(Tin Môi Trường) - "Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng".
Ông Nguyễn Vạn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng - tại cuộc họp báo chiều 26-5 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Nguyễn Vạn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM - khẳng định như vậy tại buổi họp báo chiều 26-5 về vụ tai nạn do cây bật gốc đổ tại trường ông vào sáng cùng ngày
khiến một
học sinh tử vong và nhiều em bị thương.
Trường chịu trách nhiệm quản lý
Tại buổi họp báo, ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết vụ việc xảy ra vào lúc 6h22 sáng 26-5 tại sân Trường THCS Bạch Đằng.
Nạn nhân là nhóm
học sinh lớp 6.8. Sau khi nhận thông tin, UBND quận 3 tổ chức 4 nhóm công tác xuống hiện trường xử lý, khắc phục các hậu quả ban đầu.
Theo ông Nguyễn Vạn Phúc, cây phượng bật gốc được trồng từ năm 1996, thường được cắt tỉa mỗi khi đến mùa mưa. Sự việc diễn ra
khiến nhà trường rất bất ngờ vì cây lá còn tươi tốt và nhà trường vừa tỉa cành, bón phân cho cây.
Ông Phúc thông tin thêm nhà trường quy định giờ vào học là 6h30, do đó vào thời điểm cây ngã, nhiều em lớp 6.8 đang ngồi ăn sáng bên gốc cây, một số em chuẩn bị lên lớp. Với các lớp còn lại,
học sinh ngồi ở những cụm khác nên không bị ảnh hưởng.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, ông Lê Quang Đạo - phó phòng hạ tầng kỹ thuật - cho hay các cây xanh trong khuôn viên trường do nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, không thuộc Sở Xây dựng.
Tuy nhiên hằng năm sở đều gửi văn bản tới UBND các quận huyện, các trung tâm hạ tầng kỹ thuật nhắc nhở việc cắt tỉa những cây lớn trên đường sá, trong các khuôn viên công sở, trước khi mùa mưa bão đến.
"Sau sự việc này Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo rà soát các cây xanh trên địa bàn nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra" - ông Đạo nói.
Hiện trường vụ cây phượng đổ gây thương vong cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hầu hết các em đã ổn
Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Bá - quyền chủ tịch UBND quận 3 (TP.HCM) - cho hay với 4
học sinh vào Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Saigon - Ito, 1 em chấn thương nhẹ, 3 em được mổ xương vào trưa 26-5 hiện đã ổn.
Với 8
học sinh được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, 5 em được thăm khám ổn và cho về, 3 em còn lại bị gãy chân hoặc bị ảnh hưởng cột sống đang chờ mổ. Còn tại Bệnh viện quận 3 khám 5 em sây sát nhẹ đã cho về.
Riêng
học sinh N.T.K. (lớp 6.8) mất trong lúc chuyển sang Bệnh viện An Sinh, UBND quận 3 chỉ đạo các lực lượng chức năng đến ngay bệnh viện và nhà em K., đồng thời hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng.
Ông Bá cho biết thêm gia đình em K. thuộc hộ cận nghèo của quận, gồm cha mẹ và bà nội. Đặc biệt mẹ em mới sinh con nhỏ chỉ 3 ngày trước. "Đây là trường hợp rất khó khăn, quận chỉ đạo các cơ quan đơn vị vừa động viên, vừa chia sẻ với gia đình" - ông Bá nói.
Hằng năm, cơ quan chức năng TP.HCM đều có văn bản nhắc nhở các trường theo dõi, chăm sóc cây xanh. Trong ảnh: khuôn viên rợp bóng cây xanh của một trường học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trồng cây phượng trong trường phải theo dõi
TS Lê Minh Trung - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - nhận định cây xanh trong trường phải cắt tán cho gọn để phần tán không nặng gây bật gốc, tét nhánh.
Đối với cây xanh trên đường phố thì cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện cây bị sâu mục và xử lý. Còn tại trường học, khi có dấu hiệu rõ ràng thì trường mới báo, do đó các cây trong trường ít được kiểm tra hơn.
"Người trong nghề có thể nhìn qua các dấu hiệu trên sẽ biết cây có hư hại, ruỗng thân hay bị sâu mọt và có hướng xử lý, ở trường thì các giáo viên, nhân viên khó nhận ra. Ở trường học, đối với cây phượng vĩ thì trồng được, còn riêng cây bàng tuyệt đối không nên.
Hầu hết các trường thường trồng cây phượng vĩ vì gắn với học trò nhưng phải có biện pháp theo dõi, cắt tỉa thường xuyên. Với các cây to lâu năm cần quan sát, kiểm tra theo dõi phần thân, khi thấy mối mọt hay thân cây bị sâu cần báo cho công ty cây xanh để kiểm tra, tránh sự cố đáng tiếc.
Hoặc các trường học có thể phối hợp với phía công ty cây xanh để kiểm tra định kỳ hệ thống cây trong trường" - ông Trung nói.
Còn TS Đinh Quang Diệp - Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết đặc tính cây phượng vĩ có hệ thống rễ yếu. Đặc biệt mùa hè, mùa cây này ra hoa sẽ làm tán cây bị nặng, thêm vào đó mùa mưa
khiến đất mềm tăng nguy cơ bị bật gốc.
"Cây phượng vĩ ít rễ nhưng tán thưa, do đó trồng trong trường học vẫn được nhưng phải kiểm tra thường xuyên, chăm sóc kỹ. Đối với các cây lâu năm già cỗi thì nên đốn hạ thay thế bằng các cây trồng có cấu tạo rễ mọc sâu" - ông Diệp lưu ý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), ngôi trường hơn trăm năm tuổi với nhiều cây xanh lâu đời ở TP.HCM - cho biết trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chăm sóc bảo dưỡng các cây trong khuôn viên.
Những cây cổ thụ đều được cắt tỉa các cành lớn, dài trước khi vào mùa mưa. "Việc đảm bảo an toàn trong trường học luôn được trường thực hiện thường xuyên. Sau vụ việc ở Trường THCS Bạch Đằng, trường sẽ tăng cường kiểm tra các cây xanh để tránh những trường hợp không may xảy ra" - cô Chương nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) - cho biết hiện số lượng cây xanh trong khuôn viên trường khá nhiều, tại cơ sở 1 chủ yếu là các cây lâu năm, tại cơ sở 2 phần lớn là những cây mới trồng.
Ông Minh chia sẻ trường thường cho người cắt tỉa các cây lớn trong sân trường 2 lần trong năm, một lần chuẩn bị khai giảng và một lần trước lúc vào mùa mưa.
Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát cây xanh trong trường
Ngày 26-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh tử vong do cây đổ và yêu cầu các trường rà soát, loại trừ mối nguy hiểm từ cây xanh trong trường học.
"Đây là sự việc hết sức đau lòng. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình học sinh đã mất và gửi lời thăm hỏi tới các em bị thương.
Tôi cũng gửi lời động viên tới giáo viên, học sinh Trường THCS Bạch Đằng, mong các học sinh và thầy cô giáo ổn định tâm lý, sớm vượt qua mất mát này để ổn định tổ chức dạy và học" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông Nhạ đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM, các sở GD-ĐT trên toàn quốc cần chỉ đạo ngay các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh kiểm tra, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm có thể gãy đổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.