Tin tức » Tin trong nước
Tặng "Rùa Hoàng gia" cực kỳ quý cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia
(11:56:59 AM 05/10/2012)Quang cảnh lễ trao tặng cá thể “Rùa Hoàng gia” cực kỳ quý hiếm về Campuchia sau gần 30 năm được nuôi giữ ở Việt Nam - (Ảnh: ENV)
Cá thể rùa nước ngọt lớn có tên Batagur (Batagur affinis) này được cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hiện tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Tp. Hồ Chí Minh, vào tháng 10/2010. Theo lời ông Đinh Văn Vui – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Suối Tiên – cá thể rùa bắt đầu được ông nuôi trong khuôn viên của Khu Du lịch từ những năm 1980.Sau gần hai năm nỗ lực liên hệ, với sự hỗ trợ và hợp tác của Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Chi cục Kiểm lâm Tp. Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng khác tại Tp. Hồ Chí Minh, cũng như với Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Campuchia, cá thể rùa quý hiếm đã sẵn sàng để được đưa trở về Campuchia.
“Chúng tôi cảm ơn ông Vui với quyết định này, vì đây là một loài đặc biệt quan trọng đối với Campuchia”, ông Trần Việt Hưng – Phó Giám đốc ENV phát biểu, “Loài rùa này không chỉ có giá trị bảo tồn mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt với người dân Campuchia với tên gọi "Rùa Hoàng gia" bởi chúng từ lâu đã được Quốc vương Campuchia tuyên bố là tài sản của Hoàng gia và nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi săn bắt chúng.”
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ vừa qua, quần thể loài rùa này trong tự nhiên ở Campuchia đã sụt giảm mạnh về số lượng, và đến nay chỉ còn một số ít sống tại lưu vực sông Sre Ambel ở khu bờ biển phía Nam. Năm ngoái, chỉ có ba cái thể rùa cái được xác nhận đã đẻ trứng tại các bãi cát ven sông, đây là một con số ổn định nhưng quá ít ỏi so với quần thể đã từng rất đông đúc này.
Đón rùa vào hội trường trước khi trao tặng
Kiểm lâm TP HCM trao giấy phép vận chuyển đặc biệt "Rùa hoàng gia" - (Ảnh: ENV)
“Trao tặng cá thể rùa này về Campuchia mang một ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn loài rùa quan trọng này trong tương lai.” Ông Hưng nhấn mạnh, “Việc trả lại cá thể rùa cái vẫn còn khả năng sinh sản này hy vọng sẽ giúp gia tăng quần thể loài rùa này đang bị suy giảm nghiêm trọng ở Campuchia”. Ông Hưng cũng nói thêm, “Chỉ yếu tố này thôi cũng đủ khiến chúng tôi nỗ lực hết mình để cá thể rùa nói trên được trở về Campuchia”.
"Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi cuối cùng cá thể rùa Batagur vô cùng quý hiếm này đã có thể được đưa về Campuchia, đất nước mà tình hữu nghị được Đảng và Nhà nước hai bên đã dày công xây dựng lâu đời." Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tp. Hồ Chí Minh nói, "Một trong những trách nhiệm chính của Kiểm lâm chúng tôi là bảo vệ tất cả các loài nguy cấp, và hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng nơi tốt nhất cho chúng, đặc biệt với loài rùa quý hiếm này, chính là môi trường tự nhiên hoặc trong các chương trình nhân giống bảo tồn đủ điều kiện.”
Buổi lễ trao tặng cá thể rùa Hoàng gia này cho đại diện của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia đã được tổ chức hôm nay tại Tp. Hồ Chí Minh. Trước tiên, nó sẽ được chuyển cho Dự án Bảo tồn Rùa Batagur ở Lưu vực sông Sre Ambel tại Campuchia. Tại đây, cá thể này sẽ là một đóng góp đáng kể cho chương trình nhân giống nhằm tăng số lượng quần thể rùa Batagur và cũng như để tăng sự đa dạng cho nguồn gen của loài này.
Trong chương trình nhân giống này, trứng rùa sẽ được ấp nở trong một môi trường an toàn tuyệt đối, sau đó các con non sẽ được nuôi dưỡng và theo dõi vài năm trước khi thả ra tự nhiên. Bảo vệ các cá thể trưởng thành trong thời kỳ sinh sản cũng như làm tăng số lượng cá thể ngoài tự nhiên từ nguồn gây nuôi chính là những hy vọng duy nhất cho việc bảo tồn loài rùa Batagur trong tự nhiên.
Ảnh chụp cá thể rùa Batagur affinis tại Suối Tiên vào tháng 10/2010
Batagur affinis là một loài rùa nước ngọt sống tại khu vực rừng ngập mặn ven sông ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia và vùng Sumatra (Indonesia). Trong văn hóa Campuchia, rùa Batagur còn được gọi là “Rùa Hoàng gia”, một loài rùa từng có số lượng quần thể rất lớn nhưng trước tình trạng bị đánh bắt lấy trứng và thịt quá mức, đến nay chỉ còn một số lượng rất nhỏ còn sống trong tự nhiên. Thậm chí, rùa Batagur còn được coi là đã biến mất hoàn toàn tại Campuchia cho đến năm 2000 khi người ta phát hiện một quần thể nhỏ ở lưu vực sông Sre Ambel. Dự án Bảo tồn rùa Batagur tại lưu vực sông Sre Ambel được triển khai, tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn quần thể này khỏi những tác động tiêu cực của con người đến môi trường sống và khỏi việc buôn bán trái phép. Các đội tuần tra của dự án thường xuyên kiểm tra khu vực sông, canh gác các bãi cát có thể là nơi rùa đẻ trứng, đồng thời dự án cũng mở một trung tâm nhân giống và ấp trứng để bảo tồn. Dự án ước tính chỉ còn không đến 10 cá thể rùa cái trong thời kỳ sinh sản.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT
- Bộ Công Thương gửi công điện khẩn, yêu cầu báo tin cho dân trước khi xả lũ
- Một doanh nghiệp năng lượng Việt được rót 10 triệu USD làm điện sạch
- Trả lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép môi trường của nhà máy chế biến sữa
- Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM bị bắt
- Lâm Đồng: Đưa vụ Đồi Cù vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Tòa án hủy quyết định cấm thay đổi hiện trạng công trình ở sân golf Đồi Cù
- Bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 4 lãnh đạo khác
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
(Tin Môi Trường) - Phó thủ tướng Campuchia tuyên bố nước này không có nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin và sẽ không tham vấn với các quốc gia trong khu vực về dự án kênh đào Funan Techo.