Việc sụt lún này tạo ra một rãnh hình vòng cung với chiều dài khoảng 200 m, rộng từ 10 - 20 m và có độ sâu từ 7 - 10 m. Xung quanh còn có rất nhiều khe nứt với chiều rộng dao động từ 5 - 50 cm, dưới chân taluy có ụ đất cao khoảng 60 - 70 cm trồi lên với diện tích khoảng 60 m2.
Khu vực trồi đất và sụt đất này nằm ở lưng chừng một sườn đồi, cách tim đập hồ thủy lợi Đắk Long Thượng (H.Bảo Lâm) chừng 250 m về phía hạ lưu công trình.
|
|
Theo gia đình bà Tiềm, ban đầu chỉ xuất hiện những vết nứt nhỏ, nhưng sau đó vết nứt cứ lớn dần và sụt lún lớn như hiện nay. Nhà bà Tiềm cách khu vực sụt lún khoảng 40 m, vẫn đang sinh hoạt bình thường. Trừ những hôm trời mưa to thì gia đình bà không dám ở nhà mà phải đi ở nhờ nơi khác và cũng không vào khu vực canh tác.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh, huyện đã đến kiểm tra hiện trường và nhận định sơ bộ, việc trồi đất và sụt lún do phần phía dưới khu vực này chứa nhiều nước, và do áp lực nước phía trên dồn xuống gây nên hiện tượng trồi đất, sụt lún.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, việc sụt lún ở đây mang tính cục bộ, trong phạm vi hẹp và nằm ngoài hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc sụt lún đất này đã chia tách khu canh tác thành 2 khu bằng một rãnh khá rộng và sâu nên việc đi lại chăm sóc cà phê rất khó khăn, nguy hiểm đến bất kỳ lúc nào. Việc sụt lún vẫn có thể còn tiếp diễn, đặc biệt vào mùa mưa sẽ làm sạt lở toàn bộ sườn đồi phía trên gây hậu quả về người, tài sản trong khu vực.
Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương mời các nhà khoa học, chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu tìm nguyên nhân và đề ra phương án khắc phục.
Ông Sanh cho biết, đây là hiện tượng bất thường, bởi từ xưa đến nay chưa có vụ sụt lún tương tự nào xảy ra, nên địa phương cũng lo lắng không biết có phải do rò rỉ nước từ lòng hồ Đắk Long Thượng hay không? Hiện địa phương cũng vận động gia đình bà Tiềm di dời nhà đi nơi khác và mong nhà nước hỗ trợ việc di dời này cũng như hỗ trợ thiệt hại về hoa màu trên diện tích đất bị sụt lún…
Công trình thủy lợi Đắk Long Thượng có dung tích hơn 11,6 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu cho hơn 3.076 ha cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 3.000 hộ dân trong khu vực.
Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 370 tỉ đồng. Trong đó phần cụm công trình đầu mối (đập đất, cống, tràn) do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư (127 tỉ đồng), còn lại phần kênh mương, đền bù giải tỏa do Trung tâm Quản lý đầu tư - khai thác Thủy lợi Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 7.2011. |