Tin tức » Tin trong nước
Khoảng 19h tối nay bão vào đất liền: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cấm biển
(14:12:58 PM 14/09/2015)
Xe tuyên truyền phòng tránh bão ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tại Quảng Nam, để tập trung chống bão, toàn bộ cuộc họp trên địa bàn đã bị hoãn. Học sinh ở Hội An nghỉ học. Lo lắng nhất của tỉnh là có 301 tàu với trên 3.790 lao động đang trên biển. Trong đó có 15 tàu với 525 lao động đang hành nghề câu mực tại khu vực quần đảo Trường Sa; 110 tàu với trên 2.350 lao động hành nghề lưới vây, câu mực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Bộ đội Biên phòng được lệnh tiếp tục theo dõi tình hình bão để hướng dẫn các tàu cá chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (là vùng biển nam vĩ tuyến 17,5, bắc vĩ tuyến 14,5 và tây kinh tuyến 113), phát lệnh cho lực lượng Hải đội 2 thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch thành phố Hội An cho biết, từ sáng nay mọi phương tiện ra vào xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đã ngừng hoạt động đi tránh bão, hiện không còn du khách nào mắc kẹt trên đảo. Trước mắt, một số hộ trên đảo có nhà không kiến cố sẽ phải di dời đến nơi an toàn.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thon cho biết, sáng nay thành phố đã giao ban trực tuyến với Chính phủ, sẵn sàng ứng phó bão. Trong đó, chú trọng thông tin cho người dân biết về diễn biến bão để phòng tránh, thông báo cho các chủ công trình đang thi công đảm bảo an toàn, yêu cầu hồ chứa xả không được tích nước, tích cực kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.
"Hiện tại Đà Nẵng còn gần 100 tàu thuyền ở ngoài biển, trong đó 41 chiếc ở vùng tâm bão đang gấp rút chạy về bờ, số còn lại di chuyển về hướng Hải Phòng, Khánh Hòa để tránh bão", ông Ban nói và cho hay nhiều trường học ở Đà Nẵng đã chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Hiện bão chưa vào, nhưng với sức gió cấp 5-6, một số tàu thuyền neo đậu ven bờ biển Đà Nẵng đã bị sóng biển nhấn chìm. Nhiều cây xanh bị gió quật đổ. Người dân di chuyển trên các tuyến đường ven biển bị gió quật ngã. Để phòng tránh thiệt hại do bão, xe tuyên truyền lưu động đã phát loa thông báo người dân chủ động chằng chống nhà cửa, hạn chế ra ngoài đường.
Sáng 14/9, tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công điện cấm tất cả tàu thuyền ra biển hoạt động (gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn và ngược lại) từ 7h hôm nay. Bộ đội Biên phòng được lệnh khẩn trương kêu gọi gần 90 tàu với 730 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển dự báo ảnh hưởng của bão vào nơi trú ẩn, hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng yêu cầu rà soát kỹ các khu vực dân cư vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi và lũ quét, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch. Sở Giáo dục đã yêu cầu các trường cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học từ chiều 14/9.
Nằm sát với vùng bão dự kiến đổ bộ, tỉnh Bình Định cũng đang nỗ lực tập trung phòng chống. Sáng nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh tiếp tục kêu gọi 6 tàu thuyền với khoảng 55 ngư dân đang đánh bắt ở phía Bắc vùng biển Hoàng Sa khẩn cấp thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trước đó trưa 13/9, 13 ngư dân đi trên tàu của ông Phạm Thanh Trưởng (TP Quy Nhơn) đang khai thác thủy sản cách Nha Trang khoảng 103 hải lý thì bị hỏng máy, trôi dạt trên biển. Ông Trưởng cùng các ngư dân đã liên lạc cầu cứu cơ quan chức năng.
Theo Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, tàu đang trôi theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng một hải lý mỗi giờ. Thời tiết trên biển gió cấp 6, mưa giông mạnh. Tàu của Hải quân vùng 4 (Khánh Hòa) đang trên đường tiếp cận ứng cứu 13 ngư dân này.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Bộ đội biên phòng thông tin, đến 10h sáng nay vẫn còn 471 tàu với hơn 5.000 ngư dân hoạt động trên vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong vùng ảnh hưởng của bão. Trong đó Đà Nẵng có 18 tàu, Quảng Nam 110 tàu, Bình Định 253 tàu, Khánh Hòa 1 tàu.
"Bão không lớn nhưng hoàn lưu rộng nên các địa phương không được chủ quan. Trong lịch sử có nhiều cơn bão nhỏ nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng", Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhấn mạnh và đề nghị các địa phương khẩn cấp gọi tàu gần bờ vào nơi tránh trú an toàn, tàu ở xa bờ di chuyển ngay khỏi khu vực ảnh hưởng của bão, xuống phía Bắc hoặc lên phía Nam.
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 10h sáng nay, tâm bão cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 110 km, duy trì cấp 8 (tối đa 75 km/h). Với tốc độ 15 km mỗi giờ, đến 22h đêm nay tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, đi sâu vào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, sóng biển cao 3-4 m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị -Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8. Hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất to cho các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên từ ngày 14 đến 16/9. Từ ngày 15 đến 18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa to.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1-2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2-3, có nơi trên báo động 3.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Khoảng 19h tối nay bão vào đất liền: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cấm biển
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT
- Bộ Công Thương gửi công điện khẩn, yêu cầu báo tin cho dân trước khi xả lũ
- Một doanh nghiệp năng lượng Việt được rót 10 triệu USD làm điện sạch
- Trả lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép môi trường của nhà máy chế biến sữa
- Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM bị bắt
- Lâm Đồng: Đưa vụ Đồi Cù vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Tòa án hủy quyết định cấm thay đổi hiện trạng công trình ở sân golf Đồi Cù
- Bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 4 lãnh đạo khác
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
(Tin Môi Trường) - Phó thủ tướng Campuchia tuyên bố nước này không có nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin và sẽ không tham vấn với các quốc gia trong khu vực về dự án kênh đào Funan Techo.