»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:17:29 AM (GMT+7)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than"

(00:02:56 AM 24/04/2021)
(Tin Môi Trường) - Tối 23/4, giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.
Chủ[-]tịch[-]nước[-]Nguyễn[-]Xuân[-]Phúc:[-]"Việt[-]Nam[-]sẽ[-]tiếp[-]tục[-]giảm[-]rất[-]mạnh[-]điện[-]than"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị- ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
 
Biến đổi khí hậu đã xóa sạch thành quả hàng chục năm xóa đói giảm nghèo tại nhiều vùng của Việt Nam
 
Phát biểu tại hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia và các tổ chức lớn trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, biến đổi khí hậu hiện là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu.
 
“Tại Việt Nam, riêng trong năm 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề, nhất là vào cuối thế kỷ này”, Chủ tịch nước nêu thực tế.
 
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không, là xu thế tất yếu và là mệnh lệnh cấp bách để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.
 
“Điều này là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội, lợi ích to lớn về tạo việc làm mới, bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế. Việt Nam quyết tâm thực hiện theo xu thế này”, ông nhấn mạnh, nhưng cũng lưu ý rằng, chuyển đổi sang kinh tế xanh cần phải có lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển còn nhiều khó khăn.
 
Chủ tịch nước cho rằng, quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, không để ai “bị bỏ lại phía sau” và được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học ủng hộ, chung tay hành động.
 
Thêm vào đó, cùng với đi đầu trong các cam kết mạnh về giảm phát thải, các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về tài chính, phát triển công nghệ mới, năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao, gắn với tạo nhiều việc làm.
 
Chủ[-]tịch[-]nước[-]Nguyễn[-]Xuân[-]Phúc:[-]"Việt[-]Nam[-]sẽ[-]tiếp[-]tục[-]giảm[-]rất[-]mạnh[-]điện[-]than"
Các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự hội nghị -ẢNH ĐẬU TIẾN ĐẠT
 
"Chúng tôi đánh giá cao và mong nhận được hỗ trợ từ kế hoạch tài chính khí hậu quốc tế của Hoa Kỳ và nhiều cơ chế tài chính quốc tế khác, kể cả từ các công ty, tập đoàn quốc tế", Chủ tịch nước bày tỏ.
 
Việt Nam có thể giảm 27% tổng lượng phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương
 
Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước, kể cả việc phải thay đổi nếp sống, cách sản xuất, làm việc và cần được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia; mỗi nước trước hết phải tự nỗ lực và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, cần có cơ chế quốc gia về giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, nâng cao khả năng phục hồi.
 
Dù là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong 3 thập kỷ qua, nhưng Chủ tịch nước cũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu.
 
"Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, chúng tôi cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mê tan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4.2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2 - 3% lượng phát thải vào 2030", Chủ tịch nước nói trước sự lắng nghe của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lạc quan tin rằng, những thách thức của biến đổi khí hậu sẽ là động lực cho đoàn kết và thay đổi tích cực hướng tới Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Anh, góp phần tạo lập tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Trong 2 ngày hội nghị (22 - 23.4), lãnh đạo cấp cao của 41 quốc gia và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với nhân loại và tỏ quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã đưa ra mức cam kết giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2030, tuyên bố đạt phát thải bằng không vào năm 2050 hoặc trước 2060.
 
Nhiều nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, đầu tư nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo. Mỹ và một số nước cam kết tăng mức đóng góp tài chính cho khí hậu.
 
Về phần mình, nhiều quốc gia đang phát triển tái khẳng định trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển, nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, kêu gọi các nước phát triển cần thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính và hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu.
 
Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu bế mạc ngày 23.4. Những đóng góp quan trọng của các nước tại hội nghị, trong đó có Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ sở quan trọng để lãnh đạo các nước tiếp tục trao đổi nhằm đạt đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow vào tháng 11 tới.
T.N
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than"

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI