»

Chủ nhật, 26/01/2025, 07:16:23 AM (GMT+7)

Nỗi lo trẻ nhiễm độc ở làng nghề

(16:06:57 PM 29/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Khảo sát mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tại làng nghề Đông Mai, có đến 65 trong số trên 300 trẻ em được kiểm tra đã nhiễm chì, bé cao nhất là 64 mcg/dcl.

 

Nỗi[-]lo[-]trẻ[-]nhiễm[-]độc[-]ở[-]làng[-]nghề

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra tại làng tái chế chì Đông Mai hôm 28-5 - Ảnh: N.H.

 

"Chúng tôi đến gia đình có bé ngộ độc chì cao nhất trong số trên 300 trẻ được kiểm tra lần này thì thấy khả năng bé bị nhiễm từ việc bố mẹ bé mặc nguyên quần áo ở nơi làm việc - là cơ sở tái chế chì - về nhà tắm rửa, từ đó thải chì ra nguồn nước ngầm, ra các dụng cụ gia đình...


Nếu không cắt nguồn ô nhiễm thì chuyện thải chì chỉ là đánh bùn sang ao"


                                                                                                            Ông Phạm Duệ (chuyên gia về chống độc)

 

Theo bà Nguyễn Liên Hương - phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý môi trường y tế, cả nước có 85 làng nghề tái chế kim loại hoặc làm các nghề nguy hiểm tới sức khỏe như làng Đông Mai (làng nghề duy nhất chuyên tái chế chì từ bình ăcquy cũ, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).


Ăn chì, uống chì, ngủ cũng chì


Làng Đông Mai ngày hạ nắng như đổ lửa. Dọc đường vào làng, chúng tôi thấy bao tải la liệt dưới đường làng phơi những nắm như nắm đất. Thật bất ngờ đó là bột chì chưa nung ở dạng ướt và còn nguyên axit. Những ngày trời hanh và gió, những nắm bột chì này đã khô lại tung bụi khắp các ngõ ngách của làng.


Ông Mai Văn Thẻo - 52 tuổi, cư dân làng Đông Mai - than thở ông sinh ra và lớn lên ở làng này nhưng đến nay đêm không ngủ nổi, ngày không ăn nổi vì ô nhiễm đã đến mức kinh khủng.


“Đêm thì khói từ các lò nung chì, tái chế sắt gần đây phả về mùi rất tanh. Trẻ con làng chúng tôi rất hay bị chứng đau bụng, ho hắng...” - ông Thẻo phàn nàn. Đứng ở lề đường, chúng tôi thấy trong không khí ở Đông Mai có mùi vị gì đó lạ, không tươi sạch mà như người ta uống nước có vị vôi hay lẫn tạp chất rất khó tả.


Theo ông Nguyễn Văn Thủy - phó chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, Hưng Yên, người làng Đông Mai làm nghề tái chế chì từ bình ăcquy cũ từ những năm 1970. Lúc đầu trên 100 hộ làm nghề này, nhưng đến nay các hộ đã di dời bớt ra khu tập trung cách làng khoảng 1,5km, còn lại 13 hộ vẫn tái chế chì ngay trong làng. 


Tại cơ sở sản xuất gia đình Vân Loan, chúng tôi gặp hai phụ nữ đều có thâm niên trên 20 năm chỉ làm một công việc là chặt và đập lấy bột chì từ bình ăcquy cũ.


Mặc dù chì xâm nhập vào cơ thể rất dễ dàng qua không khí, nhưng hai chị công nhân ở đây chỉ bảo hộ đơn giản bằng khẩu trang vải và họ cho biết mới đây mới có thêm găng tay cao su. Họ cũng thường mặc nguyên quần áo ở nơi làm việc về nhà mới tắm rửa.


Rất lo ngại môi trường làng nghề


Thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện có 1.700 làng nghề, nhưng đáng lưu ý trong đó có 85 làng nghề tái chế kim loại hoặc làm các nghề nguy hiểm tới sức khỏe, người dân tiếp xúc với các loại bụi kim loại nặng như thủy ngân, thiếc, chì... hằng ngày. 


Bà Lương Mai Anh, phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, lo ngại làng nghề chế biến gỗ cứng thì bụi gỗ cũng dẫn đến nguy cơ ung thư. Các làng nghề làm sơn mài cũng nguy cơ cao. “Điều tôi lo lắng là có phải cả nước chỉ có Đông Mai tái chế chì hay không?


Cả nước mỗi năm thải ra bao nhiêu tấn ăcquy, nhập về bao nhiêu tấn sơn chì... đã có con số chưa?


Thế giới đang rất lo ngại nguy cơ ô nhiễm chì, nhưng ở VN chúng tôi đang điều trị cho 200 em bé nhiễm chì do dùng hồng đơn trong thuốc cam chữa biếng ăn, giờ có thêm hơn 200 em do tiếp xúc với khói bụi, lê la trên đất hay nhiễm chì do bà mẹ nhiễm chì trong quá trình mang thai ở làng nghề, mà nguy hiểm nhất khi trẻ em nhiễm chì là ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ” - ông Phạm Duệ, chuyên gia về chống độc, cho biết.


Tại cuộc họp liên bộ Y tế, Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 28-5 để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở làng nghề Đông Mai, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng hiện chưa rõ bộ ngành nào quản lý vấn đề làng nghề. 


Câu hỏi này đã bị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn ngược: “Vấn đề làng nghề ở nông thôn mà đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt quá nhiều câu hỏi, trong khi lại không nghĩ đó là công việc của mình”.


Theo ông Long, việc cấp bách hiện nay tại Đông Mai là sớm di dời 13 cơ sở sản xuất đang tái chế chì trong khu dân cư ra khu công nghiệp tập trung, nếu không việc điều trị thải chì cho các bé đã nhiễm chì sẽ vô ích bởi các bé sẽ tiếp tục nhiễm chì trở lại vì nguồn ô nhiễm vẫn còn.


Đại diện Sở Y tế Hưng Yên cũng cho biết khảo sát gần đây cho thấy đất, nước và thực phẩm ở Đông Mai đều nhiễm chì. Lượng chì tồn dư trong nước bề mặt cao hơn từ 50 đến gần 400 lần tiêu chuẩn cho phép, lượng chì trong nước ngầm gấp gần 4 lần mức cho phép.


Ô nhiễm không khí ở những hộ gần cơ sở tái chế chì thì lượng chì ô nhiễm cao nhất gấp 8,3 lần mức cho phép, kiểm tra rau trồng tại Đông Mai có đến 13/28 mẫu (46%) vượt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm... 


So với nhiều làng quê khác ở miền Bắc, Đông Mai thuộc loại giàu, nhà cửa xây san sát rất bề thế. Các làng nghề khác cũng giàu có hơn làng thuần nông, nhưng môi trường, sức khỏe thì đáng báo động.


Xử lý vấn đề ở Đông Mai xong, có thể nào Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - môi trường tích cực thúc đẩy xử lý ô nhiễm ở các làng nghề còn lại, đặc biệt là 85 làng nghề tái chế với hàng chục ngàn người dân có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe?


Bảo hiểm y tế chi trả thuốc điều trị thải chì


Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn để quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các thuốc điều trị thải chì. Theo ông Phạm Duệ, hiện có ba loại thuốc được sử dụng với liệu trình tùy mức độ nhiễm chì của bệnh nhi, liệu trình dài nhất có thể kéo dài hai năm.


Trước đây, do quỹ Bảo hiểm y tế chưa chi trả thuốc này nên nhiều gia đình chỉ có đủ tài chính điều trị một đợt thuốc cho con rồi ngừng lại, trong khi để chì thải tự nhiên khỏi cơ thể sẽ cần thời gian rất dài và ô nhiễm chì sẽ có những biểu hiện ảnh hưởng tới trẻ như trẻ có thể bị co giật, kém phát triển trí tuệ...

LAN ANH/TTO
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nỗi lo trẻ nhiễm độc ở làng nghề

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI