»

Thứ sáu, 22/11/2024, 00:06:36 AM (GMT+7)

Vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ là bất thường

(20:32:09 PM 28/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Chiều 28/4, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giám sát về sự cố sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và vấn đề quản lý, sử dụng chất bị cấm trong chăn nuôi.

Vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ bất thường


Vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ bất thường

Liên quan đến vụ việc sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ làm 6 người chết, 1 người bị thương, vùi lấp 10 ngôi nhà của dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Trần Tất Thắng cho biết: so sánh với thiết kế của Viện Khoa học công nghệ mỏ và Quy chuẩn 04/2009 của Bộ Công thương về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên thì các thông số kỹ thuật của bãi thải trước khi sạt lở như cốt cao kết thúc thải, phương pháp thải, chiều cao tầng thải, số tầng thải, góc dốc sườn thải, độ dốc mặt bãi thải đều đảm bảo an toàn.

Qua phân tích đất nền bãi thải là loại đất sét dẻo quánh, cát sạn bở rời kém bền vững, có chiều dày lớn, toàn bộ đất sét được đẩy đi xa hàng trăm mét và nằm bên trên các đất đá của bãi thải; vật liệu bãi thải sạt lở đẩy sét ở ruộng lúa lên sườn đồi; ông Trần Tất Thắng khẳng định: từ hiện tượng vụ sạt lở cho thấy đây không phải là sạt lở thông thường tại các bãi thải, để có kết luận chắc chắn cần phải tiến hành nghiên cứu một cách khoa học. Tổng Công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ tập trung mọi biện pháp nhằm ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị có điểm mỏ trong toàn hệ thống, kiểm tra tất cả các điểm mỏ khai thác khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Cảnh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục địa chất - khoáng sản thì năm 2008, Công ty cổ phần Gang thép Thái nguyên đã thuê Viện Khoa học và Công nghệ mỏ lập thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác xuống sâu moong lộ thiên Bắc Làng Cẩm – mỏ than Phấn Mễ, trong đó bãi thải số 3 được chọn là khu vực đổ thải và được thiết kế đổ thải đến cốt cao 190m. Như vậy, đến thời điểm xảy ra sự cố, đất đá đổ thải mới đến cao trình 160m, đạt khoảng 75% dung tích bãi thải.

Những băn khoăn về công tác quản lý khai thác khoáng sản, việc thiết kế mỏ, thiết kế bãi thải, tường bao xung quanh khu vực bãi thải, đánh giá nền đất khi quy hoạch bãi thải, có hay không chuyện mót than, khai thác cao lanh ở khu vực này... đã được nhiều đại biểu đề cập.

Trả lời về các vấn đề trên, đại diện Tổng Công ty thép và Mỏ than Phấn Mễ cho biết năm 2011 các đơn vị này đã đo cao trình, góc bãi thải, chiều cao tầng, góc dốc mặt thải, khi đổ thải cũng đã để lại 2 mặt tầng an toàn, đối chiếu với tiêu chuẩn của Bộ Công thương thì các thông số đều đảm bảo an toàn. Không có hiện tượng khai thác cao lanh tại đây. Còn việc tận thu than ở bãi thải, đây vẫn là hổng cho tất cả các mỏ. Hàng ngày có từ 70 – 100 người lên bãi thải để mót than nhưng việc ngăn cấm rất khó khăn do lực lượng bảo vệ mỏng, bãi thải rộng, nhiều đường lên, nhiều tầng. Mỏ than Phấn Mễ đã tính đến phương án đề nghị chính quyền xã cử người có chức năng đứng ra quản lý việc nhặt than một cách có tổ chức, tránh tình trạng mạnh ai nấy lên như hiện nay.

Không đồng tình với phương án tổ chức việc tận thu than, đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Mỏ than Phấn Mễ nên thận trọng với việc cho mót than có tổ chức vì có thể gây tai nạn từ việc có tổ chức đó. Trước mắt cần xây tường bao để ngăn trở người dân vào khu vực bãi thải, về lâu dài cần có phương án trồng cây khi bãi thải đã được phong hóa.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Công thương cũng thừa nhận đây là bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép và kiểm tra sau khai thác khoáng sản. Mỏ than Phấn Mễ đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường và khai thác mỏ và Bộ cũng thiếu cương quyết trong vấn đề này, nếu cương quyết đình chỉ khai thác thì sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức có liên quan, rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, khẩn trương di dời dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, làm tốt công tác quản lý hộ khẩu của dân cư trú trong vùng khai thác khoáng sản, rà soát các cơ sở khai thác về thiết kế mỏ, xử lý chất thải để đảm bảo an toàn...

Kiểm soát chặt các chất cấm trong chăn nuôi

Về vấn đề sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 3 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện 13 mẫu thức ăn chăn nuôi, 2 mẫu thuốc thú y, 8 mẫu thịt, gan lợn, 7 mẫu nước tiểu lợn có Beta-agonist. Địa điểm phát hiện chủ yếu ở Đồng Nai. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm, truy xuất được nguồn gốc du nhập và phát tán của các chất cấm. Để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu các nguy cơ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, cùng với các giải pháp tăng cường giám sát kiểm tra, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về tác hại của chất cấm, triển khai phong trào tẩy chay chất cấm trong cộng đồng xã hội...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi hiện nay đã tạm thời được kiểm soát, không có thông báo mới về việc phát hiện các mẫu dương tính trong nước tiểu gia súc và trong các sản phẩm chăn nuôi. Song, tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại bởi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật và các quy trình quy phạm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm chưa tốt. Bên cạnh đó, hệ thống pháp chế và việc phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát còn nhiều bất cập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp một cách đồng bộ, toàn diện trong quản lý, giám sát chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm.

Bộ này cũng kiến nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn chất Salbutamol dùng trong y tế và xem xét bỏ hoặc điều chỉnh giới hạn cho phép chất Ractopamine trong thực phẩm vì chất này đang là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới.

Còn Bộ Y tế thì cho rằng việc kiểm soát các chất cấm trên nói riêng và kiểm soát an toàn thực phẩm trong chăn nuôi nói chung là công việc lâu dài, thường xuyên đòi hỏi sự chủ động, tích cực của Bộ chủ động chủ quản và các địa phương cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng đề nghị phải xử phạt phải nghiêm túc, cương quyết các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, quản lý tốt các loại hóa chất, nhất là các chất tăng trưởng, tập trung đầu tư cho hệ thống giết mổ và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đây không chỉ là vấn đề của riêng một Bộ mà các địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ là bất thường

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI