Tin tức » Tin trong nước
Chính quyền ngó lơ, dân bắt lâm tặc
(09:34:26 AM 21/04/2015)Sáng sớm 18-4, hàng chục người dân đã vây bắt 2 xe chở gỗ qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Không cần tiền, chỉ muốn giữ rừng
Anh Chanh, một người dân tham gia vây bắt, cho biết đã nhiều lần lâm tặc vận chuyển gỗ qua địa bàn. “Những lần trước, xe chạy rất nhanh nên chúng tôi không bắt được. May mắn, lần này chiếc xe bị nổ vỏ phải dừng lại nên bị chúng tôi bắt giữ”. Cũng theo anh Chanh, khi người dân ra vây bắt xe gỗ thì tài xế gọi điện cho ai đó. Một lúc sau, một người đàn ông địa phương thường được gọi tên ABoy đến thương lượng đề nghị thả cho 2 xe gỗ đi, đồng thời đưa người dân 5 triệu đồng. “Dân làng chúng tôi nghèo thật nhưng không cần tiền mà chỉ muốn giữ lại rừng” - anh Chanh nói.
Nhiều người dân tham gia bắt gỗ do lâm tặc vận chuyển
Sau khi không thể thuyết phục được người dân, 2 tài xế cho xe đổ toàn bộ 10 lóng gỗ rộng từ 40-80 cm, dài 3-3,5 m xuống khu vực nhà rông làng Kon Sơ Lak rồi lái xe bỏ chạy.
Sau khi nhận được tin từ phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Cư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, đã cử người vào đo đạc, xác định tổng khối lượng 10 lóng gỗ trên 2 xe là 8,9 m3 gỗ tròn (nhóm II), đồng thời tiếp cận hiện trường khai thác. Khoảng 30 thanh niên đã đưa cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah vào hiện trường. “Phải đưa vào hiện trường để chỉ cho cơ quan chức năng thấy lâm tặc phá rừng khủng khiếp như thế nào” - một người dân nói.
Lâm tặc mở đường vận chuyển gỗ
Ngược theo con đường 2 chiếc ô tô chở gỗ cách trụ sở UBND xã Hà Tây gần 10 km, một thanh niên dẫn đường chỉ vào những gốc cây nhỏ mới bị chặt vừa khô nhựa và nói. “Chỉ riêng mở đường vào đây, lâm tặc đã chặt hạ hàng ngàn cây lớn nhỏ”. Anh Nhàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, thừa nhận: “Thú thật, đây là lần đầu tôi đi trên con đường này”.
Sau gần 2 giờ đi bộ vượt qua những con dốc dài thẳng đứng, chúng tôi đến điểm khai thác gỗ đầu tiên. Tại đây, hàng chục cây gỗ đường kính từ 60 cm đến hơn 1 m bị hạ sát không thương tiếc, nằm la liệt ở một khoảng rừng. Đặc biệt, có những cây phải 4 người ôm mới vừa tay. Một số cây đã được cắt khúc, xẻ thành hộp vuông; những cây khác thì mới chỉ bị chặt ngã, đang còn rỉ nhựa. Anh Đỉu, một thành viên trong đoàn, thốt lên: “Xót xa lắm! Chúng tôi đã nhiều lần báo chính quyền xã về việc lâm tặc vào phá rừng nhưng không thấy xử lý”.
Cả đoàn người lần theo tiếng cưa ở một góc rừng, cũng là điểm khai thác được người dân phát hiện. Riêng những cán bộ kiểm lâm, lâm trường không thấy đi theo, chắc vì… mệt. Khi tiếng cưa nghe rất gần thì bỗng im bặt. Anh Chanh đưa mắt nhìn xung quanh rồi cầm hòn đá ném về phía bụi rậm, một người đàn ông chạy vụt ra và mất tích trong rừng sâu. Kiểm tra vị trí người đàn ông “ẩn mình”, chúng tôi phát hiện một cưa máy và đồ phụ trợ vừa mới tắt máy đang còn nóng. Cách đó mấy mét, một gốc cây lớn đang bị cưa chưa đổ. “Quanh đây vẫn còn mùi xăng, chứng tỏ họ vừa dùng cưa cắt cây gỗ” - anh Chanh nhận định.
Tại địa điểm này có vô số gốc cây hàng trăm năm tuổi, chủ yếu là gỗ sao và dầu, đã bị đốn hạ đang còn rỉ nhựa tươi.
Để mất rừng, dân… chịu trách nhiệm
Sau khi vào rừng, dù không có dụng cụ xác định vị trí, tọa độ nhưng những cán bộ lâm trường vẫn cho rằng vị trí này đã được giao cho người dân quản lý. Để lâm tặc phá rừng là do người dân không quản lý tốt và không báo cáo sự việc lên các ngành chức năng.
Ông Đinh Sứk, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, cho biết không hề nghe người dân ý kiến gì về việc lâm tặc phá rừng. “Nếu dân phản ánh thì chúng tôi sẽ cho lực lượng dân quân, công an xã đến giải quyết” - ông Sứk khẳng định.
Theo ông Trần Đức Thiên Thái, có thể do người dân sợ trách nhiệm khi để xảy ra mất gỗ trên địa bàn mình đã nhận khoán nên không dám báo chính quyền. “Họ đã nhận tiền giao khoán nên phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, để mất thì cũng… tội cho người dân” - ông Thái nói và cho biết ở địa bàn có 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách nhưng không ai phát hiện sự việc và nhận được phản ánh của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, cho biết địa điểm bị khai thác gỗ thuộc tiểu khu 185, đã giao cho người dân quản lý nên người dân phải chịu trách nhiệm.
Chuẩn bị kiểm kê rừng bị mất
Lý giải về việc lâm tặc vận chuyển gỗ qua con đường độc đạo có trạm của Ban Quản lý rừng Đông Bắc Chư Pah, ông Thuận khẳng định: “Từ tháng 2-2015 đến nay, cứ tối thứ sáu là chúng tôi rút toàn bộ người ra khỏi trạm đặt ở làng Kon Sơ Lal. Có thể lâm tặc lợi dụng thời gian này để vận chuyển gỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Cư cho biết chuẩn bị phối hợp với Công an huyện Chư Pah, người dân nhận khoán vào kiểm kê rừng bị mất, sau đó sẽ báo cáo lên huyện và có phương hướng xử lý.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bộ Công Thương gửi công điện khẩn, yêu cầu báo tin cho dân trước khi xả lũ
- Một doanh nghiệp năng lượng Việt được rót 10 triệu USD làm điện sạch
- Trả lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép môi trường của nhà máy chế biến sữa
- Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM bị bắt
- Lâm Đồng: Đưa vụ Đồi Cù vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Tòa án hủy quyết định cấm thay đổi hiện trạng công trình ở sân golf Đồi Cù
- Bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 4 lãnh đạo khác
- Tự xưng phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ
- Bị khởi tố vì làm giả đánh giá tác động môi trường
Bài viết mới:
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/11, chính quyền và nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức tổ chức Lễ đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam cùng với Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc
Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
(Tin Môi Trường) - Phó thủ tướng Campuchia tuyên bố nước này không có nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin và sẽ không tham vấn với các quốc gia trong khu vực về dự án kênh đào Funan Techo.