»

Thứ hai, 27/01/2025, 05:38:40 AM (GMT+7)

7 Kỷ lục châu Á mới được xác lập tại Việt Nam

(09:37:58 AM 28/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Tiếp nối cuộc Hành trình quảng bá những giá trị Việt Nam ra thế giới, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã chính thức giới thiệu 7 kỷ lục châu Á mới được xác lập tại Việt Nam trong tháng 5/2013.

 

 

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á (thuộc chùa Phật Lớn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang)  

 

1. Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á (chùa Phật Lớn – An Giang)

 

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 02.01.2006. Tượng được đặt trên núi Thiên Cấm Sơn (núi đẹp như tấm lụa, cao 710m so với mặt nước biển), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí, Phật Di Lặc (thuộc chùa Phật Lớn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tọa lạc uy nghiêm, thanh thoát nhưng rất gần gũi giữa không gian núi rừng. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỷ xả và chiếc bụng to đặc trưng của Ngài.

 

Tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu của tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép, trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2ha. Thời gian thi công tượng từ tháng 2.2004 đến tháng 12.2005, với lượng nhân công thường xuyên khoảng 60 người.

 

Chân đế bệ tượng làm bằng đá lung linh gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa là một khối kim cương. Mặt bằng tổng thể khu vực tượng đài Phật Di Lặc là một công viên, trang trí thảm hoa. Đây là công trình văn hóa nghệ thuật tôn nghiêm, có quy mô, độc đáo và lớn nhất Việt Nam. Điều đặc biệt là khi đứng ở vị trí nào ở các vồ, đỉnh của núi Cấm đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười bao dung, hiền hậu. Ngày 02/03/2013, tượng Phật trên núi Cấm này được xác lập Kỷ lục châu Á

 

2. Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á (Chùa Linh Sơn Trường Thọ - Bình Thuận)

 

Pho tượng Phật nhập Niết bàn (trên đỉnh núi) dài nhất, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 02.01.2006, được an vị tại ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ trên Núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

 

Tượng Đức Phật nhập Niết bàn được hoàn mãn theo lòng thành của hòa thượng và chúng sinh, là pho tượng được làm hoàn toàn bằng công sức lao động của con người, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam, không dùng máy móc hay cần trục.

 

Pho tượng được tạo tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, an nhiên gối đầu lên tay. Công trình bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng có tổng thể chu vi 832 mét, tượng trưng đầy đủ hình tứ thánh lục phàm và thất chúng Phật tử. Đức Phật dài 49 mét tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m, cao từ vai xuống là 12,2m. Nguyên liệu để tạo nên pho tượng là bê tông cốt thép do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966. Bên dưới tượng là những tam cấp được nối kết bằng những đá chẻ, phía sau lưng tượng là vách núi và cây rừng cổ thụ thâm u, tĩnh mịch.

 

Cách thể hiện những đường nét trong bộ cà sa trên thân tượng rất đơn giản nhưng sâu sắc như triết lý của đạo Phật. Tượng Phật Niết bàn toát lên vẻ an lạc trong một cấu trúc tôn nghiêm nhưng giản dị. Tượng Đức Phật nhập Niết bàn được xác lập kỷ lục châu Á ngày 02/03/2013.

 

 

 

3. “Tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” (chùa Hội Khánh – Bình Dương):

 

Tượng Phật có chiều cao từ mặt đất lên  22,5m, từ mặt sàn lên bờ vai 11,8m, nặng 620 tấn. Chiều dài của Tượng Phật là 52m. Ý nghĩa 52m chiều dài là biểu tượng cho:

 

Ngũ Thập nhị vị (52 quả vị tu chứng từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác).

 

Ngũ Thập Nhị Chúng (chỉ cho 52 loại chúng sanh ở khắp nơi thấy Phật phóng hào quang mà đến dự pháp hội Niết-Bàn).

 

Ngũ Thập Nhị chủng cúng vật (52 phẩm vật do 52 chúng dâng cúng Đức Phật trong hội Niết bàn).

 

Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương. Công trình đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn, với 52m chiều dài, đã xác lập kỷ lục Việt Nam là “Tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam” ngày 30/03/2010. Sau một thời gian Tổ chức kỷ lục Việt Nam đề cử hồ sơ và thuyết trình đưa lên Tổ chức kỷ lục châu Á, ngày 18/05/2013 Tổ chức kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập: “Tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á”. 

 

4. NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng, Kỷ lục gia Việt Nam năm 2012 với kỷ lục: "Đạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước – con người miền biển đảo nhiều nhất” được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 27/10/2012.

 

Ông đã thực hiện 221 bộ phim về đề tài đất nước – con người miền biển đảo Việt Nam từ năm 1988 đến nay, trong đó có các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim phóng sự...

 

Ông mới được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục "Đạo diễn có số lượng phim về đất nước – con người miền biển đảo nhiều nhất châu Á” và chính thức trở thành kỷ lục gia châu Á từ 9h ngày 18/05/2013.

 

5. Họa sĩ Trương Hán Minh, Kỷ lục gia Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam. Ông trở thành Kỷ lục gia Việt Nam năm 2010 với "Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất” chủ đề "Phú Quý Trường Xuân”. Bức tranh sau đó đã được bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng để giúp trẻ em nghèo khuyết tật trên cả nước.

 

Trong đợt xét duyệt của Tổ chức Kỷ lục châu Á, họa sĩ Trương Hán Minh đã trở thành Kỷ lục gia châu Á với kỷ lục: "Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất”.

 

Những bức tranh thủy mặc được ông thực hiện từ năm 1977 đến năm 2013, ước tính khoảng 200 bức tranh thủy mặc đặc biệt do chính ông vẽ đã được tổ chức bán đấu giá để làm từ thiện để tặng cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.

 

6. Họa sĩ Đặng Ái Việt, Kỷ lục gia Việt Nam từ năm 2010 với hai kỷ lục Việt Nam: "Nữ họa sĩ vẽ chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng nhiều nhất” xác lập vào ngày 18/12/2010 và kỷ lục "Người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng” xác lập tháng 10/2011.

 

được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á "Người vẽ chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng nhiều nhất” và chính thức trở thành Kỷ lục gia châu Á lúc 9h, ngày 18.05.2013.

 

Số lượng tranh họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, cho đến nay là chân dung 1.000 bà mẹ, và con số những hình ảnh ký họa chân dung các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của họa sĩ còn tiếp tục tăng lên.

 

7. Bức tranh “Cửu Long tranh châu” bằng ngọc nguyên khối lớn nhất (Công ty Dũng Tân)

 

Bức tranh nguyên khối bằng ngọc Pakistan gồm 9 con rồng, ở giữa là viên ngọc minh châu, có chiều cao 1,83m (bao gồm phần âm vào đế gỗ 5cm), rộng 2,1m, dày 35cm và nặng hơn 2 tấn.

 

Từ thời xa xưa đến nay, Rồng châu Á luôn được coi là một linh vật, tượng trưng cho Thiên mệnh cao cả và tối thượng chứa đựng sức mạnh quyền lực to lớn, đồng thời cũng là biểu tượng phong thủy may mắn, thịnh vượng.

 

Vì lẽ đó Công ty TNHH Dũng Tân là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá quý, trụ sở đóng tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đã mua lại và trưng bày tác phẩm tại văn phòng công ty. Bức tranh mô tả sống động hình ảnh chín con rồng châu Á đang uốn lượn trên mây cùng tranh một viên ngọc, hình ảnh toát ra sức mạnh thiêng liêng, quyền uy,  sự thịnh vượng và thành đạt đạt danh hiệu kỷ lục châu Á được xác lập ngày 22.05.2013.

 Lịch trình trao bằng xác lập Kỷ lục châu Á:

 

- 9h-10h, Thứ 4, ngày 29.05.2013: Trao bằng xác lập kỷ lục châu Á “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á” tại An Giang.

 

- 10h-11h30’, Thứ 5, ngày 30.05.2013: Trao bằng xác lập kỷ lục châu Á “Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á” tại Bình Thuận.

 

- 8h – 11h, Thứ 6, ngày 31.05.2013: Trao bằng xác lập kỷ lục châu Á “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” tại Bình Dương.

 

- 15h, Thứ 6, ngày 31.05.2013: Trao bằng xác lập kỷ lục châu Á cho 3 kỷ lục gia và 1 đơn vị sở hữu kỷ lục tại Tp.Hồ Chí Minh (Hội trường (lầu 1), Khách sạn Quê Hương – Liberty, số 179 Lê Thánh Tôn, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh).

LÂM VIÊN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 7 Kỷ lục châu Á mới được xác lập tại Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI