Tin tức » Tin trong nước
Bãi tắm Vũng Tàu, nạn nhân chết đuối quá nhiều!
(11:13:11 AM 24/04/2013)
Tình trạng du khách chết đuối khi tắm biển ở khu vực bãi Sau, TP Vũng Tàu đã xảy ra từ nhiều năm nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do lực lượng cứu nạn không được trang bị các phương tiện cần thiết và đặc chủng.
Cứu nạn kiêm... bảo vệ, hầu bàn
"Có người chìm trong tầm nhìn nhưng do không có canô nên khi chúng tôi bơi ra đến nơi đã không còn kịp. Thấy người ta chìm nhưng mình không ra kịp, không cứu được cắn rứt lắm" Anh TRẦN NGỌC SANG |
Theo Công an TP Vũng Tàu, trong hai năm 2011-2012 và mấy tháng đầu năm nay, tại 23 bãi tắm (chủ yếu thuộc khu vực bãi Sau) đã xảy ra 39 vụ đuối nước làm chết 41 người.
Ông Phạm Khắc Tộ - phó giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, cho biết lực lượng cứu nạn chính hiện nay tại khu vực bãi Sau thuộc sự quản lý của ban có 27 người và 3 y sĩ. “So với bờ biển dài gần 10km và hàng chục nghìn du khách đến đây tắm biển trong dịp lễ thì con số 30 người làm công tác cứu nạn là quá mỏng” - ông Tộ thừa nhận. Cũng theo ông Tộ, ngoài lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp này, các bãi tắm cũng cử người trực cứu nạn nhưng đây là lực lượng không chuyên và kiêm nhiệm thêm bảo vệ, dọn dẹp... nên hầu như không có tác dụng.
Ngoài chuyện thiếu người, phương tiện phục vụ cứu hộ ở bãi Sau cũng thiếu đủ thứ. Anh Trần Ngọc Sang - một người có thâm niên 21 năm làm nghề cứu nạn - cho biết: “Chúng tôi thiếu tất cả những phương tiện cần thiết để cứu nạn du khách, từ canô, phao đặc chủng đến xe cứu thương lẫn chân vịt để bơi”. Để minh chứng sự thiếu thốn, anh Lê Văn Tiền - một đồng nghiệp của anh Sang - giới thiệu với chúng tôi chiếc phao cứu sinh tự chế đang treo ở một cọc cắm trên bãi biển. “Phao” gồm hai thanh xốp vuông, dày và dài như chiếc gối ôm...
Anh Nguyễn Tấn Hùng, một thành viên trong lực lượng cứu nạn ở đây, cho biết phương tiện quan trọng và cần thiết nhất của người cứu nạn là chiếc canô, nhưng cả bốn đài cấp cứu ở đây chỉ có một canô! “Canô dùng để chạy nhanh ra cứu người bị nạn và chạy ở phía ngoài nhắc nhở, giám sát khi du khách tắm tại vị trí nguy hiểm. Không có canô, nhiều khi chúng tôi thổi còi đến hụt cả hơi nhưng du khách không nghe hoặc nghe mà không biết chúng tôi đang nhắc nhở họ. Còn chiếc phao cứu sinh tự chế nói trên chỉ có thể cho một người ôm, trong khi phao đặc chủng có thể cứu được ba, bốn người” - một nhân viên cứu nạn cho biết.
Chân vịt cũng rất quan trọng. Anh Sang cho biết nếu có chân vịt, người cứu nạn sẽ bơi ra xa gấp rưỡi, gấp đôi so với bơi bằng chân không và bơi bằng chân vịt đỡ hao tốn sức lực. Cũng theo anh Sang, trong hơn 20 năm làm nghề cứu nạn, nếu có canô thì anh và đồng nghiệp đã cứu được rất nhiều người. Ông Phạm Khắc Tộ cho hay có trường hợp đã cứu được du khách vào bờ, mở được đường thở... nhưng vì không có xe cứu thương đưa đi bệnh viện kịp thời nên du khách đã chết trên đường đến bệnh viện bằng taxi...
Ngân sách không thiếu, nhưng...
Theo Công an TP Vũng Tàu, du khách chết đuối khi tắm biển ngoài nguyên nhân chủ yếu do chủ quan, thiếu hiểu biết về biển và ỷ lại mình biết bơi, còn có nguyên nhân do lực lượng cứu nạn ít và chỉ làm việc từ 6g-18g, trong khi du khách có sở thích tắm biển vào sáng sớm và chiều tối.
Ông Trần Văn Trường, giám đốc ban quản lý, cho biết trong năm 2012 tại các bãi biển thuộc quyền quản lý của ban có tám trường hợp tử vong, trong đó sáu trường hợp tắm biển lúc sáng sớm, bơi ra xa bờ, lọt hố xoáy rồi đuối sức và bị sóng cuốn chìm. Hai trường hợp còn lại là khách nước ngoài tắm biển vào ban đêm.
Thực tế cho thấy ở một số bãi tắm có dựng panô về quy định tắm biển của UBND TP Vũng Tàu, trong đó có ghi rõ những nơi cắm cờ đen là khu vực nguy hiểm vì có hố xoáy. Thế nhưng, những pano này chữ viết nhỏ và để ở những vị trí khuất tầm nhìn du khách. Anh Sang đề nghị TP và ngành chức năng nên cắm những panô này ngay mặt các con đường như biển báo giao thông, dễ nhìn và đập ngay vào mắt du khách.
Ông Phạm Khắc Tộ cho biết với cơ chế quản lý như hiện nay, chủ các bãi tắm, các khu du lịch luôn ỷ lại vào lực lượng cứu nạn của Nhà nước. “Hiện nay chưa có chế tài xử lý, xử phạt đối với các chủ bãi tắm, khu du lịch để xảy ra chuyện du khách chết đuối vì lý do khách quan nên các cơ sở kinh doanh chưa làm hết sức mình cho công tác cứu nạn” - ông Tộ nói.
Bà Trương Thị Hường - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - thừa nhận hiện tại TP mới chỉ trang bị cho lực lượng cứu nạn một canô trượt nước và hiện đang đề nghị mua thêm một canô nữa. Trả lời về việc thiếu trầm trọng các phương tiện cứu nạn, bà Hường cho rằng: “Ngân sách của TP không thiếu. Việc thiếu chân vịt, phao cứu sinh mà nhân viên cứu nạn phản ảnh, Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu phải lên kinh phí dự trù để mua sắm, phải tham mưu cho UBND TP. Tôi đã nhắc nhiều lần nhưng ban này làm rất chậm”.
Theo bà Hường, trong các dịp lễ năm nay, TP đặt tiêu chí an toàn cho du khách lên hàng đầu. Theo đó, sẽ cử một người cứu nạn chuyên nghiệp về các bãi tắm, các khu du lịch để hướng dẫn những người làm công tác cứu nạn tại chỗ. Ngoài ra, hiện nay TP Vũng Tàu đang xây dựng mô hình bãi tắm an toàn. Trong đó, có chỉ tiêu về lực lượng và phương tiện cứu nạn, hệ thống loa không dây dùng để thông báo. Khi đủ các tiêu chí, TP sẽ cấp giấy chứng nhận cho các bãi tắm để trở thành địa chỉ tin cậy cho du khách.
Nha Trang: lực lượng cứu hộ vừa thiếu vừa yếu
Ông Trưởng Kỉnh - giám đốc Ban quản lý vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) - cho biết ông mới tiếp nhận đội cứu hộ dọc bờ biển Nha Trang từ tháng 10-2012 và thấy nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, bờ biển Nha Trang dài gần 10km với nhiều bãi tắm nhưng chỉ có 28 nhân viên cứu hộ, bố trí ở hai trạm gác và đi tuần dọc bãi tắm. Số nhân viên cứu hộ này rất yếu về kỹ năng bơi, lặn và cứu người. Ngoài ra, phương tiện cứu hộ chỉ có một canô công suất 40CV và một canô cao tốc 200CV. Canô 200CV mới chạy được vài ngày thì bị hỏng đang sửa chữa, còn canô 40CV chạy rất chậm.
“Do lực lượng quá mỏng nên tôi mới đề xuất UBND TP Nha Trang tuyển thêm 11 nhân viên cứu hộ, đồng thời phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đào tạo lại kỹ năng cứu hộ cho nhân viên” - ông Kỉnh nói. Theo ông Kỉnh, từ khi ông quản lý việc cứu hộ đến nay, ở Nha Trang có năm trường hợp chết đuối khi tắm biển. Qua đó, ông Kỉnh rút ra hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn chết người là do thiếu lực lượng cứu hộ và người tắm biển thiếu kỹ năng bơi.
Cũng theo ông Kỉnh, các khách sạn dọc bờ biển được giao bãi tắm cần đào tạo nhân viên và trang bị phương tiện để có thể chủ động tự cứu lấy khách của mình, chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào lực lượng cứu hộ.
Đà Nẵng: mỗi năm cứu khoảng 100 trường hợp đuối nước khi tắm biển
Ông Nguyễn Đức Vũ - trưởng phòng truyền thông Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi tắm du lịch Đà Nẵng - cho biết từ đầu năm 2012 đến nay, đội cứu hộ phục vụ các bãi tắm công cộng đã cứu thành công hơn 120 trường hợp đuối nước. Trung bình mỗi năm các đội cứu hộ cứu khoảng 100 trường hợp bị đuối nước khi tắm biển. Các trường hợp này chủ yếu do bơi không đúng nơi quy định, phớt lờ cảnh báo của đội cứu hộ và uống rượu bia trước khi xuống biển tắm.
Theo ông Vũ, hiện nay Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi tắm du lịch Đà Nẵng có 17 đội cứu hộ, gồm 81 người phục vụ cứu hộ ở 17 khu vực bãi tắm công cộng trải dài trên địa bàn TP. Các đội cứu hộ này chỉ được trang bị 3 canô và 22 thuyền thúng làm phương tiện cứu hộ nên nhân viên cứu hộ chủ yếu làm nhiệm vụ nhắc nhở người tắm biển bơi đúng quy định để phòng tránh tai nạn đuối nước. Ông Vũ cũng cho biết hiện nay TP đang đầu tư xây dựng hai bãi tắm công cộng kiểu mẫu theo tiêu chí “An toàn - văn minh - hấp dẫn”, trong đó đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tắm biển. Dự kiến trong hè này sẽ đưa vào sử dụng. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT
- Bộ Công Thương gửi công điện khẩn, yêu cầu báo tin cho dân trước khi xả lũ
- Một doanh nghiệp năng lượng Việt được rót 10 triệu USD làm điện sạch
- Trả lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép môi trường của nhà máy chế biến sữa
- Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM bị bắt
- Lâm Đồng: Đưa vụ Đồi Cù vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Tòa án hủy quyết định cấm thay đổi hiện trạng công trình ở sân golf Đồi Cù
- Bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 4 lãnh đạo khác
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
(Tin Môi Trường) - Phó thủ tướng Campuchia tuyên bố nước này không có nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin và sẽ không tham vấn với các quốc gia trong khu vực về dự án kênh đào Funan Techo.