»

Chủ nhật, 19/01/2025, 17:15:28 PM (GMT+7)

Phập phồng trước miệng... hà bá

(09:02:09 AM 03/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Vụ sạt lở nghiêm trọng tại huyện Bình Chánh - TPHCM vào đêm 1-7 đã cuốn 7 căn nhà xuống rạch và đang lăm le nuốt chửng 9 căn nhà khác

 

Đến sáng 2-7, hiện trường vụ sạt lở tại rạch Xóm Củi thuộc ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM vẫn còn ngổn ngang. Bốn căn nhà đã bị nước nhấn chìm, 3 căn nhà khác đã nghiêng đổ, chực ngã xuống rạch.
 
Vật dụng gia đình của những căn nhà trên còn trôi khắp nơi, nhiều người dân nước mắt lăn dài nhìn tài sản cả đời mình trôi theo con nước.
 

Hỗn loạn trong đêm

 

Vụ sạt lở bắt đầu vào lúc 23 giờ ngày 1-7 và kéo dài đến rạng sáng hôm sau. Khu vực bị sạt lở có diện tích khoảng 100 m2. Ngoài 7 căn nhà bị nạn, vết sạt lở còn ăn sâu vào trong, cuốn trôi một đoạn đường nông thôn của ấp 4.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ nhà số C2/40G bị chìm xuống rạch, cho biết bà và con gái đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng răng rắc từ mái tôn, sau đó tường nhà cũng nứt theo.
 
Biết có việc chẳng lành, bà vội gọi con gái nhanh chân chạy ra khỏi nhà để thoát thân. Kịp lúc thì căn nhà đổ sập xuống rạch, nước bắn tung tóe. Cùng lúc, 3 căn khác cạnh nhà bà Nga cũng đổ nhào.
 
 
Nhiều căn nhà có nguy cơ bị trôi xuống sông sau vụ sạt lở khuya 1-7. Ảnh: Xuân Danh
 
 
Nhiều người ở trong các căn nhà gần đó cũng vừa kịp chạy ra khỏi nhà, thoát chết. Theo người dân ở đây, sau khi “nuốt” gọn 4 căn nhà, đoạn rạch này tiếp tục xói mòn, cuốn thêm một phần diện tích của 3 căn khác. Trong đêm tối, hàng chục con người hoảng loạn dắt díu nhau tìm chỗ lánh nạn. Họ đau khổ nhìn theo dòng nước cuốn trôi tài sản của họ.
 

Sau khi vụ sạt lở xảy ra, trong lúc hàng chục người phải rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất và đang lo trắng tay thì một số đối tượng từ bên kia con rạch bơi sang nhằm hôi của! Nhận tin báo, UBND xã Bình Hưng đã điều lực lượng dân quân, dân phòng đến hỗ trợ bảo vệ và tìm tài sản cho người dân.

 

Được biết, trước đó vài ngày, nhà bà Nguyễn Thị Nga và một số căn nhà khác bị sập nói trên đều xuất hiện nhiều vết nứt, nền nhà bị sụt lún. Cho đến chiều 2-7, hầu hết các hộ dân có nhà bị sập đã ổn định nơi ở, được bà con địa phương động viên, an ủi để sớm ổn định lại cuộc sống.

 

Đe dọa hàng chục căn nhà khác

 

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết ngoài 7 căn nhà trên, hiện 9 căn nhà khác cũng đang đứng trước nguy cơ sẽ bị cuốn trôi do rạch tiếp tục bị sạt lở.
 
Theo ông Cần, nguyên nhân của vụ sạt lở được xác định là do triều cường kết hợp với mưa tạo thành dòng xoáy cuốn trôi bờ rạch. Mặt khác, do khu vực này thường xuyên có sà lan lưu thông nên tạo thành sóng lớn đánh vào bờ làm xói mòn chân đất. Trước đó, ngày 28-6, lãnh đạo xã Bình Hưng cũng đã cảnh báo với người dân về nguy cơ xảy ra sạt lở.
 
Ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết lãnh đạo quận Bình Chánh đã quyết định hỗ trợ cho 7 hộ dân bị nạn 3 triệu đồng/hộ và sắp xếp chỗ ở cho người dân.
 
Đối với 9 hộ dân còn lại, UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo xã vận động người dân sớm di chuyển đồ đạc, vật dụng đến chỗ ở khác, an toàn hơn để tránh nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Về lâu dài, sau khi có báo cáo tình hình thiệt hại, huyện sẽ có hướng giải quyết cụ thể, không để người dân bơ vơ.
 
 

TPHCM có 50 điểm sạt lở

Huyện Cần Giờ: 3 căn nhà trôi sông

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 50 điểm ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao.
 
Trong đó, huyện Nhà Bè có 12 vị trí, huyện Cần Giờ có 9 vị trí, quận Bình Thạnh có 9 vị trí và quận Thủ Đức có 5 vị trí.
 
Theo khảo sát, nhiều khu vực có nguy cơ bị sạt lở kéo dài từ 1,5 km đến 5 km là đoạn từ kênh ngã ba Kinh Lộ về phía thượng lưu, bờ tả và bờ hữu Rạch Giồng (huyện Nhà Bè), sông Lòng Tàu (Cần Giờ), ngã ba Rạch Tra lên thượng lưu sông Sài Gòn (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
 
* Cũng trong đêm 1-7, một vụ sạt lở khác xảy ra tại ấp An Nghĩa (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) làm 2 căn nhà bị sụp hoàn toàn dưới lòng sông, căn còn lại bị nước “ăn” tới nửa nhà, toàn bộ tài sản nằm sâu dưới làn nước.
 
Nhờ phát hiện kịp thời nên hàng chục người sống trong 3 căn nhà trên kịp chạy ra ngoài.
Đoạn bị sạt lở có chiều dài 50 m, chiều rộng từ 15 m - 35 m, thuộc công trình kè chống sạt lở khu dân cư ấp An Nghĩa vừa hoàn thành vào năm 2010.
 

T.Đồng - T.Tiến

 
 
 
T.Tiến - T.Đồng - Đ.Lê - X.Danh
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phập phồng trước miệng... hà bá

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI