»

Thứ hai, 20/01/2025, 13:05:06 PM (GMT+7)

Mở rộng thị trường xuất khẩu rau, quả thương hiệu Việt

(11:45:13 AM 26/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Năm 2011, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đạt giá trị gần 600 triệu USD, một con số kỷ lục từ trước đến nay, đưa nước ta lên hàng thứ năm thế giới về xuất khẩu rau, quả. Tuy nhiên, để rau, quả thương hiệu Việt vươn xa ra thị trường quốc tế, cần những giải pháp phát triển ổn định và lâu dài.

Thu mua bưởi Năm Roi ở Tam Bình, Vĩnh Long. Ảnh: GIA THỌ  

 

Khai thác tiềm năng

Với điều kiện khí hậu thuận lợi, cộng với gần 70% số  dân làm nghề nông và diện tích đất canh tác rau, quả vào khoảng 1,5 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng phát triển ổn định lâu dài trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm rau, quả. Nhiều địa phương trên cả nước đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tương đối lớn gắn liền với những thương hiệu trái cây nổi tiếng, như: vải thiều (Hải Dương, Bắc Giang); nhãn lồng (Hưng Yên); cam quýt (Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên); dứa (thơm) Ninh Bình, Tiền Giang, Hậu Giang; thanh long (Bình Thuận, Tiền Giang); nho (Ninh Thuận); xoài (Tiền Giang, Ðồng Tháp); chôm chôm (Ðồng Nai, Vĩnh Long); bưởi (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long)... Chất lượng và sản lượng nhiều loại rau, quả không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã vươn xa, có mặt tại thị trường của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm đa dạng như đông lạnh IQF, xuất tươi, đóng hộp. Ðáng chú ý, rau quả, trái cây tươi của Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hơn 70% số doanh nghiệp chế biến rau, quả xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế quy định, như: HACCP, ISO, BRC... Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta liên tục tăng. Nếu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt 450,5 triệu USD, thì năm 2011, con số này dự kiến là 600 triệu USD, tăng gần 150 triệu USD so với năm trước, đưa Việt Nam vào tốp thứ năm về xuất khẩu rau, quả trên thế giới.

 

Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm rau, quả nhiệt đới trên thế giới ngày càng tăng, vì vậy cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ rau, quả cũng rất lớn. Ngoài ra, sự thay đổi cơ cấu đầu tư của ngành chế biến thực phẩm sang các nước đang phát triển và xu hướng dùng sản phẩm rau, quả tươi cũng là những yếu tố thuận lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả. Theo đánh giá của Hiệp hội Rau, quả, việc Việt Nam trở thành nước đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu rau, quả đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng này, nhất là trên lĩnh vực mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Từ trước đến nay, đây là ngành hàng rất khó thu hút đầu tư, cả từ vốn trong nước và nước ngoài vì có nhiều rủi ro, trong khi lại thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi.

 

Khắc phục hạn chế

 

Theo quy hoạch phát triển rau, quả đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả đạt 1,2 tỷ USD. Do vậy, dù đạt  những thành tích đáng kể trong năm 2011 thì việc hướng tới mục tiêu 1,2 tỷ USD cũng không dễ dàng nếu ngay từ bây giờ, ngành sản xuất rau, quả trong nước không có những bước đi thích hợp và những giải pháp đồng bộ khắc phục những hạn chế, yếu kém.

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối Ðoàn Xuân Hòa: Ðiểm yếu lớn nhất của ngành sản xuất và xuất khẩu rau, quả nước ta hiện nay là khâu chế biến và tổn thất sau thu hoạch. Hiện mức độ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 đến 30%. Trong khi đó, cả nước mới chỉ có khoảng 60 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất hơn 300 tấn sản phẩm/năm. Mặt khác, năng lực sản xuất của phần lớn các cơ sở chế biến trung bình hằng năm cũng chỉ đạt 30% công suất thiết kế. Thậm chí có cơ sở chế biến nhiều tháng phải "nằm đắp chiếu" hoặc tình trạng tranh mua nguyên liệu thường xuyên xảy ra khiến giá thành sản phẩm không ổn định. Việc sử dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến, như bảo quản mát, bảo quản bằng khí quyển cải biến mới chỉ dừng lại ở mức mô hình chứ chưa được nhân rộng, cho nên tỷ lệ rau, quả qua chế biến chỉ đạt dưới 10% tổng sản lượng. Trong khi đó nhiều sản phẩm chế biến còn đơn điệu, kém cạnh tranh về giá bao bì, vật tư, cước vận chuyển; doanh nghiệp có khả năng cung cấp sản phẩm với khối lượng lớn chưa nhiều; việc quảng bá thương hiệu rau, quả Việt Nam còn hạn chế...

 

Ði đôi với khâu chế biến kém là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của rau, quả Việt Nam còn bất cập. Nhiều nhà nhập khẩu rau, quả khẳng định: Việt Nam không lo thiếu thị trường xuất khẩu mà chỉ e ngại sản phẩm không an toàn. Tuy rau, quả nước ta đã có mặt tại hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, nhưng ở những thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Ðông Âu, lượng xuất khẩu vẫn còn hạn chế vì chưa vượt qua được những rào cản kỹ thuật. Phổ biến nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau, quả và mức độ an toàn của thực phẩm đã qua chế biến.

 

Nâng cao chất lượng rau, quả xuất khẩu

 

Theo ông Ðoàn Xuân Hòa, để nâng cao chất lượng sản phẩm rau, quả xuất khẩu đòi hỏi cần có sự thay đổi về tổ chức sản xuất và nhận thức của người sản xuất. Trong đó, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả là lời giải an toàn và hiệu quả nhất. Muốn vậy, cần  triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau, quả theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nhằm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, ngành rau, quả cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động cung cấp cho các nhà máy chế biến, đầu tư theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2020, các dây chuyền chế biến công nghiệp đạt từ 70 đến 80% công suất thiết kế, và 70% sản phẩm rau, quả thu hoạch của nông dân được chế biến xuất khẩu.

 

Mặc dù rau, quả có tiềm năng xuất khẩu lớn, nhưng chưa được coi là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cho nên ít được Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm an toàn. Khuyến khích, hỗ trợ hình thành nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu theo vùng trên cơ sở liên kết "bốn nhà" (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp).

 

Dự báo nhu cầu về tiêu thụ rau, quả của người dân ở phần lớn các quốc gia ngày càng tăng. Mỗi năm thế giới cần gần 600 triệu tấn rau và 500 triệu tấn quả. Ðây là cơ hội để ngành sản xuất rau, quả Việt Nam chiếm lĩnh những đỉnh cao mới. Kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD năm 2011 chưa phải đã tương xứng với tiềm năng sẵn có của ngành, nhưng là một tín hiệu lạc quan cho những kỳ vọng mới về xuất khẩu rau, quả thương hiệu Việt trong thời gian tới.

 

TIẾN ANH (Nhan Dan)
Từ khóa liên quan: thị trường, rau quả, xuất khẩu
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Mở rộng thị trường xuất khẩu rau, quả thương hiệu Việt

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI