»

Thứ sáu, 24/01/2025, 00:35:10 AM (GMT+7)

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông

(12:28:52 PM 21/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Sáng nay (21/12), tại TP Hà Nội diễn ra hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông” nhằm giới thiệu những nội dung, điều mới trong Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.


Cần quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông- Ảnh minh họa

 

“Trong một thời gian dài chúng ta chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, dẫn đến tài nguyên nước có biểu hiện suy thoái cả số lượng và chất lượng; ô nhiễm xuất hiện ở nhiều nơi có xu hướng gia tăng”, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên Nước, phát biểu tại hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông” ngày 21/12 tại Hà Nội.

 

 

Luật Tài nguyên Nước lần đầu tiên được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/5/1998, có hiệu lực từ ngày 1/1/1999, đánh dấu một bước  tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Luật ra đời góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; ý thức, nhận thức của nhân dân đã được cải thiện đáng kể.

 

Sau 12 năm thi hành Luật, nhiều quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 1998 đã không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, bất cập trong quà trình thực hiện; thiếu các quy định, công cụ biện pháp kinh tế, tài chính để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước nên tình trạng khai thác, sử dụng còn lãng phí, v.v…

 

“Trong một thời gian dài chúng ta chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, dẫn đến tài nguyên nước có biểu hiện suy thoái cả số lượng và chất lượng; ô nhiễm xuất hiện ở nhiều nơi có xu hướng gia tăng”, ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên Nước, phát biểu tại hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông” ngày 21/12 tại Hà Nội.

 

Còn theo bà Trần Thị Huệ, Cục Quản lý Tài nguyên Nước – Bộ Tài nguyên&Môi trường, trong thời gian dài chúng ta quan niệm nước là của trời cho nên sử dụng rất lãng phí. Việt Nam được đánh giá dồi dào về nước mà người ta phải kêu ca là có nguy cơ thiếu nước trong tương lai.

 

Chính vì vậy từ tháng 3/2008, Bộ Tài nguyên&Môi trường đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) và đã tiến hành đánh giá tác động của dự án Luật đối với một số nhóm vấn đề mới nhằm quản lý việc sử dụng nguồn nước hiệu quả, hạn chế thất thoát nước.

 

Và ngày 21/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên Nước. Luật đã tập trung xử lý những tồn tại, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến tài nguyên nước và thể hiện quan điểm hiện tại của thế giới về quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

 

Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) vẫn kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 1998 đang phát huy tác dụng trên thực tế; bãi bỏ các quy định bất cập; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù  hợp với thực tiễn. Luật Tài nguyên Nước gồm 10 chương (như Luật năm 1998 nhưng bỏ hai chương và bổ sung hai chương có nội dung mới gồm “điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước” và “tài chính về tài nguyên nước”) với 79 điều.

 

Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) được chỉnh sửa và bổ sung mới 39 điều trong đó đáng chú ý lần đầu tiên Luật quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhằm thực hiện chủ trương dân chủ hóa cơ sở, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án.

 

Ngoài ra Luật còn bổ sung một số điều mới như quan trắc, giám sát tài nguyên nước; việc phòng chống, ô nhiễm nước biển; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đăng ký khai thác nước dưới đất; nhân tạo nước dưới đất; điều phối lưu vực sông; v.v…

 

Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân đang thực hiện khai thác tài nguyên nước phải nộp đơn cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này đối với phần còn lại của thời hạn ghi trong giấy phép.

 

Chính sách của nhà nước về tài nguyên nước có nhiều điểm mới như nhà nước đầu tư có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến bảo vệ, phát triển các nguồn nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn để tái sử dụng, đảm bảo ngân sách cho điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả, v.v…

 

Các hành vi nghiêm cấm rõ ràng hơn, đã bổ sung nhiều hành vi như đổ chất thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước; xả nước thải, chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu cực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn; xả nước thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào, khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, xây dựng nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, v.v…

 

Xả nước thải vào nguồn nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép xả nước thải về cơ bản được kế thừa, có bổ sung quy hoạch đô thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, làng nghề, v.v…, phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận của nguồn nước, được cơ quan quản lý về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận trước khi trình phê duyệt.

 

Phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đã có nhiều quy định mới và cụ thể hơn. Chẳng hạn khai thác, sử dụng nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước; không xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, v.v…, trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Việc xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tuyến giao thông đường thủy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, v.v…

 

Luật Tài nguyên Nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 trong đó có quy định các tổ chức, cá nhân có giấy phép về tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Mạnh Cường (TMT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tổ chức lưu vực sông

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI