Tin tức » Tin trong nước
Nghìn Năm – Một Đường Phố
(23:24:00 PM 17/06/2011)
Triển lãm Nghìn Năm - Một Con Đường với những tư liệu và hình ảnh trong cuốn sách sẽ tổ chức vào tháng 12/2010 để tưởng niệm 100 ngày mất của cố tác giả Đặng Phong.
Dựa trên các tư liệu lưu trữ, ảnh, bản đồ, triển lãm và tọa đàm Nghìn Năm – Một Đường Phố kể lại những câu chuyện lịch sử đã diễn ra, liên quan đến đường Lê Duẩn trong 1000 năm đồng hành cùng Thăng Long–Hà Nội.
Theo GSTS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, hàng trăm sự việc xung quanh chỉ một đường phố thôi cũng làm cho lịch sử ngàn năm Thăng Long càng thêm duyên dáng, hấp dẫn và càng đậm vẻ thân thương.
Trên những vỉa hè Hà Nội, người ta sống với nhau vô cùng gần gũi. Một người đàn ông tắm bên bể nước công cộng. Một bé gái gội đầu cho mẹ. Một anh thợ cắt tóc bên chiếc gương giản dị. Quán cà phê buổi sáng khách ngồi trên những chiếc ghế đẩu gỗ. Hàng bún chả thịt lợn nướng buổi trưa. Đám người tụ tập uống bia hơi buổi chiều, bên những đĩa lạc nguyên vỏ và những đĩa đậu phụ bốc khói. Chỗ này người ta sửa xe đạp, chỗ kia nấu nướng và đủ các loại hàng hóa bán trong cửa hàng, trong quầy, trên xe đạp, hay trong thúng mủng của những người bán hàng rong từ nông thôn ra. Và tiếng người nói với người, vỉa hè là một cuộc chuyện trò bất tận.
Đó là hồi đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, lần đầu tôi biết Hà Nội. Tôi thường đi bộ và nhanh chóng nhận ra rằng, vỉa hè với tất cả những hoạt động này, với đám dây dợ lòng thòng chực cắt ngang cổ bám trên các mái che thì tôi nên đi bộ dưới lòng đường. Đã chọn lòng đường mà đi, lại còn phải thường xuyên lẩn tránh những lần mặc cả giá một bó hoa hay một cân rau củ nữa, muốn đi bộ thì phải biết điều đó.
Thế rồi, Chính phủ ban hành ‘luật vỉa hè’: Nghị định 36-CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký trở thành luật từ ngày 29/5/1995. Nghị định này nhằm cải thiện sự an toàn đường phố và trật tự giao thông đô thị. Nó cũng mở ra một chương mới trong quá trình nỗ lực dẹp bỏ hoạt động buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố thủ đô.
Có người Hà Nội nào không từng lắc đầu mỗi sáng khi cảnh sát đuổi những người bán hàng rong – giờ vẫn được đi nhưng không được phép dừng lại bán hàng? Từ ngày ấy, những người có cửa hàng mặt đường bắt đầu thương lượng với cảnh sát khu vực, vốn đang thi hành cái nhiệm vụ khó khăn là đưa luật pháp vào cuộc sống. Hàng quán ăn uống biến mất. Những người bán hàng rong trở nên thận trọng và thưa thớt hẳn. Năm tháng trôi qua, những con phố dần dần thay đổi. Lòng đường bây giờ dành cho xe máy các loại, cho ô tô và, từ cuối thế kỷ trước sang thế kỷ XXI, xe buýt dần dần nhiều lên trong thành phố. Vỉa hè giờ dành cho người đi bộ, là nơi đỗ xe và nơi đứng đón xe.
Cuộc sống đường phố không hoàn toàn biến mất, nhưng rất nhiều phần của nó đã lùi vào bên trong những ngôi nhà, hay quay trở lại các làng quê. Có một điều mà lúc ấy tôi không nhận ra, rằng vài năm trước 1995 là thời hoàng kim của văn hóa “sống vui phố hè”. Đó là thời Đổi Mới khi những cải cách đã chấm dứt việc cấm đoán kinh doanh cá thể của Việt Nam, công cuộc sau đó đã biến đường phố thành chợ. Nhìn lại sự phát triển đô thị ở Hà Nội, chúng ta thậm chí có thể nói rằng Nghị định 36-CP đã chia thời kỳ Đổi Mới ra làm hai giai đoạn. Trước 1995, đường phố là nơi để sống. Sau 1995, đường phố mới phục vụ cho việc đi lại.
Ở đây chẳng có gì lạ lùng cả. Lịch sử bất cứ một con phố ở bất cứ thành phố nào đều có thể được viết theo cách này. Trong những thời kỳ nhất định, chức năng giao thông chiếm ưu thế, nhưng lúc khác, đường phố lại là sở hữu của những người sống và làm ăn ở đó.
Do vậy, lịch sử của bất kỳ con phố nào cũng được hình thành bởi mối quan hệ giữa những người sống ở đó với người đi ngang qua, giữa người ở lại với người ra đi.
Và, thông qua sự căng thẳng giữa cái động và cái tĩnh, con phố kể ra được hai câu chuyện. Một là câu chuyện về hoạt động của người sống trên con phố đó, phản ánh cuộc sống đô thị ở tầm vi mô. Câu chuyện kia là về những cuộc đi và đến, về người đi qua, với những câu hỏi của họ như ‘Anh từ đâu đến ?’ hay là ‘Anh đến đâu ?’
Việc đi lại nối con đường tới những điểm xuất phát và những điểm đích nằm đâu đó rất xa bên ngoài những giới hạn của thành phố, tới những câu chuyện lịch sử chứa đựng ý nghĩa sâu rộng hơn.
Với Đặng Phong, ông đã không chọn bất cứ con phố nào để nghiên cứu. Lẽ ra ông có thể chọn Hàng Bạc hay Tràng Tiền, hoặc một con phố cổ khác của Hà Nội. Nếu ông chọn Hàng Bạc, chuyện kể của ông trước hết sẽ bàn tới nguồn gốc dân ở đây, vốn từ làng Châu Khê tỉnh Hải Dương.
Từ gốc gác đó, chúng ta sẽ lần theo những ngẫu nhiên trong cuộc đời người ở lại và người ra đi ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chúng ta cũng sẽ đi khắp Việt Nam với câu chuyện của phố Tràng Tiền – để đuổi theo những đồng tiền vốn được đúc tại xưởng đúc tiền của triều đình nằm trên con phố này – rồi tới tận Nhà hát Lớn và những cửa hàng bách hóa Paris.
Nhưng Đặng Phong chẳng chọn Hàng Bạc lẫn Tràng Tiền. Ông chọn Hàng Cỏ, tức là phố Lê Duẩn bây giờ.
Ngày nay phố Lê Duẩn có một dáng vẻ hết sức bình thường. Tất nhiên con phố rất dài. Nhưng nó chẳng có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền hay cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, đặc biệt là từ góc độ giao thông đi lại, con phố mang đầy ý nghĩa lịch sử. Vì sao nó lại được đặt tên của nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam ? Tại sao nó được gọi là đường Lê Duẩn mà không phải là phố Lê Duẩn, như tôi đã nói nhầm ở đoạn trên ? Bởi, tôi cho rằng, có lẽ con phố này là chặng đường đầu tiên trên con đường lớn xuyên suốt Việt Nam.
Phải chăng đây là “con đường cái quan” nổi tiếng của Việt Nam, mà trong những thế kỷ trước nối thủ đô với các tỉnh phía Nam ? Dưới cái tên hành chính hiện đại – Quốc lộ 1 – giờ đây nó nối liền Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh.
Cái tên mới cho ta thấy đây là con đường quan trọng nhất trong hai con đường giao thông huyết mạch trên đất nước này. Điểm mút phía bắc con đường là cổng chính vào Hoàng thành Thăng Long, trái tim chính trị một ngàn năm tuổi của Việt Nam.
Bao nhiêu hành trình đã bắt đầu và kết thúc ở cổng thành này? Như đối với một con đường huyết mạch khác, ga tàu hỏa cũng được xây dựng trên đường Lê Duẩn.
Chẳng có biển báo hoặc tượng đài nào cho biết điều này, nhưng đường Lê Duẩn bao giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam đất nước. Và câu chuyện hướng Nam là khúc tráng ca của Việt Nam.
Hình ảnh tư liệu trình bày tại triển lãm do cố tác giả Đặng Phong và cộng sự sưu tầm. Lời kể do chính ông biên soạn lại từ cuốn sách Chuyện Thăng Long–Hà Nội Qua Một Đường Phố, Nhà Xuất bản Tri thức, 2010.
Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã đưa cuốn sách vào danh mục ấn phẩm đặc biệt đường mòn lịch sử và in bằng hai thứ tiếng – tiếng Việt và tiếng Anh.
Tham gia buổi tọa đàm có ông Andrew Hardy, ông Đào Hùng, ông Dương Trung Quốc, và ông Chu Hảo. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT
- Bộ Công Thương gửi công điện khẩn, yêu cầu báo tin cho dân trước khi xả lũ
- Một doanh nghiệp năng lượng Việt được rót 10 triệu USD làm điện sạch
- Trả lại hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép môi trường của nhà máy chế biến sữa
- Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM bị bắt
- Lâm Đồng: Đưa vụ Đồi Cù vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực
- Tòa án hủy quyết định cấm thay đổi hiện trạng công trình ở sân golf Đồi Cù
- Bắt ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 4 lãnh đạo khác
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
(Tin Môi Trường) - Phó thủ tướng Campuchia tuyên bố nước này không có nghĩa vụ cung cấp thêm thông tin và sẽ không tham vấn với các quốc gia trong khu vực về dự án kênh đào Funan Techo.