»

Thứ bảy, 23/11/2024, 07:28:32 AM (GMT+7)

TPHCM: Rắn vào nhà phố cắn người

(13:49:41 PM 03/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Những tưởng rắn chỉ xuất hiện ở vùng quê hẻo lánh nhưng tại nơi đông đúc, chật chội như TP.HCM, rắn vẫn thường xuyên đột nhập vào nhà phố cắn người đến phải đi bệnh viện cấp cứu.

Mới đây, ngày 28/10, một con rắn bất thần đột nhập vào tận nơi ngủ của một người dân ở gần chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM) và… phập vào gáy, khiến nạn nhân phải vào bệnh viện cấp cứu.

 

Tấn công người trong lúc ngủ

 

Theo lời anh Trịnh Công Sơn, người bị rắn cắn, lúc ấy hai cha con anh đang ngủ say thì anh có cảm giác cổ mình lành lạnh và nhột. Thì ra một con rắn không biết từ đâu xuất hiện quấn quanh cổ anh. Khi anh cử động người thì bị con rắn bất ngờ đớp vào gáy. Hoảng hồn vì phát cắn đau nhói với máu rỉ ra, anh Sơn la toáng lên. Lát sau anh cảm thấy cả người bủn rủn.

 

Nghe tiếng con la, cha anh thức giấc. Sau phút định thần, ông lấy chiếc gối chụp con rắn nhốt vào lọ và mang con rắn cùng anh Sơn đến BV Quân đoàn 4 ở gần đó để cấp cứu. Anh Sơn nhanh chóng được cho truyền nước, cấp cứu ban đầu rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy điều trị. Ngày 29-10, anh Sơn được xuất viện sau khi bác sĩ kết luận anh đã bình phục hoàn toàn.

 

Con rắn cắn anh Sơn mà cha anh bắt mang theo có đầu hình tam giác, mình có khoang vằn màu đen vàng, thân hình có chỗ to hơn ngón chân cái người lớn, dài chừng 70 cm.

 
Trước đó không lâu, anh Lê Minh ở quận Bình Thạnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh kể: “Tôi đang ngủ say thì cảm thấy đau nhói dưới ngón chân. Giật mình tỉnh giấc, ngó xuống gót chân, tôi thấy có vết ba lỗ nhỏ hình tam giác đang rỉ máu. Bằng kinh nghiệm nhà nông, tôi biết mình bị rắn cắn nên vội mở cửa dắt xe chạy ngay đến BV Gia Định cấp cứu. Trên đường đi, tôi cảm giác sự thăng bằng trong mình cứ mất dần. May mắn sao tôi vẫn vào tới bệnh viện kịp thời”.
 
Rắn[-]vào[-]nhà[-]phố[-]cắn[-]người
Rắn ri cá (loại rắn đã cắn anh Trịnh Công Sơn vào ngày 28-10) là một loại rắn nước với thức ăn là cá, ếch, nhái, sống bán thời gian dưới nước và cư trú ven sông nước ngọt, ao hồ, kênh rạch.
 

Vào nhà phục kích ở bồn rửa chén

 

Hiện tượng rắn vào nhà phố ở TP.HCM cắn người, dù không phổ biến như nạn chuột hoành hành nhưng là điều đáng quan tâm. Theo anh Dung, một người dân ở đường Ụ Ghe, khu phố 2, phường Tam Phú (Thủ Đức), trong vòng chưa đầy một tháng nhà anh đã ba lần bị rắn viếng thăm. Lần đầu, một con rắn có khoang vàng, đen, trắng thân to gần bằng ngón chân cái và dài hơn nửa sải tay được phát hiện ở cạnh máy bơm nước. Con rắn nhanh chóng được anh “xử lý” kịp thời và… cho vào thẩu rượu, dù lúc ấy anh chưa biết đó là loại rắn gì. Vài ngày sau, vào sáng sớm, khi người nhà anh xuống bếp thì… một con rắn đang cuộn tròn nằm ngay bồn rửa chén. Thấy có dáng người, con rắn ngóc đầu lên thè lưỡi, sẵn sàng phập vào người đến gần. Rất may nhà anh Dung cũng chẳng ai bị rắn cắn nhưng cả nhà bắt đầu sống trong hoang mang, lo sợ.

 

Nhiều hàng xóm của anh Dung cũng giật mình trước sự hiện diện của những vị khách không mời này. Anh Quyên, 15/11 Ụ Ghe, cho biết có lần đứa cháu gái nhà anh hoảng hồn la toáng lên khi nhìn thấy một con rắn dài đang quấn lấy… cái quạt máy nằm ở trên lầu. Tương tự, chị Điệp nhà 15/15 gần đó cũng đã hai lần “đụng” rắn. Không kể lần chứng kiến rắn bò vào sân, lần khác, khi đang ôm mớ đồ phơi trên sào ở ngoài vào nhà thì hú hồn, một con rắn lục từ trong đám quần áo đột ngột phóng ra. Chị Điệp quăng mớ quần áo chạy tuốt vào nhà vừa hét to kinh khiếp.

 
Chủ nhà sát bên nhà chị Điệp kể cũng từng phát hiện một con rắn lục, một con rắn có khoang màu trắng đen khi chúng mon men, lăm le định bò vào nhà này.
 
Rắn[-]lục[-]hay[-]đột[-]ngột[-]“viếng[-]thăm”[-]nhà[-]phố.
Rắn lục hay đột ngột “viếng thăm” nhà phố.
 

Và ngự trên trần nhà hù dọa!

 

Trên một diễn đàn tin học, nhiều thành viên cũng bất an khi nghe câu chuyện của người bị rắn đột nhập vào nhà cách đây ít lâu. Theo thành viên có tên ST-Lu!, hôm nọ anh bất ngờ phát hiện một con rắn nằm gần nhà vệ sinh nên liền lấy chổi đuổi đi. Con rắn bò vào nhà tắm thì ST-Lu! đóng cửa và tìm gậy đánh. Nhưng khi trở vào, mở cửa ra thì con rắn… biến mất tiêu, dù nhà tắm khép kín.

 

Một tháng sau, khi ST-Lu! đang ở công ty thì vợ điện thoại kêu toáng lên rằng nhà vệ sinh có con rắn khoanh tròn nằm trong bồn cầu. ST-Lu! nói khu vực nhà anh rất sạch sẽ, nhà khép kín, lau chùi thường xuyên và anh e ngại rắn theo con rạch cách nhà khoảng 100 m và “trú” dưới lòng bồn cầu. Bất an, hỏi tìm cách đuổi rắn thì thấy tình trạng này là khá phổ biến.

 

Đọc câu chuyện của ST-Lu!, một thành viên có nick bobi9803 chia sẻ có lần nhà anh cũng phát hoảng vì rắn. Số là hôm đó người giúp việc nhà anh báo trên trần nhà (bê tông, có thạch cao để gắn đèn trang trí) có một con rắn màu xanh lá cây to bằng cổ tay, dài khoảng 1,4 m. Nghe tin, bobi9803 vội về nhà đội nón bảo hiểm, mang giày cao su và khoác áo mưa trùm kín mít từ đầu đến chân rồi lùng sục khắp nơi nhưng không thấy rắn đâu cả. Dù nghi ngờ người giúp việc trông… thằn lằn hóa rắn (vì trần nhà anh đúc cao, cửa nhôm kính hai lớp kín mít) nhưng anh vẫn đi mua ba chai dầu xịt phòng, xịt vào trần nhà để trấn an mọi người.

 

“Hai ngày sau, buổi sáng, tôi vừa xách laptop ra, vô tình nhìn lên trần nhà thì… eo ôi, một con rắn to đùng nằm ở mép trần thạch cao đang phì phò cái lưỡi thấy phát ớn. Hơi sợ nhưng bình tĩnh lại, tôi đóng cửa, lấy cây gậy dài. Kết quả: Con rắn trở thành mồi nhậu của các cậu thợ hồ đang xây nhà gần đó. Nghĩ lại cảnh mấy cháu ở nhà chơi với chuyện con rắn mà đến giờ tôi vẫn còn hoảng vía” - bobi9803 kể.

* * *

TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết mỗi năm khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 ca bị rắn cắn, mùa mưa có ngày khoa này tiếp nhận đến ba ca bị rắn cắn đến điều trị. BS Bính khuyến cáo vào những ngày mưa, người dân nên tránh đi vào chỗ có nhiều bụi rậm vì dễ có nguy cơ bị rắn cắn.
 
 
 Khi bị rắn cắn cần đến bệnh viện gấp
 

TS Hoàng Minh Đức, Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết ở các khu đô thị, nhất là nơi đông đúc như TP.HCM, rắn vẫn có thể xuất hiện. Dễ gặp đó là các loại rắn lục hoặc rắn nước, chuyên sống ở vùng kênh rạch. “Các loại rắn nước thường không độc. Ngược lại, rắn lục lại độc, có thể gây hoại tử tại vết cắn nếu không được cứu chữa kịp thời. Tuy vậy, với một số người mẫn cảm, khi rắn lục cắn cũng có thể bị tử vong” - TS Đức nói.

 

Theo TS Đức, ngay khi bị rắn cắn, có thể sơ cứu bằng cách rạch vết cắn, nặn máu độc và dùng những chất chua, chát giã đắp vào để giải bớt độc. Tuy nhiên, chỉ nên rạch vết cắn khi bắt được rắn vì nhiều bác sĩ thông qua vết cắn cũng có thể xác định được loài rắn và có biện pháp chữa trị hợp lý. “Nhưng điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tất nhiên, nếu bắt được con rắn đã cắn để bác sĩ xác định loài rắn mà có huyết thanh điều trị thì sẽ tốt hơn. Bởi có loại rắn gây độc cho máu, làm sưng tấy vết thương nhưng có loại rắn gây “độc” cho hệ thần kinh khiến nạn nhân té ngã, trào đờm, mất thăng bằng…” - TS Đức khuyên. 

 

Theo Minh Phong (Pháp luật Tp HCM)
Từ khóa liên quan: Rắn, vào nhà , phố , cắn người
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: TPHCM: Rắn vào nhà phố cắn người

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI