»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:45:59 PM (GMT+7)

Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2019

(20:57:16 PM 19/06/2019)
(Tin Môi Trường) - Ngày 19/6, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống chủ trì Hội nghị.

 

Hội[-]nghị[-]toàn[-]thể[-]Ủy[-]ban[-]sông[-]Mê[-]Công[-]Việt[-]Nam[-]lần[-]thứ[-]nhất[-]năm[-]2019

Quang cảnh Hội nghị -Ảnh: Monre
 
Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thuộc các Bộ, ngành và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khẳng định: “Nghị quyết 120/NQ-CP mang tầm chiến lược tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, giữ trọn con đường phát triển cho ĐBSCL thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu cũng như là các tác động của sự phát triển kinh tế. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, nhận thức chung của toàn xã hội về các thách thức, tư duy phát triển bền vững ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến rất lớn, tích cực. Song, mặt tiêu cực, tổn thương đối với ĐBSCL vẫn còn chưa được khắc phục. Chính vì vậy cần khẳng định vị trí chức năng nhiệm vụ đối với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Trong đó, các hoạt động liên quan như ngoại giao với các quốc gia thượng nguồn tham vấn về các đề sử dụng nước hợp lý thông qua các tham vấn kỹ thuật thủy điện trên các dòng chính sông Mê Công. Cập nhật liên quan đến các nguy cơ giải pháp toàn diện.”
 
Theo Bộ trưởng, vấn đề hiện nay của ĐBSCL là cơ quan nào đóng vai trò điều phối để tập hợp lực lượng và có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề lớn như phối hợp liên vùng, kết nối vùng, giải quyết các đề án dự án: quy hoạch, hạ tầng với tầm nhìn dài hạn.
 
Là một trong các tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết: Tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức do biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Đây thực sự là những thách thức đáng lo ngại nhất đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng và đối với ĐBSCL nói chung. “Với nhận thức sâu sắc “Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”, có vai trò to lớn đối với cuộc sống nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái, tỉnh Tiền Giang đã xác định việc đảm bảo nguồn nước là điều kiện tiên quyết, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững” – ông Lê Văn Hưởng nói.
 
Để góp phần bảo vệ đồng bằng, bảo vệ lưu vực, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên và quan trọng nhất là phải bảo vệ được nguồn tài nguyên nước, duy trì sinh kế bền vững cho người dân trong vùng, tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 28/3/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, trong đó đẩy mạnh Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; cập nhật, công bố định kỳ kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng liên quan đến vùng, tỉnh phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, xâm nhập mặn theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh Tiền Giang đến cấp xã, nhất là vùng ven biển để có các biện pháp thích ứng và ứng phó phù hợp; chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai; di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và có nguy cơ sạt lở đất; …
 
Báo cáo về tình hình hoạt động và Chương trình công tác của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2019, ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban cho biết: Nhiệm vụ năm 2019 của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam được triển khai trong bối cảnh Hợp tác Mê Công có nhiều yếu tố thuận lợi. Ủy hội sông Mê Công quốc tế đang giai đoạn triển khai thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020; Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, các chiến lược phát triển ngành (phát triển và quản lý thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu) và đặc biệt là Tuyên bố chung Siêm Riệp nhằm tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất của các quốc gia thành viên trong tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995.
 
Bên cạnh những mặt thuận lợi, tình hình hợp tác Mê Công vẫn có những diễn biến khó khăn, phức tạp. Trên lưu vực, các quốc gia thượng lưu vẫn tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và chuẩn bị triển khai các dự án chuyển nước dòng chính.
 
6 tháng đầu năm, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ “Báo cáo đánh giá đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công” nhằm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu;hoàn thiện Đề án kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, và hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện theo các ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; tổ chức thực hiện tham vấn cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào, hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tham vấn Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay theo quy định.
 
Trong công tác phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức thực hiện Tuyên bố Siêm Riệp và Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016-2020 và các kiến nghị của đợt đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Chiến lược; hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2018; tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng lần thứ 25 và Phiên họp lần thứ 23 với các Đối tác Phát triển của Ủy hội (tháng 11/2018). Đồng thời Ủy ban cũng tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, các Chiến lược ngành về phát triển và quản lý thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu; tiếp tục tăng cường thực hiện các Thủ tục sử dụng nước, nâng cao hiệu quả mạng giám sát thủy văn của Ủy hội và đẩy mạnh công chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia thực hiện; tăng cường các hoạt động hợp tác với các Đối tác Phát triển, các Đối tác Đối thoại và các bên có liên quan.
 
Về chương trình công tác năm 2019, ông Lê Đức Trung cho biết: Ủy ban sẽ tiếp tục theo sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công, triển khai các hoạt động tham vấn và đánh giá tác động, kịp thời báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định; tăng cường tham gia các tiếp xúc song phương cấp cao với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công.
 
Ủy ban cũng sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội nhiệm kỳ 2019 nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hợp tác vùng Mê Công; tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên tổ chức thực hiện kết quả của Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2016-2020, Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, và các kiến nghị của đợt đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Chiến lược.
 
Ủy ban cũng thúc đẩy các hoạt động hợp tác của Ủy hội, bao gồm: Nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường xuyên biên giới; tăng cường cảnh báo, dự báo lũ, hạn; hoàn thiện và thực hiện Hướng dẫn về thiết kế các đập thủy điện trên dòng chính, hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới; và tăng cường hợp tác với các Đối tác đối thoại và Đối tác Phát triển; tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên thực hiện Tuyên bố chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế về tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Beng và Pắc Lay của Lào và các Kế hoạch hành động chung thực hiện tham vấn.
 
Tại Hội nghị, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng đã báo cáo Kết quả tham vấn Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay; đánh giá đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công (Nhiệm vụ trong Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ).
T.H (tổng hợp)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2019

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI