»

Thứ hai, 20/01/2025, 22:27:51 PM (GMT+7)

Cảnh giác và chủ động đối phó thời tiết bất thường

(21:55:55 PM 03/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Năm 2012, dự báo bão lũ nhiều và đến sớm hơn, các Bộ, ngành, địa phương và người dân tiếp tục cảnh giác, chủ động hơn trong công tác phòng, tránh, tập trung đầu tư mạnh hơn cho các dự án bảo vệ tính mạng, đời sống, sản xuất của nhân dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị  - Ảnh Chinhphu.vn

Hôm nay 3/3, tại tỉnh Khánh Hoà, dưới  sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cùng các Bộ, ngành, các địa phương đã tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, chuẩn bị kế hoạch, phân công nhiệm vụ mùa mưa bão năm 2012.

 

Thời tiết diễn biến bất thường

 

Báo cáo tổng hợp và các ý kiến tham luận cho biết, năm 2011, thiên tai ở nước ta có nhiều diễn biến bất thường. Bão, mưa lũ xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt đợt lũ lớn xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kéo dài trong nhiều tháng cuối năm, trong khi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình không có lũ, đạt mức thấp hiếm thấy trong nhiều năm qua. Đầu năm xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, trong đó đợt dài nhất hơn 1 tháng. Ngoài ra dông, lốc xoáy kèm mưa đá xảy ra tại nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

 

Năm qua số cơn bão hoạt động ở biển Đông không nhiều, và chỉ có 4/7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền, gây mưa to, lũ lớn ở các tỉnh ven biển Bắc và Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, lại có nhiều đợt lũ lớn ở Trung bộ, Tây Nguyên và đặc biệt lớn ở ĐBSCL, phía hạ lưu lũ đều vượt mức lịch sử và rút rất chậm.

 

Thiên tai năm 2011 đã làm 295 người chết và mất tích, 274 người bị thương, 2.170 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi, 447. 694 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hơn 350.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 9,6 triệu m3 đất đá bị sạt lở,… Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 12.703 tỷ đồng.

 

Trước diễn biến thiên tai phức tạp, nhìn chung công tác phòng chống lụt bão các cấp từ trung ương đến địa phương đều phát huy được tính chủ động, có các chỉ đạo, chỉ thị và biện pháp ứng phó phù hợp với thiên tai. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Nhà nước vẫn dành một nguồn vốn lớn cho các công trình điều tiết lũ, chống thiên tai, kịp thời phân bổ ngân sách hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn tấn gạo cứu đói, hỗ trợ đời sống, nhà cửa người dân bị thiệt hại.

 

Ứng phó với các đợt thiên tai, tổng cộng đã huy động 113.563 lượt người, hơn 7 000 lượt phương tiện các loại, trực tiếp cứu hộ 3.792 người, 392 phương tiện, di dời gần 16.800/77.102 người khỏi vùng ngập lụt về nơi trú, tránh an toàn...

 

Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao và từng bước chuyên nghiệp, xử lý kịp thời công tác tham mưu, chỉ đạo phòng chống lụt bão với khả năng chuyên môn hoá cao. Các địa phương tổ chức tốt công tác trực ban, thường trực phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn, xây dựng, tu bổ công trình phòng chống lụt bão, cảnh giác đối phó với các tình huống nên đã giảm thiệt hại về người và tài sản.

 

Mặc dù vậy, các ý kiến trong Hội nghị cũng thẳng thắn phản ánh về một số điểm yếu, tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai năm qua. Đó là công tác “4 tại chỗ”  vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, số liệu báo cáo chưa sát với thực tế nên khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra còn lúng túng, công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức còn thiếu thường xuyên, cộng đồng còn thiếu kỹ năng đối phó với thiên tai.

 

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm Luật đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão còn khá phổ biến. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch công trình phòng chống lụt bão, quy hoạch khu dân cư và việc xây dựng cơ sở hạ tầng lồng ghép vào công trình phòng chống lụt bão chưa đáp ứng yêu cầu.

 

Số lượng tàu, thuyền trên biển đều rất lớn nhưng việc khai báo ngư trường, quản lý, bố trí sắp xếp nơi neo đậu chưa thực hiện nghiêm túc, việc chấp hành các quy định về an toàn trên biển chưa tốt. Phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là phương tiện chuyên dụng nên đã ảnh hưởng nhiều đến phạm vi, khả năng hoạt động.

 

Năm 2012: Dự báo nhiều bão và xuất hiện sớm

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng từ 6-7 cơn, nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm vào tháng 5.

 

Trên phạm vi cả nước, trong khi nền nhiệt độ không có nhiều thay đổi thì lượng mưa có khả năng cao hơn và đến sớm hơn, nhất là khu vực Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, lũ năm 2012 ở Bắc bộ, Nam bộ có xu hướng cao hơn đỉnh lũ năm trung bình nhiều năm, trong khi ở Trung bộ lượng dòng chảy tiếp tục giảm dần, thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 12-25%, có nơi thấp hơn 40%.

 

Trước tình hình này, Hội nghị thống nhất công tác phòng tránh, đối phó với thiên tại tiếp tục phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính.

 

Các Bộ, ngành khẩn trương triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chinh phủ về công tác phòng chống lụt bão năm 2012, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng tránh và giảm nhẹn thiên tai đến năm 2012, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy hoạch các công trình thuỷ lợi, phòng chống lụt bão trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tăng cường hơn nữa việc kiểm tram rà soát các công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc,… Rà soát quy hoạch sử dụng đất, bố trí dân cư, đặc biệt là các khu vực thường xuyên ngập lũ, đảm bảo kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

 

Trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc - Ảnh Chinhphu.vn

Đối với các địa phương, chấn chỉnh làm tốt hơn công tác “4 tại chỗ”, lưu ý xây dựng phương án phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường cho TP, thị xã, nhất là Hà Nội và TP.HCM, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm về vi phạm an toàn đê điều, vi phạm về thoạt lũ.

 

Các hệ thống hồ chứa, thuỷ điện đảm bảo sự phối hợp tốt với địa phương trong việc giám sát, vận hành, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống ảnh báo thông tin tới nhân dân vùng hạ lưu đập, tăng cường công tác quản lý tàu thuyền,… Đẩy nhanh, lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác phòng chống lụt bão, các công trình kiên cố làm nơi tránh trú cho khu vực dân cư vùng khó khăn, thường xuyên gặp bão, lũ.

 

Cảnh giác tối đa với các diễn biến thời tiết

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương những thành tích đáng khích lệ của các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang trong công tác phòng chống lụt bão trong thời gian qua. Trong điều kiện tiếp tục chịu tác động lớn từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến khó lường, công tác phòng chống lụt bão năm 2011 đã có nhiều cố gắng, giảm thiểu được thiệt hại, đặc biệt trong phòng chống bão cho tàu thuyền ngoài biển, cho người dân trong đợt lũ ĐBSCL.

 

“Lũ ĐBSCL đặc biệt lớn, song thiệt hại về lũ gây ra đã được giảm thiểu, nhất là về người khi số người chết là 86 so với 481 người trong năm 2000, bảo vệ an toàn được hơn 130.000 ha lúa thu đông, góp phần đáng kể vào tăng sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý những tồn tại trong công tác phòng chống lụt bão hiện nay, nhấn mạnh những giải pháp, nhiệm vụ mà các ngành, các cấp cần thực hiện để ứng phó với diễn biến thiên tai được dự báo nghiêm trọng và phức tạp hơn trong năm 2012.

 

Dự báo bão lũ 2012 sớm hơn, diễn biến mưa lũ lớn hơn,  các Bộ, ngành, địa phương và người dân tiếp tục cảnh giác, chủ động hơn trong công tác phòng, tránh, tập trung đầu tư mạnh hơn cho các dự án bảo vệ tính mạng, đời sống, sản xuất của nhân dân.

 

Trước hết, về vấn đề vốn đầu tư hạn hẹp kéo theo khó khăn trong việc chuẩn bị ứng phó phòng tránh thiên tai, Phó Thủ tướng nêu rõ chủ trương tiếp tục cân đối, bố trí có trọng điểm và tinh thần là “ưu tiên tối đa”, “không tiếc tiền” đối với các công trình đê điều, thuỷ lợi thiết yếu.

 

Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chi tiết của từng Bộ, ngành, địa phương các cấp. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập và công trình thuỷ lợi, xác định trọng điểm, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trước mùa lũ 2012 cũng như tập trung đầu tư cho những trang thiết bị, phương tiện dự báo, quan trắc, cứu hộ cấp thiết.

 

Tăng cường hơn nữa việc diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, mọi người dân, nhất là công tác hộ đê, sơ tán dân, các phương án ứng phó bão lũ và cả các thảm hoạ lớn như sóng thần, động đất.

Nhân dịp này, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã trao Quyết định khen thưởng, Bằng khen cho một số địa phương, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lụt bão năm 2011. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Không quân nhân ngày truyền thống 3/3. Đây cũng là 2 lực lượng có vai trò nòng cốt trong công tác giúp dân phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Theo Chinhphu.vn
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cảnh giác và chủ động đối phó thời tiết bất thường

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI