»

Thứ hai, 25/11/2024, 23:54:16 PM (GMT+7)

Luật hóa để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên biển và hải đảo

(08:02:48 AM 08/06/2015)
(Tin Môi Trường) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý, hoàn chỉnh và dự kiến sẽ thông qua dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Với việc ban hành Luật này, lần đầu tiên một phương thức quản lý mới trên biển là “quản lý tổng hợp” đã được pháp luật quy định. Bên lề Kỳ họp Quốc hội, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về những vấn đề liên quan đến Luật này.

[-]Luật[-]hóa[-]để[-]quản[-]lý[-]hiệu[-]quả[-]nguồn[-]tài[-]nguyên[-]biển[-]và[-]hải[-]đảo[-]

Ảnh minh hoạ


* Phóng viên: Lần đầu tiên xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, xin Bộ trưởng cho biết những điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật này? 


* Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Thời gian qua, Bộ được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo (Dự án Luật), Bộ đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để xây dựng, hoàn chỉnh dự án Luật. Dự án Luật này lần đầu tiên “luật hóa” quy định về phương thức quản lý mới trên biển là “quản lý tổng hợp”. 


Quản lý tổng hợp tài nguyên biển hải đảo là phương thức quản lý dựa trên tiếp cận hệ sinh thái với phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực nhằm quản lý hiệu quả hơn các hoạt điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo. Nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Australia, các nước EU… Hoa Kỳ có Luật Quản lý tổng hợp vùng bờ từ năm 1972, đến những năm 90 của thế kỷ trước, phương thức quản lý này gần như được phổ biến trên thế giới, được thông qua như là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Nghị sự 21 của Liên hợp quốc về “Môi trường và Phát triển” năm 1992 tại Brazil. 


Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển hải đảo giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo. Trên thực tế ở nước ta, từ năm 2007 việc quản lý biển bằng phương thức tổng hợp đã được triển khai tại dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. 


Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xét điều kiện Việt Nam, dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo được xây dựng tập trung quy định các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, bao gồm các chiến lược, quy hoạch, chương trình, hệ thống thông tin, dữ liệu... không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Chính vì vậy, Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo không chồng chéo với các luật chuyên ngành. Các công cụ này cùng với quy định về Quy hoạch sử dụng biển trong Luật biển Việt Nam (là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển) và quy định của Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 


Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo đã nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 9, các Đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đồng thời thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua. 


Tôi tin tưởng và mong rằng, với trí tuệ và quyết tâm chính trị, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 này nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển đầy đủ theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển hải đảo trên quan điểm đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. 


* Phóng viên: Khi thảo luận về dự thảo Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong quản lý tài nguyên môi trường biển hiện nay còn nhiều chồng chéo, sự phối hợp quản lý chưa hiệu quả, bên cạnh đó vai trò của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại những địa phương có biển còn mờ nhạt. Theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp gì để giải quyết tốt những tồn tại này trong những năm tới? 


* Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, hiện nay trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển hải đảo vẫn còn chồng chéo, vai trò của cơ quan điều phối chưa rõ và sự phối hợp quản lý chưa hiệu quả do tài nguyên biển hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc quản lý, khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. 


Mặt khác, trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, thiếu sự hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực; làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản. 


Trước tình hình đó, ngày 6/3/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy vậy, Nghị định số 25/2009/NĐ-CP chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; do tính pháp lý thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng; quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 


Khi Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo được thông qua và triển khai thực hiện các công cụ, cơ chế, chính sách được quy định trong Luật sẽ giúp khắc phục những xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển và hải đảo; đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo. Về vai trò của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại những địa phương có biển, một trong những nguyên tắc quan trọng trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển hải đảo được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật là tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý. 


Nội dung này được quy định cụ thể ngay tại Điều 6 dự thảo Luật về sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Luật yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể các hình thức lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến và trách nhiệm giải trình, tiếp thu các ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan... Nội dung này cũng được thể hiện trong nhiều điều, khoản của dự thảo Luật. 


* Phóng viên: Với hơn 1 triệu km vuông mặt biển, hơn 3.200 km bờ biển, kinh tế biển hiện đóng góp hơn 50% GDP của cả nước, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần thành lập Bộ Kinh tế biển để quản lý hiệu quả hơn, nhằm khẳng định vai trò của kinh tế biển trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào? 


* Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thế kỷ 21 là thế kỷ của Đại dương. Trong xu hướng tiến ra biển của cả thế giới khi nguồn tài nguyên trong đất liền ngày càng cạn kiệt, để quản lý và phát huy lợi thế, tiềm năng của biển, tăng cường và tập trung được nhân lực, khoa học kỹ thuật để tiến sâu vào lòng đất dưới đáy biển và tiến xa ra biển, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Bộ hoặc cơ quan quốc gia thống nhất quản lý các hoạt động điều tra, nghiên cứu, kiểm tra, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Một số nước thì áp dụng mô hình Ủy ban quốc gia, do người đứng đầu Chính phủ hoặc cấp phó phụ trách, thành viên là Bộ trưởng một số bộ, ngành có liên quan. 


Việc nghiên cứu thành lập một Bộ hay một cơ quan độc lập thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biển hải đảo cũng có thể có một số ưu điểm nhất định. Cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để quy định phân công, phân nhiệm được rất rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước trên toàn lãnh thổ, không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ cũng như bảo đảm sự phối hợp tốt trong hoạt động; không làm tăng bộ máy không cần thiết. Thời gian vừa qua, cũng như tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 28/5, có một vài ý kiến cho rằng cần thành lập Bộ Kinh tế biển hay Bộ có chức năng, nhiệm vụ quản lý về biển. Nhưng thực tế cho thấy mô hình quản lý như hiện nay là phù hợp. 


* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong phiên thảo luận vừa qua tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung của dự thảo Luật. Vậy Bộ sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật như thế nào? 


* Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 28/5 vừa qua, có 9 ý kiến về dự thảo Luật của đại biểu Quốc hội liên quan đến tên của Luật, cách thể hiện phạm vi điều chỉnh, về các chính sách, nguyên tắc quản lý tổng hợp, vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, về những hành vi bị nghiêm cấm, về chiến lược, quy hoạch, về nghiên cứu khoa học, việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố trên biển, về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân, đối với việc thực hiện Luật này… 


Các ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao đối với dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngay sau phiên thảo luận, trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, bảo đảm các quy định của Luật chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 


* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

 

Thu Hà/TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Luật hóa để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên biển và hải đảo

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI