»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:38:26 AM (GMT+7)

Cảnh báo bị phớt lờ

(23:14:06 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - - Chủ khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Dương) đã phớt lờ cảnh báo của ngành chức năng, cấm mở bến ở khu vực này do có luồng xoáy sâu 20m.

 

Khoảng 0 giờ 20 phút sáng 22.5, lực lượng cứu hộ đã luồn 6 phao hơi vào đáy thuyền rồi bơm khí vào, đưa con tàu 72K BD 0943 (không phải BD 0913 như thông tin ban đầu) nổi lên mặt nước.

 

Do lượng nước còn nhiều trong khoang thuyền nên đơn vị trục vớt kéo một đầu tàu lên bờ (thuộc xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM - đối diện với Khu du lịch Dìn Ký), một nửa tầng dưới của tàu vẫn còn chìm dưới nước. Tại hiện trường, đại tá Võ Đức Thành, Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, cho biết: "Do thủy triều của sông Sài Gòn còn cao nên chưa thể hoàn thành việc lai dắt con tàu bị nạn về cảng Bà Lụa (P.Phú Thọ, TX Thủ Dầu Một) như dự kiến ban đầu". 

 


Tàu BD 0943 được trục lên bên sông Sài Gòn - Ảnh: Kim Cương

 

 

 

 

 

 

 

 

Bến tàu không phép

Đi vào hoạt động từ năm 2006, Khu du lịch xanh Dìn Ký kinh doanh tàu nhà hàng nổi, tàu khách sạn nổi và các loại hình ca-nô dã ngoại trên sông; nhưng điều đáng ngạc nhiên là bến tàu lại không có giấy phép.

 

 

Ông Phan Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Khu vực 3, khẳng định: "Khu vực mà Dìn Ký mở bến là bến tàu lậu. Vì nơi đây chúng tôi không cho phép mở bến tàu vì có luồng nước xoáy sâu trên 20m. Xung quanh khu vực này, chúng tôi đã có phao cảnh báo khu vực nguy hiểm do nước xoáy, nhưng doanh nghiệp này không chấp hành".

 

 

Thanh tra Cục Đường thủy nội địa đã từng lập biên bản vi phạm hành chính chủ DNTN Dìn Ký về các lỗi “neo đậu tàu tại khu vực không được cấp phép, không được neo đậu vì không an toàn”. Một CSGT đường thủy Bình Dương cũng cho biết hồi tháng 3.2011, CSGT đường thủy đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tự ý mở bến đưa đón khách không phép đối với Dìn Ký. 

 

Hết hạn đăng kiểm vẫn lén lút hoạt động

 

Hôm qua, Thượng tá Trần Văn Chính, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: "Sau khi trục vớt tàu Dìn Ký sẽ thành lập hội đồng giám định để giám định kỹ thuật tàu. Bước đầu chúng tôi đã xác định tàu BD 0943 hết hạn đăng kiểm khoảng 3 tháng nhưng vẫn lén lút hoạt động".

 

 

Còn thượng tá Phạm Xuân Trường, quyền Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm giữ hình sự Lê Văn Đức và La Văn Quang để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về ATGT và điều khiển các phương tiện thủy; giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. Bước đầu điều tra đã xác định chiều 20.5, Quang điều động Đức làm nhiệm vụ lái tàu BD 0943 đưa khách đi du ngoạn trên sông Sài Gòn và đã gây ra vụ đắm tàu.

 

 

Theo ông Phan Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ Khu vực 3: "Qua kiểm tra, giấy phép điều khiển của tài công Lê Văn Đức không hợp lệ. Cụ thể tàu BD 0943 là tàu loại 1 nhưng bằng của Đức chỉ được phép lái tàu loại 2 và 3".

 

 

 

 

Thảm họa từ “bức tường hứng gió”

 

Tiến sĩ Đinh Khắc Minh, Viện trưởng Viện KHCN tàu thủy VN, phân tích: “Theo thông tin một số báo đăng tải, tàu cao 2 tầng, độ sâu mớn nước thấp, chỉ hơn 1m, chiều ngang lại hẹp. Nếu đúng như vậy thì độ ổn định của tàu không cao, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu. Có thể khi có cơn giông, hướng gió thổi với vận tốc cao, vuông góc với mạn tàu. Đây là trường hợp rất nguy hiểm trong vận hành phương tiện thủy. Khi đó, tàu lại bị đóng kín các cửa kính nên diện tích hứng gió của phần thượng tầng, diện tích hứng gió của tàu rất lớn, đáy tàu lại không ổn định, nên tàu bị lật càng nhanh.  Nếu khi đó, thủy thủ đoàn mở hết các cánh cửa, giảm diện tích cản gió thì có thể sẽ giảm được nguy cơ gây lật tàu.


 

Ở đây, cơ quan điều tra cần làm rõ hồ sơ kỹ thuật của tàu, thiết kế có chuẩn không, tàu có được đóng theo đúng thiết kế không? Quy định vận hành tàu có nêu rõ là thủy thủ đoàn phải mở hết các cửa khi gặp gió hay không. Nếu đã quy định mà người vận hành không thực hiện thì họ đã có lỗi.


 

Hiện nay, loại hình tàu du lịch đang phát triển ở nhiều nơi như trên sông Hương ở Huế, trên hồ Tây, sông Hồng ở Hà Nội, trên sông Sài Gòn ở Bình Dương, TP.HCM... Do đó, cơ quan đăng kiểm cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm tra thiết kế và giám sát quá trình đóng tàu có đúng thiết kế hay không. Nhiều chủ tàu có thể vì lợi ích kinh tế hoặc lý do thẩm mỹ đã tự cơi nới chiều cao, thêm các cửa kính... như vậy sẽ rất nguy hiểm trong các trường hợp có giông, gió lốc hay xoáy nước bất thường”.


 

Còn anh Nguyễn Văn Nam, một thuyền trưởng đã có hơn chục năm lái tàu du lịch tại Quảng Ninh, chia sẻ: “Khi có giông gió, chúng tôi phải cố gắng cho tàu xoay theo chiều gió, mở hết các cửa sổ để giảm diện tích hứng gió. Nếu tàu cao mà lại đóng kín cửa kính thì con tàu chẳng khác gì một bức tường thành hứng gió, trong khi chân đế của nó lại bập bềnh. Nếu tàu cao, bề rộng nhỏ, độ sâu mớn nước thấp mà lại gặp gió lớn thì dù thuyền trưởng tài giỏi đến mấy cũng khó tránh khỏi tai nạn”.

 

 

K.Long - H.Sâm - B.Ngọc - Kim Cương (Thanh Ni
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cảnh báo bị phớt lờ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI