»

Thứ ba, 26/11/2024, 04:25:47 AM (GMT+7)

Chật vật vào Nam

(10:41:02 AM 24/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Giá vé xe khách từ các tỉnh, thành miền Trung vào Nam lên đến hơn 1 triệu đồng

Năm nào cũng vậy, sau Tết, hàng chục ngàn người ở miền Trung, miền Bắc lại chật vật đón xe vào Nam, chịu cảnh nhồi nhét và tăng giá xe vô tội vạ.


Đua nhau “hét giá”


Sáng 23-2 (mùng 5 Tết), hàng ngàn người đứng dọc tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chờ đón xe vào Nam. Ai cũng xót ruột khi bị “hét giá” từ 800.000-1 triệu đồng/vé cho tuyến từ Quảng Nam đi TP HCM, trong khi giá vé ngày thường chỉ 700.000-750.000 đồng (loại xe khách thường).


“Giá xăng dầu đã giảm tới hơn chục lần nhưng giá vé xe năm nay lại tăng chóng mặt, tới gần 40%. Đã vậy, chưa chắc gì lên xe có ghế để ngồi, dọc đường chủ xe thường sang khách. Từ sáng đến giờ, tôi vẫn chưa chọn được xe nào cả” - anh Nguyễn Tiên Hậu (ngụ TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) lo lắng.


Nhiều người mặc dù đã chờ đợi từ 7 giờ nhưng đến 11 giờ vẫn chưa đón được xe vào Nam. Một số người khác dù đi Bình Định, Tây Nguyên... nhưng nhà xe vẫn “chém” giá cao bằng với giá vé đi TP HCM.


Nhiều người đón xe khách Bắc - Nam nhiều năm cho biết thường những ngày lẻ thì giá vé cao hơn khiến hành khách rất bất bình. Đứng đón xe ở trước chợ Phò Trạch (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chị Trần Thị Nhàn (ngụ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) cho biết tối mùng 4, chị cùng bạn trai đón xe vào Bình Dương nhưng các xe đều chật kín và bị hét giá lên đến 1,4 triệu đồng/người. Sáng 23-2, chị Nhàn cùng bạn đã đón được xe khách vào Bình Dương với giá 1,3 triệu đồng/người.


Trong khi đó, hầu hết xe khách chạy tuyến đường ngắn như Quảng Bình - Đà Nẵng, Quảng Trị - Đà Nẵng đều kín người và nhồi nhét khách. Cùng vợ con đứng đón xe ở đoạn đường tránh Huế, anh Dương Ngọc Sơn (ngụ xã Hương Văn, thị xã Hương Trà) phải mất hơn 1 giờ mới lên được xe vào TP Đà Nẵng với giá 100.000 đồng/người (cao hơn 30.000 đồng so với ngày thường).


Chật[-]vật[-]vào[-]Nam

Một xe khách bắt khách dọc đường sáng 23-2. Ảnh: Tử Trực

 

Xe nhồi nhét: “Xử phạt nghiêm”


Sáng 23-2, dọc Quốc lộ 1 đoạn qua TP Quảng Ngãi, các xe đò liên tục quần thảo, bắt khách dọc đường tạo ra cảnh tượng khá hỗn loạn, bát nháo. Thậm chí, có xe còn cho hành khách ngồi ghế xúp hoặc ngồi bệt dưới sàn.


Chị Nguyễn Thị Thanh, đứng đón xe vào TP HCM ngay tại TP Quảng Ngãi, cho biết chị đã lên một xe khách từ Quảng Nam vào TP HCM nhưng bị nhồi nhét, không thở được, đành phải xuống. “Đã vậy, họ còn phải bắt mình trả 100.000 đồng mới chấp nhận cho xuống xe. Nếu không trả, họ không cho mình xuống” - chị bức xúc.


Bên cạnh việc nhồi nhét, “chặt chém” khách, các điểm xe dù, bến cóc trong dịp Tết cũng mọc lên rầm rộ. Dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn TP Quảng Ngãi có hàng chục điểm xe dù dừng đón khách. Đặc biệt, trong các cây xăng luôn có hàng chục xe “núp bóng”. Nhiều xe đội lốt đưa đón công nhân, xe hợp đồng cũng bắt khách công khai.


Tại Bến xe Quảng Ngãi, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tuyến xe vào TP HCM hay Bình Dương, Đồng Nai… đều “cháy” vé từ trước. Có một số cò vé xuất hiện, mời mọc khách đi xe ngoài.


Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, nhận xét: “Tình trạng này năm nào cũng hết sức phức tạp. Chúng tôi đã và đang rốt ráo ra quân, kiểm tra, xử phạt nhiều nhà xe vi phạm. Nếu phát hiện nhà xe nào nhồi nhét, “chặt chém” hành khách quá giá quy định, chúng tôi sẽ xử phạt thật nghiêm”.


Tại Bến xe phía Nam TP Huế, ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mỗi ngày có trên 4.500 khách vào Nam. “Chúng tôi đã dự phòng 30-40 đầu xe, sẵn sàng phục vụ hành khách khi cao điểm. Chúng tôi cũng công bố các số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh khi bị nhà xe lấy giá cao, nhồi nhét” - ông Sơn khẳng định.


TP HCM: Các cửa ngõ giảm ùn tắc


Ghi nhận tại cửa ngõ phía Tây TP HCM chiều mùng 5 Tết (tuyến Quốc lộ 1) cho thấy từ 15 giờ, ô tô, xe khách và xe máy đổ về nườm nượp. Tuy nhiên, có thể do quan niệm kén ngày lẻ để khởi hành nên so với mùng 4, tuyến Quốc lộ 1 khá thông thoáng, không còn xảy ra tình trạng ùn ứ ngay khu vực cầu Bình Điền.


Tại Bến xe Miền Tây, do đặc thù xe chạy các tuyến có cự ly tương đối ngắn nên khách đổ về bến tăng khoảng 50% so với ngày thường.


Tại Bến xe Miền Đông, từ sáng sớm 22 và 23-2 (tức mùng 4 và mùng 5 Tết), lượng khách ở các tỉnh Tây Nguyên đổ về rất đông. Đến trưa mùng 5, hành khách từ các tỉnh Nam Trung Bộ cũng tấp nập về đến TP HCM khiến bến xe này đông nghẹt người. Đến chiều tối cùng ngày, lượng khách từ miền Trung, miền Bắc cũng đổ dồn về khiến khu vực ra vào cổng bến xe bị dồn ứ.


Tại khu vực phà Cát Lái, người dân lưu thông cũng tăng so với ngày thường, nhất là hướng từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về TP HCM. Theo Xí nghiệp Phà Cát Lái, mùng 4 Tết, lượng khách qua phà tăng 30% so với ngày thường, riêng mùng 5 tăng khoảng 10%.


Do lượng người dân đổ xô vào TP HCM đã khiến một số tuyến đường cửa ngõ TP bị dồn ứ, nhất là khu vực ngã ba Tân Vạn, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13...


Trong khi đó, ga Sài Gòn mỗi ngày đón khoảng 16.000 lượt khách đổ về. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết từ mùng 1 Tết, ga Sài Gòn đã tăng gấp đôi số đôi tàu và sẽ tăng đến hết ngày 15-3 (25 tháng giêng).

 

Theo NLĐ
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chật vật vào Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI