầu trên thế giới, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo được nhiều cơ hội việc làm mới.

- Hai là, tài nguyên nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện nhu cầu điện năng không ngừng gia tăng trong những năm qua. Hiện nay, thuỷ điện đang đóng góp gần 40% tổng sản lượng điện quốc gia. Với trên 800 hồ chứa thủy điện đã, đang và tiếp tục được xây dụng để đưa vào vận hành trong thời gian tới, thủy điện sẽ vẫn là nguồn năng lượng hết sức quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, với tổng dung tích trữ nước trên 56 tỷ m3, nếu chúng ta có cơ chế tốt trong phối hợp vận hành, điều tiết nhằm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu nguồn nước này thì đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước trên nhiều lưu vực sông, nhất là trong  bối cảnh tài nguyên nước đang bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Ba là, việc bảo đảm các yêu cầu khai thác, sử dụng nước cho cấp nước sinh hoạt cũng đã từng bước cải thiện điều kiện tiếp cận nguồn nước cho sinh hoạt và vệ sinh của nhân dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Hiện nay, với công suất khai thác các nguồn nước mặt, nước ngầm đạt trên 5,4 triệu m3/ngày, các nhà máy nước ở khu vực đô thị đang cung cấp nước cho khoảng 70% nhu cầu sử dụng của hầu hết các thành phố, thị xã và nhiều thị trấn, thị tứ.

Trong thời gian tới, để bảo đảm yêu cầu cấp nước cho khoảng 30 triệu người dân đô thị, cùng với nhu cầu nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường sẽ phải khai thác khoảng 8 đến 10 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, việc tăng cường khai thác nguồn nước, nhất là nước dưới đất cũng đã đưa tỷ lệ người dân được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 62%.

Thưa các vị đại biểu,

Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỉ m3, nhưng lại chỉ tập trung chủ yếu ở một số lưu vực sông lớn như: sông Mê Công (Cửu Long), sông Hồng – sông Thái Bình.... Trong đó, chỉ có khoảng 37% lượng nước đó được sản sinh ở trong nước. Nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 3.600 m3/năm. Ngoài ra, tiềm năng nguồn nước dưới đất cũng khá lớn, ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm, nhưng lại chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.

Từ những con số trên cho thấy, nước ta không phải là quốc gia giầu về nước và trước yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức:

- Thứ nhất, gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ ngoài lãnh thổ, nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường khai thác, sử dụng.

- Thứ hai, thiên tai bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, các tác động của biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước và tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.

- Thứ ba, gia tăng dân số, yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng trưởng kinh tế kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng nước trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến.

- Thứ tư, mâu thuẫn, cạnh trạnh trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực thi pháp luật về tài nguyên nước còn chưa đồng bộ, chưa đạt hiệu quả.

Với mục tiêu bảo vệ, khai thác sử dụng bền vững nguồn nước quốc gia, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2012 đã đánh dấu sự thay đổi về thể chế quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Lần đầu tiên tài nguyên nước thực sự được coi là tài sản, là nguồn lực của quốc gia, khai thác nước phải trả tiền, sử dụng nước phải tiết kiệm, hiệu quả cùng với các biện pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên nước, với trọng tâm là:

1. Nâng cao nhận thức của từng người dân, các tổ chức kinh tế, làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong bảo vệ, phát triển nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
2. Tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

3. Đẩy mạnh điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước.

4. Tăng cường xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, công cụ điều phối, giám sát các hoạt động liên ngành, liên vùng liên địa phương trên các lưu vực sông; nhất là việc phối hợp vận hành, điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện thủy lợi, việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn nước thải gây ô nhiễm nguồn nước.

5. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, thông qua việc cấp phép; thanh tra, kiểm tra sau cấp phép và xử lý nghiêm, đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

6. Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các quốc gia có chung nguồn nước và các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công và các nguồn nước xuyên biên giới khác.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, một trong những giải pháp cơ bản là phải thực hiện tốt nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đòi hỏi các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng nhau hợp tác, phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin; xây dựng và thực hiện kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý; phối hợp giải quyết những vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…

Chủ đề “Hợp tác vì nước” của Ngày nước thế giới năm nay đã cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cũng như thúc đẩy các nỗ lực quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách hài hòa ở các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Điều đó đòi hỏi hành động thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu chung là khai thác, sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hiệu quả và công bằng.

Có thể nói, “Hợp tác vì nước” là nhân tố thúc đẩy hợp tác phát triển, mang lại cho cộng đồng và xã hội sự gắn kết. “Hợp tác vì nước” giúp giải tỏa những xung đột về xã hội đồng thời xây dựng niềm tin giữa mọi người, giữa cộng đồng, các vùng miền và các quốc gia.

Thưa các vị đại biểu,

Trong buổi lễ trọng thể ngày hôm nay, tôi đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước hãy có những hành động thiết thực để bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Hãy cùng nhau thống nhất hành động để trả lại sức sống, sự trong lành của các dòng sông cho mỗi chúng ta hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND TP. Cần Thơ đã tích cực phối hợp để tổ chức trọng thể Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay.
Xin kính chúc sức khoẻ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các quý vị đại biểu.

Xin chân thành cảm ơn đại diện các tầng lớp nhân dân TP. Cần Thơ đã đến dự Lễ mít tinh.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Diễn văn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2013

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI