»

Thứ tư, 30/10/2024, 08:21:38 AM (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013

(12:58:47 PM 21/08/2021)
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 19/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
 

Chủ[-]tịch[-]Quốc[-]hội[-]Vương[-]Đình[-]Huệ[-]làm[-]việc[-]với[-]Bộ[-]TN&MT[-]về[-]tiến[-]độ,[-]các[-]bước[-]chuẩn[-]bị[-]sửa[-]đổi[-]Luật[-]Đất[-]đai[-]2013

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
 
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước.
 
Theo Kế hoạch số 24-KH/BCĐ ngày 20/4/2021 của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Nghị quyết 19), Đảng đoàn Quốc hội được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước.
 
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan của Quốc hội, các Bộ, ngành nhằm xem xét những định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật Đất đai, tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm của Quốc hội nâng cao chất lượng lập pháp bằng việc vào cuộc từ sớm, từ xa, chủ động đồng hành sát sao với Chính phủ trong nâng cao chất lượng luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, song song với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Chính phủ đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tổng kết thi hành Luật Đất đai và Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Tới nay, cơ bản các Bộ, ngành và địa phương đều tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật và hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai, đồng thời với hoàn thiện các chính sách cụ thể của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
 
Nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng tổng kết thi hành Luật Đất đai và có cơ sở hoàn thiện các định hướng chính sách của Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ tiếp tục xây dựng Phiếu xin ý kiến gửi các Ban cán sự Đảng và 63 địa phương để hoàn thiện tổng kết thi hành Luật và có cơ sở hoàn thiện định hướng chính sách của Luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức nhiều tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức quốc tế (World Bank, ADB…) về các nội dung dự thảo báo cáo tổng kết, báo cáo đề xuất đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý đất đai ở các nước phát triển cũng như các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
 
Trên cơ sở Nghị quyết 19 của Trung ương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan soạn thảo triển khai nghiên cứu thể chế 3 nhóm với 9 chính sách lớn để phân bổ, sử dụng hiệu quả hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nhằm giảm khiếu nại, tố cáo về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống lãng phí thất thoát.
 
Trong đó tập trung vào các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất;  tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.
 
Trong thời gian tới, để triển khai Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ sẽ bám sát quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW để phối hợp chặt chẽ với các bên nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với nội dung dự thảo Luật; tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của pháp luật; tổ chức truyền thông chủ động về những chủ trương định hướng lớn trong suốt quá trình sửa đổi Luật để tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân.
 
Tại buổi làm việc các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan đều khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Luật Đất đai, góp ý nhiều nội dung liên quan tới công tác tổ chức sửa đổi luật, các bất cập trong quy định hiện hành và các định hướng lớn về nội dung của luật.
 
Chủ[-]tịch[-]Quốc[-]hội[-]Vương[-]Đình[-]Huệ[-]làm[-]việc[-]với[-]Bộ[-]TN&MT[-]về[-]tiến[-]độ,[-]các[-]bước[-]chuẩn[-]bị[-]sửa[-]đổi[-]Luật[-]Đất[-]đai[-]2013
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, việc quản lý, sử dụng các nguồn lực (gồm nhân lực, vật lực, tài lực), trong đó công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Việt Nam có diện tích tự nhiên đứng thứ 59 trên thế giới nhưng do dân số đông nên diện tích bình quân đầu người rất thấp, chỉ bằng 1/5 mức bình quân đầu người của thế giới. Chính vì vậy, đất đai là “nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
 
Đánh giá chung hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận “là đã khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc của các Bộ, ngành về những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay như: quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu. Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân như hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Cùng với đó còn có cả nguyên nhân việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa hiệu quả.
 
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19 cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt ra một số yêu cầu cần quán triệt xuyên suốt quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tới đây là quan điểm của Trung ương sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 19. Bên cạnh đó, cần bám sát quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39 về quản lý các nguồn lực, Hiến pháp năm 2013.
 
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “các nội dung đề xuất sửa đổi phải trên cơ sở tổng kết khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nhóm vấn đề cần sửa đổi, tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc. “Không nên câu nệ có mấy nhóm chính sách mà trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu thực tế chúng ta có thể báo cáo Quốc hội điều chỉnh, quan trọng nhất là nội hàm của các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi như thế nào để tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng đất đai sau khi sửa đổi luật. Tinh thần là tập trung sửa những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, những vấn đề chưa đủ rõ thì có thể thí điểm” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo về xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thực chất về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai; tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu theo từng vấn đề trên tinh thần càng những nội dung khó, phức tạp thì càng phải thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, công khai, minh bạch. Phải coi trọng việc đánh giá tác động đa chiều, thấu đáo, thận trọng, khách quan, nhất là những vấn đề mới phát sinh, chưa rõ, chưa chín để tạo sự đồng thuận đối với các vấn đề sửa đổi. Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đều phải cố gắng lắng nghe càng nhiều càng tốt, hết sức cầu thị, “gạn đục khơi trong”, không để lỡ cơ hội lắng nghe được nhiều nhất các ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai.
 
Vè kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 – 2026, Chủ tịch Quốc hội thống nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng bố trí thêm Phiên họp chuyên đề trong khoảng thời gian giữa Phiên họp tháng 9 và Phiên họp tháng 10 để bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Các ý kiến tại cuộc làm việc đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 với tầm nhìn dài hạn, không chỉ khắc phục những tồn tại hiện nay trong câu chuyện quản lý, sử dụng mà còn phải tạo nền tảng dài hạn để đất đai thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030, 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
 
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo ghi nhận và tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, Ban kinh tế Trung ương và các cơ quan Quốc hội để hoàn thiện theo hướng vừa làm vừa sáng tỏ. Lưu ý không để xảy ra tình trạng chưa “chín kỹ” mà vẫn trình sửa đổi hay bổ sung thì Luật sẽ không đi được vào cuộc sống. Quan trọng nhất là phải tạo được tính căn cơ trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Muốn vậy, Chính phủ và Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ luôn phải xác định rõ: “Đây là công việc chung, tất cả đều vì lợi ích dân tộc, vì sự phát triển của đất nước và nhân dân”. Vì vậy, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng phối hợp cao nhất để cùng hoàn thiện dự thảo luật, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng luật với tinh thần kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ. Và Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những Luật trọng tâm trong thực hiện chức năng lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ban soạn thảo cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lắng nghe càng nhiều càng tốt các ý kiến của các Bộ, ngành Ủy ban, các chuyên gia và các tỉnh, thành phố, càng chuyên sâu, kỹ thuật càng phải cầu thị, lắng nghe và tiếp thu.
(Theo Bộ TN&MT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc

Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc

(Tin Môi Trường) - Nhiều giải pháp về việc Giảm CO2 được đề xuất là kết quả nổi bật mà hàng chục đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra trong Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” (tiếng Anh là Workshop on the Impact Assessment and CO2 Reduction) được tổ chức tại tỉnh Kyungju, Hàn Quốc.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI