»

Thứ năm, 23/01/2025, 21:10:38 PM (GMT+7)

Truyền thông đại chúng với biến đổi khí hậu

(12:00:13 PM 29/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong hai ngày 29 và 30/11, tại TP Hà Nội, diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông đại chúng với biến đổi khí hậu tại tiểu vùng Sông Mekong: Thực tế hay hư cấu”. Hội thảo do Học viện Báo chí&Tuyên truyền phối hợp với Văn phòng Viện Friedrich Ebert Stiftung tại Việt Nam tổ chức.

 


Văn nghệ truyền thông về Biến đổi khí hậu do Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Nam tổ chức trong tháng 7/2012

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TSKH Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Báo chí&Tuyên truyền, cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương và có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cũng như tình hình chung trên thế giới, đối với Việt Nam, những biểu hiện của biến đổi khí hậu tác động tới cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên môi trường, kinh tế xã hội, trong đó tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế - sức khỏe và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất.

 

Nhận thức rõ được điều đó, ngày 2/12/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, là định hướng và chiến lược cơ bản quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

“Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đó là công tác truyền thông”, ông Nam nhấn mạnh, “Với thế mạnh của việc thông tin phát đến nhóm công chúng lớn, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như cảnh báo hậu quả từ biến đổi khí hậu cho công chúng.”

 

Đề cập đến những lỗ hổng thông tin, theo nhà báo Nguyễn Chí Nhân, ban kinh tế Báo Thanh Niên, truyền thông về biến đổi khí hậu nói chung hiện nay phần lớn chỉ mới phản ánh một chiều mà ít có phản biện, nhất là trong khía cạnh truyền thông về thích ứng với biến đổi khí hậu, cách thức thích nghi như thế nào là khôn ngoan và bền vững.

 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nam đánh giá một bối cảnh các phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu tập trung vào các hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu và biến nó thành một nguy cơ lớn đối với con người nhưng lại hầu như không truyền tải cho người dân những thông tin về việc xử lý thực tế có thể làm giảm hiệu quả truyền thông về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

“Và thực tế, Việt Nam hiện tại có rất ít các nghiên cứu về truyền thông và biến đổi khí hậu”, ông Nam nhấn mạnh. 

 

Nghiên cứu “Thực trạng đưa tin, bài trên các báo in và báo mạng điện tử của Việt Nam về chủ đề biến đổi khí hậu” do nhóm của Nguyễn Thị Ngọc Huế, khoa xã hội học Học viện Báo chí&Tuyên truyền, thực hiện trên năm tờ báo cho thấy điểm tương đồng giữa báo in, báo điện tử và báo chí Việt Nam nói chung trong việc đăng tải thông tin biến đổi khí hậu là những thông tin về biểu hiện, hậu quả, và cách ứng phó được đề cập nhiều hơn là những thông tin nguyên nhân và dự báo biến đổi khí hậu. Biểu hiện biến đổi khí hậu luôn là mảng thông tin được đề cập nhiều nhất trên cả báo in và báo điện tử.

 

Thông tin về hậu quả và cách ứng phó đều được đề cập nhiều trên cả báo in và báo điện tử nhưng ở báo in tỷ lệ thông tin về cách ứng phó lại cao hơn hẳn so với tỷ lệ thông tin về hậu quả biến đổi khí hậu. Đặc biệt báo in khi đưa tin về cách ứng phó thường đưa kèm những thông tin về chủ trương, chính sách nhiều hơn báo điện tử.

 

Với hai nhóm thông tin nguyên nhân và dự báo biến đổi khí hậu thì báo chí nói chung, báo in và báo điện tử đều ít đăng tải hơn so với những nhóm thông tin trên. Báo in có tỷ lệ thông tin nguyên nhân biến đổi khí hậu ít hơn nhưng lại có tỷ lệ thông tin dự báo nhiều hơn báo điện tử.

 

Nhìn chung báo điện tử và báo chí Việt Nam đều ít đăng tải thông tin về nguyên nhân và dự báo biến đổi khí hậu hơn các khía cạnh khác của thông tin biến đổi khí hậu. Việc xem nhẹ thông tin nguyên nhân biến đổi khí hậu trên báo chí là khoảng trống cần lấp đầy thì mới mang lại hiệu quả trong việc truyền thông và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Mạnh Cường
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Truyền thông đại chúng với biến đổi khí hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI