»

Thứ bảy, 23/11/2024, 03:14:47 AM (GMT+7)

Xác lập 20 kỷ lục của thủ đô Hà Nội

(23:27:40 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập lần thứ nhất 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội, những kỷ lục này sẽ được trao tặng giấy xác lập và cúp lưu niệm kỷ lục vào dịp tổng kết đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ha[-]Noi

 

1) NƠI DUY NHẤT CHỨNG KIẾN SỰ RA ĐỜI CỦA 3 BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội có vinh dự chứng kiến sự hình thành và công bố hai tác phẩm văn hóa chính luận bất hủ của hai tác gia danh tiếng, hai danh nhân văn hóa thế giới. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỷ XV và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thế kỷ XX. Hai tác phẩm trên cùng với bài thơ Nam quốc sơn hà vẫn cho là của Lý Thường Kiệt, vào nửa sau thế kỷ XI, được các nhà sử học coi như “Ba bản Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc Việt Nam.

 

Trong đó, bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân cả nước và nhân dân thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Ngày 2.9.1945, một ngày có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần dân tộc. Và từ đó Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam mới.

 

2)THÀNH PHỐ CÓ NHIỀU HỒ ĐẦM NHẤT

 

 dam[-]ho

 

Thăng Long - Hà Nội có nhiều hồ đầm tự nhiên hình thành do quá trình biến đổi dòng chảy qua các thời kỳ kiến tạo địa chất, địa mạo, do sự bồi lấp tự nhiên và do cả sinh hoạt xã hội - con người tác động. Vào thập niên cuối của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu ghi nhận có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở Hà Nội, trong đó 3 hồ nổi tiếng nhất nằm trong nội thành là hồ Tây, hồ Trúc Bạch và hồ Gươm.

 

- Hồ Tây: Rộng hơn 500 ha, dấu vết của sông Hồng khi đổi dòng để lại. Hồ còn có tên là hồ Xác Cáo (từ truyền thuyết “cáo chín đuôi ẩn nấp” tại đây), hồ Trâu Vàng, Dâm Đàm (đầm mù sương), hồ Lãng Bạc. Hiện nay quanh hồ còn 61 đình, chùa, đền, phủ xưa.

 

- Hồ Trúc Bạch: Đời vua Lê Tương Dực (1509-1517) cho đắp một lũy đất cắt một góc hồ Tây gọi là đê Cổ Ngư tạo thành hồ Trúc Bạch. Giữa hồ là đảo nhỏ có đền Cẩu Nhi.

 

- Hồ Gươm: Hồ này rất rộng, trải dài từ phố Hàng Đào đến phó Hàng Chuối, ăn thông với sông Hồng (còn có tên là hồ Lục Thủy vì màu nước trong xanh quanh năm). Từ truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu, hồ mang tên là hồ Hoàn Kiếm, hồ Thủy Quân. Sau hồ Gươm được đắp đập ngăn đôi, phía bắc là hồ Tả Vọng, phía nam là hồ Hữu Vọng. Trong hồ phía bắc có núi Ngọc, trên núi có đền Ngọc Sơn, tháp Bút 5 tầng sừng sững; phía nam có gò Rùa, trên gò có tháp Rùa. 

 

Ngoài ra còn có hồ Thiền Quang hay còn gọi là hồ Liên Thủy, trước kia khá rộng và ăn thông với hồ Bảy Mẫu, do bị lấp dần để xây dựng nhà cửa nên hiện nay chỉ còn nằm giữa các phố Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, Quang Trung. Ở ngoại thành, nhiều đầm hồ với cảnh quan đẹp chưa được khai thác nhiều như hồ Đồng Quan ở huyện Sóc Sơn, đầm Vân Trì ở huyện Đông Anh, đầm Linh Đàm, đầm Sét ở huyện Thanh Trì…

 

Hiện nay, với việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính nên Hà Nội bao gồm thêm nhiều hồ nổi tiếng như hồ Suối Hai (rộng gấp đôi hồ Tây), hồ Đồng Mô - Ngải Sơn ở huyện Ba Vì, hồ Đại Lải ở huyện Mê Linh, hoặc hệ thống hồ Quan Sơn từng được xem là “Hạ Long thu nhỏ” của đất Hà Tây trước đây.

 

3)THÀNH PHỐ LỚN NHẤT

 

Ngày 29.05.2008, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, diện tích của thành phố Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ phần diện tích của Hà Nội cũ, toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, thành phố Hà Nội có tổng diện tích 3.324,92km2, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện ngoại thành, đứng đầu cả nước về diện tích và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

 

Trước đó, Hà Nội cũng đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Cụ thể, năm 1954, diện tích của Hà Nội là 152km2. Năm 1961, thành phố được mở rộng, tăng diện tích lên 584km2. Đến năm 1978, thủ đô lại một lần nữa được mở rộng diện tích, lên 2.136km2. Đến năm 1991, địa giới Hà Nội lại tiếp tục thay đổi, thu hẹp lại còn 924km2.

 

4)THÀNH PHỐ CÓ NHIỀU DI TÍCH DANH THẮNG NHẤT

 

Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội lắng đọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với hơn 4.000 di tích danh thắng (trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia) cộng với một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.

 

Những di tích danh thắng nổi tiếng của Hà Nội phải kể đến là: thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh thắng Hương Sơn, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.200 làng nghề cùng nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc. Đó là một lợi thế, tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch của thủ đô ngàn năm tuổi

 

5)THÀNH PHỐ CÓ HỆ THỐNG BẢO TÀNG NHIỀU NHẤT

 

Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế và văn hóa của cả nước. Nơi đây đã và đang diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa và đáp ứng yêu cầu học tập tham quan nên các cơ quan trung ương và thành phố đã quan tâm xây dựng nhiều bảo tàng nhằm phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Đến Hà Nội, bạn sẽ được hướng dẫn đến các bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ trên 120.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Cách Mạng thành lập tháng 8.1959 có 30 phòng trưng bày trên 40.000 hiện vật. Bảo tàng Quân đội mở cửa ngày 22.12.1959, diện tích trưng bày 2.000m2, gồm 30 phòng. Trưng bày những hiện vật và tài liệu giới thiệu quá trình ra đời và trường thành của các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ lịch sử.

 

Bảo tàng chiến thắng B52 ở 152 Đội Cấn, quận Ba Đình. Đây là nới ghi lại quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Phòng không mà đỉnh cao là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ.

 

Bảo tàng Lịch sử xây dựng năm 1926. Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng rộng khoảng 2.000m2, chia thành nhiều không gian từ thời tiền sử đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam ở số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội được xây dựng trong hơn 4 năm và khánh thành ngày 20.10.1995. Bảo tàng trưng bày nhiều nội dung liên quan đến quá trình đóng góp của phụ nữ Việt Nam về mọi lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay.

 

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, khánh thành tháng 11.1997, rộng trên 3ha nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về văn hóa của 54 dân tộc. Bảo tàng Mỹ Thuật ở số 77 Nguyễn Thái Học, có tổng diện tích 4.737m2, thông qua các hiện vật trưng bày, khách tham quan hiểu quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Hà Nội là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000m2, cao 30,7m trưng bày 50.000 hiện vật trong ngày khánh thành vào ngày 6.10.2010. Bên cạnh đó là các Bảo tàng Phòng không không quân, Bảo Tàng Địa chất…

 

Đến với các bảo tàng của thủ đô, qua những tài liệu, hiện vật trưng bày đưa người xem quay trở lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

 

6) THÀNH PHỐ CÓ TÊN PHỐ VÀ NGÕ BẮT ĐẦU BẰNG CHỮ “HÀNG” NHIỀU NHẤT

 

Thăng Long - Hà Nội xưa có tới hơn 50 tên phố, ngõ được bắt đầu bằng chữ Hàng. Mỗi tên phố được gắn với một sản vật mà nơi đó buôn bán hoặc là nghề nghiệp của người dân nơi đó. Người đi học có thể lên Hàng Giấy, Hàng Bút; người dân lao động thì gắn với Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Bột, Hàng Dầu. Muốn sắm sửa đồ gia dụng thì lên Hàng Bát Đàn, Hàng Bát Sứ, Hàng Đũa. Muốn làm đẹp thì lên Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Vải… Còn rất nhiều, rất nhiều tên phố nếu cần mua thứ gì thì cứ đến đúng phố đó: Hàng Than, Hàng Hương, Hàng Buồm, Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Vôi, Hàng Cháo…

 

Thăng Long là nơi đô hội và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước trong nhiều triều đại. Người dân khắp nơi tụ về sinh sống, buôn bán làm ăn, họ cũng đã mang theo nghề từ quê hương về làm phong phú thêm cho Thăng Long.

 

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, qua các tài liệu cũ ta thấy có tới 72 tên phố, ngõ bắt đầu với chữ “Hàng”, gắn với những thứ hết sức quen thuộc trong đời sống thường nhật: Cỏ, Chuối, Chĩnh, Chiếu, Chỉ, Chè, Cháo, Chai, Cau, Cân, Cá, Bừa, Bút, Buồm, Bún, Bột, Bông, Bè, Bồ, Bát Đàn, Bát Sứ, Cơm, Cót, Da,…

 

7) CÔNG TRÌNH ĐÀI NGHIÊN - THÁP BÚT DUY NHẤT

 

Năm 1865, khi tôn tạo trùng tu đền Ngọc Sơn, danh nho đất Hà thành Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng nhiều hạng mục mới, trong đó có Tháp Bút – Đài Nghiên. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, Tháp Bút - Đài Nghiên trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những biểu trưng của đạo học, ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

 

Tháp Bút có hình một ngòi bút dựng ngược, gồm 5 tầng, cao 28m, nằm trên một ngọn đồi nhân tạo bằng đá (núi Độc Tôn). Thân tháp khắc ba chữ Hán Tả thanh thiên (viết lên trời xanh). Nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu, trong bài Bút Tháp chí khắc trên tầng 3 Tháp Bút, lý giải: tên núi Độc Tôn là để kỷ niệm một chiến thắng của chúa Trịnh tại vùng núi Độc Tôn, xứ Thái Nguyên, và “Núi là biểu tượng của chiến công và Tháp Bút là biểu tượng của văn hoá…Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi”.

 

Cạnh Tháp Bút, trên mái lớp cổng thứ ba của đền Ngọc Sơn có đặt một Đài Nghiên. Đó là một cái nghiên mực bằng đá có hình nửa trái đào bổ ngang theo chiều dọc. Đài Nghiên cao 0,3m, dài 0,97m và được đội lên bởi ba chú cóc ở phía dưới. Thành Nghiên cũng có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên xét về mặt triết học do chính Nguyễn Văn Siêu soạn. Bài minh này đã được sao lại và khắc trong bức cuốn thư ở ngay trên cửa vòm.

 

8)LÀNG CỔ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CÔNG NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA

 

Là vùng đất cổ có quá trình hình thành và phát triển liên tục, Đường Lâm hội đủ các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng cổ Việt Nam nói chung và Hà Tây nói riêng. Ngoài khoảng 800 ngôi nhà cổ bằng đá ong, về di sản văn hóa vật thể gồm đình, chùa, miếu, lăng, mộ… làng cổ Đường Lâm có 21 di tích, trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có chùa Mía được đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

 

Về văn hóa phi vật thể, làng cổ Đường Lâm còn bảo lưu được các lễ hội truyền thống tôn phong các anh hùng dân tộc. Các tác phẩm văn học, y học, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích… cùng hàng nghì trang văn bản Hán Nôm ghi chép gia phả các dòng họ hoặc thần phả của các làng cũng còn được lưu giữ. Ngoài ra, mỗi cảnh quan, địa danh ở Đường Lâm gắn liền với những huyền thoại, truyền thuyết về đồi Gươm, đồi Hổ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Đặc biệt, Đường Lâm còn có nhiều cây cổ thụ hằng trăm năm tuổi, độc đáo nhất là rặng duối cổ, tương truyền xưa kia là nơi buộc voi ngựa của Phùng Hưng, Ngô Quyền. Những đặc sản truyền thống của Đường Lâm như cây mía de xưa dùng làm đường - mật, cơm phố Mía, giống gà Mía nổi tiếng… được nhiều người biết đến.  Trong những năm qua, nhiều di tích ở làng cổ Đường Lâm đã được đầu tư, tu bổ. Ngày 28.11.2005, làng cổ Đường Lâm được Bộ Văn hóa Thông tin ký quyết định công nhận di tích quốc gia. Đây là làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia.

 

9)TRƯỜNG QUỐC HỌC CAO CẤP ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

 

 quoc[-]tu[-]giam

 

Năm 1076 vua Lý Nhân Tông (1066-1128) cho xây dựng Quốc Tử Giám. Năm 1236, trường được mở rộng, đổi tên là Quốc Tử Viện, sau là Quốc Học Viện, triều Lê đổi tên là Thái Học Viện có quy mô kiến trúc khang trang, bề thế gồm có cửa Thái Học, nhà Minh Luân, giảng đường phía Đông, phía Tây, kho chứa ván gỗ khắc sách, hai khu Tam xá cho giám sinh nghỉ ngơi. Quốc Tử Giám tồn tại hơn 700 năm, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước và được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

 

Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục cao cấp lớn nhất của cả nước thời phong kiến. Khi mới thành lập trường đón nhận các hoàng tử, quan viên, văn chức biết chữ và con em tầng lớp quý tộc đến học, về sau nhiều con em tuấn tú trong cả nước cũng đến đây học tập, rèn luyện. Giảng dạy ở Quốc Tử Giám có các chức Giáo thụ, Trực giảng, Trợ giáo, Bác sỹ. Đứng đầu Quốc Tử Giám thời Trần đặt chức Tư Nghiệp, thời Lê  đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp.

 

Năm 1988, Thành phố Hà Nội thành lập “Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám“ có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa khoa học và hướng dẫn tham quan du lịch nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

10)  NƠI CÓ HỆ THỐNG VĂN BIA TIẾN SĨ NHIỀU NHẤT

 

Văn Miếu xây dựng vào năm 1070 tức năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông. Từ khoa thi năm 1442 trở về sau, những người đỗ Tiến sĩ được vinh danh tên tuổi trong các kỳ thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779).

 

Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Trong đó, tấm bia đầu tiên xây dựng từ năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779. Có 82 tấm bia tương ứng 82 khoa thi khắc tên 1.304 vị Tiến sĩ. Đến nay, 82 tấm bia Tiến sĩ vẫn còn nguyên vẹn giá trị văn hóa, lịch sử xứng đáng trở thành di sản tư liệu thế giới.

 

Ngày 9.3.2010, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Ma Cao (Trung Quốc) đã công nhận bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

11)BIA TIẾN SĨ ĐẦU TIÊN

 

Văn Miếu Hà Nội lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ dựng từ năm 1484 đến 1780,  ghi họ tên và quê quán của 1.307 vị tiến sĩ của 82 khoa thi được tổ chức từ 1442 đến 1779. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được khắc cho khoa thi 1442, bia cuối cùng khắc cho khoa thi 1779. Bia tiến sĩ đều được tạo bằng một loại đá xanh, khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, kích thước không đều nhau, chạm khắc hoa văn tinh xảo, nằm đối xứng hai bên giếng Thiên Quang. Bia được đặt trên lưng rùa, biểu hiện cho sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi. Tấm bia tiến sĩ của đầu tiên của Việt Nam là tấm bia của khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại 3 (1442), được vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho dựng vào năm 1484.

 

Trên tấm bia 1442 có ghi tên 33 vị tiến sĩ, người đỗ Trạng nguyên là Nguyễn Trực, Bảng nhãn là Nguyễn Như Đổ và Thám hoa là Lương Như Hộc. Bài ký của khoa thi này được Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung (1419-1499) soạn, trong đó có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn. Vì thế các bậc thánh đế minh vương không ai không coi việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm công việc hàng đầu . Đây là câu mang ý nghĩa sâu sắc trong việc chăm lo, khuyến khích và đào tạo nhân tài.

 

12)TÒA THÀNH CỔ NHẤT

 

 thanh[-]co[-]loa

 

Thành Cổ Loa do vua An Dương Vương xây cách đây hơn 23 thế kỷ, là tòa thành cổ nhất trên đất Hà Nội. Thành Cổ Loa được đắp vào năm 225 trước công Nguyên, là kinh đô khi Thục Phán- An Dương Vương dựng nước Âu Lạc xây dựng nên. Đây là ngôi thành cổ xưa nhất và cũng là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo của Việt Nam nằm trong xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

 

Tòa thành có ba vòng đắp bằng đất, gồm thành trong, thành giữa và thành ngoài. Thành trong xây theo kiểu hình chữ nhật, chu vi 1.650m, có diện tích 18ha. Chung quanh thành trong còn có 18 hỏa hồi cao hơn mặt thành, nhô ra phía ngoài, vừa làm vọng gác vừa là công sự. Vòng thành giữa tương đối rõ và ít biến dạng, cao từ 6m-12m, chu vi 6.500m, được bao bọc trong một diện tích 265 ha. Chu vi thành ngoài 8.000m, diện tích 200 ha. Tổng cộng chiều dài của cả ba vòng thành hơn 16 km. Mỗi vòng thành đều có hào sâu để thuyền bè đi lại dễ dàng và nối với sông Hoàng Giang. Bên trong thành có đền thờ An Dương Vương, giếng Ngọc, đình Ngự Triều Di Quy (nơi vua ngự triều), miếu thần Kim Quy, am Mỵ Châu, nhà bia. Khi vào viếng đền An Dương Vương, du khách sẽ thấy câu đối: “Giặc đến thành Ốc sẽ bị giết sạch, Điện không nỏ Rùa vẫn cứ linh thiêng”. Ngoài ra, khi đến đây khách tham quan còn được nghe kể về câu chuyện tình cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy.

 

Thành được được xây theo hình tròn ốc với 9 vòng xoáy thường được nhắc đến trong sử sách và chuyện kể dân gian. Đến nay, dấu tích thành Cổ Loa vẫn còn tồn tại trên địa bàn xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, với 3 vòng thành bằng đất. Vòng ngoài cùng có chu vi 8 km, vòng giữa 6 km rưỡi và vòng trong cùng đo được 1,6 km. Thành đắp nhiều ụ phòng ngự nhô cao và trổ các cửa ra vào nhiều hướng ở mỗi vòng thành.

 

13)TRƯỜNG MỸ THUẬT ĐẦU TIÊN

 

Đó là trường Mỹ thuật Đông Dương École supérieure des beaux arts de l’Indochine mở tại Hà Nội và khai giảng ngày 17.10.1924, do ông Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp tâm đắc với hội họa, làm hiệu trưởng. Chương trình đào tạo lúc đầu của nhà trường kéo dài 3 năm, về sau được nâng lên đào tạo khóa 5 năm, bắt đầu từ 1926. Qua năm sau, trường Mỹ thuật Đông Dương mở thêm ngành kiến trúc (1927) nghiên cứu nghệ thuật tạo hình bằng chất liệu sơn mài (1928) và những năm tiếp đó trường mở thêm các môn dạy và hướng dẫn thực hành chạm khắc trên kim loại (1932), tiến tới mở khoa chuyên môn về các ngành đồ gỗ và gốm sứ mỹ thuật (1937).

 

4 năm sau, ngày 22.10.1942, trường Mỹ thuật Đông Dương được tách thành 2 trường với các ngành đào tạo chuyên sâu, đó là: Trường Cao đẳng mỹ thuật và trường Mỹ nghệ thực hành. Tính đến Cách mạng Tháng Tám 1945 trường đã đào tạo được 17 khóa, trong đó có 13 khóa trọn vẹn với nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam sau này như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... Năm 1950, trường chuyển thành trường Mỹ thuật Trung cấp ở chiến khu Việt Bắc. Sau năm 1954, trường chuyển về Hà Nội và mang tên mới Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1981, trường nâng lên bậc đại học và mang tên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, đến năm 2008, chuyển thành trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.

 

14) TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y ĐẦU TIÊN

 

Vào năm 1902, chính quyền Pháp quyết định thành lập Trường Đại học y dược đầu tiên của bán đảo Đông Dương theo mô hình phương Tây ở Việt Nam, đó là Trường đại học Y dược Hà Nội. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là một thầy thuốc nổi tiếng: Bác sĩ Yersin. Từ năm 1902 đến năm 1945, trường nằm dưới sự điều hành của trường Đại học Paris và hiệu trưởng đều là người Pháp. Sự phát triển của trường dẫn đến sự hình thành của hai bệnh viện thực hành đó là là bệnh viện Phủ Doãn và Bạch Mai. Cũng trong giai đoạn này, một thế hệ bác sĩ có nhiều công sức xây dựng cho nền y học Việt Nam như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Hoàng Đình Cầu, Đinh Văn Thắng, Đỗ Xuân Hợp.. đã được đào tạo tại đây.

 

Ngày 15.11.1945, Trường Đại học Y dược Hà Nội khai giảng năm học đầu tiên của một quốc gia độc lập. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trường một mặt củng cố để ổn định phát triển, một mặt tiếp tục chi viện nguồn lực con người cho các trường đại học y phía Nam: Đại học Y Huế, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y dược Cần Thơ, Y khoa Thái Nguyên. Đến nay nhà trường đã đào tạo trên 17.000 bác sĩ chính quy, khoảng 10.000 học viên sau đại học.

 

15)  KHU VƯỜN DUY NHẤT CÓ NHIỀU GIỐNG CÂY TRÁI ĐẶC TRƯNG BA MIỀN

 

 vuon[-]nha[-]Bac[-]Ho

 

Đó là khu vườn nhà Bác Hồ, nơi Người ở và làm việc từ ngày 17.05.1958 cho tới khi qua đời. Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường đẹp rải sỏi, hai bên trồng xoài, dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, bình dị, giữa những vòm cây. Hàng rào râm bụt bao quanh nhà. Cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau mang phong vị dân dã. Hai cây dừa - cây dừa lửa của đồng bào ta ở Thái Lan và cây dừa hai thân của tỉnh Vĩnh Phú biếu Bác - tỏa bóng xanh mát. Những khóm lại, tầm xuân từ mảnh vườn nhỏ trước cửa thoang thoảng đưa hương.

 

Sau nhà là vườn quả. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác từ năm 1954, cành lá xum xuê đứng giữa những hàng cam Hải Phòng trĩu quả vàng tươi và hàng trăm loài cây quý thuộc hơn 30 họ thực vật do các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và các địa phương đưa về trồng, có nhiều cây đặc sản như bưởi Phúc Trạch, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mê Linh; cam Xuân Mai, Vân Du, Xã Đoài, Sông Con; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền chiết từ cây hồng của quê hương nhà thơ Nguyễn Du…

 

Khu vườn của Bác còn có cả những loại cây nhập từ nước ngoài như 11 cây ngâu hoa trồng cạnh nhà sàn, 5 cây bông bụt mọc quanh ao, 26 cây cau vua gốc từ Ca-ri-bê, cây tre bụng Phật…

 

16)  LÀNG LÀM NGHỀ ẢNH SỚM NHẤT

 

Đó là làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Nguyên người làm nghề ảnh sành sỏi và tài năng nhất vào những năm 1900-1910 ở Hà Nội là ông Khánh Ký vốn người gốc làng Lai Xá. Vì thế khi cơ ngơi đã vững vàng, ông đã về quê vận động bà con làng xóm học nghề làm ảnh. Được ông dìu dắt, khuyến khích, dần dần có đến hàng trăm thợ ảnh lành nghề xuất thân từ làng Lai Xá và tỏa đí khắp nơi mở hiệu ảnh làm ăn. Về sau, nghề này thành nghề truyền thống, cha truyền con nối nhiều thế hệ ở làng. Một số đáng kể các hiệu ảnh đầu tiên ở các thành thị, và cả những vùng ngoại ô Hà Nội là do người làng Lai Xá mở ra. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, việc đội ngũ thợ ảnh lành nghề của Lai Xá lập nghiệp khắp miền đất nước đã thực sự góp phần không nhỏ vào việc tạo thêm điều kiện tác động để hoạt động nhiếp ảnh trong nước phát triển vào những thập niên 1925-1945.

 

17)  PHỐ CÓ NHIỀU CỔNG LÀNG NHẤT 

 

Phố Thụy Khuê dài 3,2km, bắt đầu từ giao điểm của phố Quán Thánh - đường Thanh Niên chạy dài đến ngã ba đường Bưởi - Lạc Long Quân. Xưa kia, phố thuộc đất của phường Thụy Chương, một trong 36 phường của kinh thành Thăng Long thời Lê, nơi có nghề dệt vải và nghề nấu rượu ướp hương sen nổi tiếng, cạnh vùng làm giấy dó danh giá một thời. Ngày nay, phố Thụy Khuê nằm trên địa bàn phường Thụy Khuê và phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là con phố có nhiều di tích, đình, chùa, miếu cổ đã được xếp hạng như đền Thụy Khuê, đền Đồng Cổ, chùa Mật Dụng, đền Vệ Quốc, đình Yên Thái. Và đặc biệt, phố còn là nơi lưu giữ hàng chục cổng làng, một chứng tích của “làng quê lên phố”.

 

Mỗi cổng làng trên phố Thụy Khuê đều có một dáng vẻ riêng, là dấu ấn một thời còn sót lại của những ngôi làng Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu, Thụy Khuê (Thụy Chương) họp thành đất Kẻ Bưởi nổi tiếng. Đó là những cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh… đã trở nên thân thuộc với người dân địa phương từ bao thế kỷ nay. Những cổng làng đã góp phần lưu giữ hồn quê giữa phố, lưu giữ lại không gian làng xã ấm cúng, thân thuộc của người VIệt Nam, mang đến cho Thụy Khuê một vẻ đẹp sâu lắng rất riêng mà khó có con phố nào ở thủ đô có được.

 

18)  CÂY CẦU SẮT NHIỀU TUỔI NHẤT

 

Cầu Long Biên xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902, dài 1862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn bằng đá. Cầu được đặt tên là Paul Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương), nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Vào đầu thế kỷ XX, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương.

 

Trước khi xây dựng, một cuộc thi thiết kế đã được tổ chức vào năm 1897, và phương án của Gustave Eiffel (người thiết kế xây tháp Eiffel) được chọn. Hãng Daydé & Pillé thi công phần chính, Nha công chính Đông Dương xây dựng phần cầu dẫn. Ở phần giữa của cầu Long Biên là tuyến đường sắt đơn. Hai bên là đường dành cho các loại xe (rộng 2,6m) và người đi bộ (rộng 0,4m).

 

Cầu Long Biên là cây cầu đã “đi” qua 3 thế kỷ (thế kỷ XIX, XX, XXI). Phía trên đầu cầu vần còn tấm biển kim loại có khắc chữ "1899-1902 - Daydé & Pillé - Paris". 108 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh của quá khứ dường như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu.

 

19)  DI TÍCH CÓ QUY MÔ KHAI QUẬT LỚN NHẤT

 

Di tích hoàng thành Thăng Long với diện tích khai quật rộng hơn 19.000m2 trên khu vực nằm giữa các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc sơn ở quận Ba Đình – Hà Nội, là di tích có quy mô khai quật lớn nhất Việt Nam. Quy mô này cũng thuộc loại lớn nhất ở Đông Nam Á, tiến hành các năm 2002 - 2003. Qua đó, tại đây đã phát lộ nhiều di tích lịch sử văn hóa vô giá nằm ở độ sâu từ 1m đến hơn 4m dưới lòng đất; lần lượt được phát hiện qua các tầng văn hóa với niên đại xa đến 1.300 năm (thời Đại La), 1.000 năm (thời Lý, thời Trần, thời Lê). Đồng thời, hàng triệu di vật đào lên bao gồm các đồ cổ còn nguyên vẹn, hoặc đã bị vỡ nhiều mảnh song vẫn phục chế lại được, cùng với các mảnh vỡ vụn khác mang nhiều thông tin hữu ích; tất cả tính đến số lượng hàng triệu di vật soi sáng phần nào diện mạo của sinh hoạt và đời sống cung đình của vua quan và quý tộc thời Lý Trần và cả thời Lê.

 

Dấu vết kiến trúc cách đây cả nghìn năm cũng còn lưu giữ qua sự phát hiện các nền móng, các hàng gạch màu đỏ và nhiều chân đá tảng hoa sen còn đặt nguyên tại chỗ trên móng trụ gia cố bằng sỏi sạn và các chất liệu vững chắc khác. Cũng đã xuất lộ hệ thống giếng nước, tượng đầu phượng, đầu rồng, các loại ngói ống ngói úp nóc, khóa bằng đồng thời Lý, mũi tên thời Trần, những xâu tiền thời Lê, những khối đá được điêu khắc, trang trí hoa văn và nhiều ấm sành, vò sành, bát chứn tráng men, đĩa đèn dầu, đồ sứ hoa lam… Đến nay, di tích và di vật nêu trên của hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục được các nhà khoa học, khảo cổ học, văn hóa học, kiến trúc, địa lý, địa chất ở Việt Nam nghiên cứu và thảo luận. Ngày 1-8-2010, UNESCO đã xếp di tích hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thứ 900 của nhân loại.

 

20)  VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐẦU TIÊN

 

Viện Viễn Đông Bác Cổ là một trung tâm nghiên cứu khoa học, khảo cứu lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ học các nước Đông Dương và khu vực Viễn Đông, được thành lập năm 1901 (tiền thân là Đoàn khảo cổ học Đông Dương thành lập ngày 15.12.1898). Nơi đây tập trung một số nhà Đông phương học của Pháp như linh mục - học giả Léopold Cadière, C.Maybon, Henry Maspéro, Pelliot cùng những học giả Việt Nam như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Viện Viễn Đông Bác Cổ đặt dưới sự quản lý của Toàn quyền Đông Dương và sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

 

Những bài nghiên cứu của viện được đăng trên tạp chí Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême- Oriente - một tạp chí khoa học của viện có uy tín trong giới Đông phương học quốc tế. Đóng góp quan trọng của viện là đã sưu tầm, lưu giữ được số lượng lớn các văn bản Hán - Nôm của Việt Nam và giới thiệu lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Để lưu trữ và quảng bá các công trình nghiên cứu và hiện vật sưu tầm được, Viện Viễn Đông Bác Cổ thành lập một bảo tàng riêng do ông Louis Finos làm Giám đốc. Sau nhiều lần di chuyển, bảo tàng này được chuyển ra khu Đồn Thủy gần tòa Lãnh sự Pháp và sau này là Viện Bảo tàng Lịch sử.

Lê Phương Khanh
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Xác lập 20 kỷ lục của thủ đô Hà Nội

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI